Kỷ niệm 110 năm ngày mất của văn hào Nga Anton Chekhov:

Đẹp hơn nước mắt

Chủ Nhật, 16/02/2014, 08:00

Anton Pavlovich Chekhov sinh ngày 29/1/1860, tại thành phố Taganrog, điểm chót của thảo nguyên rộng lớn ven bờ biển Azop. Bởi xuất thân trong một gia đình thuộc tầng lớp "thấp hèn", Chekhov đã trải qua một thời thơ ấu vất vả và cực nhọc. Cuộc sống tù đọng và buồn tẻ cộng với roi vọt và những tiếng nạt nộ của thân phụ đã khiến nhà văn tương lai sớm có ý nghĩ già trước tuổi. Đặc biệt nó đã nung nấu trong ông quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, tìm cách nuôi dưỡng tâm hồn, hun đúc tài năng nhằm khẳng định mình với cuộc đời. "Tôi không có thời ấu thơ" - Sau này, Chekhov đã chua chát nhớ lại.

Đã 110 năm trôi qua kể từ ngày con người có phong thái điềm đạm, ít lời, có gương mặt chính trực, thông minh, có nụ cười tao nhã, đôn hậu ấy nằm xuống vì căn bệnh lao phổi quái ác, đã có biết bao trang sách đề cập đến cuộc đời có phần khiêm nhường, "khép kín" của ông. Có lẽ ở Nga, Chekhov thuộc trong số những nhà văn được nhân dân (cũng như được các chính trị gia) yêu mến nhất. Bạn đọc Việt Nam hẳn còn nhớ câu thơ Tố Hữu (viết về Lênin) có nhắc đến chi tiết tấm bìa lịch treo tường trong phòng làm việc của Lênin có in hình Chekhov.

Nhưng đâu phải chờ đến khi Chekhov qua đời, người ta mới nói nhiều về ông.

Anton Pavlovich Chekhov sinh ngày 29/1/1860, tại thành phố Taganrog, điểm chót của thảo nguyên rộng lớn ven bờ biển Azop. Bởi xuất thân trong một gia đình thuộc tầng lớp "thấp hèn", Chekhov đã trải qua một thời thơ ấu vất vả và cực nhọc. Cuộc sống tù đọng và buồn tẻ cộng với roi vọt và những tiếng nạt nộ của thân phụ đã khiến nhà văn tương lai sớm có ý nghĩ già trước tuổi. Đặc biệt nó đã nung nấu trong ông quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, tìm cách nuôi dưỡng tâm hồn, hun đúc tài năng nhằm khẳng định mình với cuộc đời. "Tôi không có thời ấu thơ" - Sau này, Chekhov đã chua chát nhớ lại.

Năm 1884, Chekhov đỗ bác sĩ y khoa.

Chekhov bắt đầu văn nghiệp khoảng năm 1880, với những truyện ngắn, tiểu phẩm hài hước, châm biếm đăng ở góc của những tờ báo nhỏ. Thời gian này, ông xuất hiện thật ồ ạt. Một năm, nhà văn trẻ cho "xuất xưởng" hàng trăm truyện, thường thì rất ngắn, độ một hai trang gì đó. Khả năng sáng tạo dồi dào đã khiến ông có thể viết được trong bất cứ hoàn cảnh nào và bằng bất cứ "công cụ" gì, có thể là một mẩu bút chì và một vỏ bao thuốc lá. Chẳng thế mà có một giai thoại, một lần ngồi trò chuyện tâm tình cùng bạn hữu, ông nổi hứng chỉ vào đồ vật trên bàn: "Đây là chiếc gạt tàn, nếu anh cần, tôi có thể viết ngay một truyện ngắn về nó".

Theo ước tính, trong 5 năm đầu cầm bút, Chekhov viết được khoảng 400 truyện. "Hình như không nhớ có truyện nào viết quá một ngày đêm" - Chekhov cho biết. Sau này, khi ngày càng nghiêm khắc với nghề, sức viết của Chekhov cũng giảm đi. Ví như, năm 1885, ông viết 129 truyện, đến năm 1886, rút xuống còn 112 truyện; năm 1887 còn 66 truyện, và đến năm 1888 chỉ còn 12 truyện.  

Cảnh trong vở "Ba chị em" của Chekhov.

Mặc dù trong "mớ dây rợ loằng ngoằng" ấy, Chekhov cũng có thể lọc ra được nhiều truyện ngắn đặc sắc như "Con kỳ nhông", "Anh béo anh gầy", "Cái chết của một viên chức"… nhưng, không chịu vừa lòng với những gì hiện có, nhà văn đã cố gắng mở rộng vấn đề, nâng tầm khái quát cho mỗi câu chuyện, đặc biệt áp dụng một cách triệt để phương châm gạn lựa, gạt bỏ những hư từ (những chữ tương tự "thì", "là", 'mà" trong ngôn ngữ Việt Nam), "gột tẩy" cho câu văn thật sáng sủa, giản dị, không một chút hoa hoè hoa sói. Nhiều câu chuyện đã kết hợp được tính trào lộng và chất trữ tình đậm đặc trong tâm hồn nhà văn. Những truyện dài trên một trăm trang như "Thảo nguyên" còn thể hiện ở nhà văn hào Nga sự tinh diệu khi ông miêu tả đường nét thiên nhiên bên cạnh những truyện ông rất điêu luyện trong sự mổ xẻ tâm lý nhân vật.

Năm 1888, Chekhov được giải thưởng Viện Hàn lâm Nga. Trước đấy, giải thưởng này chỉ dành cho thơ, tiểu thuyết - vốn được xem là thể loại "cao quý" hơn nhiều so với truyện ngắn.

Chekhov là một nhà văn bậc thầy. "Về phương diện phong cách, Chekhov là người nghệ sĩ duy nhất của thời đại ta nắm vững đến mức độ cao nhất cái nghệ thuật viết làm sao cho từ ngữ thì chặt, ý tứ thì rộng". Và "trình bày nội dung các truyện ngắn của Chekhov là một việc không thể làm được" (nhận xét của Gorky). Sự trung thực trước việc tái tạo hiện thực đời sống và sự chặt chẽ trong việc sử dụng các chi tiết đã khiến Gorky phải lấy làm kính phục, xem Chekhov như bậc thầy, bậc đàn anh của mình. Và cũng chính Chekhov đã có lần nhận xét để Gorky sửa lại một chỗ chưa chuẩn trong tiểu thuyết "Foma Gordeyev". Ông hóm hỉnh bảo bạn: "Bà ta có ba tai, anh bạn thân mến ạ, mà một tai thì ở cằm, anh nhìn xem". Gorky đối chiếu lại sách mình viết và thốt lên "Quả có thế, tôi đã đặt người đàn bà ấy ngồi thất cách với ánh sáng". 

Đại văn hào Lev Tolstoy, người sinh trước Chekhov tới 32 năm, sinh thời cũng đánh giá cao tài năng của Chekhov. Một lần, nhân nói chuyện về văn học Pháp, Tolstoy đưa ra ý kiến: "Người Pháp có ba nhà văn: Stendhal, Balzac, Flaubert, thôi thì cứ thêm cả Maupassant vào nữa". Đến đây, Tolstoy không quên "chua" thêm: "Nhưng Chekhov hay hơn nhà văn này". Một lần khác, sau khi chê tác phẩm của một nhà văn Nga là thiếu tính dân tộc, Tolstoy quay sang khen ngợi Chekhov khiến ông ngượng nghịu đến độ phải lúng búng xoay sang chủ đề khác.

Theo nhận xét của những người cùng thời, Tolstoy không phải người… dễ tính. Nhiều lúc mắt ông ánh lên vẻ sắc lạnh. Ấy thế nhưng mỗi khi nhìn Chekhov, con mắt Tolstoy bao giờ cũng thấm đượm vẻ trìu mến, như muốn vuốt ve, âu yếm. Có hôm, Tolstoy ngồi trong ghế bành đặt ở ngoài hiên và mặc dù đang ốm, nhưng nhìn thấy Chekhov cùng con gái mình đi trên con đường nhỏ trong trang viên, ông cụ gần như rướn cả người lên mà nhìn ngắm mà trầm trồ: "Trời ơi, anh ấy đáng yêu quá, thật là một con người tuyệt vời, khiêm tốn, trầm lặng, cứ như một cô tiểu thư. Dáng đi cũng con gái, tuyệt thật!".

Trong cuộc sống thường ngày, Chekhov không phải là người ưa làm duyên làm dáng và thích những lời ca tụng ồn ào. Suốt cuộc đời, ông đã kiên trì gột bỏ "từng giọt nô lệ trong con người mình", đặng để giữ cõi lòng thanh thản mở ra cùng cái đẹp. Và mặc dù truyện của Chekhov luôn thể hiện một tâm hồn đa sầu đa cảm, nhiều vở kịch làm người xem rơi nước mắt, nhưng bản thân tác giả của chúng lại rất hay tìm cách kìm nén tình cảm của mình. Có nhà văn Nga từng phát hiện ra rằng: Trong tất cả các hồi ký về ông, không hề có một lời nào kể lại rằng lúc nào đó Chekhov đã khóc.

Nhưng rồi cũng có người trong hàng ngũ bạn bè nhà văn - nhân chuyến theo ông đến Ural, đã nhìn thấy Chekhov với những giọt nước mắt giấu kín trong đêm. Giọt nước mắt của một con người cô đơn đang ở kề cái chết. Thật đúng như nhận xét của Paustovsky "Mang trong mình tâm hồn nhân hậu, cao thượng và cương nghị lớn lao, Chekhov đã giấu kín những giọt nước mắt và nỗi đau của riêng mình chỉ vì để không làm u uất cuộc sống của những người thân thích, để không đem lại cho mọi người xung quanh dù chỉ là một chút nặng nề". 

Các tư liệu văn học cũng kể lại rằng, ngay cả khi đối mặt với Thần Chết, Chekhov cũng vẫn giữ được một phong thái rất lịch lãm. Vốn là một bác sĩ, ông biết rất rõ các triệu chứng liên quan đến bệnh trạng của mình. Đêm đó, ông tỉnh giấc và lần đầu tiên trong đời ông cho mời thầy thuốc tới. Khi người này đến, Chekhov bảo vợ rót sâm banh. Đoạn ông ngồi dậy nói to với thầy thuốc bằng tiếng Đức: "Tôi sẽ chết". Sau đó, ông quay về phía vợ, nâng cốc rượu và mỉm cười một cách hết sức trìu mến, như thể giải thích hành động của mình: "Đã lâu lắm rồi anh không uống sâm banh"... Chekhov thản nhiên uống hết cốc rượu rồi nhẹ nhàng nằm xuống, nghiêng người về bên trái và... vĩnh viễn ra đi.

Trước đây, độc giả Việt Nam từng rất ấn tượng về bức ảnh Chekhov chụp chung với vợ in trong cuốn "Từ điển văn học" của Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Bức ảnh cho thấy họ là một cặp vợ chồng tràn đầy hạnh phúc. Bởi vậy mà quả là bất ngờ nếu ai đó biết được thông tin: Gần như toàn bộ tài sản của mình, Chekhov đã di chúc cho cô em gái. Giải thích việc này, nhiều chuyên gia văn học Nga cho biết, chẳng qua là do Chekhov lịch lãm, kín đáo, không muốn để người bên ngoài biết những dích dắc trong quan hệ tình cảm giữa hai vợ chồng, chứ là người trong cuộc, bà Olga Knipper hoàn toàn nhận biết được điều này. Cho nên, việc bà im lặng, cam chịu khi nghe người ta công bố chúc thư của Chekhov cũng là điều tất nhiên. Hai ông bà khi sống có thực gắn bó với nhau đâu. Chekhov không có con. Còn bà thì quay cuồng với việc biểu diễn ở nhà hát trên Moskva. Có giai đoạn bà còn cặp bồ với đạo diễn Stanilavsky. Điều này, là người nhạy cảm, hẳn Chekhov không thể không biết…

Ở nước Nga, kể từ khi Chekhov tạ thế đến nay, các nhà nghiên cứu lịch sử văn học đã liên tiếp tìm ra nhiều tư liệu thú vị liên quan đến cuộc đời của con người được xem là "Nhà văn đạo đức nhất trong số các nhà văn cổ điển Nga" này. Và các cứ liệu càng thêm tôn vinh tầm vóc nhân văn của ông

Phạm Mạnh Hoàng
.
.