Đạo diễn - NSƯT Hoàng Lâm Tùng: Sân khấu với tôi như "mối tình đầu"

Thứ Hai, 10/07/2017, 08:04
Một trong những ưu điểm của Hoàng Tùng đó là bởi anh là người ham đọc, ham học hỏi cho nên cho dù là người "chuyên trị" vai chính diện nhưng Hoàng Lâm Tùng luôn có những nỗ lực riêng để các vai diễn mang những màu sắc khác nhau, để lại dấu ấn riêng trong lòng khán giả...


Trung tuần tháng 6 vừa qua, được sự phân công của Ban giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, đạo diễn - NSƯT Hoàng Lâm Tùng đã mang vở kịch "Khát vọng" (Kịch bản: cố Đại tá, NSƯT Tạ Xuyên) do anh làm đạo diễn đi biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sỹ và bà con nhân dân các huyện, xã vùng sâu vùng xa của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Kịch bản được chuyển thể từ tác phẩm "Mùa hoa cải bên sông" của nhà văn Nguyễn Quang Thiều có một thông điệp nhân văn sâu sắc, hướng con người tới cuộc sống tốt đẹp, xóa bỏ mọi định kiến, hận thù bằng tình yêu và sức mạnh của tuổi trẻ.

Miền Trung những ngày cao điểm của gió Lào, với cái nắng và gió như thiêu đốt đã không làm chùn bước chân của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam về với bà con vùng sâu vùng xa. Được sự kết nối của nghệ sĩ Xuân Bắc - Phó Giám đốc nhà hát, đạo diễn - NSƯT Hoàng Lâm Tùng cùng đoàn công tác đã phối hợp với Tỉnh đoàn Nghệ An và Tỉnh đoàn Hà Tĩnh lên kế hoạch đi biểu diễn tại các huyện Hoàng Mai, Nghi Lộc, Diễn Châu, Cửa Lò của Nghệ An và Đức Thọ của Hà Tĩnh. Chuyến lưu diễn đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả.

Chia sẻ với phóng viên, đạo diễn - NSƯT Hoàng Lâm Tùng cho biết, chuyến công tác đầy ý nghĩa của đoàn nghệ sỹ Nhà hát kịch Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt là ghi dấu ấn trong lòng khán giả với một vở diễn được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Các khán giả là người dân ở vùng sâu vùng xa, có những người chưa bao giờ được tiếp cận với nghệ thuật kịch nói đến xem chương trình đã rất vui, phấn khởi và dành cho anh chị em nghệ sĩ những tình cảm ấm áp chân tình và cả sự ngưỡng mộ. Bởi trước đây, họ chỉ được nhìn thấy những gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng qua màn ảnh ti-vi, thì nay lại may mắn được gặp những con người bằng xương, bằng thịt mộc mạc, giản dị, gần gũi với bà con.

Đạo diễn - NSƯT Hoàng Lâm Tùng chia sẻ thêm: "Thật hạnh phúc khi thấy những gương mặt bà con xem kịch mà mồ hôi nhễ nhại bởi nắng nóng nhưng bà con vẫn rất háo hức, phấn khởi đón xem. Kết thúc mỗi buổi diễn là tràng dài vỗ tay hoan hô, những cái bắt tay, những kiểu ảnh kỷ niệm, những giọt mồ hôi của cả người xem và người biểu diễn đã khiến người nghệ sĩ và khán giả thêm gần gũi, gắn bó hơn...".

"Khát vọng" là vở diễn đầu tay của đạo diễn - NSƯT Hoàng Lâm Tùng ra mắt khán giả Thủ đô đến tháng 6 này là vừa tròn 1 năm.  Với nhiều khám phá, thử nghiệm và  cũng là nhiều tâm huyết, gửi gắm, Hoàng Tùng sau gần 20 năm gắn bó với nghiệp diễn viên đã chọn kịch bản "Khát vọng" để thử sức mình. Đây thực sự là một thử thách không dễ vượt qua, bởi lẽ cách đây 25 năm, vở kịch này đã từng gây tiếng vang lớn khi được Đoàn kịch nói Quân đội, nay là Nhà hát kịch Quân đội  dàn dựng.

Chưa kể sau đó, với phim truyền hình "Lời nguyền của dòng sông" cũng chuyển thể từ tác phẩm "Mùa hoa cải bên sông" do NSND Khải Hưng làm đạo diễn đã không chỉ được khán giả yêu thích mà còn giành được nhiều giải thưởng lớn. Hoàng Lâm Tùng tâm sự rằng, đó là những "cái bóng lớn" khó mà vượt qua, nhưng anh luôn tâm niệm rằng phải làm sao để đứa con tinh thần của mình mang một hình hài, một dáng dấp riêng.

Để làm được điều này, anh đã mang nhiều trăn trở, nhiều đêm thao thức và cuối cùng đã tìm được "chìa khoá" cho vở diễn, đó chính là khai thác chất thơ, giá trị nhân văn của tác phẩm. Câu chuyện về năm con người trong một gia đình mấy chục năm bị trói chặt vào một con thuyền chật hẹp, năm tháng nổi nênh theo sông nước bởi một lời nguyền nghiệt ngã "tuyệt giao với lũ người trên bờ" khi gia đình này phải chôn xác người vợ, người mẹ yêu thương của mình dưới lòng sông lạnh lẽo.

Bằng tác phẩm của mình, đạo diễn - NSƯT Hoàng Lâm Tùng muốn gửi đến cho khán giả thông điệp về khát vọng sống, khát vọng đổi thay, khát vọng tình yêu và hạnh phúc sẽ vượt lên trên và hóa giải mọi định kiến, mọi hận thù. 

Đạo diễn - NSƯT Hoàng Lâm Tùng luôn nói rằng, anh đến với nghệ thuật tất cả là nhờ chữ "duyên".  Bởi lẽ lúc đầu anh hoàn toàn không có ý định dự thi vào Trường Sân khấu - Điện ảnh mà do có một người bạn nhờ anh đóng cùng một tiểu phẩm để dự thi. Ấy vậy mà bạn trượt, còn mình thì lại đỗ. 

Cái duyên đã đưa anh đến với nghệ thuật sân khấu, giữ anh ở lại với nghề cho đến tận bây giờ. Nhưng anh cũng thừa nhận rằng, càng sống lâu với nghề, tình yêu của anh đối với sân khấu lại càng sâu nặng hơn thuở ban đầu. Đầu quân về Nhà hát kịch Việt Nam, trong nhiều năm liền Lâm Tùng được giao những vai chính diện "người tốt - việc tốt".

Một trong những ưu điểm của Hoàng Tùng đó là bởi anh là người ham đọc, ham học hỏi cho nên cho dù là người "chuyên trị" vai chính diện nhưng Hoàng Lâm Tùng luôn có những nỗ lực riêng để các vai diễn mang những màu sắc khác nhau, để lại dấu ấn riêng trong lòng khán giả. Không chỉ thành công trên sân khấu kịch, Hoàng Lâm Tùng còn tham gia nhiều phim truyền hình dài tập như "Vòng nguyệt quế", "Huyền sử thiên đô", "Trò đời"...  và cũng "có duyên" với phim điện ảnh. Trong đó, phải kể đến những vai diễn lớn của anh tham gia gần đây như vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong "Sống cùng lịch sử" (đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân) và vai nam chính trong phim "Cuộc đời của Yến" (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ).

Một cảnh trong vở ''Khát vọng'' của đạo diễn Lâm Tùng.

Nhớ lại thời gian tham gia bộ phim "Sống cùng lịch sử" của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, nghệ sĩ Hoàng Lâm Tùng vẫn còn xúc động. Bởi lẽ, chính anh cũng không ngờ được rằng mình lại được mời vào vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một con người ưu tú, được nhân dân kính nể cả về tài năng và nhân cách. Vì thế, khi nhận được lời mời tham gia vai diễn này, Hoàng Lâm Tùng cảm thấy khá lo lắng.

Anh tâm sự: "Khi biết tôi lo lắng về phần ngoại hình nom không giống Đại tướng, đạo diễn Thanh Vân có nói với tôi rằng, hình ảnh bộ phim muốn hướng tới không phải là Đại tướng với những quyết sách lớn lao, mà phim sẽ đào sâu vào đời sống tình cảm đầy nhân văn giữa Đại tướng với các chiến sĩ... Chính vì thế, yếu tố đóng vai trò quyết định sự thành công của vai diễn không phải là yếu tố ngoại hình mà là cuộc sống nội tâm bên trong đầy lo toan, thao thức và đầy tình cảm…".

Cũng giống như nhiều con dân đất Việt, Hoàng Lâm Tùng có tình cảm tôn kính dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chính vì thế, anh muốn làm sao phải thể hiện thật tốt vai diễn này. Sau đó anh đã tìm đọc rất nhiều tài liệu, sách báo, về cuộc sống, con người và sự nghiệp quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cũng nhờ thế, nghệ sĩ Hoàng Lâm Tùng có thêm rất nhiều kiến thức về lịch sử, quân sự, văn hóa... và đã thể hiện thành công vai diễn của mình. Anh cũng luôn tâm niệm, tri thức chính là người bạn đồng hành, là yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công đối với mỗi người, cho dù người đó làm nghề gì, ở vị trí công tác nào...

Nhắc lại bộ phim "Sống cùng lịch sử", Hoàng Lâm Tùng cho rằng chính anh cũng cảm thấy tiếc vì công tác PR quảng bá bộ phim đã làm không được tốt để nó có thể đến được với công chúng rộng rãi. Nhưng với phần việc, với vai trò diễn viên của mình, anh cảm thấy không có gì phải hối tiếc vì đã nỗ lực hết mình.  

Lựa chọn trở thành đạo diễn sân khấu sau chặng đường dài gần 20 năm biểu diễn, Hoàng Lâm Tùng với "Khát vọng" đã ít nhiều để lại dấu ấn tốt đẹp đối với bạn nghề. Công việc của một đạo diễn đòi hỏi nhiều thử thách, nhiều nỗ lực chứ không chỉ làm tốt phần việc của mình như của một diễn viên. Nhưng Hoàng Lâm Tùng với một tình yêu mãnh liệt hiếm thấy dành cho sân khấu, với nghị lực, tinh thần ham học hỏi, tìm tòi, lại luôn trăn trở với nghề đã khiến nhiều bạn nghề trân trọng, nể phục.

Trong những năm qua, sân khấu Hà Nội có nhiều khó khăn, một số anh chị em nghệ sĩ không tránh được cảm giác "chông chênh", "đứng núi này trông núi nọ". Song, trò chuyện với Hoàng Lâm Tùng mới thấy thực trân quý người nghệ sĩ này bởi trong anh, tình yêu dành cho sân khấu dường như rất lớn lao, sâu sắc, thủy chung.

Tôi cứ nghĩ mãi về lời anh nói, rằng: "Sân khấu với tôi giống như mối tình đầu ấy. Nếu bạn yêu thật đằm sâu một người, thì bất kể là thời gian trôi qua bao lâu, bất kể người mình yêu theo thời gian đã già đi thế nào, khi gặp lại hình bóng ấy, trái tim bạn vẫn cứ xúc động, vẫn cứ vấn vương!...".

Nguyệt Hà
.
.