Địa đạo Củ Chi qua cách nhìn của các cựu binh Mỹ

Thứ Năm, 03/02/2005, 17:58

30 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, địa đạo Củ Chi đã trở thành khu di tích hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Trong số khách du lịch đến đây có khá đông những người Mỹ từng tham gia các chiến dịch huỷ diệt vùng đất này. Trở lại chiến khu xưa, tận mắt chứng kiến địa đạo, nhiều cựu binh Mỹ đã biểu lộ sự thán phục ý chí bất khuất và kiên cường của dân tộc ta.

Trong số các cựu chiến binh Mỹ đến thăm Củ Chi vào dịp cuối năm 2004, tôi để mắt quan sát một người mà ước chừng đã ở vào độ tuổi ngoài 50. Khác với các thành viên trong đoàn khách du lịch Mỹ, ông ta dường như không quan tâm đến các thú vui trong chuyến du lịch mà thơ thẩn ngắm nhìn các dấu ấn của một thời chiến tranh để lại. Đó là các hố bom B52, những khẩu súng và trái mìn tự tạo rồi đến các căn phòng được xây dựng dưới lòng đất. Thấy vậy, một hướng dẫn viên du lịch vận bộ đồ bà ba đen ở khu di tích đã hỏi : Ông cảm nhận như thế nào về chuyến đi này ?


Người khách du lịch Mỹ sau vài phút trầm tư như cố lục tìm trong trí nhớ đã nói : "Tôi vốn là sĩ quan thuộc sư đoàn “Anh cả đỏ “ và đã có một thời gian dài đóng quân ở căn cứ Đồng Dù. Nhiệm vụ của chúng tôi ngày ấy là tạo ra một vành đai trắng để ngăn cản các cuộc tiến công của “Việt cộng” vào Sài Gòn. So với nhiều căn cứ khác mà người Mỹ đã tung tiền ra để xây dựng thì căn cứ Đồng Dù được mệnh danh là pháo đài thép. Bởi vì ở khu vực này, người Mỹ đã cắm một sư đoàn chủ lực mà họ vẫn thường gọi là “Anh cả đỏ “ với gần 1 vạn quân, 4.000 xe tăng, xe cơ giới và nhiều biệt đội thám báo. Sau đó, Mỹ lại tăng cường về đây một sư đoàn bộ binh thiện chiến khác mang tên “ Tia chớp nhiệt đới”. Hầu như toàn bộ khu vực thị trấn Củ Chi lúc đó, cách khu căn cứ quân sự Đồng Dù không xa là một chiến khu của “ Việt cộng”, ngày đêm giáp mặt với chúng tôi.

Là một sĩ quan trong quân đội Mỹ, ngày ấy chúng tôi biết rất rõ chủ trương của quân đội Mỹ là phải bằng mọi giá huỷ diệt khu du kích ở Củ Chi. Bởi vì đây chính là cơ quan đầu não của "Việt cộng" chỉ huy các trận tập kích đánh vào Sài Gòn. Đơn vị chúng tôi đã mở hàng chục trận càn với sự yểm hộ của các đơn vị xe cơ giới và không quân ; nhưng vẫn không sao thực hiện được mục tiêu đề ra. Cuối cùng buộc chỉ huy quân đội Mỹ ở Sài Gòn phải sử dụng đến con bài cuối cùng là máy bay B52 ném bom tàn phá, nhưng vẫn không cản phá được những trận tiến công của du kích. Trái lại toàn bộ căn cứ Đồng Dù của chúng tôi bị tiêu diệt. May mà tôi thoát chết để có ngày hôm nay được trở lại đây.

Gần 30 năm trôi qua, nhờ có chuyến đi này đã giúp tôi khẳng định : ý chí con người đã chiến thắng tất cả. Tôi khâm phục các du kích Củ Chi. Vùng đất này thật xứng đáng với cái tên mà báo chí hồi đó đã viết và đặt cho cái tên :” Đất thép Củ Chi “. Sau chiến tranh, trở về Mỹ tôi rời quân ngũ và theo học khoa báo chí của một trường đại học. Kể từ khi trở thành một phóng viên chuyên nghiệp, tôi đã được đến nhiều miền quê khác nhau, nhưng cảm động nhất là được trở lại ViệtNam. Chuyến đi này đã làm tôi thay đổi hẳn cách nhìn nhận về cuộc chiến tranh mà người Mỹ đã tiến hành hồi ấy. May mà quá khứ  đã dần mau lùi về dĩ vãng để 2 dân tộc chúng ta hợp tác làm ăn vì hạnh phúc của mỗi dân tộc."

Một cựu chiến binh trong đoàn khách du lịch Mỹ thì lại nói : "Tôi đã được các hướng dẫn viên du lịch mời xem tượng trưng vài chục mét đường hầm ở khu di tích, bây giờ tôi mới hiểu trong cuộc chiến tranh ác liệt tại vùng đất này vào đúng chiều 30 Tết, năm 1967, vì sao các đơn vị bộ binh trong sư đoàn “Tia chớp nhiệt đới” chúng tôi biết rất rõ dưới đường hầm ấy có “Việt cộng”; nhưng không ai dám chui xuống đuổi bắt mà chỉ ở trên ném lựu đạn hoặc thả mìn xuống.Tôi thật không ngờ người Củ Chi qua nhiều thế hệ lại có thể xây dựng được những đường hầm có quy mô lớn đến như vậy. Chỉ riêng việc xây dựng khu địa đạo này cũng đáng được xếp vào một trong số các kỳ quan của thế giới hiện đại. Về Mỹ, tôi sẽ kể cho bạn bè tôi về những đổi thay ở vùng quê này. Hy vọng qua đó người Mỹ sẽ hiểu thêm về cuộc sống và con người Việt Nam."

Đúng như người khách du lịch Mỹ đã nói, để xây dựng được khu địa đạo này người Củ Chi đã phải mất gần 20 năm. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp với mục đích biến nơi đây làm bàn đạp tấn công vào các cứ điểm quân sự ở đô thành, đảng bộ và nhân dân Củ Chi đã bỏ hàng triệu ngày công đào được 48 km. Cách một đoạn lại có lỗ thông hơi và bếp giấu khói. Mỗi miệng hầm lúc đó, du kích đều đặt một hầm chông. Có đoạn hầm nằm gần cách mặt đất từ 6 - 7 mét, xe tăng chạy qua, nhưng vẫn không bị sập. Do đường hầm được xây dựng theo nhiều hướng nên bọn thám báo của địch không thể phát hiện được. Mọi hoạt động của du kích, quân giải phóng; chiến sĩ an ninh đến các cán bộ chỉ huy mặt trận, người sở tại đều sống và hoạt động dưới lòng đất. Nhờ giữ vững sợi dây liên lạc và khép kín việc tiếp tế lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược ở khu địa đạo cũng như mọi sinh hoạt về vật chất và tinh thần của các chiến sĩ ở đây vẫn được đảm bảo. Đặc biệt là những cái tết vẫn được các đồng chí lãnh đạo khu uỷ Sài Gòn – Gia Định và chính quyền địa phương tổ chức chu đáo.--PageBreak--

Một trong những chủ trương lớn lúc bấy giờ mà ban chỉ huy mặt trận đề ra cho khu căn cứ là “toàn dân bám trụ, toàn dân diệt giặc”. Dân thì lo tiếp tế lương thực, thực phẩm cho du kích và bộ đội đánh giặc. Còn lực lượng du kích, bộ đội ban ngày tạm trú dưới đường hầm, ban đêm triển khai thành các tổ để tập kích tiêu hao sinh lực địch. Riêng lực lượng an ninh và biệt động được ban chỉ huy mặt trận lúc đó giao cho nhiệm vụ điều tra, nắm vững tình hình để nhận diện và tìm diệt các tên ác ôn, bọn thám báo, gián điệp nằm vùng và cũng từ khu địa đạo Củ Chi. Ngày ấy các chiến sĩ an ninh và biệt động bằng nhiều con đường đột nhập vào nội thành Sài Gòn hoạt động. Tại đây, họ đã góp phần lập nên nhiều chiến công xuất sắc, gây trấn động dư luận lúc bấy giờ và khiến cho bọn ác ôn của chế độ ngụy rất khiếp sợ. Hoàn thành nhiệm vụ, theo những con đường đã định, họ trở về khu căn cứ. Khi ta chủ trương tiêu diệt căn cứ Đồng Dù để mở đường cho quân ta tiến vào Sài Gòn, các chiến sĩ an ninh được chỉ huy mặt trận giao nhiệm vụ phối hợp với quân báo tiến hành khảo sát, điều tra chi tiết toàn bộ khu căn cứ quân sự này. Để thực hiện nhiệm vụ trên, các chiến sĩ an ninh phải vượt qua 18 hàng rào dây thép gai của địch, sau đó là các bãi mìn.

Nhiều người đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Có người hoá trang là người dân địa phương đột nhập theo con đường công khai vào căn cứ địch, bị chúng phát hiện, sau đó chúng đã hành quyết rất dã man bằng cách cho xe ôtô kéo lê xác trên đường nhằm làm nhụt ý chí của những người còn sống. Nhưng những tội ác của địch càng thổi bùng ý chí của quần chúng nhân dân và các chiến sĩ an ninh. Sau nhiều ngày đêm nằm kề với cái chết, lực lượng an ninh đã hoàn thành nhiệm vụ do đảng uỷ và Tư lệnh mặt trận giao cho. Chiến công của họ đã góp phần cùng quân giải phóng dành thắng lợi tiêu diệt hoàn toàn căn cứ quân sự Đồng Dù, mở đường cho quần chúng nhân dân nổi dậy và tiến vào Sài Gòn.

Chiến tranh kết thúc, chỉ riêng trên vùng đất thép Củ Chi đã có trên 10.000 liệt sĩ, gần 40 ngàn hộ gia đình được nhà nước truy tặng bằng có công với nước. Trung bình một mét vuông ở khu địa đạo Củ Chi đã phải gánh chịu 70 mảnh bom đạn. Theo tính toán của các chuyên gia quân sự Mỹ thì ở miền Nam Việt Nam có 2 địa danh chịu nhiều bom đạn nhất là khu vực thành cổ Quảng Trị và địa đạo Củ Chi. Các nhà quân sự người Mỹ lúc bấy giờ nuôi huy vọng sẽ giành chiến thắng bằng vũ khí và bom đạn để huỷ diệt sự sống ở khu vực này. Nhưng họ đã nhầm, hơn 20 năm ở dưới lòng đất, sự sống chẳng những vẫn tồn tại mà ngày càng lớn mạnh. Từ căn phòng trong lòng đất, hàng ngày vẫn chuyển đi những bức điện của các đồng chí lãnh đạo mặt trận chỉ huy các chiến dịch, dân vẫn họp chợ và trẻ em vẫn được học hành.

Truyền thống anh hùng của những ngày ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho Củ Chi hôm nay. Sau giải phóng, đảng bộ và nhân dân Củ Chi  đã nhanh chóng khắc phục các hậu quả do chiến tranh để lại, cùng nhau xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội. Sau 30 năm xây dựng, bằng nguồn vốn đầu tư của nhà nước và nhân dân đóng góp, đến nay các xã trên toàn huyện đã có điện và hệ thống nước sạch. Hầu như nhà nào cũng mua sắm được tivi, xe máy, máy xay xát đến các tiện nghi khác trong gia đình.

Cùng với những chủ trương phát triển kinh tế xã hội, Đảng bộ và nhân dân Củ Chi cũng rất coi trọng công tác đền ơn đáp nghĩa. Cùng với nhiều công trình khác đã và đang xây dựng ở đây, tượng đài kỷ niệm các chiến sĩ đã ngã xuống trên mặt trận Sài Gòn – Gia Định trong những năm chiến tranh chống Mỹ đã được xây dựng. Đây thực sự là một món quà xuân đầy ý nghĩa đối với những người đã khuất.

Đến thăm Củ Chi vào mùa xuân này, dù là khách trong nước hay nước ngoài đều có chung một cảm nhận: Củ Chi ngày nay vẫn thể hiện tinh thần đất thép ngày xưa. Toàn bộ khu địa đạo ngày ấy, nay là một bảo tàng lớn, một quần thể di tích lịch sử, điểm du lịch hấp dẫn và bổ ích ở cửa ngõ phía tây Tp. Hồ Chí Minh

Hoà Bình
.
.