Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: Kẻ mộng mơ trong thế giới điện ảnh

Thứ Sáu, 29/09/2017, 15:33
Bây giờ người ta gọi Phan Gia Nhật Linh là đạo diễn "triệu đô". Người ta chẳng ngoa bởi "Em là bà nội của anh", "Cô gái đến từ hôm qua" liên tiếp đại thắng với doanh thu khủng. Nhưng Linh chẳng bận tâm nhiều đến danh xưng hoa mỹ mà người đời ưu ái dành tặng. Anh chỉ thích làm một kẻ mộng mơ, phiêu lưu qua từng thước phim như hồi thơ bé nông nổi...


Đâu đó ở những cuộc thi dành cho các bạn trẻ mới tập tễnh làm phim, người ta thường bắt gặp bóng dáng Phan Gia Nhật Linh. Khi thì anh đảm nhận vai trò giám khảo, khi thì anh dạy họ làm phim, lúc lại làm người truyền lửa cho bao trái tim thanh xuân nhiệt huyết. 

Họ là hình ảnh của anh ngày chưa xa: Trẻ trung, sôi nổi, và đam mê đến quyết liệt với phim ảnh. Hồi còn cầm trịch Tiệc phim ngắn Yxineff (tồn tại từ năm 2010 đến 2014), có một mùa giải anh cùng ban tổ chức lấy chủ đề "Những kẻ mộng mơ". 

Ừ thì, gia tài của tuổi trẻ có gì ngoài bầu máu nóng và giấc mộng. Anh cũng như họ. Cứ mơ mộng và gửi mộng mơ, ngay cả mộng mơ điên rồ nhất, vào không gian nghệ thuật thứ bảy.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh.

Linh mê phim ảnh điên cuồng. Mê đến mức cực đoan. Anh lao vào tìm hiểu nó ngay khi còn là một cậu bé mài đũng quần trên ghế nhà trường. Mẹ anh làm việc trong một công ty xuất nhập khẩu phim nên thế giới ngày nhỏ của Linh tràn ngập phim ảnh. Cậu bé mê phim đến quên ăn quên ngủ, mong ước sau này mình sẽ làm một bộ phim để đời.

Đến khi đứng trước cánh cửa đại học, anh buộc phải thi vào trường kiến trúc, luật, bách khoa - những trường chẳng liên quan gì đến điện ảnh. Anh thi chỉ vì mong muốn của cha mẹ. Mẹ anh chúa ghét nghề đạo diễn. Trong mắt bà, đạo diễn là người lắm điều tiếng, sống phóng túng và quan hệ lăng nhăng với diễn viên. Nhưng ước mơ điện ảnh trong Linh chưa bao giờ phôi pha, thậm chí còn bùng lên dữ dội.

Mê James Cameron và Luc Besson như điếu đổ nên Linh hào hứng chọn trường kiến trúc vì nghe đâu hai đạo diễn lừng danh này cũng từng học kiến trúc. Linh nghĩ thầm, biết đâu vận mệnh đưa đẩy vòng vo một hồi mình cũng đến được điện ảnh giống như họ. Điều anh thầm nghĩ đã đúng. Chỉ hơi khác là con đường ấy lắm vòng vo, trắc trở quá.

Năm tháng ngồi trên giảng đường, anh khiến giới chuyên môn biết tới với tư cách một cây bút phê bình phim tưng tửng nhưng vô cùng sắc sảo, chua cay mang cái tên Phan Xi Nê. Anh cắt nghĩa: "Bút danh như vậy vì họ tôi là Phan và tôi mê xinê. Phan Xi Nê hay fan cinema". Những bài phê bình của Phan Xi Nê đăng trên các tờ báo uy tín khiến không ít tay đạo diễn lừng danh nóng máu. Có người ghét anh ra mặt vì bị chê bai.

Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, Phan Gia Nhật Linh về làm Thư ký tòa soạn cho tờ Điện ảnh Kịch trường. Nhưng khao khát làm phim vẫn cháy bỏng khiến anh rời bỏ công việc mà nhiều người mơ ước để đi theo các đoàn phim làm việc... vặt. Khỏi phải nói gia đình sốc đến cỡ nào. Đang yên đang lành, năm 2006, anh săn học bổng theo học chuyên ngành đạo diễn tại Trường Đại học Nam California (USC, Mỹ). Bạn bè con mình tốt nghiệp ra trường ai cũng có việc làm ổn định, riêng cậu con "trời đánh" vẫn suốt ngày phim với ảnh khiến ba mẹ chỉ biết than trời.

Ngay cả trong nước, giới làm phim không ngừng kháo nhau về sự ra đi của Phan Gia Nhật Linh. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cảnh báo: "Coi chừng điện ảnh Việt Nam mất đi một cây bút phê bình xuất sắc mà có thêm một đạo diễn cùi bắp".

Về nước, mối quan hệ cũ ở Việt Nam trong mấy năm du học bị đứt gãy, Linh phải bắt đầu lại từ đầu bằng cách xin phụ việc ở đoàn phim. Anh nhận làm sản xuất, đạo diễn hậu trường, phó đạo diễn, tham gia tổ chức Tiệc phim ngắn Yxineff…

Chưa quen với môi trường làm phim trong nước, anh chưa thể bắt tay làm phim ngay. Mọi lời mời cho vị trí đạo diễn đều bị từ chối khiến người ta bĩu môi bảo Phan Gia Nhật Linh đi học nước ngoài về nên chảnh. Người khác thì nguýt dài: "Ngữ ấy chê bai người khác thì giỏi chứ làm được trò trống gì". "Tôi thuộc tuýp người cứng đầu. Để kiếm sống, tôi có thể làm bất cứ công việc gì. Nhưng với điện ảnh thì gặp phim không phù hợp thì tôi không làm mà sẵn sàng chờ đúng cơ hội. Tôi phải làm bộ phim mà mình thích" - anh thành thật.

Chính sự "làm cao" này khiến Nhật Linh bị "soi" siêu kỹ khi anh bắt tay thực hiện bộ phim đầu tiên vào năm 2012: Phim truyền hình "Bếp hát". Dù chỉ là đồng đạo diễn nhưng thất bại thê thảm của bộ phim trở thành cái cớ cho những người ghét Phan Xi Nê lên án, công kích. "Kẻ từng lớn tiếng chê bai điện ảnh trong nước, được học ở Hollywood, cũng tầm thường như bất kỳ ai". Những câu khích bác như vậy khiến anh rơi xuống vực sâu.

Một câu hỏi không ngừng truy vấn: "Mình có thực sự làm phim được không?". Anh nhớ lại bộ phim "Dreams" của đạo diễn Nhật Bản Akira Kurosawa. Chẳng lẽ mình cũng như những người bị lạc trong bão tuyết, vất vả tìm đường trở về lều nhưng cuối cùng lại gục chết khi chiếc lều chỉ còn cách họ vài bước chân? Chẳng lẽ bỏ ra mười mấy năm trời theo đuổi điện ảnh, giờ chỉ vì một thất bại mà bỏ hết tất cả?

Cảnh trong phim “Cô gái đến từ hôm qua”.

Năm 2014 là một năm khủng hoảng đối với Phan Gia Nhật Linh. Chia tay Yxineff, anh quyết phải làm cái gì đó chứ không thể lông bông thế này mãi. "Em là bà nội của anh" đến ngay lúc ấy như một bước ngoặt cuộc đời anh. Phan Gia Nhật Linh rất yêu phiên bản gốc "Miss Granny" của Hàn Quốc nên anh tha thiết muốn tham gia dự án Việt hóa.

"Lúc đó có rất nhiều đạo diễn giơ tay xung phong. Nhưng có lẽ thấy tôi quá yêu bộ phim nên nhà sản xuất quyết định trao cơ hội cho một đạo diễn mới toanh như tôi"- anh cười. Và bộ phim đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Linh không ngạc nhiên vì anh biết khi mình làm phim với một tình yêu vô bờ bến thì khán giả cũng sẽ yêu quý bộ phim ấy.

Phan Gia Nhật Linh không buồn quan tâm đến lợi nhuận. Chuyện đó của nhà sản xuất. Anh cũng chẳng coi đạo diễn là một nghề kiếm sống. Linh nói: "Với tôi, một trong những điều quan trọng nhất khi làm phim chính là bạn phải trả lời được câu hỏi "Bộ phim này nói về cái gì?" và "Tại sao bạn muốn làm bộ phim này?". Tôi làm chỉ vì một lý do đơn giản: Tôi có điều muốn nói và một cảm xúc muốn truyền tải. Tôi làm phim trước hết cho mình chứ không phải để chứng tỏ mình thông minh, tài giỏi hơn người khác". 

Là người sống tình cảm, coi trọng các giá trị gia đình nên khi nhận thấy Việt Nam đang thiếu vắng phim về đề tài này, Phan Gia Nhật Linh bắt tay thực hiện ngay. "Em là bà nội của anh" cuốn hút anh bởi đây là một bộ phim về tình cảm gia đình, tình mẫu tử và ca ngợi năm tháng thanh xuân tươi đẹp, đầy mộng mơ. Một bộ phim nho nhỏ, xinh xinh, nhẹ nhàng nâng niu những giá trị mà Linh trân trọng.

Phan Gia Nhật Linh làm bộ phim "Cô gái đến từ hôm qua" cũng với tâm thế đó. Nhân vật Thư "thơ thẩn" trong phim được xem là khá giống Linh hồi còn đi học. Thư mang biệt danh "thơ thẩn" vì anh chàng luôn mộng mơ bay bổng, yêu nghệ thuật, tâm hồn treo ngược cành cây. Chàng ngâm thơ, viết thư, đàn hát, vẽ tranh tán tỉnh cô bạn cùng lớp xinh đẹp.

"Cô gái đến từ hôm qua" như món quà lưu niệm anh dành tặng cho thuở áo trắng của mình. Ngoài những chi tiết có trong truyện gốc Nguyễn Nhật Ánh, rất nhiều tình tiết trong phim được anh gia cố thêm: Chương trình làn sóng xanh qua radio, chép lời bài hát thì thâu âm rồi bấm dừng từng câu, thả thuyền giấy dưới mương, cuốn sổ bí mật với bao hình ảnh ngộ nghĩnh...

Trải qua bao sóng gió, đến khi chạm được vào giấc mơ xa xưa, trong Linh vẫn là tâm hồn của một cậu bé nhiều mơ mộng. Sau hai bộ phim điện ảnh thành công rực rỡ, anh chuyển sang làm phim hoạt hình có tên "Dưới bóng cây - Hành trình trở về". Đây được kỳ vọng là bộ phim hoạt hình thương mại đầu tiên của Việt Nam.

Nhắc đến bộ phim hoạt hình ấy, anh lại nhớ đến căn nhà của ba mẹ. Căn nhà nằm nép sâu trong một con hẻm, có hoa trái, có bóng cây che mát tuổi thơ ngây. Nơi ấy, ấp ủ cho Linh bao giấc mơ giữa trưa hè nắng xiên qua bóng lá. Nơi ấy, điện ảnh đưa anh trở về làm cậu bé trên cây, đung đưa thả những giấc mơ lên trời và biến nó thành hiện thực bằng những thước phim trong veo như khoảng trời ngày hạ...

Phan Thi Uyên
.
.