Nhân 100 năm xuất bản tập thơ đầu tiên của kiệt tác "Đi tìm thời gian đã mất" của Marcel Proust

"Đi tìm thời gian đã mất" hay là đi tìm Marcel Proust

Thứ Bảy, 20/04/2013, 08:00
Với bộ tiểu thuyết đồ sộ "Đi tìm thời gian đã mất", văn hào Pháp Marcel Proust (1871-1922) được nhìn nhận là một trong những tác giả có ảnh hưởng lớn nhất đối với nền văn học thế giới thế kỷ XX...

Trong một cuộc bình chọn của Tạp chí Time, "Đi tìm thời gian đã mất" đã được xếp thứ 8 trong số những cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại. Năm 1995, Đài phát thanh và Trung tâm Văn hóa Pompidou ở Paris (Pháp) cũng đã tổ chức thăm dò dư luận và kết quả cho thấy, trong 10 tác phẩm văn học Pháp hay nhất thế kỷ, tiểu thuyết "Đi tìm thời gian đã mất" được xếp... đầu bảng.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày tập đầu tiên của bộ sách được ấn hành (năm 1913), xin tóm lược một số tình tiết thú vị xung quanh việc sáng tác và xuất bản "Đi tìm thời gian đã mất".

"Đi tìm thời gian đã mất" là một bộ tiểu thuyết đồ sộ, gồm cả thảy 7 tập, dày trên 3.000 trang, với sự xuất hiện của hơn 200 nhân vật và môi trường được phản ảnh kéo dài khoảng ba phần tư thế kỷ (quãng từ 1840 đến 1915). Tác giả đã bỏ ra mười mấy năm trời để hoàn thành bộ sách. Từ năm 1909, ông đột nhiên chọn cuộc sống ẩn dật, khép kín trong phòng và bắt đầu viết "Đi tìm thời gian đã mất". Một ngày, ông chỉ dành ra đúng một tiếng, từ 6 tới 7 giờ chiều để tiếp khách. Trong phòng ông lúc nào cũng nồng nặc mùi thuốc xông và thuốc trị suyễn. Ở thời kỳ sức khỏe suy sụp, khi tiếp bạn bè, ông thường nằm trên giường, ăn mặc chỉnh tề, thắt cà vạt, đi găng tay. Năm 1910, có những tháng ông không một lần bước ra khỏi phòng và ngay cả ở trong phòng, ông cũng chỉ một, hai lần bước ra khỏi giường. Xung quanh ông là ngổn ngang các cuốn vở và một dãy dài lọ mực. Ông không cho phép những người phục vụ dọn dẹp cho gọn vì nó đang phải phục vụ nhà văn trong cuộc chạy dài hơi cho một tác phẩm lớn.

"Đi tìm thời gian đã mất" mang đậm dấu ấn tự truyện, với việc nhân vật chính trong vai người kể chuyện và xưng "tôi". Bộ tiểu thuyết dài nhưng nội dung khá đơn giản, kể chuyện tác giả ngày còn nhỏ, với những ước mơ, những câu chuyện tình. Bao nhiêu lọc lừa, giả trá trong cuộc sống diễn tiến nơi giới thượng lưu. Từ đó, tác giả đã tìm ra lẽ sống của mình, cao hơn hết là dâng hiến cho nghệ thuật. Tuy nhiên, đúng như Proust từng phát biểu: "Một cuốn sách là tác phẩm của một cái tôi khác cái tôi hàng ngày, thường biểu hiện trong thói quen xã hội và chứng tật", đọc bộ tiểu thuyết trứ danh của Proust, ta thấy đó là một xã hội hư ảo với những nhân vật hư ảo - nó không chỉ đơn thuần là nhân vật mà là những hình tượng nghệ thuật. Bởi vậy, bức tranh "hiện thực xã hội" mà Proust đưa ra không phải là hiện thực xã hội kiểu Balzac, kiểu Zola và cách tiếp cận của các tầng lớp độc giả cũng khác nhau. Đó là lý do dẫn tới việc, có một thời gian, để tìm được "đầu ra" cho bộ tiểu thuyết, tác giả của nó đã gặp rất nhiều khó khăn.

Bìa cuốn "Dưới bóng những cô gái tuổi hoa" - một tập trong bộ tiểu thuyết "Đi tìm thời gian đã mất" của Proust được dịch in tại Việt Nam.

Thật ra, ngay trong thời gian thực hiện bộ tiểu thuyết, không phải Proust không ý thức được sự "khó đọc" của nó. Ông từng hơn một lần giãi bày: "Rồi người đời sẽ đọc tôi. Nhân loại sẽ đọc tôi. Stendhal phải mất 100 năm mới được người đời biết đến. Marcel Proust chỉ cần 50 năm thôi". Sự thể tuy không đến nỗi "muộn màng" như Proust nhận định, song quả thật, quá trình đưa bộ sách đến với độc giả rất chật vật. Năm 1912, mặc dù một số trích đoạn phần I của bộ tiểu thuyết (có tên gọi "Bên phía nhà Swann") đã được đăng trên Le Figaro, nhưng toàn bộ phần này khi gửi tới các nhà xuất bản thì tất cả đều có chung kết cục: bị từ chối. Ngay một nhà văn thông minh, tinh tường như André Gide, thời kỳ làm Giám đốc NXB Gallimard cũng đã thẳng thừng từ chối in tác phẩm này chỉ vì có những định kiến về nhân thân của tác giả (đây là điều mà sau này, Gide đã phải lên tiếng bày tỏ sự ân hận).

Proust buộc phải tự bỏ tiền in "Bên phía nhà Swann" năm 1913. Tiếp sau "Bên phía nhà Swann", 3 tập nữa đã được xuất bản khi Proust còn sống và 3 tập cuối cùng phải tới các năm 1923, 1925 và 1927 (khi tác giả qua đời đã được 5 năm) mới được xuất bản hết. Năm 1919, Proust đã được trao giải thưởng Goncourt danh giá cho tập hai của bộ tiểu thuyết (có tên gọi "Dưới bóng những cô gái tuổi hoa").

Theo cách đọc thông thường, nhất là trong thời đại công nghiệp hiện nay, không phải ai cũng đủ đức kiên trì để thưởng thức cái hay, cái đẹp mà bộ tiểu thuyết của Proust đem lại, nhất là khi - ngay từ đầu sách, tác giả đã để ra hơn ba chục trang chỉ để miêu tả việc một nhân vật phải trở mình ra sao trước khi ông ta có thể chìm vào giấc ngủ. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa bộ tiểu thuyết của Proust không có những yếu tố "hút khách". Vấn đề chỉ là do cái "tạng" của từng người. Walter Benjamin, dịch giả tiếng Đức các tác phẩm của Proust đã thổ lộ rằng: Càng đọc Proust, ông càng thấy mình như "con nghiện" của nhà văn này, và đã có lúc, ông sợ sự "nhập đồng" ấy trở thành một trở ngại cho quá trình sáng tác của mình. Nhà phê bình văn học Olivier Decroix khẳng định: "Đó là bộ tiểu thuyết mà bạn có thể đọc đi đọc lại nhiều lần, ở những độ tuổi khác nhau, mà lần nào bạn cũng tìm thấy những điều mới mẻ". Nhà văn Genet thì kể rằng, trong thời gian ở tù, một lần ông được tiếp xúc với tác phẩm của Proust. Sau khi đọc trang mở đầu, Genet đã lập tức gập cuốn sách lại…để dành. Ông nhủ thầm: "Bây giờ, mình cần một nơi tĩnh lặng, từ từ nhấm nháp từng trang sách để được đi từ sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác". Không chỉ có thế, Giard - nhà văn, nhà xã hội học Pháp hiện đại cũng khẳng định: "Ta có thể lật mở bộ tiểu thuyết của Proust, đọc vào bất cứ trang nào ta vẫn có thể hiểu. Điều này khác với Dostoievsky, có khi phải đọc từ trang đầu đến trang cuối mới hiểu được chủ đề tác giả đặt ra".

Bộ tiểu thuyết "Đi tìm thời gian đã mất" của Proust đã chứng minh cho chân lý: Một kiệt tác không nhất thiết phải liên quan đến một đề tài lớn. Khác với các tiểu thuyết thế kỷ XIX, nhiều khi là những bộ biên niên sử, một thứ bách khoa thư của xã hội kiểu như "Tấn trò đời" của Balzac, như "Chiến tranh và hòa bình" của Lev Tolstoy, trong "Đi tìm thời gian đã mất", Proust không lấy những sự kiện lớn của xã hội là trọng tâm của tác phẩm. Nhiều sự việc diễn ra trong bộ tiểu thuyết của Proust thoạt nghe chỉ là những chuyện vặt, những sự việc tầm thường, song cách nhấn nhá của ông nhiều khi đã tạo nên được sự ám ảnh dai dẳng trong tâm trí người đọc.

Sinh thời, nhà văn Anh Graham Green (tác giả "Người Mỹ trầm lặng") từng nhận định: "Proust là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất thế kỷ XX, giống như là Tolstoy của thế kỷ XIX".

Cùng với Kafka và Joyce, Proust được coi là một trong ba nhà văn đã khởi xướng nên cuộc cách mạng tiểu thuyết trong thế kỷ XX. Ông được coi như một Einstein trong khoa học. Người ta nói đến tiểu thuyết trước Proust và sau Proust.

"Đi tìm thời gian đã mất" có tên trong hầu hết các cuộc bình chọn "100 tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại" và luôn giữ thứ hạng cao trong danh sách các tiểu thuyết hay nhất thế kỷ XX do các tờ báo lớn như Time, Le Monde bình chọn. Không những thế, trong cuộc bình chọn do website Télérama tổ chức, kiệt tác nói trên của Proust nhận được 33 phiếu trong số 100 nhà văn tham gia, trở thành tác phẩm dẫn đầu và bỏ xa tác phẩm đứng vị trí thứ hai là cuốn "Ulysses" của James Joyce. Trong bộ tiểu thuyết "1Q84" của nhà văn Nhật Haruki Murakami, bạn đọc bắt gặp nữ nhân vật chính Aomame đã gần như giam mình trong căn hộ riêng suốt cả mùa thu chỉ để ăn, ngủ, ngắm trăng và đọc bộ tiểu thuyết "Đi tìm thời gian đã mất". Điều đó cho thấy sức hút của văn Proust.

Nói vậy không có nghĩa là bộ tiểu thuyết của Proust không phải không gặp cản trở đối với các độc giả đương đại, nhất là vào thời mà mọi thứ trở nên "tốc độ" như hiện nay. Hiện ở Việt Nam, mặc dù được nhắc tới rất nhiều, song trọn bộ tiểu thuyết vẫn chưa đến tay độc giả. Còn ở Mỹ, cách đây 4 năm, một tác giả tên là Patrick Alexander đã cho xuất bản một cuốn sách có cái tên thật dài "Tìm lại thời gian đã mất" của Marcel Proust: Hướng dẫn độc giả tìm lại những gì đã mất". Trong cuốn sách này, tác giả đã tóm tắt cốt truyện, điểm tên 50 nhân vật quan trọng nhất, vẽ sơ đồ hệ thống nhân vật và in tranh minh họa. Chỉ riêng những việc làm này cũng đã khiến cuốn "hướng dẫn" có độ dày lên tới… 402 trang

Trần Trọng Nghĩa
.
.