Điều ân hận cả đời của Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm
Đến nhà ông tôi mới cảm nhận được không gian tĩnh lặng rất cần thiết cho sự học, cho sự suy ngẫm, cho sự hình thành những hiểu biết chuyên sâu. Và tôi thiết nghĩ, ở nước ta rất cần những chuyên gia hàng đầu như ông. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Thứ, một dược sỹ nhưng nhiều năm nay làm nội trợ trong gia đình, chăm sóc con, cháu. Ông có ba người con gái và cả ba đều học giỏi, đều có bằng Thạc sỹ.
Cao Vân Anh, cô con gái đầu lòng sinh năm 1968, Thạc sỹ, hiện làm ở Ngân hàng Công thương Thái Lan. Cao Lan Anh, cô con gái thứ hai, ba bằng Thạc sỹ, giờ cùng chồng con sống và và việc tại Australia.
Cô con gái út Cao Mai Anh, hai bằng Thạc sỹ, làm ở Ngân hàng Ngoại thương.
Ông đã có năm cháu ngoại, đều học giỏi. Hai cháu Phạm Quang Minh và Dương Trà My nhận được học bổng đi học đại học ở Australia với điểm thi gần như tuyệt đối (99,87 điểm).
Đang trò chuyện với ông thì cô cháu gái Phạm Văn Thi đi học về. Cháu lễ phép chào tôi. Tôi hỏi cháu thích học môn gì nhất? Có ước mơ sau này nổi tiếng như ông ngoại cháu không? Cháu bảo cháu thích các môn tự nhiên, còn chuyện sau này thì… cháu chưa nghĩ đến.
Một chính khách nổi tiếng như ông, cũng có thể nói là thành đạt như ông mà con cháu đề huề, học hành giỏi giang như vậy quả là có phúc.
Tôi hỏi ông kinh nghiệm dạy các con, các cháu. Ông nói, ông dạy là dạy phương pháp, phương pháp tư duy, phương pháp hành động, phương pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong đời; phương pháp tiếp cận với những vấn đề mới, những vấn đề nảy sinh hằng ngày trong cuộc sống. Ông dạy các con tính kiên trì, khiêm tốn, sáng tạo.
Ông kể về cô con gái đầu lòng, sau khi tốt nghiệp phổ thông, dù lúc đó ông đang là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình, ông vẫn để con đi lao động ở Tiệp Khắc (cũ). Đi lao động chân tay, đi để rèn luyện học hỏi, để hiểu những điều mà cuộc sống đặt ra cho con người. Sau chuyến đi lao động ở Tiệp Khắc, con gái ông trở về ôn thi vào đại học, rồi học cao học, trở thành Thạc sỹ.
Ông nói quan điểm của ông là luôn tôn trọng ý tưởng, sự lựa chọn của các con mình. Không xin xỏ cho con về làm ở nơi này, nơi khác, không can thiệp, bắt ép các con phải chọn nghề này, nghề khác.
Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm từng làm Giám đốc ngân hàng tỉnh Thái Bình rồi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhiều năm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á, nhiều khóa là đại biểu Quốc hội… hẳn ông là người có nhiều kinh nghiệm để truyền lại cho con cháu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, trong việc kinh doanh… Hay như nhiều người giàu trong lĩnh vực này, để lại cổ phiếu, tiền bạc cho con cháu?
Ông không trả lời câu hỏi này của tôi mà kể chuyện hai con ông ở bên Australia chơi chứng khoán thành công; rồi từ số tiền tích lũy ban đầu chuyển sang kinh doanh bất động sản, mua nhà, sau lại bán lại mua… "Hai chị em cứ quay vòng như thế" - ông nói.
Thế là tôi hiểu. Để lại cho con cháu hàng núi tiền mà không biết làm ăn, lại thả cửa tiêu xài thì miệng ăn núi lở. Người ta thường nói hãy cho con cái cần câu chứ đừng cho cá. Hẳn ông đã truyền thụ lại cho con cháu nhiều kinh nghiệm, thủ thuật, kiến thức cách thức nắm bắt thời cơ… trong kinh doanh, trong nghành Tài chính, Ngân hàng, để từ đó các con ông biết cách kinh doanh, làm giàu chính đáng.
Biết ông là người mềm mỏng, nhẹ nhàng, tình cảm và nhân ái, tôi hỏi ông quan niệm thế nào khi người xưa dạy rằng "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho ngon"?
Ông trầm ngâm một lúc rồi kể rằng có lần ông đã đánh con. Chỉ một lần duy nhất nhưng ông đã ân hận cả đời.
Đó là năm ông đang làm Bí thư Huyện ủy huyện Thái Thụy (Thái Bình). Cô con gái đầu lòng một hôm đi chợ rồi để quên đôi dép nhựa trắng (dép nhựa trắng thời ấy là của hiếm) và bị mất ngoài chợ. Trong lúc bực tức, ông đã đánh con. Ông nói, không phải tôi tiếc của mà bực vì tính cẩu thả của con. Dép đi dưới chân mà còn làm mất!
"Chỉ một lần duy nhất đánh con mà tôi ân hận cả đời anh ạ" - ông chân thành bảo tôi.
Tôi nói với ông rằng, thời ấy và cả bây giờ, nhiều ông bố, bà mẹ dạy con bằng roi vọt, vẫn coi đó là chuyện bình thường. Chẳng phải bố mẹ mà thời xưa, thời tôi còn học lớp một, lớp hai, các thầy cô vẫn dạy học trò bằng thước kẻ. Người ta gọi các thầy cô thời đó làm nghề "Gõ đầu trẻ"!
"Bây giờ khác nhiều rồi" - ông bảo tôi thế. Cũng phải, xã hội càng phát triển, con người càng tiếp cận với văn minh, cách dạy con cũng có nhiều thay đổi. Tùy từng gia đình, hoàn cảnh, mỗi cách dạy con đều có cái hay, cái dở… Nhưng tôi vẫn rất tâm đắc với cách thức dạy con, mà không chỉ dạy con cháu trong gia đình là dạy phương pháp tư duy, phương pháp tiếp cận với kiến thức, với chân lý… Chứ không phải cầm tay chỉ việc hay nhồi nhét kiến thức. Như vậy sẽ biến con trẻ thành trở nên thụ động, ỷ lại, thiếu hẳn sự năng động, sáng tạo trong cuộc sống.
Và mỗi khi tôi viết những bài báo về giáo dục xã hội, giáo dục gia đình trong giai đoạn hiện nay, tôi lại nghĩ đến cách giáo dục con cháu của Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, một cách giáo dục vừa truyền thống, vừa hiện đại…
Viết tại nhà vườn Sóc Sơn