Danh họa Francisco De Goya và cuộc tình “định mệnh”

Thứ Tư, 27/02/2008, 10:30
"Maja khỏa thân" và "Maja mặc trang phục" là hai kiệt tác trong gia tài tranh của Francisco De Goya. Cả hai bức tranh đều vẽ người đàn bà mà họa sĩ si mê, tôn thờ, là dấu ấn của những tháng ngày hạnh phúc ngắn ngủi với người đàn bà đẹp nhất kinh thành Madrit, nàng Maria Cayettana, còn có tên Nữ Công tước Anber thứ 13.

Có họa sĩ lừng danh nào không từng vẽ tranh đàn bà khỏa thân để bày tỏ quan điểm của mình đối với một trong những tác phẩm tuyệt mĩ của tạo hóa? Leonardo Da Vinci vẽ "Leda và Thiên nga", Michelangelo vẽ "Ngày phán xử cuối cùng", Botticelli vẽ "Venus giáng sinh", Agnolo Brozino vẽ "Ngụ ý tình yêu", Zucchi vẽ "Thần ái tình và Psyche"... Còn danh họa Tây Ban Nha Francisco De Goya thì vẽ "Maja khỏa thân".

Trước Tòa án Giáo hội, Goya tuyên bố: "Người đàn bà là một tác phẩm tuyệt mĩ của Thượng đế. Vẽ thân thể của người đàn bà là ca ngợi, tỏ lòng tôn kính cái đẹp...". Francisco De Goya - danh họa Tây Ban Nha, một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ XVIII, đã từng yêu không chỉ một người đàn bà, song đàn bà trong tranh của ông hầu như chỉ tồn tại hai gương mặt: gương mặt của người vợ có hôn thú và gương mặt của người tình trăm năm...

Gương mặt người đàn bà chỉ xuất hiện một lần... trong tranh

Đó là gương mặt của Josephine, người đàn bà kiêu ngạo và ngu xuẩn chỉ một mực làm hỏng sự nghiệp của Goya vì những toan tính nhỏ nhen, người có hôn thú suốt đời với Goya, nhưng không có con cái, cũng chẳng có hạnh phúc.

Vốn bản tính bồng bột, phóng khoáng, thời trai trẻ Goya yêu và đi tới hôn nhân với Josephine rất nhanh. Josephine là em gái của họa sĩ Francisco Bayer - một người có ảnh hưởng lớn đối với hội họa Tây Ban Nha, thầy dạy vẽ của Goya.

Không có năng khiếu và hiểu biết nghệ thuật, Josephine chỉ làm công việc quản lý phòng tranh của anh trai. Ẩn giấu đằng sau cái vẻ yểu điệu thục nữ của Josephine là những tính toán chi li của một con buôn -  điều đối lập với tính cách phóng túng của Goya. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu chung sống, hai người thường cãi lộn, chung quy chỉ vì tiền.

Josephine cho rằng tất cả những việc Goya làm là điên rồ và ép Goya kiếm ăn bằng việc mua bán tranh cùng việc nhận những đơn đặt hàng vẽ chân dung chán ngắt. Còn Goya lại quyết tâm đạt tới danh vọng bằng nghệ thuật chân chính.

Thêm vào đó, Josephine luôn tỏ thái độ khinh bỉ đối với đám bạn hữu của chồng. Trong mắt nàng, đám bạn của chồng rặt một lũ du thủ, du thực, luôn có những cô gái điếm rẻ tiền vây quanh, lại còn có tư tưởng đấu tranh cho tự do và công lý.

Chán cảnh vợ rầy la, Goya sống buông thả trong những quán rượu, giao du với đủ hạng người. Điều đó càng làm cho sự rạn nứt trong tình cảm vợ chồng trở nên trầm trọng. Bạn bè cố sức hòa giải để cứu vãn cuộc hôn nhân của họ.

Nhân kỷ niệm một năm ngày cưới, Goya dự định chuộc lỗi với vợ thông qua việc lăng xê nàng trong một tác phẩm nghệ thuật. Anh dùng hình ảnh của Josephine như một người mẫu cho nhân vật trung tâm của bức tranh mang nhan đề "Cái dù". Bức tranh được Goya vẽ bí mật và treo ở một vị trí trang trọng trong phòng khách.

Nhưng điều anh không thể ngờ là Josephine đã vô cùng giận dữ khi nhìn thấy mình trong tranh ăn mặc hở hang. Mặc cho Goya giải thích, thuyết phục, Josephine vẫn khăng khăng rằng Goya đã hạ nhục mình và toan dùng dao rạch nát bức tranh.

Quá tức giận, Goya liền mang bức tranh đi bán lấy 200 đồng tiền vàng. Căm ghét bức tranh là thế, nhưng Josephine lại vồ vập nhận những đồng tiền vàng nhờ bán bức tranh mà có. Quan hệ giữa họ tan vỡ từ đó, mặc dù đã nhiều lần Goya có nhã ý hàn gắn. Josephine sống cô độc và khép mình không khác gì  người góa bụa. Điều duy nhất chứng tỏ hai người chưa lìa bỏ hẳn nhau là những khoản trợ cấp suốt đời của Goya dành cho Josephine!

Một thiên tình sử

"Maja khỏa thân" và "Maja mặc trang phục" là hai kiệt tác trong gia tài tranh của Francisco De Goya. Cả hai bức tranh đều vẽ người đàn bà mà họa sĩ si mê, tôn thờ, là dấu ấn của những tháng ngày hạnh phúc ngắn ngủi với người đàn bà đẹp nhất kinh thành Madrit, nàng Maria Cayettana, còn có tên Nữ Công tước Anber thứ 13.

Bức họa “Maja khỏa thân”.

Cuộc tình giữa Francisco De Goya với Maria Cayettana giống như tất cả những thiên tình sử nổi tiếng, thấm đẫm tính chất bi thương, giữa chừng dang dở. Họ thực sự là đôi "trai tài, gái sắc", tuy có sự khác biệt về đẳng cấp, tài sản và chính kiến, nhưng đều là những người có danh tiếng.

Maria Cayettana là người đàn bà kiều diễm nhất Tây Ban Nha, sinh ra và lớn lên tại Pháp, chịu nhiều ảnh hưởng tư tưởng "tự do, bình đẳng, bác ái" của cuộc cách mạng tư sản Pháp. Đàn ông Tây Ban Nha kháo nhau rằng, không ai có thể cưỡng nổi sắc đẹp của nàng. Nàng lại là người đàn bà quý tộc, ông chồng già mới chết để lại cho nàng đống tài sản kếch xù. Nàng đang độ thanh xuân, nên quanh nàng luôn có đàn ông ve vãn và mơ tưởng.

Từ ngài thủ tướng đến sĩ quan cận vệ, từ đấu sĩ bò tót đến các họa sĩ cung đình... đều ao ước được nàng yêu. Thêm vào đó, nàng lại là người hiểu biết, yêu tự do và dân chủ, được dân chúng ngưỡng mộ như một thần tượng và gọi nàng là "cô gái bình dân Tây Ban Nha".

Maria Cayettana xuất hiện ở đâu, nơi đó lập tức vang dậy tiếng tung hô trìu mến... Maria quan tâm đến cuộc đấu tranh vì tự do của dân tộc Tây Ban Nha và tất cả những ai xả thân vì cuộc đấu tranh đó...

Còn Goya - một họa sĩ triều đình, một Viện sĩ Viện hàn lâm tên tuổi, tính tình phóng khoáng như một hiệp sĩ, người vẽ chân dung cho nhà vua và Hoàng tộc, đồng thời là người trang trí Cung thánh ca nhà thờ Đức Mẹ Pilie và Bảo tàng Hoàng gia.

Goya còn nổi tiếng về bộ tranh tôn giáo: "Cuộc đời Đức Mẹ đồng trinh và Chúa Jesu hài đồng", "Chúa chịu tội trên thánh giá"... Tên tuổi của Goya trở nên lừng lẫy ở Tây Ban Nha và cả châu Âu... Nói tóm lại, cả Maria Cayettana và Francisco De Goya đều là trung tâm của mọi sự chú ý và đàm tiếu trong thiên hạ.

Việc một người góa bụa, một người bị vợ chối bỏ, gặp nhau, yêu nhau hầu như là sự sắp đặt của số phận. Mặc dù nghe thiên hạ kháo nhau rằng, Maria Cayettana là một người lẳng lơ, sẵn sàng trao thân cho ai đó nếu nàng thích, rằng nàng là người có "con mắt độc", nhìn vào ai thì gieo rắc tai họa cho người ấy... nhưng ngay lần gặp mặt đầu tiên, Goya cảm thấy choáng váng vì nhan sắc của nàng.

Anh không ngờ trên đời lại có người đàn bà đẹp và kiêu hãnh đến thế. Và cũng giống như hết thảy những người đàn ông Tây Ban Nha, Goya không thể không ước muốn được nàng yêu và được vẽ nàng.

Kể từ khi Goya gặp và yêu Maria Cayettana, cuộc đời của cả hai người gặp rất nhiều sóng gió. Tất cả là vì Maria quá đẹp, có quá nhiều người theo đuổi. Dù biết Goya đã chiếm được trái tim người đẹp, Thủ tướng Đon Manuen De Godoa tìm mọi cách để chiếm đoạt nàng.

Đầu tiên là nhân danh nhà vua, lưu đày Maria ở Solina - một vùng nông thôn hẻo lánh. Nhưng ông ta không thể ngờ, Goya dám cả gan vứt bỏ tước vị của họa sĩ triều đình để bỏ chạy theo nàng. Vị thủ tướng quyền uy này càng không thể ngờ những tháng ngày lưu đày của họ lại là những ngày họ sống trên thiên đường hạnh phúc.

Hai người hầu như quên hẳn cái thế giới thù hận bên ngoài để dâng hiến cho nhau trọn vẹn. Goya mê mải vẽ người tình, cả trong tư thế khỏa thân. Trong vô số những phác họa người tình ở mọi tư thế, có hai bức Goya tâm đắc nhất. Đó là "Maja khỏa thân" và "Maja mặc trang phục".

Trong bối cảnh của đất nước Tây Ban Nha khi đó, việc một người đàn bà có vị trí xã hội cao quý như Maria Cayettana dám cởi bỏ y phục để làm mẫu vẽ cho họa sĩ là một sự thách đố đối với những quy chuẩn về đạo đức. Vì vậy, Goya bị bắt giam và đưa ra xử trước Tòa án Giáo hội. Còn Maria Cayettana bị Thủ tướng Đon Manuen De Godoa ra tay sát hại.

Từ khi Maria qua đời, Goya hầu như không còn hứng thú với việc vẽ chân dung đàn bà nữa. Ông dành thời gian để hoàn thành bức chân dung tập thể Hoàng gia, bộ tranh "Những thảm họa chiến tranh" và bộ tranh đấu bò tót.

Hiện nay, tại Viện Bảo tàng Prado ở Madrid có trưng bày một bức vẽ nàng Công tước Anber thứ 13 trong trạng thái khỏa thân, với bàn tay phải chỉ vào một tấm đá mang tên Goya. Còn một bức hiện trưng bày ở bảo tàng New York, nàng công tước đeo hai chiếc nhẫn, một chiếc có khắc chữ Anber, một chiếc khắc chữ Goya.

Nhiều người cho rằng, họa sĩ dùng 2 chiếc nhẫn để biểu thị sự gắn bó giữa chàng họa sĩ đa tình với người đẹp. Người thì lại bảo, đó là cách thể hiện sự ghen tuông của họa sĩ, vì nàng chưa bao giờ là của riêng mình...

Hiền Mai
.
.