Đoạn vĩ thanh của "ngôi sao ban chiều"

Thứ Hai, 22/04/2019, 08:04
"Màn chiều dần buông xuống, gió ngàn vi vu, lấp ló đầu hiên ngôi sao ban chiều...", thoạt đầu khi được nghe những âm điệu êm đềm, giai điệu du dương, ca từ da diết của bài hát "Ngôi sao ban chiều" thì ở vào thời điểm khoảng giữa những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi, ngay khi bài hát vừa ra đời thì ai cũng nghĩ đó là một giai phẩm nước ngoài.


Thế rồi cứ như một sự mặc nhiên "Ngôi sao ban chiều" được cất lên mọi chỗ, mọi nơi, mọi lúc khi mà cuộc chiến đấu giải phóng ở chiến trường lớn miền Nam bừng bừng sục sôi, cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại ở hậu phương lớn miền Bắc ầm ầm khí thế.

Bài hát được hát một cách "chính thức" cho dù lời ca nhớ nhớ, thương thương dường như "không thích hợp" với thời buổi đang cần những bài hát hào hùng khích lệ. Không vấn đề gì, vì chỉ cần biết đó là "bài hát của Liên Xô với tác giả là…. I.P.Tchaikovsky" đã là tấm thẻ thông hành được "đảm bảo bằng vàng" rồi.

Và thế là những ca từ "Gợi lòng ta thương nhớ, tới người yêu ở phương trời xa/ Em thân yêu nơi nao có nhớ tới chăng, đôi ta năm xưa, chung lời nguyện ước" cứ ngân lên, khiến lòng người day dứt.

Thế nhưng, đó là một sự nhầm lẫn "dễ thương" vì tác giả của bài hát ấy chính là nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu. Sinh năm 1944, ở Hải Phòng nhưng nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu đích thực là "trai Hà Nội". Quê gốc ông ở làng Kiêu Kỵ bên huyện Gia Lâm.

Nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu.

Không hiểu sao đã sắp tới ngày sinh nở vậy mà mẹ ông lại xuống Hải Phòng chơi thăm mấy người bà con. Và cậu bé Hậu đã cất tiếng khóc chào đời trên thành phố cảng. Hình như cái núm ruột của ông rụng vào "tiếng hát cửa sông" nên nó như một "duyên định" vậy.

Những ngày thơ ấu, sự nghiệp âm nhạc được khởi đầu như mối tình thuở đầu đời cùng một ca khúc để đời là "Ngôi sao ban chiều". Có lẽ cái khát vọng khơi xa cùng những chuyến đưa tiễn những con tàu xa khơi đã mặc nhiên gieo vào tâm hồn người con trai "Hà thành hoài cổ" những dư âm sâu đậm.

Những tưởng cuộc sống bên cha mẹ và gia đình ở phố Bùi Thị Xuân sẽ ấm êm mãi mãi nhưng cuộc kháng chiến toàn quốc tháng 12 năm 1946 đã làm thay đổi cuộc đời chẳng những của riêng cậu bé Hậu mà còn của rất nhiều người Hà Nội. Theo gia đình tản cư vào vùng tự do Thanh Hóa nhưng ngày Thủ đô được giải phóng cậu bé tuy háo hức được trở lại Thủ đô mà trong lòng giờ đã nặng niềm thương nhớ khi cha mẹ của cậu đã gửi mình mà hòa vào cỏ cây Xứ Thanh.

Cám cảnh côi cút của người cháu trai tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã sớm bộc lộ sự chăm đọc chăm nghe nên người bác họ là một thương nhân đất Cảng đã lên Hà Nội đón Đinh Tiến Hậu xuống chăm nuôi. Lần trở lại Hải Phóng ấy đã như một "bước ngoặt" cho cuộc đời của cậu. Nhưng chỉ học xong cấp 2 một cách muộn màng là cậu vội dấn thân vào cuộc sống.

Trở thành công nhân của Nhà máy Cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng) nhưng năng khiếu âm nhạc với những bài học âm nhạc khởi đầu với cây đàn violon kiểu truyền tay đã "xui" anh công nhân Đinh Tiến Hậu thành "cây văn nghệ tự biên tự diễn" của nhà máy.

 "Ơ nhưng mà hồi đó bác đã học sáng tác đâu mà viết ca khúc?"- Trong dòng tự sự của Đinh Tiến Hậu,  tôi đột ngột hỏi ông. Nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu lại im lặng. Dường như "gương mặt với nỗi buồn cố hữu của ông lại "hiện về". Im lặng hồi lâu đủ khiến tôi nghi ngờ câu hỏi "vô duyên" của mình rồi, thì nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu mới chậm rãi nói.

Đúng là hồi đó Đinh Tiến Hậu mới chỉ "thuộc" bảy nốt nhạc cơ bản. Nghĩa là ông còn "tít mít" với âm nhạc nói chung chứ đừng nói tới viết bài hát. Ông học sáng tác theo cách chắc chỉ có ở mỗi mình ông mà thôi. Ngày đó những khi rảnh rỗi là Hậu đem bản nhạc bướm (nhạc giấy) ra mở bày trên bàn. Anh căng tai ngồi nghe những giai điệu cất lên từ chiếc đài bán dẫn. Anh nghe người ta hát bài hát mà anh đang để trước mắt.

Nghe người ta hát câu "A" xong thì anh trai trẻ lại vội cúi nhìn vào bản nhạc. Và anh vui mừng tự đánh dấu ca từ đó để hiểu và ghi nhớ người nhạc sĩ đã viết trên khuôn nhạc một nốt nhạc như thế nào. Dần dà bài này qua bài khác Hậu đã tự tìm được một "cách viết ca khúc" riêng của mình. Chẳng cần nhịp điệu, chẳng biết móc đơn móc kép. Chẳng hay luyến lên luyến xuống. Cứ tự học kiểu mầy mò vậy mà Đinh Tiến Hậu cũng "cho ra đời" những bài hát cho mình cho bạn cùng vui.

Rồi "tham vọng" tuổi trẻ đã "xui" Đinh Tiến Hậu cùng người bạn cũng "mù" nhạc như mình là Phạm Minh Khang, đi thi tuyển chuyên ngành sáng tác của Trường Trung cấp Âm nhạc Việt Nam nhưng buồn thay chỉ vì trong gia đình của người bác họ có "vấn đề" nên nhà trường từ chối nhận Hậu vào học. (Ông Khang sau học ở Nhạc viện Kiev rồi trở thành PGS - TS, Chủ nhiệm Khoa Lý luận, sáng tác, chỉ huy Nhạc viện Hà Nội)

"Nhưng mà em hỏi thật nhé. Em biết thi vào trường âm nhạc thì phần thi năng khiếu người dự thi phải trình những sáng tác của mình. Hồi đi thi bác trình bài gì mà lại "đỗ" nhỉ?". Nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu cười, lần đầu tiên tôi thấy trên gương mặt ông lấp lánh niềm vui. Ông trả lời: "Tôi đem bài "Ngôi sao ban chiều" đi dự thi".

***

Tuy sống ở Hải Phòng và làm "văn nghệ công nhân" nhưng có sẵn trong huyết quản năng khiếu văn nghệ, và tình yêu âm nhạc nên Đinh Tiến Hậu đâu chịu yên. Anh nhận thấy phải trở lên Hà Nội và phải được có một môi trường âm nhạc đầy đủ hơn thì ước mơ mới thành hiện thực. Hôm chia tay người bạn gái kém 2 tuổi, vốn cùng học cấp 2, để lên Hà Nội (anh được giới thiệu về làm văn nghệ ở Nhà máy Cơ khí Hà Nội) là một đêm hè phố cảng của năm 1962.

Khí trời oi nồng và lại đi dưới hàng phượng vĩ râm ran tiếng ve nên càng "nóng nực" hơn bởi cuộc đi chơi này là lần đầu tiên và không ngờ cũng là lần cuối. Đi bên bạn gái hết 2 vòng bờ sông Lấp thì Hậu mới dúi vào tay người bạn gái một mẩu giấy gấp tư. Mẩu giấy từ cuốn vở học trò giá hai hào hai hồi đó. Người bạn gái nhận mẩu giấy và giữ luôn bàn tay ướt đẫm mồ hôi của Hậu. Cô thì thào "Thư tỏ tình?". Hậu hốt hoảng "Là bài hát… cho em".

Bản nhạc Ngôi sao ban chiều của tác giả Đinh Tiến Hậu trong một thời gian dài bị nhầm tưởng là của I.P.Tchaikovsky.

"Hình như có gì giông giống tiểu thuyết của Tự lực Văn đoàn?" - tôi đế vào. Nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu lặng yên để "tìm về quá khứ". Thì ra mối tình đầu thầm kín rất học trò đã làm con tim Hậu cất lên khúc hát. Chẳng hiểu cô "tiểu thư phố biển" nghĩ gì mà "cảm" anh công nhân trẻ tuổi. Chắc là cô gái có cái tên khá "kiêu sa" là Nguyệt Khanh đã mến cái "cứng cỏi" của họ Đinh, đã yêu cái hăng hái của đệm Tiến và tin ở cái sâu bền của tên Hậu.

Cô Nguyệt Khanh, sau khi biết đó là bài hát viết tặng mình thì thích lắm. Cô bảo anh hát (và có lẽ cô chính là người đầu tiên được nghe bài hát từng hơn 30 năm được xem là bài tình khúc bất hủ của Nga?) Hậu gật đầu và run run "Người mà tôi yêu dấu/ đã về nơi nào/ Tháng năm buồn trôi/ Tôi mãi chờ mong". Câu hát khẽ thầm trong đêm phố cảng đâu ngờ lại là "định mệnh".

Cuộc chia tay "ướt át" ấy "đâu ngờ hai đứa bặt tin nhau, phải đằng đẵng nửa thế kỷ sau họ mới gặp lại. Nhưng cái "duyên định" mang tên Hải Phòng đã một lần nữa "lên tiếng". Một người hâm mộ "Ngôi sao ban chiều" tên là Đặng Tuấn quê Hải Phòng đã cất công "tìm hộ" tác giả "ý trung nhân" xưa. Họ chẳng nên duyên đôi lứa nhưng "duyên đời" của họ đã cho người yêu âm nhạc Việt Nam một bài hát tuyệt vời bắt nguồn từ mối rung động đầu đời trong sáng.

***

Tôi im lặng để như được cùng trở về dòng hồi ức. Tòa chung cư UDIC hướng về phía Đông. Mùa này bầu trời Hà Nội sương mù giăng phủ. Sông Hồng còn kia, tựa như dải khăn choàng thiếu nữ lả lơi buông xuôi dòng ra biển. Nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu vừa "khoe" rằng "tháng 4 mình đi dự trại sáng tác ở Nha Trang" thì bỗng "nỗi buồn cố hữu" lại trở về trên gương mặt ông. Ông chia sẻ "Người ta viết cả trăm bài hát vậy mà mình chỉ có 10 bài gọi là". Tôi nhìn thẳng vào mắt ông và nói "Bầu trời âm nhạc Việt Nam đã được bác "dâng" lên một "Ngôi sao ban chiều" là quá đủ rồi".

Nụ cười ấm lại hiện lên trên gương mặt người nhạc sĩ già: "Vì lòng ta mãi mãi/ Vẫn còn mang theo/ Một bóng hình em".

Nguyễn Trọng Văn
.
.