Đi tìm người đầu tiên dịch tác phẩm của Lev Tolstoy sang tiếng Việt
Theo hồi ký của nhà văn Vũ Ngọc Phan, chúng ta được biết: Vào một sáng chủ nhật của những năm đầu thập kỷ 30 (thế kỷ trước), tại nhà bán đấu giá hàng cũ ở phố Hàng Trống, Vũ Ngọc Phan đã mua được với giá hạ từ 5 đồng xuống 2 đồng bó sách cũ mười cuốn, trong đó có bộ sách "Anna Karénina". Gọi là giá hạ nhưng thực ra là quá đắt vì thời đó chỉ sáu đồng đã mua được cả tạ gạo, vả lại cả bó sách 10 cuốn chỉ có hai quyển "Anna Karénine" bìa trắng, xuất bản Nenxơn (Pháp) có đủ trọn bộ là có giá trị, còn lại là loại sách vứt đi. Nhà văn đã đọc ngấu nghiến trong năm ngày là hết hai quyển "Anna Karénine". Đọc như vậy, ông chưa nắm được cái hay của nó. Nhấm nháp lại, mười ngày nữa ông đọc xong lần thứ hai, nhà văn thấy quả là một kiệt tác. Năm 1937, nhà văn họ Vũ dịch bộ tiểu thuyết này và đưa đăng trên Tạp chí Pháp Việt ở Hà Nội và báo Tràng An ở Huế. Năm 1940, ông đưa nhà xuất bản Đời nay in, và mấy năm sau, năm 1944, bộ sách mới ra đời. Bộ sách cũng chưa ra được trọn, nhà văn - dịch giả không đưa cho Đời nay in quyển cuối, tức quyển ba.
Mãi sau này, vào những năm 70-80 của thế kỷ trước, tình cờ tôi được Giáo sư Huỳnh Lý (1914-1993) cho biết: Khi còn là học sinh cấp 2 (1929-1930) ông đã từng được đọc một bản dịch khác tác phẩm cũng của văn hào Nga Lev Tolstoy - bản dịch tiểu thuyết "Phục sinh" đăng dần trên báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Như vậy là trước cả tác phẩm "Anna Karénine" do Vũ Ngọc Phan dịch, đã có một tác phẩm khác của L.Tolstoy được dịch sang tiếng Việt và công bố trên báo ở ta rồi.
Một trang báo Tiếng Dân in bản dịch tiểu thuyết "Phục sinh" của Lev Tolstoy.
Theo Giáo sư Huỳnh Lý nói thì người dịch tác phẩm ấy không ai khác là Giáo sư Đào Duy Anh (1904-1988), lúc đó mới là chàng trai ngoài 20 tuổi. Sau này, tiếp xúc với nhà thơ Xuân Diệu, tôi cũng được nhà thơ cho biết, hồi đi học, nhà thơ đã được đọc bản dịch "Phục sinh" ấy, còn nhớ cả tên nữ nhân vật phiên âm theo tiếng Hán là Mạt Lộ Sa nữa kia.
Vào đầu những năm 70, NXB Văn học chuẩn bị cho ra bộ "Sở Từ" của Khuất Nguyên. Được biết Giáo sư Đào Duy Anh cũng đã dịch tác phẩm này, tôi và anh Nguyễn Đại, lúc ấy là Trưởng phòng Văn học nước ngoài của NXB Văn học tìm đến căn hộ 17-19 dãy nhà B6, khu tập thể Kim Liên, nơi ở của Giáo sư Đào Duy Anh để bàn về bản thảo. Chính hôm ấy, ngoài công việc có liên quan đến bộ "Sở Từ", tôi đã mạnh dạn hỏi và được giáo sư khẳng định điều trước đó giáo sư Huỳnh Lý đã nói cho biết: Người dịch "Phục sinh" ấy là Đào Duy Anh.
Gần đây, vào thư viện Trung ương, được các anh chị thủ thư phòng đọc báo chí tận tình giúp đỡ, tôi đã được tiếp cận bộ sưu tập báo Tiếng Dân. Báo đã quá cũ, nhiều tờ rách nát, được dán lại như quần áo vá chằng vá đụp. Tôi thật sự xúc động, nương nhẹ giở từng trang và sung sướng tận mắt được đọc các đoạn bản dịch "Phục sinh" đã ra đời hơn tám chục năm trước, đăng tải trên từng số báo. Đáng tiếc là bộ sưu tập không còn giữ được đủ, thiếu những số đầu ra năm 1927. May sao, Giáo sư Nguyễn Hải Hà biết việc tôi quan tâm đã giới thiệu học trò cũ của mình là Tiến sĩ Trần Thị Hồng Nga (người đã làm luận án về Tolstoy, hiện đang giảng dạy tại khoa Văn - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh) và tôi đã được Tiến sĩ Trần Thị Quỳnh Nga gửi cho sách kèm theo cả mấy chục trang chép tay phần đầu bản dịch "Phục sinh" đăng trên Tiếng Dân.
Báo Tiếng Dân ra số 1 vào ngày 10/8/1927 và từ số 9, thứ Tư ngày mồng 7/9/1927, bản dịch tiểu thuyết "Phục sinh" được đăng tải. Tác phẩm mang tên là "Phục sinh" chứ không phải "Tái sinh" theo lời nhà thơ Xuân Diệu cho biết. Một điều lạ là bản dịch không ghi tên tác giả, và tên người dịch đề là Hoa Trung, chứ không phải là Đào Duy Anh, như tôi vẫn đinh ninh.
Trên số 9 của báo bắt đầu đăng hồi thứ nhất, chương thứ nhất và nửa chương thứ hai. Các số sau tiếp tục in gối chương như vậy: Chương thứ hai (tiếp theo) và nửa chương thứ ba. Đến các số cuối chỉ đề gọn, chữ số chỉ hồi, chẳng hạn: số 56 chương bốn bẩy (tiếp theo) - cho đến số 83 chương năm bốn (tiếp theo) ra ngày 30 tháng năm 1928 là kết thúc với chữ Hết ở cuối và mấy dòng giới thiệu bản dịch khác tiếp theo: Bắt đầu từ số sau báo sẽ đăng truyện "Cái nghĩa đời người" của Marcelle Tinaybe vẫn do Hoa Trung dịch.
Thế là bắt đầu trăn trở, băn khoăn. Người dịch ở đây là Hoa Trung, vậy Hoa Trung có phải là một bút hiệu nữa của Đào Duy Anh hay không? Phải có cái gì đó để khẳng định được chứ. Người có thể biết chắc điều đã nói ra thì đã khuất bóng rồi. Cả Giáo sư Huỳnh Lý, cả Giáo sư Đào Duy Anh. Điều chỉ có bản thân tôi ghi nhớ, không có giá trị khoa học. Trong nhiều sách tra cứu lâu nay nói về Đào Duy Anh chỉ chua thêm một bút hiệu là Vệ Thạch. Đành phải "lên đường" đi tìm kiếm vậy. Người đầu tiên tôi tìm hỏi là nhà nghiên cứu sử học Đào Hùng, con trai của Giáo sư Đào Duy Anh. Anh Đào Hùng không biết gì về cái tên Hoa Trung, cũng như việc cụ thân sinh hồi trẻ đã từng dịch truyện đăng trên báo Tiếng Dân. Anh chỉ cho biết thân phụ anh còn có một bút hiệu nữa là Thu San. Tôi phải cất công tìm đến các vị học giả cao niên.
Người đầu tiên là học giả Vũ Tuấn Sán, lâu nay vẫn sống tại cơ ngơi cũ lâu đời của gia đình tại làng Đại Từ, tận mạn Văn Điển, phía nam thành phố. Đáng tiếc là cụ Vũ Tuấn Sán cũng không nhớ gì nhiều về thuở báo Tiếng Dân ấn hành, càng không biết cái tên Hoa Trung là ai. Nhưng khi tôi gợi ý có thể Hoa Trung là một bút hiệu của Đào Duy Anh chăng, thì cụ Sán gật gù: Có thể lắm, vì lúc đó cụ Đào là thư ký tòa báo của cụ Huỳnh Thúc Kháng, lại trẻ, có học Hán lẫn học Pháp. Nhưng hình như cụ Đào Duy Anh thiên về dịch thơ nhiều hơn. Đến học giả họ Vũ thứ hai là Giáo sư Vũ Khiêu - người đã vào tuổi 95. Cụ Vũ Khiêu trả lời câu hỏi của tôi: "Cần phải "bắt mạch" câu văn xem sao. Văn cụ Đào Duy Anh cũng dễ nhận ra". Nhưng vì Tiếng Dân phát hành chủ yếu ở miền Trung nên Giáo sư Vũ Khiêu cũng không theo dõi được hết.
Tôi lại tìm hỏi giáo sư, nhà văn nghiên cứu phê bình văn học Vũ Đức Phúc, từ lâu vẫn định cư tại nhà riêng bên Gia Lâm. Nhà văn Vũ Đức Phúc vừa lên bàn tôn - tuổi 90. Ông nhớ lại bạn bè cũ thế hệ ông xem còn ai có thể nhớ chuyện trước đó từ những năm 20-30 thế kỷ trước… Không còn ai. Ông gợi ý hay viết thư hỏi một số người ở Huế, ở TP Hồ Chí Minh. Tôi nhờ Giáo sư sử học Chương Thâu đi họp ở TP Hồ Chí Minh, gặp giới nghiên cứu đồng nghiệp tìm hiểu hộ, và bản thân tôi viết ngay thư gửi vào cho giáo sư Lê Trí Viễn, là bạn gần gũi của cố Giáo sư Huỳnh Lý…
Cho đến nay vẫn chưa có hồi âm.
Hoa Trung có phải là Đào Duy Anh? Không phải, thì Hoa Trung là ai?
Đến "Sơ thảo tự điển biệt hiệu Việt Nam" của nhóm giáo sư Nhật Thịnh và chuyên gia thư viện học Nguyễn Thị Khúc soạn năm 1975 tại Sài Gòn gồm hơn ba nghìn tên tuổi, mà nhờ dịch giả Vũ Anh Tuấn, "vua sách cổ" ở TP HCM có nhã ý tìm gửi cho, ở mục Đào Duy Anh cũng chỉ ra có một bút hiệu là Vệ Thạch, còn bút hiệu Hoa Trung thậm chí còn chưa được đưa vào tự điển...
Tuy nhiên, trong thâm tâm riêng tôi thì vẫn cứ tin điều giáo sư Huỳnh Lý nói, người dịch "Phục sinh" - tác phẩm đầu tiên của L.Tolstoy in trên báo Tiếng Dân là Đào Duy Anh. Hoa Trung là một trong những bút hiệu khác của Giáo sư họ Đào. Có thể khẳng định bằng tài liệu hồ sơ của chính quyền Pháp thời kỳ đó về tờ báo Tiếng Dân và các nhân vật chủ chốt của báo này chăng?