Đạo Người trong quan niệm của "Thầy của nhiều thầy"

Thứ Sáu, 25/01/2013, 08:00

Giáo sư Cao Xuân Huy đã trân trọng xếp ông vào hàng nhà lý học (tư tưởng, triết học) xuất sắc Việt Nam đầu thế kỷ 20. Trong hồi ký của mình, Giáo sư Đặng Thai Mai - người vừa là học trò, vừa là con rể của ông, đã viết: "Người có công lớn trong việc rèn luyện cho tôi một phương pháp suy nghĩ, phương pháp làm việc chính là thầy Cử Hồ. Tôi thực lòng xem thầy là người cha thứ hai của mình".

Gia thế hiển hách

Cụ cử Hồ Phi Huyền, tức Hồ Phi Thống, hiệu là Đạm Trai, sinh năm 1879 tại Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, vùng đất văn vật nổi tiếng. Hồ Phi là một chi của Hồ đại tộc, sản sinh ra các nhân vật lừng danh như Quỳnh quận công Hồ Phi Tích; Hồ Phi Diễn, thân sinh nữ sĩ Hồ Xuân Hương; Hồ Phi Phúc, thân sinh Hồ Thơm, tức Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ; Hồ Phi Tứ, danh tướng triều Tây Sơn…Cụ Hồ Phi Tự,  thân sinh của Hồ Phi Huyền từng là tri huyện Hương Khê, đã từ quan theo hoạt động phong trào Cần Vương, được vua Hàm Nghi phong chức Hình bộ Viên ngoại lang, chiến đấu và hy sinh anh dũng. Cậu ấm Hồ Phi Huyền năm 22 tuổi đã thi đỗ cử nhân khoa Canh Tý (1900), giải á nguyên, đồng khoa với giải nguyên Phan Bội Châu. Nhưng ông không ra làm quan mà nối chí cha, tham gia các phong trào cách mạng Duy Tân, Đông Du với cụ Phan, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế… từ năm 1901.

Ông tinh thông nho-y-lý-số, đọc rất nhiều tân thư, tiếp cận các trào lưu tư tưởng và luôn quan tâm theo dõi tình hình thế giới. Ông từng bị chính quyền thực dân kết án tù giam. Khoảng năm 1910, sau khi ở tù ra, ông về Vinh mở trường dạy học, làm thuốc, viết sách, tham gia các hoạt động xã hội... Trường học của ông dạy chữ Hán, quốc ngữ, toán pháp, vẽ, thể dục…Ông đề cao phương pháp phân tích, tổng hợp, kết hợp văn học với sử học và triết học để rèn luyện cho học sinh phương pháp tư duy độc lập, đánh giá khách quan về các tiên nho, các nhà hiền triết đông tây.

Trong hồi ký của mình, Giáo sư Đặng Thai Mai nhớ lại: "Ngoài những giờ chính khoá, thầy cũng đã nghĩ đến chuyện dạy những môn phụ. Thầy muốn sắp xếp cho học sinh những giờ tiêu khiển để "di dưỡng tinh thần". Thầy là người rất cao cờ. Thầy biết chơi đàn và thích chơi đàn nguyệt. Thầy đã cho chúng tôi học nhưng bản nhạc lý dễ. Và rồi có hôm chúng tôi cũng đã học đánh cờ... Mùa hè, thầy trò đưa nhau sang khe Tam Bảo đi tắm và tập bơi, tập lặn. Trong thời gian 4,5 năm được rèn luyện về Hán văn thì năm học với thầy Hồ Phi Huyền là thật sự có quy củ và có thu hoạch hơn hết. Thầy đã dạy cho chúng tôi biết học, biết đọc sách, biết viết văn. Thầy đã tập cho chúng tôi suy nghĩ. Chúng tôi tôn kính thầy không những về mặt học vấn mà cả về gương mẫu của một nhà giáo nữa…".

Nhà nghiên cứu Phan Ngọc kể: "Trong đời tôi chỉ được gặp cụ Hồ Phi Huyền có 3 lần. Hai lần khi cha tôi còn làm Án sát ở Hà Tĩnh, và một lần khi cha tôi đã về hưu ở quê nhà tại Yên Thành. Tuy chỉ gặp có 3 lần nhưng thái độ đối xử của cha tôi đối với cụ khiến cho tôi không thể nào quên. Thông thường cha tôi đối với mọi người đều rất tự nhiên. Dù là quan thượng thư như cụ Bùi Bằng Đoàn, hay hoàng giáp như bác Nguyễn Khắc Niêm, cha tôi vẫn mặc y phục bình thường để tiếp. Chỉ có hai người cha tôi bảo tôi ra hầu trà trước để ông ăn mặc cẩn thận, khăn áo chỉnh tề mới dám tiếp. Một là cụ Huỳnh Thúc Kháng, hai là cụ Hồ Phi Huyền".

Bìa cuốn "Nhân đạo quyền hành" của cụ Hồ Phi Huyền.

Theo nhà văn Sơn Tùng, sinh thời cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Bác Hồ) rất nể trọng cụ Hồ Phi Huyền, từng gửi ông Nguyễn Tất Đạt (anh ruột Bác Hồ) sang để chữa bệnh và học y thuật, trạch cát. Cụ Cử Hồ là người đã giúp bà Nguyễn Thị Thanh (chị ruột Bác Hồ) đưa hài cốt của cụ Hoàng Thị Loan (thân mẫu Bác Hồ) từ kinh đô Huế về Nam Đàn và cùng ông Đạt đi khắp dãy núi Đại Huệ để chọn cát địa an táng… Sau Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ kêu gọi giới nhân sĩ ra giúp nước. Nhà văn Sơn Tùng ghi theo lời kể của ông Vũ Đình Huỳnh rằng: "Bác nói: "Lần này lại có việc, uỷ thác đi mời đón một nhà túc nho "Thông Thiên - Địa - Nhân". Bậc nho sĩ này đồng khoa, đồng đạo với cụ Phan Bội Châu, và đồng đạo với các cụ Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế…Ra khỏi tù đế quốc, cụ ẩn vào đạo sư. Đó là cụ Hồ Phi Huyền. Sự nghiệp còn dở dang mà các cụ hầu hết đã ra đi, nay còn được cụ nào là phúc lớn cho dân tộc. Đã một lần cử phái viên chính phủ đi mời đón cụ Hồ Phi Huyền, nhưng vì sức khoẻ, bây giờ cụ mới ra. Cụ đang nghỉ tại nhà chú Đặng Thai Mai, con rể của cụ". Tôi cùng đồng chí Phạm Văn Nền lái xe của Bác đi đón cụ Hồ Phi Huyền về nhà số 8, phố Vua Lê. Đồng chí Vũ Kỳ (ngày ấy còn gọi tên gốc là anh Cần) lo việc tiếp đãi. Bữa cơm Hồ Chủ tịch thật đạm bạc mà ngon lành, thanh khiết đãi đằng người thanh khí…".

Tự biết mệnh phận mình không còn, cụ thốt rằng: "Các cụ Huỳnh (Huỳnh Thúc Kháng), cụ Tố (Nguyễn Văn Tố), cụ Bùi (Bùi Bằng Đoàn)…đều ra gánh vác được việc nước, còn tôi thì mệnh tận". Trước khi bái biệt, cụ còn thưa: "Xin Hồ Chủ tịch lưu tâm, thời mệnh trong thế cục này chúng ta còn phải trải qua: Thiên đô bảo chủ quốc tồn, độn thổ trường kỳ kháng địch" (Dời đô giữ chủ nước còn, đào hầm đánh giặc lâu dài). Quả nhiên, tháng 12/1946, thực dân Pháp bội ước, Chính phủ cách mạng "thiên đô" ra khỏi Hà Nội, lên Việt Bắc, toàn dân bước vào giai đoạn "trường kỳ kháng chiến"… Ngày 25/12/1946, cụ Hồ Phi Huyền tạ thế tại quê nhà Quỳnh Đôi, thọ 67 tuổi.

Giá trị của "Nhân đạo quyền hành"

Hồ Phi Huyền trước tác nhiều tác phẩm giá trị, trong đó đặc sắc hơn cả là "Nhân đạo quyền hành" (Mực cân đạo người) được ông soạn thảo bằng Hán văn từ năm 1920, hoàn thành năm 1928 và sau đó được chính ông dịch ra quốc ngữ. Báo Thanh Nghệ Tĩnh ra ngày 27/9/1935 từng nhận định đây là "một quyển sách triết học thế giới, nghiên cứu đạo lý, có hệ thống, có mực thước…Học thuyết đạo người trong Nhân đạo quyền hành tưởng chừng chưa có sách gì hoàn toàn rõ hơn".

Hồ Phi Huyền thấy được xu thế "đại đồng" mà nay chúng ta gọi là "toàn cầu hóa". Giữa lúc cả thế giới đang chiến loạn mà một nhà nho như ông đã viết: "Địa cầu ngày nay là địa cầu trẻ tuổi, loài người ngày nay là loài người trẻ tuổi… lấy điều có thể biết được mà nói thì con đường tiến hóa ngày nay nếu chưa đến được toàn cầu thống nhất, đạo người đại đồng thì chưa thể nào dừng lại".

Chính vì thế, "Nhân đạo quyền hành" mong muốn xây dựng một nền tảng triết học về đạo đức chung cho cả nhân loại, không giới hạn quốc gia, chủng tộc. Nhà nghiên cứu Phan Ngọc nói: "Đây là một tham vọng hết sức lớn… một nước có người có cái tham vọng này đã là một vinh dự cho nước ấy". Có lẽ Hồ Phi Huyền là một trong những người hiếm hoi phát hiện ra cái tính thiếu phổ quát của đạo đức học phương đông cũng như phương Tây, vì tất cả đều dựa trên một ý niệm, một tiên đề không thể chứng minh như thiện, ác, vị tha hay vị kỷ… Ông nói: "Xưa nay những thuyết bàn về mục đích đạo người chủ trương thường có khác nhau, có người chủ về đức nghĩa, có người chủ về công lợi, có người chủ sự tự do, có người chủ sự tiến bộ, các nhà tôn giáo lại chủ vượt nhân thế mà lên thiên đường. Nhưng nói sát vào sự thực thì chỉ có một câu tránh khổ tới vui mà thôi"; "Cho nên nghiên cứu đạo người mà lấy triết lý ở một khoa học nào làm căn cứ chứ không lấy tính người làm căn cứ thì dẫu nghiên cứu kỹ càng thế nào cũng chỉ là bàn rông, bàn phiếm mà thôi, đối với đạo người chẳng có quan hệ gì lắm". Ông khẳng định tính người là nền tảng của đạo đức, bao gồm cả hai đường sinh lý và tâm lý… Cách lý giải về đạo đức học rất duy vật, chặt chẽ và mạch lạc.

Bàn về thực tế đạo người, Hồ Phi Huyền đề xướng việc phổ cập giáo dục và phân phối nghề nghiệp. Đây là ý tưởng hết sức mới vào những năm đầu thế kỷ XX. Trong "Thuyết giáo dục phổ cập" ông viết: "Muốn trị nhân đạo người tất phải có giáo dục đạo người trước đã, bởi vì chính trị và giáo dục phải tịnh tiến với nhau, mà chính phủ hương ấp, học đường hương ấp lại làm nền tảng cho toàn thể chính giáo. Nền tảng không được vững bền thì dẫu kiến thiết thế nào cũng là cẩu thả mà thôi". Ông sớm chủ trương giáo dục phải vừa dạy luân lý vừa dạy nghề nghiệp. Về vấn đề ruộng đất, ông viết: "Bất luận tư gia hay xã hội không ai được mua bán ruộng đất, chỉ được thuê và cho thuê một thời gian mà thôi". Điều này chúng ta đang thực hiện.

Một phần lớn trong "Nhân đạo quyền hành" dành cho phụ nữ và vấn đề nữ quyền. Hồ Phi Huyền có cái nhìn rộng và đầy cảm thông với phụ nữ Việt Nam: "Những nghề công thương trong nước già phần nửa đều do tay đàn bà làm cả...Thế mà cũng biết trinh tiết giữ mình, ít có thói tự do như đàn bà Âu Mỹ…Giả sử có sự học hành bổ sung, có trường sở để giáo dục thì tương lai nữ giới sẽ làm vẻ vang cho cả lịch sử, sẽ sinh thành và nuôi dưỡng những kỳ tài thúc đẩy bước tiến của văn minh".

Nhà văn hóa Phan Ngọc nhận xét: "Điều đáng nói là tác phẩm này ra đời khi Chủ nghĩa Cộng sản chưa có dịp nhập vào Việt Nam, tại một tỉnh nổi tiếng "địa phương", ít giao lưu là tỉnh Nghệ An, của một nhà Nho xứ Nghệ mới thực là lạ". Giáo sư Đặng Thai Mai cũng hết lời tán dương: "Giữa cái buổi Tây Tàu lẫn lộn, mới cũ dở dang này, ngờ đâu rằng còn có một nhà "Tân học" nói rõ cái chân lý rạng rỡ ấy cho mọi người mở mắt ra một tý".

Đáng tiếc gần 80 năm qua cuốn sách tâm huyết và giá trị này còn được ít người biết đến

Thiên Tường
.
.