Đêm giao thừa và bát cháo tình nghĩa Việt – Lào

Thứ Năm, 08/02/2007, 15:00

Mặc dù đã xa Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng hơn 40 năm, nhưng hương vị của bát cháo đêm giao thừa và tình cảm của các bạn Lào đêm ấy vẫn sống mãi trong lòng tôi

Ngày ấy, chúng tôi gồm 3 người, tập họp từ  ba bộ phận khác nhau của Thông Tấn xã Việt Nam được cử sang giúp Thông Tấn xã Lào (KPL) tại khu vực Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng (CĐC - XK). Theo sự phân công, tôi giúp bạn về nghiệp vụ tin tức; đồng chí Ngô Minh Đạo giúp bạn về nghiệp vụ ảnh và đồng chí Nguyễn Danh Bưởi giúp bạn về kỹ thuật buồng tối. Sau 3 tháng học tập chính trị và luyện tập thể lực (mang vác nặng và đi bộ) một đêm mưa phùn gió bấc của mùa đông năm 1967, chúng tôi từ một địa điểm sơ tán theo một chiếc xe tải chở gạo đến địa điểm tập kết.

Cuối mùa mưa năm ấy, tổ phóng viên KPL đang tạm ở giáp biên giới Việt Nam được lệnh tiến dần về phía Cánh Đồng Chum. Thế là một lần nữa, tôi cùng các bạn Lào khoác ba lô với đầy đủ gạo, thực phẩm, súng đạn hành quân trở lại Khăng Khay. Những cơn mưa cuối mùa rả rích, cứ lặp đi lặp lại hết ngày này sang ngày khác. Theo con đường giao liên, chúng tôi cứ ngày đi đêm nghỉ, chỗ nào có nước thì dừng lại nấu ăn rồi lại đi tiếp. Quần áo cứ ướt lại khô.

Các đồng chí Amkhan, Uônxỉ... giành mang giúp ba lô, bao gạo của tôi. Nàng Thoong, cô y tá trẻ mới được bổ sung cho tổ thì chăm lo sức khỏe mỗi khi dừng lại. Một vết xây xát ở bắp chân tôi cố giấu, nhưng không được và khi dừng dù chỉ vài phút, cô tranh thủ rửa vết thương và bôi thuốc mới. Đến cuối ngày thứ 3, chúng tôi đã tới khu rừng, cách Khăng Khay không xa lắm. Amkhan quyết định đi đường tắt, tuy nguy hiểm vì phải qua một trọng điểm máy bay Mỹ đánh phá rất ác liệt, nhưng lại rút ngắn được một ngày. Lúc này trời đã tối, nhưng tiếng máy bay vẫn rền rĩ đâu đó rất gần.

Theo ý kiến đồng chí tổ trưởng, mọi người nghỉ lại để sáng sớm mai vượt trọng điểm. Nhưng vừa đặt ba lô xuống thì một tốp máy bay phản lực đến trút một loạt bom rất gần chỗ chúng tôi đang đứng. Tôi nghe tiếng nổ xé toạc màn đêm và cả quả đồi dưới chân rung lên chao đảo. Đất đá rơi thình thịch, cành cây bay vèo vèo trên đầu và chung quanh tôi. Như phản xạ tự nhiên, tôi với vội chiếc ba lô che đầu rồi ngã úp mặt xuống sườn đồi. Lúc này ngực tôi như có ai bóp nghẹt và tiếp đó là cơn ho sặc sụa, nước mắt, nước mũi trào ra vì hít phải khói bom. Tôi hồi hộp chờ loạt bom tiếp theo, nhưng lần này bom rơi xuống bên kia chân đồi. Sau loạt bom không gian yên tĩnh đến ghê sợ. Tôi cảm thấy rõ nhất là mùi khét lẹt của khói bom, mùi ngai ngái của cây, lá mục, mùi hăng hăng của đất đồi... Amkhan quyết định lùi lại phía sau một đoạn nữa để bảo đảm an toàn.

Lúc này, cả đoàn chưa ai mắc xong võng thì trời đổ mưa. Trận mưa như trút nước nữa làm tôi và mọi người ướt sũng. Ai cũng cảm thấy đói, nhưng không thể nhóm lửa nấu cơm được vì ánh lửa sẽ là mục tiêu nhử máy bay đến. Chúng tôi chia nhau phong lương khô cuối cùng. Đêm ấy tôi không sao ngủ được vì đói và rét. Sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy từ 4 giờ và tiếp tục trèo đèo, lội suối theo con đường giao liên để đến địa điểm tập kết.

Tới nơi, tôi bàn ngay với đồng chí tổ trưởng cử phóng viên sang Bộ chỉ huy tiền phương ở cách đó 600m nắm tin tức về trận quân giải phóng pháo kích sân bay dã chiến của địch ở Cánh Đồng Chum sáng sớm hôm nay. Khoảng gần 2 giờ sau, đồng chí phóng viên đi nắm tình hình về và thông báo lại với tôi. Nghe xong cũng là lúc cơn sốt rét kéo đến với tôi. Đây là trận sốt rét đầu tiên kể từ ngày tôi đặt chân lên đất Lào. Rét từ trong bụng rét ra. Người tôi run bắn lên và hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập. Các đồng chí Amkhan, Uônxỉ và nàng Thoong lo thu dọn cho tôi một chỗ nằm tạm ở giữa hang đá và dành cho tôi hai chiếc chăn cá nhân. Cơn sốt kéo dài đến gần nửa đêm. Dứt cơn sốt vì quá mệt tôi đã thiếp đi lúc nào không biết.

Lúc tỉnh dậy nhìn đồng hồ đã gần 4 giờ sáng và tôi thấy Amkhan và cô y tá cùng ngồi bên cạnh. Cả hai người nói đã thức từ chập tối cho đến khi tôi tỉnh giấc vì lo lắng cho tôi nên không ai nỡ đi ngủ. Hết sốt, mồ hôi vã ra như tắm, người tôi lạnh toát. Tôi cảm thấy đói và khát nước. Mặc dù vậy, tôi vẫn cố gượng ngồi dậy cầm bút viết. Vừa cầm bút thì hai mắt tôi đã như có hàng vạn đốm lửa nhỏ bay qua bay lại. Tay tôi run không làm chủ được cây bút.  Phải cố gắng lắm tôi mới viết xong một tin ngắn sau 2 giờ đánh vật với từng con chữ. Lúc này, đồng chí tổ trưởng mới nói thật với tôi là máy thông tin đã hỏng từ khi đến đây và nhân viên báo vụ đang tích cực chữa.

Có thêm thời gian, chiều hôm ấy tôi tranh thủ chữa và hoàn chỉnh bản tin viết từ sáng. Vừa bỏ bút xuống thì cơn sốt rét thứ 2 lại ập đến. Amkhan phải lấy thêm một chiếc chăn nữa đắp cho tôi mới thấy tôi đỡ run. Tôi lại thiếp đi trong cơn mê sảng. Các bạn rất lo tôi bị sốt rét ác tính nên đã tính đến phương án đưa tôi đi trạm xá quân y hiện đóng cách chỗ chúng tôi gần một ngày đường. Nhưng rồi cơn sốt cũng qua đi. Dứt sốt tôi ngồi dậy và muốn ra ngoài, nhưng bước không vững. Uônxỉ đến dìu tôi đi, nhưng tôi vẫn có cảm giác như chân không chạm đất. Amkhan báo với tôi rằng máy đã sửa được và tin chuyển về Tổng xã và Đài Tiếng nói Mặt trận Lào yêu nước đã sử dụng. Tuy vẫn còn mệt vì cơn sốt vừa đi qua, nhưng  tôi cố gắng hòa mình vào không khí đang vui vẻ của bạn vì đã có tin đầu tiên về chiến dịch phản công giành lại Cánh Đồng Chum. --PageBreak--

Ở trong rừng hình như trời tối nhanh hơn. Tôi nhìn đồng hồ chưa đến 6 giờ chiều mà cả khu rừng như đã chìm trong màn đêm dày đặc. Lúc này, tôi mới chợt nhớ ra hôm nay đã là 30 Tết Việt Nam và nói với đồng chí tổ trưởng: Chỉ còn 6 giờ nữa là Việt Nam đón giao thừa. Giờ này Hà Nội chắc vui lắm. Amkhan nói với mọi người: Chúng ta kiếm cái gì để cùng anh Nên đêm nay đón giao thừa.

Thế rồi, để cô y tá ở lại với tôi, còn hai người vào bản mua và xin các loại thực phẩm. Khoảng 40 phút sau thì hai người về và mang theo  0,2 kg đường, 0,5 kg gạo nếp và một củ mỡ do các nhà sư cao tuổi không đi sơ tán hiện ở hai ngôi chùa gần đấy đã nhiệt tình ủng hộ anh em. Cô y tá để lại cho ngày hôm sau 1/2 số gạo nếp và củ mỡ, số còn lại cho vào chiếc nồi quân dụng nhỏ nấu cháo. Thế là tôi và các phóng viên bạn cùng quây quần đón giao thừa Việt Nam bằng một nồi cháo tại một khu rừng giữa lúc tiếng bom Mỹ từ đường số 7 vẫn dội về không ngớt.

Đưa bát cháo lên miệng, tự nhiên nước mắt tôi trào ra và chảy tràn xuống hai gò má gồ lên vì mấy ngày sốt rét vừa qua. Trong ánh đèn dầu, tôi cố không để bạn nhìn thấy tôi khóc. Tôi nhớ tới tất cả những người thân cùng hương vị Tết đầm ấm mà người xa xứ nào cũng luôn mang theo nó trong lòng mỗi khi Tết đến, xuân về.  Các bạn Lào lần lượt chúc Tết tôi trong không khí đầm ấm của tình cảm Việt - Lào. Bát cháo chứa chan tình nghĩa Việt - Lào đêm giao thừa như đã tiếp thêm sức cho tôi bám trụ ở Cánh Đồng Chum trong những ngày tháng tiếp theo.

Mặc dù đã xa Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng hơn 40 năm, nhưng hương vị của bát cháo đêm giao thừa và tình cảm của các bạn Lào đêm ấy vẫn sống mãi trong lòng tôi. Năm 1987, tôi lại có may mắn trở lại Lào và gặp một số bạn Lào đã từng chia sẻ khó khăn, vất vả  và cả niềm vui trong những năm tháng làm việc thời chiến tranh khi nhắc lại kỷ niệm cũ  ai cũng rơi nước mắt.

Điều làm tôi vui nhất là hầu hết các  phóng viên KPL năm ấy đã trưởng thành; trong đó đồng chí Bun Têng đã được Nhà nước Lào cử làm Tổng Giám đốc TTX, sau đó là Thứ trưởng Bộ VH-TT rồi đi làm Đại sứ Lào tại một số nước châu Âu. Phômma nay đã là Phó Tổng giám đốc KPL phụ trách kỹ thuật, còn Amkhan là Giám đốc Ty VH-TT một tỉnh ở Nam Lào và gần đây tôi được tin anh đã mất.

Tôi nhớ đến anh, một người làm báo của Lào năng nổ, giàu tinh thần trách nhiệm, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng nghiệp và tận tình với người bạn Việt Nam. Năm 1980 lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất anh được sang Việt Nam công tác mặc dù không biết đường sá Hà Nội nhưng anh vẫn tìm đến cơ quan Thông Tấn xã Việt Nam thăm tôi và tặng tôi một chai mật ong- sản phẩm của quê hương anh vì anh biết sức khỏe tôi không tốt lắm. Kỷ niệm về Lào trong tôi có nhiều kỷ niệm về anh và tôi tin rằng thời gian sẽ không xoá đi được

Nguyễn Tử Nên
.
.