Đình Ngọc Mạch - viên ngọc kín tiếng của phố

Thứ Năm, 14/03/2019, 12:37
Trên khoảng đất rộng, cao ráo ngay vùng ven Hà Nội, thuộc quận Nam Từ Liêm đang có tốc độ đô thị hóa chóng mặt, đình Ngọc Mạch - di tích lịch sử văn hóa quốc gia - tọa lạc như để níu giữ những khoảnh khắc yên bình, vĩnh cửu của trăm năm, ngàn năm...


Bước qua cổng đình, thả bước chân bên bờ ao nhỏ, mọi ồn ào bụi bặm luôn gây ức chế cho con người mỗi ngày thường chợt lùi khuất tận tít tắp, chỉ còn xao động đâu đây dấu tích người xưa.

Đình làng Ngọc Mạch, dưới thời Lê vốn thuộc tổng Hương Canh, Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Vào thời Nguyễn, Ngọc Mạch lại nằm trong ba thôn của Phương Canh, tổng Phương Canh, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông.

Căn cứ vào cuốn thần phả của đình hiện còn và những truyền thuyết dân gian được người dân địa phương lưu giữ, thì đình Ngọc Mạch thờ vị thần Thành hoàng là Lã Nam Đế Đại Vương. Ông là một vị tướng tài ba đã giúp Lý Nam Đế khôi phục và thống nhất đất nước. Bên cạnh đó, đình còn thờ vị phúc thần Thái phó Lãng Trung hầu Nguyễn Duy Thưởng - một nhân vật lịch sử đã có nhiều ân đức đối với nhân dân địa phương, cùng hai vị công chúa là Hoàng hậu thánh đế quốc mẫu tối linh công chúa cùng Phi nhân Phương Dung tối linh công chúa.

Các cụ cao niên đang làm lễ trong ngày hội làng, hội đình (9-10 tháng 2 âm lịch)

Về lai lịch vị phúc thần của làng, tấm bia "Phúc Thần bi ký" hiện còn trong đình cho biết: "Tướng công tức Thái phó Lãng Trung hầu phụng sự nhiều triều vua bàn mưu trong cung cấm nổi danh một thời. Trong yên triều đình, ngoài bình giặc giã. Đến đâu cũng lấy đức làm đầu, chính sự nổi tiếng tốt đẹp còn lắng đọng trong lòng người.

Tuy nhiên đối với dân ấp ta sở dĩ nhớ mãi công ơn của tướng công là vị tướng công phụng chỉ săn sóc vệ binh đối thúc việc đắp thổ thành dân đội ơn che chở được nghỉ gánh vác sống yên nơi xóm làng hưởng ơn sâu. Sau ngài đi qua ấp ta thấy ngôi chùa lâu ngày bị hủy hoại nên dấy lòng bồ đề đem tiền của xây sửa lại. Sự việc chưa hoàn thành thì tướng công đã vội chầu trời. Dân trong xã cảm hoài không dứt bèn đồng tâm bầu tướng công làm phúc thần của làng và thờ trong đình"...

Một di tích có giá trị cả về cảnh quan kiến trúc lẫn dấu ấn lịch sử lại cách trung tâm Hà Nội chỉ một đoạn đường ngắn. Ngọc Mạch giờ đã từ xã lên phường, đình có số nhà, thuộc phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm mới thành lập.

Trong đình hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý như hai cuốn thần phả năm 1844 ghi chép về sự tích Lã Nam Đế. 25 đạo sắc phong của các triều vua phong kiến phong tặng cho vị thần thành hoàng của làng. Một tấm bia đá "Phúc thần bi ký". Đây là loại bia dẹt được làm từ khối đá xanh nhạt hạt mịn có kích thước cao 115cm, rộng 60cm, dày 18cm. Một bức đại tự, hai bức hoành phi, 9 câu đối gỗ sơn son thiếp vàng, tất cả được làm dưới thời Nguyễn. Nội dung ca ngợi công đức sự nghiệp thần thành hoàng làng và lòng ngưỡng vọng của dân làng đối với thần.

Về kiến trúc nghệ thuật, các công trình của đình được định vị một cách hợp lý và hài hòa trong một tổng thể không gian chung thống nhất. Trong đình hiện còn nhiều mảng chạm khắc trang trí có giá trị thẩm mỹ cao. Hệ thống mảng chạm khắc của đình sử dụng nhiều đề tài phong phú sinh động.

Ngoài những đề tài truyền thống như tứ linh, tứ quý. Các mảng chạm trong đình còn sử dụng những đề tài mang đậm tính nho giáo như tích truyện Tam Quốc chí, vua Nghiêu đi cày... Đây là nét độc đáo của các mảng chạm trang trí trong đình. Các mảng chạm này được thể hiện bằng một trình độ kĩ thuật tinh xảo điêu luyện nhờ đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân xưa.

Trải qua nhiều thời kỳ biến động của thời gian, chắc chắn đình Ngọc Mạch không còn giữ được nguyên vẹn dáng vẻ như lần khởi dựng đầu tiên và các hạng mục xây dựng cũng lần lượt phải trùng tu sửa chữa lớn, nhưng lòng tôn kính của người dân nơi đây đối với các vị được thờ phụng thì không hề thay đổi. Đình đã, đang và sẽ luôn là nơi phụng thờ tôn nghiêm của làng, dù vật đổi sao dời, cuộc sống có thay da đổi thịt tới đâu.

Bởi vậy, ngày hội làng, ngày hội của đình diễn ra vào mùng 9 và 10 - 2 âm lịch hằng năm với nhiều nghi lễ quan trọng, cùng các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa cha truyền con nối, luôn được cư dân làng xưa phường nay và các du khách xa gần háo hức đón đợi, chung tay tổ chức, thưởng ngoạn, như một nỗi niềm gửi gắm tới các bậc tiền nhân...

Phạm Nghĩa
.
.