Đêm - như một thi pháp!

Thứ Sáu, 11/12/2020, 11:21
Đêm đi vào văn chương như một tất yếu, cao hơn như là một thi pháp cơ bản. Trước hết là phạm trù chỉ không thời gian, mà bất cứ tác phẩm nào cũng đều chịu giới hạn trong một khoảng không gian, thời gian nhất định.


Xét về thời gian vật lý thì đêm chiếm một nửa của ngày (24 giờ), là khoảng thời gian để con người nghỉ ngơi, phần nhiều dành cho hoạt động ngủ (7,8 giờ). Những giấc mơ, những kế hoạch, những trăn trở, những nghĩ suy... thường có trong đêm. 

Đêm là khoảng thời gian lý tưởng nhất để người ta yêu dấu nhau. Thế nên bóng đêm có nét biểu tượng cho sự thai nghén, nảy mầm, sinh sôi, phát triển... Đêm cũng để người ta đánh nhau. Bao nhiêu trận đánh lớn trong lịch sử nhân loại được tiến hành về đêm. 

Đêm còn là “đồng minh” của lũ trộm cướp, làm điều gian trá, khuất tất... Thế nên đêm hẳn phải là biểu trưng cho những gì tối tăm, hèn kém, lạc hậu. Cái từ ghép “đi đêm” không chỉ có ở ngôn ngữ nước ta mà có ở nhiều ngôn ngữ khác chỉ những hành vi ám muội...

Bức tranh “Kiều và bóng ma Đạm Tiên!”

Đêm đi vào văn chương như một tất yếu, cao hơn như là một thi pháp cơ bản. Trước hết là phạm trù chỉ không thời gian, mà bất cứ tác phẩm nào cũng đều chịu giới hạn trong một khoảng không gian, thời gian nhất định. Điều này lý giải thần thoại và cổ tích nguyên thủy ít xuất hiện hình tượng bóng đêm bởi một đặc trưng thể loại là không có vật cản. Nhân vật cổ tích thoắt ẩn thoắt hiện, nay đây mai đó, đi mây về gió... tức không chịu giới hạn. 

Thứ nữa tư duy cổ tích đơn giản, nhất phiến, nhân vật là chính nó, mà những suy nghĩ, những trí tuệ thường bật ra từ đêm. Do vậy đến thời kỳ trí tuệ phát triển thì trong văn chương hình tượng đêm mới xuất hiện nhiều. Điều này được chứng minh trong văn học phục hưng phương Tây và văn chương trung đại ở ta. 

Chỉ có đêm làm không gian thì loại nhân vật đặc biệt mới xuất hiện: “hồn ma”. “Hồn ma” chứ không phải thần, thánh hay tà yêu quỷ quái... mà là nửa người nửa ma. Không có đêm thì hồn ma vua cha Hăm Lét không thể hiện về, do vậy cốt truyện sẽ không vận động như vốn có. Không có đêm thì nàng Vũ Nương (“Người con gái Nam Xương”) không thể hiện lên nói chuyện với chồng... 

“Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây” kể chàng học trò Hà Nhân rủ hai ả thiếu nữ về nhà trọ rồi cợt nhả. Hai ả thẹn thò nói: “Chúng em việc xuân chưa trải, nhụy thắm còn phong, chỉ e tình hoa run rẩy, làm giảm thú phong lưu đi mất”. Thế nhưng đêm ấy họ vẫn “tắt đèn đi nằm. Tựa ngọc kề vàng, gối vừa xô đã khoát song hoa đào nghiêng ngả”. Họ lao vào cuộc truy hoan mê mải. Cuối cùng mới vỡ ra chuyện hai ả đó là hồn hoa thành tinh. 

Lời bình của truyện thật chí lý: “thanh lòng không bằng ít dục, dục nếu yên lặng thì lòng rỗng mà điều thiện sẽ vào, tà quỷ còn đến quấy nhiễu làm sao được. Chàng họ Hà lòng trẻ có nhiều vật dục, cho nên loài kia mới thừa cơ quyến rũ”. Bài học ở đây là khuyên người ta phải giảm bớt “vật dục” đi, nếu không muốn bị “quyến rũ” bởi loài yêu ma... Nhất là học trò phải tập trung bút nghiên chứ đừng chuyện hoa bay bướm lượn!

Bước vào ngôi chùa chèo cổ Việt phải đi qua cái cổng tam quan, cửa chính giữa là bi, hai cửa phụ hai bên là hài. Cuộc đời buồn của người phụ nữ là cảm hứng chủ đạo để dân gian xây dựng những hình tượng nhân vật chính là nữ giới trong chèo: Thị Kính, Thị Mầu (Quan Âm Thị Kính), Xúy Vân (Kim Nham), Thị Phương (Trương Viên), Đào Huế (Chu Mãi Thần), Châu Long (Lưu Bình Dương Lễ)… 

Trong đêm hôm khuya khoắt hành động cắt cái râu ngược cho chồng lại là nguồn cơn của mọi bi kịch và lột tả hay nhất các tính cách. Người vợ hiền ngoan yêu chồng lại bị vu oan thành kẻ giết chồng. Cái nguyên cớ bên ngoài là “hiểu nhầm” nhưng sâu xa bên trong là tính cách yếu nhược, hèn hạ, nông cạn của người chồng học trò Thiện Sỹ, là tính cách gia trưởng, độc đoán của “nhà chồng” Sùng Ông Sùng Bà cay nghiệt thiếu nhân tính (Quân Âm Thị Kính).

Bức tranh “Huấn Cao cho chữ!”

Không chỉ huyền thoại mà hầu như mọi thể loại đều tìm cách nương khung cấu trúc vào bóng đêm để sáng tạo. Như một tương phản nghệ thuật, bóng đêm càng dày huyền thoại càng tỏa sáng lung linh. Nhân vật trong văn chương hiện thực cũng tương tự.  

Tuồng “Nghêu Sò Ốc Hến” kể chuyện bốn nhân vật cùng tên. Khép lại vở là cảnh đêm có quan huyện, thầy đề, thầy lý chạm mặt nhau và bị các bà vợ đánh ghen tại nhà Thị Hến. Thế là các quan chẳng làm việc quan mà làm việc của “quỷ”, “quỷ” dâm dục, “quỷ” tham lam, ngu ngốc, dốt nát, đê tiện… 

Đó chính là những sự ngược đời đáng vạch trần lên án nhất với lũ mang tiếng làm “công quyền” mà thực chất là “phản công quyền”… Chỉ có bóng đêm mới làm nền để tạo ra cái ngược đời đích đáng mỉa mai sâu cay các bậc tu mi nam tử quyền cao chức trọng đều biến thành các con vật chui gầm giường, chui vào đống váy áo cũ đàn bà, làm chó kêu, cú rúc…

Hai chữ “văng vẳng” tạo ra sự ám ảnh trong thơ “Bà Chúa thơ Nôm”: “Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom” “Tự tình I”; “Canh khua văng vẳng trống canh dồn” (Tự tình II); “Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng” (Dỗ người đàn bà chết chồng); “Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì” (Bỡn bà lang khóc chồng)… 

Vì sao hình tượng không gian đêm khuya lại xuất hiện nhiều trong thơ Bà đến mức trở thành môtip với 12 lần trên 48 bài thơ: “Đêm thanh đánh lộn một đôi hồi” (Trống thủng); “Con cò mấp máy suốt đêm thâu” (Dệt cửi); “Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn” (Tự tình II); “Đêm vắng cớ chi phô tuyết trắng…/ Năm canh lơ lửng chờ ai đó” (Hỏi trăng II);… 

Và rất nhiều những biến thể của “đêm”: “Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày” (Xướng họa với Chiêu Hổ); “Lấp ló đầu non vừng nguyệt chếch” (Cảnh chùa ban đêm); “Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ” (Cảnh thu); “Một trái trăng thu chín mõm mòm” (Trăng thu). Những tiếng “văng vẳng” trên đều vẳng ra từ đêm… 

Hình tượng đêm khuya này nói rất sâu về chủ thể trữ tình rất nhạy cảm về thính giác, luôn lắng nghe những âm thanh có thể là hữu thanh hoặc vô thanh của đêm. Chắc hẳn nhiều thi phẩm được tác giả nảy tứ, sinh tình và hoàn thiện trong không gian ấy!

Nhất là trong “Truyện Kiều” thì rất nhiều “đêm” làm điểm tựa cho các sự kiện: gặp Đạm Tiên, hẹn hò Kim Trọng, trao duyên Thúy Vân, Sở Khanh lừa đảo...

Trong văn học hiện đại, đêm cũng là một thi pháp quan trọng. Phân tích văn xuôi Thạch Lam không thể bỏ qua cái chìa khóa bóng đêm để bước vào thế giới nghệ thuật tinh tế, nhẹ nhàng, sâu lắng của ông. Bóng đêm bao phủ một màn sương mờ vào tác phẩm Thạch Lam để “mờ hóa” nhân vật. 

Các nhân vật Liên, An, chị Tí, bác Siêu, bố con bác xẩm trong “Hai đứa trẻ” như hoà vào bóng đêm gợi ở người đọc một niềm thương cảm, một nỗi xót nhẹ nhàng, một nghĩ suy về kiếp người mong manh. Ta hiểu vì sao họ cố mà chờ chuyến tàu đêm. Vì có ánh sáng. Câu chuyện nhen lên một chút hy vọng, dù mơ hồ vào sự thay đổi, một khát vọng có ánh sáng cho cuộc đời bớt đi bóng tối...

Trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân) là một sự đối lập tương phản đến triệt để bóng đêm và ánh sáng. Sự cho chữ “Thánh hiền” cao cả thiêng liêng ở trong không gian nhà tù đầy phân gián phân chuột. 

Đúng là một “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. “Một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng” vẫn ung dung, tự tại cho chữ. “Những nét chữ trên tấm lụa bạch trắng tinh còn nguyên vẹn lần hồ” kẻ có chức quyền là thầy thơ lại, viên quản ngục “khúm núm, run run”. 

Hình tượng Huấn Cao và ngọn đuốc tỏa sáng xua đi bóng tối ngục tù. Truyện rất tiêu biểu cho mỹ học cái đẹp, cái thiên lương như ánh sáng có thể thức tỉnh nhân tâm, kéo con người từ bóng đêm về với cõi thiện, cõi đẹp!

Không có những đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài sẽ không có phong tục “trai đứng nhẵn đầu vách” tìm kiếm tình yêu trong “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài). Càng không có tiếng sáo văng vẳng khắp không gian vọng trong tác phẩm rồi vọng vào người đọc mời gọi trở về với rạo rực mùa yêu ở một nơi xa xôi khác lạ. 

Hẳn nhiên một người nồng nàn tha thiết như Mỵ sẽ không chấp nhận cái không gian tù đày mà tập quyền (tập quán), thần quyền (ma), cường quyền đã dồn đuổi Mỵ trở về với loài vật “như con rùa nuôi trong xó cửa”. Thế nên trong đêm Mỵ uống rượu ừng ực từng bát. Có phải Mỵ uống rượu đâu. Mỵ uống đi cái cay đắng, tủi hờn để mà say về một thế giới khác có tiếng sáo gọi bạn, có người tình đợi ngoài rừng kia... 

Tất yếu Mỵ cắt dây trói tức cắt đi sự trói buộc của các thứ quyền lực tàn ác kia để trở về đích thực là người phụ nữ Mông đầy sức sống, nồng nàn, khỏe khoắn xuân tình...

Đấy là trong văn chương, trong đời thực, khoa học cho biết, đêm quan trọng hơn ban ngày. Để ngủ, lấy sức tái sản xuất. Để dinh dưỡng tinh thần sau mệt ngày mệt nhọc. Để tư duy, trong giấc mơ những ý tưởng tuyệt vời sẽ xuất hiện. Nhất là các nhà thơ phải ngủ sâu hơn mới có thể gặp được Nàng Thơ!

Nguyễn Thanh Tú
.
.