Đọc lại bài thơ “Anh chiến sĩ an ninh” của đồng chí Lê Đức Thọ

Thứ Năm, 20/01/2005, 08:21

Nhân dịp Tết Ất Dậu 2005, tiến tới kỷ niệm lần thứ 60 Ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân, xin đăng lại nguyên văn bài thơ Anh chiến sĩ an ninh và lời "tự bình" của chính tác giả, đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, để chúng ta ôn lại, hiểu thêm về tình cảm, về sự lao động nghệ thuật rất nghiêm túc của tác giả.

Cách đây 20 năm, nhân dịp Tết Ất Sửu (1985) mà cũng là năm lực lượng Công an nhân dân tròn 40 tuổi, đồng chí Lê Đức Thọ đã viết tặng cán bộ, chiến sĩ CAND bài thơ Anh chiến sĩ an ninh. Hơn bảy nghìn ngày đã trôi qua, nhưng bài thơ vẫn còn nóng ấm tính thời sự và còn có ý nghĩa sâu sắc về sự chỉ đạo, giáo dục chính trị, nghiệp vụ của một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng đối với toàn lực lượng CAND.

... “Từ ngày biết làm thơ đến giờ, tôi làm thơ theo cảm hứng, không làm thơ theo yêu cầu của bất cứ người nào, ngành nào. Thế nhưng vừa rồi có hai bài thơ “ngoại lệ”:

Trọn vẹn bốn mươi năm – theo đề nghị của anh em bên quân đội;
Anh chiến sĩ an ninh – theo đề nghị của Ban biên tập Báo Công an nhân dân.

Anh chiến sĩ an ninh
                                   
Lê Đức Thọ        
Thân mến tặng anh em cán bộ
và chiến sĩ CAND

Một cuộc chiến tranh thầm lặng
Không thời gian và không có cả không gian.
Trước mặt, sau lưng, đâu cũng là trận tuyến,
Máu không đổ, mà vô cùng quyết liệt.
Tìm kẻ thù để kết bạn làm thân.
Vũ khí trong tay, gái đẹp, tiền hàng,
Mà lợi hại còn hơn súng đạn;
Bạn bỗng hóa thành thù, biến kẻ thù thành bạn
Lấy đối phương mà quật ngã đối phương,
Thủ đoạn này đây thâm độc khôn lường
Những kỹ thuật tinh vi, vô hình, vô ảnh,
Theo dõi quanh mình không biết đâu mà
tránh,
Hở một giây, tai nghe, ắt thấy đủ điều.
Bám bên mình, như theo sát gót người yêu,
Lỡ một chút, tai bay vạ gió.
Giở lắm trò yêu ma quỷ kế,
Bị mắc lừa vào bẫy gỡ không ra.
Chỉ một phút sai lầm, đang thắng hóa thành thua.
Cuộc sống tạm thời còn khó khăn, tiêu cực.
Không bỏ lỡ thời cơ địch đang tận dụng,
Thò bàn tay vào khắp chốn khắp nơi,
Phá hoại hòa bình, no ấm, vui tươi.
Anh đứng trước một “trận đồ bát quái”;
Bao trắc trở tưởng chừng không vượt nổi.
Vũ khí chính trong anh là khối óc trái tim,
Biết nghĩ suy, biết yêu ghét, căm hờn;
Lấy tai mắt nhân dân làm chỗ dựa;
Sức mạnh đó địch không sao có được,
Gặp khó khăn không ăn non, bỏ dở nửa chừng,
Đầy nhiệt tình dũng cảm khôn ngoan,
Lắm mưu trí phá tan địch thủ.
Giành chủ động từng giờ từng phút.
Bắt thật nhanh những biến đổi hằng ngày,
Để linh hoạt kịp thời, đối phó được ngay
Không bị động trước mưu sâu kế hiểm.
Đánh ngã địch nhằm vào chỗ yếu.
Phối hợp nhịp nhàng chiều rộng lẫn chiều sâu.
Phòng ngự, tấn công gắn chặt với nhau,
Tạo thế trận thật là vững chắc.
Muốn thắng địch phải có tài tổ chức,
Mạng lưới giăng, trải rộng khắp trong ngoài.
Lưới rách chỗ nào, cá vọt ra ngay,
Không có lưới, cá tha hồ vùng vẫy.
Những kinh nghiệm hay không mấy ai chỉ dạy.
Tự rèn mình trên mỗi bước đường đi.
Phải động não nhiều trong những lúc nghĩ suy.
Công tác khẩn trương, biết bao phương án,
Thần kinh anh suốt ngày đêm căng thẳng.
Có lắm khi mất ngủ, quên ăn.
Đôi mắt anh trong sáng đã thâm quầng
Phụ cấp làm đêm, đâu đủ tiền mua bát phở,
Chưa hết tháng, lương không còn một đồng dính túi
Bữa cơm rau với mấy quả cà,
Đi làm về phải nuôi lợn tăng gia,
Cũng cải thiện được một phần cuộc sống.
Bộ quần áo nhuộm màu mưa nắng.
Chiếc xe anh, xích líp đã mòn,
Người bạn đường gắn bó lâu năm,
Nay lạch cạch, không kịp theo đối tượng.
Anh làm việc âm thầm, trong bóng tối
Nhưng xa hoa không thay đổi được lòng anh
Giản dị như xưa với cuộc sống trong lành.
Biết trọng nghĩa, khinh tài, coi thường cái chết,
Vào hang cọp, để mà bắt cọp,
Đã mấy ai biết rõ được tên anh,
Thay hình đổi dạng, hết bí số lại bí danh.
Năm tháng trôi qua nghìn vất vả,
Chí kiên định trước những đòn đánh trả,
Vẫn một lòng son sắt thủy chung.
Trái tim anh đỏ rực căm hờn.
Mặc gian khổ có bao giờ lùi bước.
Thắng trận này, lao ngay vào trận khác,
Say đắm, miệt mài không mấy lúc nghỉ ngơi.
Pháo giao thừa đã nổ trước nhà ai.
Anh len lỏi trong đêm khuya gió lạnh,
Giữ cho đời một cuộc sống yên vui.
Trời sáng rồi, đào nở thắm cành tươi.

                                                  Xuân 1985

Chưa có bài thơ nào tôi phải trăn trở như bài thơ Anh chiến sĩ an ninh. Đây là bài thơ tôi làm lâu nhất, phải suy nghĩ, sửa đi sửa lại nhiều lần nhất so với những bài thơ tôi đã làm từ trước đến nay (có tiếng cười, vỗ tay...) bởi vì đây là đề tài khó, khô khan và không nhiều cảm hứng. Phải nói rằng tôi làm được bài thơ này là có sự đóng góp của đồng chí Tổng biên tập Báo Công an nhân dân. Đồng chí ấy bám tôi rất dai, rất chắc. Nếu trong lực lượng Công an nhân dân, các anh em an ninh, cảnh sát đều bám chắc công việc của mình như thế thì nhất định thành công (vỗ tay kéo dài).

Trước đây hơn hai tháng, đồng chí Tổng biên tập Báo Công an nhân dân có viết thư đề nghị tôi làm một bài thơ tặng anh em công an để đăng Báo Công an nhân dân số Tết Ất Sửu năm 1985, cũng là năm lực lượng Công an nhân dân tròn 40 tuổi. Tôi viết thư trả lời là tôi cũng muốn làm lắm, nhưng vì chưa công tác liền lưng, chưa đi sâu đi sát với anh em thành ra chưa có cảm hứng nhiều, nên khó làm thơ. Còn làm cho có thì thơ sẽ không được hay. Anh em thông cảm và miễn cho tôi. Sau đó, đồng chí Tổng biên tập lại viết thư thứ hai, lại đến nhà đề nghị, lại nói trực tiếp bằng điện thoại. Tôi trả lời: “Nếu đến 20/12 mà không có thơ thì coi như không có thơ để đồng chí đỡ phiền mà tôi cũng đỡ bị bám!” (có tiếng cười).

Tuy là nói vậy nhưng trong lòng cũng đã chuyển động, thấy mình phải làm (cười rộ, vỗ tay kéo dài). Tôi hỏi một số nhà thơ chuyên nghiệp đã có ai làm thơ về người chiến sĩ an ninh chưa? Anh em trả lời: Chưa ai làm. Phần nhiều chỉ làm thơ về anh em cảnh sát và anh em chiến sĩ biên phòng. Còn an ninh, có liên quan đến những vấn đề bí mật, không hiểu được hết, khó làm lắm. Đúng là đề tài này rất khó. Cái khó đó khách quan chứ không phải ngại làm. Chỉ có anh em trong ngành, nhất là những anh em trực tiếp chiến đấu, công tác, hiểu tường tận công việc mới làm thơ hay được.

Khó khăn và trăn trở. Tôi làm được ít câu rồi để đấy. Rồi lại làm tiếp mấy câu, rồi để đấy. Ít hôm lại thêm mấy câu nữa cả chính trị và nghiệp vụ. Gần hai tháng mới xong bài thơ (vỗ tay hồi lâu). Rõ ràng là làm việc gì cũng phải có quyết tâm và phải bám chắc. Anh làm, có quyết tâm. Anh bám, phải bám chắc. Đấy cũng là một kinh nghiệm công tác. Có đồng chí Tổng biên tập Báo Công an ở đây không? Mời đồng chí lên đây...

Đồng chí Lê Đức Thọ đã thân mật bắt tay và ôm hôn đồng chí Tổng biên tập Báo Công an nhân dân. Đồng chí Tổng biên tập: Kính thưa anh Sáu, cho phép tôi thay mặt Ban Biên tập và bạn đọc Báo Công an nhân dân, tôi xin chân thành biết ơn Anh nhân dịp xuân Ất Sửu đã tặng cán bộ, chiến sĩ công an một bài thơ rất hay và có nhiều ý nghĩa sâu sắc về chính trị, nghiệp vụ, có tác dụng động viên toàn lực lượng Công an phấn khởi vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. (Vỗ tay hồi lâu).

Làm xong bài thơ không phải là không có trở ngại. Có ý kiến cho rằng: “Anh viết thế này thấy anh em an ninh khổ quá, khó khăn quá, địch sẽ lợi dụng...”. Tôi bảo: Không sao. Bài thơ Điểm tựa còn gay cấn hơn nhiều.

Gạo sấy, khoai, mỳ,“bát canh toàn quốc”
Và “nước chấm đại dương”đỡ lúc đói lòng
Cũng có khi “thịt ấm chân răng”,
Nhưng có bữa cơm toàn muối trắng.

Anh em bình rất dữ. Cho rằng nói khó khăn nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của người ở hậu phương, đến cán bộ, chiến sĩ ở tuyến sau, và, địch sẽ lợi dụng... Tôi suy nghĩ nhiều và cuối cùng giữ nguyên những ý thơ đó. Có kinh qua gian khổ, thử thách mới thấy được cái chất cách mạng, anh hùng và tinh thần quyết chiến quyết thắng trong những con người chiến sĩ bình dị... Có đồng chí chuyên gia Liên Xô khi lên đến chốt đã chắp tay vái và nói: “Quân đội Việt Nam dũng cảm nhất thế giới, gian khổ nhất thế giới”.

Sau một thời gian bài thơ Điểm tựa ra đời, tôi đã nhận được sáu, bảy mươi bức thư, bài thơ của anh em gửi đến, không có bài nào tiêu cực, mà trái lại, anh em rất hoan nghênh. Còn bài thơ này, mức độ gian khổ của anh em an ninh có khác hơn:

Bữa cơm rau với mấy quả cà,
Đi làm về phải nuôi lợn tăng gia,
Cũng cải thiện được một phần cuộc sống.

Như vậy, bữa cơm cũng còn có quả cà chứ không phải “canh toàn quốc” hoặc “toàn là muối trắng”. Còn “Chưa hết tháng, lương không còn một đồng dính túi”, cái đó thì ai không biết mà phải giấu? (cười đồng tình). Có như vậy mới thấy cái bản chất cách mạng cao đẹp của anh chiến sĩ an ninh: “Biết trọng nghĩa, khinh tài coi thường cái chết”. Địch nó đánh ta bằng tiền, bằng gái. Mà tiền nó thì nhiều, gái nó chọn lựa thì đẹp. Anh không vững là chết. Không nói cái đó thì làm sao nổi bật anh em an ninh. Không thấy cái khổ đó thì không hiểu được anh em. Và, dẫu nói như thế cũng chưa được năm phần mười cái khổ của anh em đã chịu đựng, vượt qua.

Một loại ý kiến khác, khi đọc thơ, anh em có đôi chỗ còn băn khoăn nên tôi nói rõ hơn suy nghĩ của mình. Bài thơ có ba đoạn, đoạn đầu là hình thái cuộc chiến đấu, gồm cả chiến lược, chiến thuật; đoạn hai là chiến lược, chiến thuật ta đánh lại địch, và đoạn ba, anh em sống và làm việc.

Vì sao không có thời gian, không gian?

Về chiến lược mà nói, thì không có thời gian. Kháng chiến, làm tình báo. Hòa bình, làm tình báo. Xây dựng, làm tình báo... Đến chủ nghĩa cộng sản mới hết làm tình báo. Về chiến thuật, kết thúc một vụ án tất nhiên phải có thời gian. Tuy vậy, cũng có vụ, khi kết thúc lại bật ra một vấn đề mới, kéo dài hàng chục năm sau. Về không gian, không có một vụ án nào đóng khung ở một nước nào cả. Nó vừa ở nước này lại vừa ở nước khác. Nó nặng nề còn hơn quân sự.

Không đổ máu mà vô cùng quyết liệt

Chiến tranh gián điệp và tình báo, người ta gọi là “chiến tranh lạnh”, khác “chiến tranh nóng” là đọ sức bằng súng đạn. Về chiến lược, “chiến tranh lạnh” không đổ máu (nhưng phải chú ý trọn câu: Máu không đổ mà vô cùng quyết liệt). Còn về chiến thuật thì có trường hợp anh em phải đổ máu, phải hy sinh mới giành được thắng lợi. Trong thơ, có thể khái quát những nét đặc trưng, không thể “chẻ tóc làm tư” được.

Bạn bỗng hóa thành thù, biến kẻ thù thành bạn

Có anh em đề nghị tôi cho chữ bạn ở cuối câu vào ngoặc kép. Bạn ngoặc kép (“bạn”) thì không phải là bạn. Ta có nhiều bạn: bạn chiến lược, bạn chiến thuật, bạn đường dài, bạn đường ngắn. Trong tình báo, ta kéo nó quật lại nó - “lấy đối phương mà quật ngã đối phương”. Ta phải biết lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ địch...

Vũ khí chính trong anh là khối óc, trái tim

Lúc đầu, câu thơ này không có chữ chính. Như vậy đọc nó nhẹ hơn. Nhưng tôi nghĩ lại, cân nhắc lại, phải thêm chữ chính vào. Chữ chính ở đây là cái chất “chính trị”, đành phải hạ nghệ thuật xuống một chút để phục vụ chính trị. Nói chính có nghĩa là còn những thứ khác là thứ yếu, là phụ thôi. Địch đánh ta không có chính nghĩa, không có nhân dân. Nó có nhiều tiền, nhiều hàng, nhiều gái đẹp. Ta thì dựa vào nhân dân; thậm chí, trong vùng địch, ta cũng phải dùng chính nghĩa, phải dựa vào nhân dân. Cho nên phải nói đến “mưu trí, thông minh, dũng cảm”. Còn “ăn non bỏ dở nửa chừng”, thường có trong công an. Tôi nằm nghĩ mãi mới đưa câu này vào sau, nhưng đúng chỗ của nó (cười vỗ tay). Và, câu này nữa, chắc anh em không biết. Ban đầu tôi viết: “Nước da xanh đôi mắt đã thâm quầng”. Tôi nghĩ lại, hình ảnh anh chiến sĩ an ninh, đôi mắt là thể hiện trí thông minh, chí khí chiến đấu. Đôi mắt là trí tuệ, tâm hồn. Tôi sửa lại:

Đôi mắt anh trong sáng đã thâm quầng (vỗ tay)

Về bốn câu của bài thơ:

Pháo giao thừa đã nổ trước nhà ai,
Anh len lỏi trong đêm khuya gió lạnh,
Giữ cho đời một cuộc sống yên vui,
Trời sáng rồi, đào nở thắm cành tươi.  

Nói lên tinh thần hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ an ninh để giữ cho đời, cho đất trời một cuộc sống yên vui và mùa xuân tươi đẹp!” (Vỗ tay kéo dài)

.
.