Danh hoạ Michenlangelo - Nỗi thống khổ của kẻ đa tài

Thứ Ba, 17/02/2009, 16:00
Những ai đã từng may mắn được một lần ngửa cổ ngắm nhìn mái vòm của nhà thờ Sixtine, chắc chắn sẽ không khỏi kinh ngạc trước sự kỳ vĩ của bức họa khổng lổ trên vòm mái. Và chắc chắn cũng không ít người lầm tưởng rằng, phải cần đến một tập thể những họa sĩ tài ba mới có thể làm nên kiệt tác này. Song trên thực tế, bức họa khổng lồ đó là của một mình Michenlangelo - nhà điêu khắc, họa sĩ, nhà thơ, gương mặt sáng giá nhất của Italia thời Phục hưng...

Giáo hội Thiên Chúa giáo từng có ảnh hưởng lớn trong đời sống tinh thần của toàn châu Âu. Thiên Chúa giáo cũng là một chủ đề lớn được các nghệ sĩ thời văn hóa Phục hưng khám phá và sáng tạo. Đã có rất nhiều kiệt tác thi ca, âm nhạc, điêu khắc, hội họa... về chủ đề này. Leonardo Da Vinci có "Đức mẹ trong hang đá" và  "Bữa tiệc cuối cùng"; Raphaello có "Đức mẹ Sistine"; Pontormo có bức họa "Đem Chúa từ thánh giá xuống"... Nhưng có lẽ Michenlangelo là người có nhiều tác phẩm sáng giá về đề tài này hơn cả, bởi sự nghiệp sáng tác của ông vì rất nhiều lý do, đã gắn chặt với Thiên Chúa giáo. Tên tuổi của ông trở nên lừng lẫy bởi: "David", "Mose vĩ đại", "Đức mẹ ai điếu", "Tưởng nhớ Chúa cứu thế", "Sáng tạo thế giới", "Phán quyết cuối cùng" và bức họa khổng lồ trên vòm mái nhà thờ Sixtine, với 343 nhân vật lấy từ kinh "Cựu ước" và "Tân ước", cùng "Thánh kinh tạo thiên lập địa".

Trong suốt cuộc đời, Michenlangelo chỉ nhận mình là một nhà điêu khắc, dẫu rằng ông cũng rất tài tình trong hội họa và thi ca. Ngay cả trước Giáo hoàng, ông cũng một mực khẳng định mình không phải là họa sĩ, và cho rằng đối với ông, hội họa là "công việc khổ sai". Âu cũng là sự đưa đẩy của số phận.

Từ khi mới cất tiếng khóc chào đời, do người mẹ lâm bệnh trọng, Michenlangelo được một người vú đem về nuôi. Gia đình người này làm nghề đục đá, nên suốt thời thơ bé, Michenlangelo chỉ quanh quẩn chơi với đá và tập cầm đục, cầm búa đẽo đá. Sử dụng một chút năng khiếu trời ban, Michenlangelo đã mày mò tạc nên những tác phẩm đầu tay bằng việc mô phỏng các đồ vật xung quanh, đồng thời tìm đường đến học tại Trường Mỹ thuật do Lorendo De' Medici - một nhân vật quyền quý sáng lập. Tại xưởng của Medici, Michenlangelo đã được truyền thụ các kiến thức cơ bản của mỹ thuật Hy Lạp - La Mã cổ đại, một hành trang quý giá trong suốt cuộc đời lao động nghệ thuật của ông...

Năm 21 tuổi, với tác phẩm điêu khắc "Đức mẹ ai điếu" bằng đá hoa cương, đặt trong nhà thờ Saint Peter, Michenlangelo được đánh giá là một nhà điêu khắc nổi tiếng nhất Italia. Ngay lập tức, ông được Giáo hội triệu tập để hoàn thành một công trình bị bỏ dở. Số là vào thập niên 60 của thế kỷ XV, nhà thờ lớn thành phố Florence tìm được một phiến đá hoa cương rất đẹp, muốn dùng để tạc một pho tượng trang trí trên vòm tròn của giáo đường.

Trước Michenlangelo, từng có hai nhà điêu khắc nổi tiếng thử tài, nhưng đành bỏ dở, khiến phiến đá bị "tổn thương". Ròng rã trong ba năm (1501-1504), Michenlangelo đã làm cho phiến đá hoa cương từng bị xếp xó bốn mươi năm "bừng tỉnh". Giới điêu khắc đã nhận xét một cách hình ảnh rằng Michenlangelo đã thực sự "giải phóng một người khổng lồ như David ra khỏi tù ngục của một phiến đá hoa cương!".

Dưới bàn tay của Michenlangelo, David không còn là một thiếu niên như trong Thánh kinh, mà là một thanh niên khổng lồ, trong trạng thái lõa thể, cơ bắp cuồn cuộn, cao 4 mét, tượng trưng cho lòng dũng cảm, khiến cho người người đối diện đều khiếp sợ và thán phục. Tượng "David" của Michenlangelo cùng với "Bữa tiệc cuối cùng" của Leonardo Da Vinci và "Đức mẹ Sistine" của Raphaello đã trở thành mẫu mực của nền mỹ thuật thời kỳ Phục hưng. Chưa tới ba mươi tuổi, tên của Michenlangelo đã trở nên sáng chói, trở thành nhân vật kiệt xuất nhất trong những nhà điêu khắc đương thời.

Bức tượng "David" đưa Michenlangelo lên đến đỉnh cao của nghệ thuật, đồng thời cũng đẩy ông vào vực sâu của bất hạnh. Bắt đầu là việc ông bị Giáo hoàng Julius II trưng dụng để xây dựng lăng mộ cho mình. Đích thân Michenlangelo phải đến khu vực khai thác đá, tự tay lựa chọn những tảng đá tốt nhất chở về Rome. Trong khi đá quý mang về đã chất thành núi và Michenlangelo đang bận rộn với những ý tưởng sáng tạo thì Giáo hoàng Julius II đột ngột đổi ý, bắt ông chuyển sang sửa chữa nhà thờ Saint Peter. Vì quá tức giận, Michenlangelo bỏ về quê. Giới mỹ thuật gọi đó là "bi kịch lăng mộ". Nhưng giáo hoàng vẫn không chịu buông tha, mấy năm sau lại bắt Michenlangelo vẽ một bức tranh trang trí vòm của nhà thờ Sixtine.

Là một con chiên ngoan đạo, dẫu không muốn nhận "công việc khổ sai" này, ông vẫn phải thực thi. Với tâm trạng bất mãn và thách đố, Michenlangelo đã ghi lại trong một góc của bức họa: "Tôi, nhà điêu khắc Michenlangelo, vào ngày 10/5/1508, đã nhận từ trong kho của Giáo hoàng Julius II 500 đồng tiền vàng, để bắt đầu sáng tác một bức tranh trên nóc phía trong vòm tròn của nhà thờ Sistine".

Được biết, ban đầu, Michenlangelo chỉ định vẽ bức họa trên vòm mái nhà thờ một cách qua loa cho xong việc. Nhưng khi được biết những kẻ đố kị loan tin rằng ông không thể nào hoàn thành bức họa đó thì ông quyết sẽ vẽ nên một bức họa để đời, cả về quy mô, cả về trình độ mỹ thuật, cốt để cho những kẻ ganh ghét chưng hửng...

Nhà thờ Sixtine được xây dựng cuối thế kỷ XV. Trước đó, các danh họa thời văn hóa Phục hưng như Botticelli, Perugino đã từng vẽ một số bích họa lên tường của nhà thờ. Còn vị trí khó nhất là khu vực trên trần của mái vòm, các vị tiền bối đành phải "để lại" cho hậu thế. Việc đầu tiên là Michenlangelo cho dỡ bỏ giàn giáo của người tổng kiến trúc sư đã dựng sẵn, tự tay dựng nên một giàn giáo mới. Ông cũng đuổi hết những người trợ thủ được cử đến, vì cho rằng họ không đáp ứng được tiêu chuẩn ông nêu ra. Là người chưa bao giờ sử dụng các loại bột màu, chưa bao giờ vẽ một bức họa, Michenlangelo bằng lòng nhốt mình trong không gian của nhà thờ Sistine, vừa nghiên cứu vừa làm việc. Ông phải trèo lên một giàn giáo rất cao, ngửa cổ, cong lưng vẽ lên trần trong một tư thế rất khó khăn, liên tục trong 4 năm 3 tháng trời ròng rã... 

Vòm mái của nhà thờ Sistine có diện tích 540 mét vuông. Chủ đề của bức họa là câu chuyện "Sáng thế ký" trong kinh Cựu ước, được tạo thành từ 9 bức tranh liên kết lại. Mặc dù lấy chủ đề từ tôn giáo, song so với những tác giả thời trung cổ, Michenlangelo đã thực sự làm nên một "cuộc cách mạng" trong việc thể hiện. Với quan niệm "vòm trời là thiên quốc chụp xuống mảnh đất vuông của hạ giới", ông đã vẽ các nhân vật trong bức họa ở trạng thái khỏa thân hoặc nửa khỏa thân. Nhà nghiên cứu hội họa Soueur Wendy Beckett đã cho rằng: "ý nghĩa của những hình người khỏa thân đó không thể diễn tả được bằng lời, cũng không thể liên hệ với tôn giáo, nhưng ấn tượng thật mênh mông"! Bức họa hoàn thành đã khiến Giáo hoàng và tất cả những nhà mỹ thuật hết lời khen ngợi.

Sau này, khi đã 60 tuổi, nhận lời ủy thác của Giáo hoàng Julius III, trong 5 năm (1536-1541), Michenlangelo còn tạo thêm một kỳ tích nữa: bức họa "Sự phán xét cuối cùng". Bức họa này được vẽ trên bức tường có diện tích 167m2, phía dưới của vòm mái nhà thờ Sistine. Ngước nhìn bức họa, ai ai cũng khiếp sợ trước sự phán xét của Chúa. "Sự phán xét cuối cùng" được đánh giá là "một dạng bách khoa toàn thư, có tính dự báo một phong cách hội họa mới, của một thời đại mới".

Giống như một số bậc thầy lớn trong thời kỳ Phục hưng, Michenlangelo cũng là người đa tài. Những vần thơ ông viết là để tặng người ông yêu, dẫu rằng "người ấy" xuất hiện rất muộn trong cuộc đời ông. "Người ấy" tên là Vittoria Colonna, một quả phụ 45 tuổi xuất thân trong một gia đình quý tộc. Tuy không nhan sắc, nhưng Vittoria là người uyên bác, giỏi văn chương. Những bài thơ tôn giáo của bà được truyền tụng rộng rãi ở Italia. Bà rất coi trọng tài năng và nhân cách của Michenlangelo. Michenlangelo cũng hết sức sùng bái và ngưỡng mộ, coi Vittoria là "người tri kỷ tâm linh". Ông đã viết cho "người ấy" rất nhiều bài thơ loại 14 hàng và thừa nhận đã chịu rất nhiều ảnh hưởng của bà khi vẽ "Sự phán xét cuối cùng".

Nhưng thật đáng buồn là mối tình muộn màng đó chỉ tồn tại trong mười năm ngắn ngủi cuối đời của Michenlangelo. Cái chết thương tâm của Vittoria đã gieo vào lòng Michenlangelo nỗi đau khổ sâu sắc. Một ông già cô độc và cao ngạo như Michenlangelo đã phải đau đớn thốt lên: "Tôi trông thấy bà ấy chết, nhưng tôi không hôn lên trán và mắt bà ấy như tôi đã từng hôn lên tay bà. Cứ mỗi lần nhớ tới điều đó, làm cho tôi đau đớn vô ngần!"

Mai Hiền
.
.