Đền Đô: Kiến trúc tình người

Thứ Năm, 10/02/2011, 08:32

“Tháng Ba hoa gạo đỏ tươi Trống Đền Đô gọi người về thăm quê...”. Thân thương biết mấy, quê Cổ Pháp xưa là Đình Bảng (Tiên Sơn - Bắc Ninh) ngày nay, mỗi độ xuân về lại rộn ràng tiếng trống hội làng gọi người về "Uống nước nhớ nguồn", tụ hội tâm hồn dân Việt kỷ niệm ngày Lý Thái Tổ đăng quang (Rằm tháng Ba năm Canh Tuất - 1010), dựng nghiệp nhà Lý vẻ vang và khai sáng Kinh thành Thăng Long "Vì muôn đời con cháu...".

Sức sống Việt Nam

Đền Đô kiến trúc tuyệt vời
Thăng Long đẹp đất, đẹp người ngàn năm.

Kiến trúc đẹp nhất của Đền Đô là kiến trúc của tình người - người ngoan Kinh Bắc - người ngoan Việt Nam - hùng khí Thăng Long. Mỗi lần giặc phá, mỗi lần bị ảnh hưởng thiên tai, bà con khắp nơi lại về cùng người Cổ Pháp - Đình Bảng công đức xây dựng lại, xuân thu tứ thời bát tiết cho con cháu được hưởng lộc, tâm linh thanh thản, tin yêu con người và cuộc sống, ước mơ và hành động với sức "Rồng bay lên".

Đền Đô thờ tám vị vua nhà Lý nên còn gọi là Đền thờ Lý Bát Đế. Tương truyền, thiền sư Vạn Hạnh đã chọn "đất dáng tám đầu của con rồng" này xây dựng ngôi nhà lớn để đón Thái Tổ Lý Công Uẩn xa giá về thăm quê nhà tháng hai năm Canh Tuất - 1010 - đăng quang ngôi Thái Tổ, đặt niên hiệu Thuận Thiên ra Chiếu dời đô, xây dựng Thăng Long.

Đền Đô bị chiến tranh phá hủy năm 1952. Năm 1989, kỷ niệm 980 năm ngày triều đình suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi mở đầu vương triều nhà Lý, nhân dân Đình Bảng với sự công đức của hàng triệu tấm lòng người Việt và cả bạn bè quốc tế, đã khởi công xây dựng lại Đền Đô. Nơi đây đã trở thành điểm sáng văn hóa, tụ hội tâm hồn dân Việt "Uống nước nhớ nguồn".

Biểu diễn văn nghệ tại Đền Đô.

Vào đúng dịp kỷ niệm ngày sinh Lý Thái Tổ (xuân 1994), ông Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 31 của Lý Thái Tổ, hậu duệ đời thứ 26 của Hoàng tử Lý Long Tường đã từ Hàn Quốc tìm về quê hương Cổ Pháp - Đình Bảng, cảm nhận tình thương của dân tộc, mở đầu cho những cuộc hành hương của các hậu duệ đời Lý từ các nơi tìm về cội nguồn, ứng lời sấm cổ:

Bao giờ rừng Báng hết cây
Tào Khê hết nước, Lý nay lại về.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã về Đền Đô cùng nhân dân dâng hương tưởng niệm 8 đức vua triều Lý và ân cần nói chuyện với đồng bào: "Hình ảnh Đức vua Lý Thái Tổ ra Chiếu dời đô và cưỡi thuyền rồng về Thăng Long, những sự tích và những đám mây ở đây rất xúc động, rất thiêng liêng. Nó báo hiệu một cái gì đó vừa lung linh trong truyền thống của dân tộc mình, vừa sáng chói các triển vọng của non sông đất nước ta. Nó thể hiện một bề sâu và sự vững bền văn hóa Việt Nam…".

Bạn bè quốc tế đến với Đền Đô ngày càng đông, mong được dự lễ hội. Gặp nhau là cười thân thiện. Bạn cũng dâng hương lễ theo tiếng trống chiêng cụ thủ từ Đền Đô nối dóng, tha hồ ngắm và chụp nhiều ảnh nét kiến trúc Đền Đô, nghe liền anh liền chị hát Quan họ. Diệp Tố Nga người Trung Quốc, trân trọng ghi vào Sổ vàng lưu niệm Đền Đô: "Chúc Lý triều điện vạn niên trường xuân, ức niên lưu phương". Genevieve Couteau - nhà văn hóa Pháp thì ghi: "Đây là nơi đầy cảm xúc thiêng liêng. Nơi mà mọi sôi động trần tục đều bị lãng quên trong sự tìm kiếm yên tĩnh và hòa bình gắn bó tất cả con người có thiện tâm…". Tiến sĩ Roberto từ Italy tới, đã nhận xét: "Đây là một bằng chứng của sức sống mãnh liệt Việt Nam".

Trùng tu, tôn tạo lại

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn - "ông từ" Đền Đô, Trưởng ban quản lý di tích phường Đình Bảng cho biết, sau 20 năm (kể từ khi khởi công xây dựng, tu sửa lại Đền Đô đến nay), bằng nhiều nguồn vốn từ ngân sách, các nhà hảo tâm ủng hộ, nhân dân đóng góp, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã dành tới gần 100 tỷ đồng trùng tu, tu sửa, tôn tạo, bảo tồn các di tích cách mạng và di tích lịch sử văn hóa có liên quan tới vương triều Lý nhân dâng lên Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đối với các di tích cách mạng như đình làng Đình Bảng, nhà thờ họ Nguyễn Thạc, nhà cụ Đám Thi (nơi Bác Hồ về thăm, nơi Trung ương Đảng họp và nơi đồng chí Trường Chinh viết Nhật lệnh "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" trong Cách mạng tháng 8/1945), phường đã đầu tư hàng tỷ đồng sửa sang, tôn tạo, bảo quản, giữ gìn nhà cửa, hiện vật... phục vụ các đối tượng cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và nhân dân tìm hiểu nghiên cứu về sự kiện lịch sử lớn lao này của đất nước.

Đối với hàng loạt di tích có liên quan tới vương triều Lý như Đền Đô (nơi thờ phụng 8 vị vua triều Lý), Đền Rồng (thờ Lý Chiêu Hoàng), Chùa Dận (Cổ pháp tự hay Chùa Ứng Tâm, nơi Lý Công Uẩn ra đời), Chùa Kim Đài (nơi thờ Lý Khánh Văn), Thọ lăng Thiên Đức (nơi yên nghỉ của các vị vua triều Lý, Lý Thánh Mẫu và nguyên phi Ỷ Lan)... phường đầu tư tới gần 80% kinh phí đã có hoàn chỉnh nhiều công trình, hạng mục công trình thật sự có giá trị về kiến trúc và điêu khắc mang ý nghĩa tín ngưỡng tâm linh, đáp ứng cho nhu cầu tham quan, du lịch, hành hương tìm đến cội nguồn dân tộc.

Được đầu tư, Đền Đô đã căn bản hoàn thành - mang được dáng dấp vốn có cổ kính ngày xưa. Chùa Dận đã hoàn thành tòa Tam bảo 5 gian chồng diêm 2 tầng cùng 2 gian hậu cung chuôi vồ, điện thờ Lý Thánh Mẫu 3 gian, nhà tổ 5 gian có các tượng thờ Bát bộ Kim Cương, tượng Lý Vạn Hạnh, Lý Khánh Văn. Đền Rồng đã thay đổi nhiều nhưng vẫn giữ nguyên trên nền đất cũ, được nhân dân bảo tồn, giữ nghiêm lề luật thờ cúng và công trình này mới đây đã được UBND TP Hà Nội đầu tư hơn 2 tỷ đồng thi công trùng tu, tôn tạo để hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và kịp cho lễ hội được tổ chức vào ngày 23 tháng Chín âm lịch - là ngày hóa của Lý Chiêu Hoàng.

Trong quá trình trùng tu, tôn tạo, bảo vệ, giữ gìn, phường Đình Bảng đã chú trọng khai thác, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho nhân dân, động viên mọi người lao động sáng tạo phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới.

Lễ hội tưng bừng

Lễ hội Đền Đô được mở lại theo truyền thống. Lễ linh thiêng, hội tưng bừng, náo nhiệt cả vùng quê Kinh Bắc, đến cả Thăng Long - Hà Nội và tỉnh bạn.

Lễ hội Đền Đô xưa được tổ chức hàng năm theo cổ lệ vào ngày 15/3 âm lịch, liền trong 4 ngày: 14, 15, 16, 17-3 (nay đổi mới tổ chức gọn lại trong 3 ngày: 14, 15, 16/3, do chính hội là ngày 15. Ngày 14 mở hội và ngày 16 giã hội). Tương truyền, đó là lễ hội kỷ niệm ngày Lý Thái Tổ đăng quang. Ngày ấy tốt lành. Chính ngọ đắc tâm linh. Lý Thái Tổ làm lễ tế trời, đặt niên hiệu Thuận Thiên, mong "thiên hạ thái bình". Người ban Chiếu dời đô...

Về nghi thức lễ rước Lý Bát Đế chiều 14/3 âm lịch, lễ rước này để tưởng nhớ đến công ơn Thánh Mẫu Minh Đức Hoàng Thái hậu Phạm Thị, người đã có công sinh thành ra Lý Thái Tổ (hiểu theo cách khác đó là lễ báo hiếu, lễ rước linh hồn Lý Thánh mẫu về Đền Đô, rước mẹ về dự đại lễ của con). Đám rước trong lễ hội Đền Đô đã được miêu tả trong sách xưa: "Tám cỗ kiệu trang hoàng lộng lẫy được rước từ Đền Đô lên Chùa Cổ Pháp để nghe tăng ni tụng kinh, rồi lại rước về chỗ. Kiệu của Lý Chiêu Hoàng không được rước, phải khiêng ra đặt trước điện thờ để bà nghênh đón kiệu của 8 Vua".

Hoạt động hội ở Đền Đô gồm có: Đấu vật, chơi cờ người, hát quan họ, ngâm vịnh thơ, chơi đu, thả chim bồ câu, chơi chọi gà, thi nấu cơm niêu đất... Về hát quan họ, tương truyền rằng, xưa, Vua Lý rất thích quan họ. Người thường ngự xem rối nước, nghe hát quan họ trong những dịp hội xuân, ở nhà Thủy đình giữa hồ Bán nguyệt ở Đền Đô. Theo nhà sử học Quỳnh Cư nghiên cứu thì mùa xuân năm Canh Tuất, Lý Thái Tổ về thăm quê nhà Cổ Pháp. Khi thuyền của Người về đến bến sông Tiêu Tương trước nơi bây giờ là Đền Đô, quan quân đứng hò reo đón Người và Quan họ đã ra đời từ đấy.

Trẩy hội Đền Đô năm lịch sử này, du khách dễ dàng thăm cả cụm di tích lịch sử văn hóa trên quê hương nhà Lý trong bán kính vài cây số: Chùa Dận (tức Cổ Pháp tự, Chùa Ứng Thiên Tâm) nơi Lý Công Uẩn ra đời, Chùa Kim Đài (tức Quỳnh Lâm tự) - nơi Lý Công Uẩn từng làm tiểu, Đền Rồng - nơi thờ Lý Chiêu Hoàng, Thọ lăng Thiên Đức - nơi yên nghỉ của các đức vua triều Lý, Lý Thánh mẫu Phạm Thị và nguyên phi Ỷ Lan, Đình Đình Bảng kiến trúc tuyệt xảo, Chùa Giỏ (tức Quang Đổ tự) - nơi nhiều người tới cầu phúc, Nhà cổ Tam Tự Đường họ Nguyễn Thạc, dấu tích của dòng Tiêu Tương huyền thoại và nhất là sự đổi mới của quê hương vua Lý anh hùng…

Tưng bừng, nhộn nhịp Đền Đô. Đây là một tấm gương sáng về bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa nước nhà...

Lê Phương Dung - VNCA Xuân 2011
.
.