Danh họa Nguyễn Phan Chánh: Phải chăng lòng sạch bụi trần...

Thứ Hai, 02/01/2012, 08:00
Là người văn hay chữ tốt, dường như bao giờ trên mỗi bức tranh lụa, Nguyễn Phan Chánh đều đề một bài thơ chữ Hán, kèm đó là dấu son và chữ ký của ông. Dường như, sau khi hoàn tất bức tranh, ông vẫn chưa cảm thấy "yên tâm" nếu như không ký gửi kèm đó vài dòng... thơ thổ lộ tâm tư. Các bài thơ có thể nói lên ý tưởng của bức họa, nhưng cũng có khi không liên quan gì đến nội dung tranh, chỉ là tâm sự độc lập của tác giả về một vấn đề mới nảy sinh...

Danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) là người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của tranh lụa Việt Nam hiện đại, là người tạo cho tranh lụa Việt Nam một dung mạo riêng (không giống tranh lụa của những nước có truyền thống về loại hình nghệ thuật này như Nhật Bản và Trung Hoa). Là sinh viên khóa đầu của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, năm 1931, 4 tác phẩm tranh lụa đầu tiên của Nguyễn Phan Chánh được thầy Hiệu trưởng Victor Tardieu đem đi giới thiệu tại một cuộc triển lãm ở Paris và ngay lập tức, tài nghệ của Nguyễn Phan Chánh đã khiến những người am tường nghệ thuật ở "kinh đô ánh sáng" phải kinh ngạc. Từ Nguyễn Phan Chánh, cách nhìn đầy kỳ thị của người Pháp về nghệ thuật tạo hình của Việt Nam đã được cải thiện...

Xuất hiện lần đầu cách đây vừa chẵn 80 năm, cùng với các bức "Cô gái rửa rau", "Em bé cho chim ăn", "Lên đồng", "Chơi ô ăn quan" xứng đáng đứng vào hàng những kiệt tác hội họa của thế kỷ, là một mẫu mực về thể loại tranh lụa. Trong một bài viết in trên tạp chí L'Illustration (số ra ngày 27/6/1931), Jean Gallotti đã ca ngợi Nguyễn Phan Chánh: "Sự hài hòa của bố cục, đôi khi cái duyên dáng của các khuôn mặt luôn luôn là cái thi vị thấm đậm của đời sống Viễn Đông...".

Với kích thước 63 x 85cm, kiệt tác "Chơi ô ăn quan" tạo cho ta cảm giác nhẹ nhõm trước sự mát, mịn của chất liệu và sự trang nhã của màu sắc. Không mấy ai biết, để thăng hoa cùng tác phẩm, nhà danh họa đã phải xây dựng bố cục hết sức kỳ công.

Trong hồi ký của mình, Nguyễn Phan Chánh đã kể lại tỉ mỉ quá trình ông thực hiện  bức tranh nổi tiếng của mình. Đọc mà thấy... ái ngại cho nghề bởi riêng việc tạo bố cục cho bức tranh cũng rất lằng nhằng, nhiêu khê. Xin trích một đoạn nhỏ xung quanh việc ông thực hiện bức tranh: "Một lần, thấy các em ngồi đánh ô ăn quan, tôi tò mò đứng xem và lấy phác thảo. Tôi vào nhờ bà mẹ nói với cô con gái nho nhỏ xinh xinh ngồi cho tôi làm mẫu. Bố trí các cô này ngồi chơi là vấn đề bố cục. Ít nhất phải có bốn người nhưng bốn người này hai phe. Tôi đặt một cô bé khoảng chừng hơn mười tuổi ngồi một phía, còn ba cô ngồi về phía bên kia. Bố trí lệch như thế mới phải, không để mỗi bên hai cô thành ra bố cục rời rạc. Làm thế nào để cho bốn cô tập trung vào ô quan khi chơi... Tôi cho cô nhỏ nhất đánh đầu tiên...".

Việc tác giả để một nhóm gồm ba em nhỏ ngồi dồn về một bên, sát vào nhau đã tạo nên một khối hình cân bằng về sáng, tối. Cả ba em này đều hướng cái nhìn về phía bàn tay em bé chia ô quan đã tạo sự gắn kết các nhân vật với nhau. Trên nền lụa mịn màng, tươi mát, với những chiếc khăn mỏ quạ nâu sồng, nếp quần lụa trắng, bốn đứa trẻ chăm chú với trò chơi lặng lẽ của mình. Nhẹ nhàng, trầm ấm, tác giả gửi tới người xem một thông điệp: Hãy giữ lấy những nét bình dị, trong sáng, hồn nhiên của tuổi thơ, giữ lấy một trò chơi thấm đậm hồn xưa của dân tộc, giữ lấy sự thanh bình yên ả của hồn người.

Bằng những gam màu nâu, đen, vàng, đỏ, nghệ thuật sử dụng màu sắc của Nguyễn Phan Chánh khiến người thưởng thức tranh có cảm giác như có sự cựa quậy giữa hình khối của nhân vật với mảng màu nền. Nghĩa là tranh rất sống động. Từ chất liệu lụa, người xem thấy được sự thanh khiết trong tâm hồn tác giả. Thật đúng như nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân từng viết, "Chơi ô ăn quan" đã tạo ra bước ngoặt cho tranh lụa Việt Nam, nó "là thể hiện cô đọng nhất, đầy đủ nhất tâm chất Nguyễn Phan Chánh".

Tác phẩm "Chơi ô ăn quan" của Nguyễn Phan Chánh.

Là người văn hay chữ tốt, dường như bao giờ trên mỗi bức tranh lụa, Nguyễn Phan Chánh đều đề một bài thơ chữ Hán, kèm đó là dấu son và chữ ký của ông. Dường như, sau khi hoàn tất bức tranh, ông vẫn chưa cảm thấy "yên tâm" nếu như không ký gửi kèm đó vài dòng... thơ thổ lộ tâm tư. Các bài thơ có thể nói lên ý tưởng của bức họa, nhưng cũng có khi không liên quan gì đến nội dung tranh, chỉ là tâm sự độc lập của tác giả về một vấn đề mới nảy sinh. Có thể nói, thơ trên tranh là một nét riêng của tranh lụa Nguyễn Phan Chánh. Nhờ nó mà vô tình, việc sao chép tranh của Nguyễn Phan Chánh đã được hạn chế nhiều (bởi nếu chỉ cần ai đó quan tâm đến vấn đề này sẽ dễ dàng nhận ra những dòng thơ chữ Hán không phải là nét chữ của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh).

Tất nhiên, để làm được điều đó, bản thân trong tâm hồn nhà danh họa phải dồi dào nguồn cảm hứng thi ca. Trên nền bức "Chơi ô ăn quan", Nguyễn Phan Chánh cũng viết một bài thơ chữ Hán, được dịch sang tiếng Việt như sau: "Đương ngây thơ chưa quen gì mùi son phấn/ Chỉ biết đua nhau đuổi bướm tranh hoa/ Nhưng lại choán được màu xuân hơn nơi lầu son gác tía/ Mà không học thói làm mây làm mưa trên núi Dương Đài...".

Sinh thời, danh họa Nguyễn Phan Chánh đã để lại cho đời khoảng 170 tác phẩm hoàn chỉnh, trong đó, có đến 1/3 số ấy được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Nguyễn Phan Chánh là họa sĩ có số lượng tác phẩm được lưu giữ lớn nhất tại đây). Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy thì hiện bức tranh gốc của "Chơi ô ăn quan" không có trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là bức tranh được chào đón ngay từ khi mới ra đời song lại có số phận khá long đong lận đận.

Như trên đã nói, lần đầu tiên công chúng Pháp biết tranh lụa Nguyễn Phan Chánh là qua cuộc triển lãm tại Paris năm 1931. Tạp chí L'Illustration xuất bản ở Paris số Noel 1932 đã giới thiệu 4 bức tranh "Chơi ô ăn quan", "Lên đồng", "Cô gái rửa rau" và "Em bé cho chim ăn" của Nguyễn Phan Chánh. Sau đó, năm 1940, "Chơi ô ăn quan" cùng với 13 bức tranh lụa khác của cùng tác giả được đưa sang triển lãm tại Tokyo (Nhật Bản). Rồi do cuộc đại chiến thế giới ngày càng lan rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt của người dân nhiều nước nên những bức tranh nói trên gần như biệt vô tăm tích.

Nhà sưu tầm Đức Minh quả là người có công lớn khi đưa được bức "Chơi ô ăn quan" về Việt Nam. Năm 1953, nhân một lần sang Paris, trong lúc lang thang dạo qua một vài cửa hàng đồ cũ, ông đã trông thấy một bức tranh đề xuất xứ Việt Nam. Đó chính là bức "Chơi ô ăn quan" của Nguyễn Phan Chánh. Ông Đức Minh đã mua lại bức tranh với giá chỉ bằng một chiếc máy ảnh Rollet - Flex. Bức tranh được đưa về Việt Nam trước khi Chính phủ ta về tiếp quản Thủ đô. Vì một sự tình cờ mà nhà sưu tập tranh Đức Minh đã có được kiệt tác nghệ thuật này.

Kháng chiến trở về, danh họa Nguyễn Phan Chánh rất đỗi vui mừng khi hay tin ông Đức Minh đã tìm lại được "Chơi ô ăn quan". Ông tìm đến nhà ông Đức Minh, ôm lấy ông Minh tạ lòng tri ân. 

Theo họa sĩ Tô Ngọc Thành thuật lại trên một tờ báo, sinh thời, danh họa Nguyễn Phan Chánh từng kể với ông rằng, bức tranh gốc "Chơi ô ăn quan" của ông chính là bức nằm trong bộ sưu tập của ông Đức Minh.

Năm 1965, ông Đức Minh đề nghị nhượng toàn bộ số tranh mà ông sưu tầm được, trong đó có "Chơi ô ăn quan" của Nguyễn Phan Chánh và "Thiếu nữ bên hoa huệ" của Tô Ngọc Vân cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với điều kiện phải lập gian trưng bày riêng gắn với việc khẳng định xuất xứ các bức tranh là từ bộ sưu tập của ông hiến tặng Bảo tàng. Do quan niệm thời bấy giờ (không chấp nhận yếu tố tư nhân, cho rằng làm như vậy là khẳng định phương thức sở hữu của đối tượng tư sản) nên thiện nguyện của ông Đức Minh không được thực hiện.

Vẫn theo họa sĩ Tô Ngọc Thành, sau nhiều sự biến đổi thời cuộc, bức tranh "Chơi ô ăn quan" của Nguyễn Phan Chánh đã được con của ông Đức Minh (ông Đức Minh đã mất năm 1983) bán lại cho một nhà sưu tập tranh Việt kiều sống ở Hồng Kông với giá 18.000 đôla, sau một cuộc đấu giá. Từ đó đến nay, số phận bức tranh thế nào, hầu như các họa sĩ Việt Nam không ai được rõ.  

Đã có nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật viết về nghệ thuật tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh. Tất cả đều khẳng định phong cách trữ tình, độc đáo, thấm đậm chất thơ của ông. Để kết bài viết này, tôi xin được dẫn lại bài viết của nhà thơ Tố Hữu nhân dịp Nguyễn Phan Chánh tròn 80 tuổi (năm 1972): "Tám mươi mà vẫn xuân xanh/ Nâu sồng mà lại nên tranh yêu đời/ Trăm năm đẹp mãi tình người/ Trăng lu trăng tỏ càng tươi bút thần/ Phải chăng lòng sạch bụi trần/ Mát trong làn nước, trắng ngần làn da/ Mừng Ông chén rượu gọi là…" (bài "Mừng thọ Nguyễn Phan Chánh"). Chi tiết thơ chắc chắn được gợi từ các bức "Tắm sớm", "Sau giờ trực chiến", "Trăng lu", "Trăng tỏ" mà Nguyễn Phan Chánh vẽ sau này, song "Nâu sồng mà lại nên tranh yêu đời" hẳn cũng ít nhiều gợi người đọc nhớ tới "Chơi ô ăn quan" - một trong những kiệt tác của Nguyễn Phan Chánh

Trần Phi Long
.
.