Danh họa Francis Bacon: Chuyện dị thường đằng sau các bức họa đắt giá

Thứ Năm, 06/03/2014, 08:03

Ngày 13/2 vừa qua, tại nhà đấu giá Christie ở London (Anh), bức tranh được coi là "có giá trị nhất châu Âu" của danh họa người Anh Francis Bacon (1909-1992) đã được một nhà sưu tập giấu tên mua với giá 42 triệu bảng Anh.

Là bức họa đắt giá thứ 44 trong lịch sử hội họa thế giới, bức tranh có tên gọi "Chân dung George Dyer đang nói chuyện" đã được Francis Bacon thực hiện vào năm 1966. Bức tranh từng được bán cho một ngân hàng ở Mexico. Nó chỉ trở lại thị trường vào năm 2000 sau khi được bán với giá 4 triệu bảng ở New York. Bức tranh mô tả cảnh một tên trộm đột nhập vào nhà Bacon. Hắn ngồi trong một căn phòng trống được thắp sáng bởi một ngọn đèn duy nhất. Tên trộm (tên gọi George Dyer) sau này đã trở thành "người tình" của Bacon - ông vốn là người đồng tính. Goerge Dyer không chỉ xuất hiện trong bức tranh nói trên mà còn trở thành "chủ đề" trở đi trở lại trong nhiều bức tranh của nhà danh họa.

Dyer đã tự sát vào năm 1971 trong một khách sạn ở Paris. Thời điểm này, Bacon đang chuẩn bị mở một triển lãm hội họa cho riêng mình ở Grand Palais. Cái chết bi thảm của "người tình" Goerge Dyer đã khiến ông trút hết niềm thương nỗi nhớ của mình vào bộ tam bình"tưởng nhớ George Dyer. Ông đặt tên cho tác phẩm này là "Tam bình tháng 5 tháng 6 năm 1973". Đây là một kiệt tác hiếm hoi giúp người yêu nghệ thuật phần nào giải mã được một số bí ẩn trong cuộc tình của Bacon. Mỗi bức trong bộ tam bình này cho thấy những giờ phút cuối cùng đầy dữ dằn, đau đớn của George Dyer. Đặc biệt, với bức tranh đặt ở giữa, người xem như thấy bóng dáng của Thần Chết đang lởn vởn như muốn vồ lấy George Dyer.

Cũng là bộ tam bình, trước khi kết thúc thế chiến thứ hai, vào năm 1944, Bacon đã hoàn tất bộ tranh ba bức lấy tên là "Khảo họa cho nhân vật dưới chân thập giá". Đây là một bộ tam bình lớn, chiều dài gần 1 mét, chiều dài hơn 2 mét. Bộ tranh nói về việc Chúa Jesu bị đóng đinh trên cây thập giá. Người xem chờ đợi 3 nhân vật xuất hiện dưới chân cây thập giá sẽ được thể hiện tình cảm trên gương mặt thế nào: Một trước nhất là của Đức Mẹ Maria than khóc; hai người còn lại có thể là những nữ thánh dịu dàng quen thuộc. Nhưng không. Ba nhân vật của Bacon không mang hình thù của con người. Thay vào đó là 3 hình thể nửa người nửa quái vật, không hề có mặt mũi, đầu tóc, tay chân. Từ bộ mặt con người ngày trước của họ chỉ còn lại một cái miệng đang mở rộng với hai hàm răng đầy kinh hãi. Từ đó như đang cất lên những tiếng gào thét, gầm rú cùng những lời nguyền rủa.

Bộ tam bình này đã được triển lãm vào năm 1945 và gây một tiếng vang lớn. Nhà phê bình John Russel tại London đã ghi lại rằng: "Người xem đã đứng sững trước những hình ảnh khủng khiếp vô phương cứu vãn đến nỗi trí óc họ phải khép chặt lại khi nhìn thấy chúng".

Bức tranh "Chân dung George Dyer đang nói chuyện" của Bacon vừa được bán với giá 42 triệu bảng Anh.

Về bước ngoặt trong chặng đường sáng tạo của Francis Bacon, các nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật thường nhắc tới một tình tiết sau đây: Năm 1935, tại Paris, Bacon mua được một cuốn sách kể lại cặn kẽ căn bệnh lở loét mồm miệng. Cũng thời gian này, ông được xem bộ phim "Chiến hạm Potemkin" của đạo diễn người Nga Sergei Eisenstein. Trong phim, ông thực sự bị ám ảnh bởi cảnh một nữ y tá mặt mũi be bét máu vừa chạy xuống cầu thang vừa la hét. Từ đó, hình ảnh những gương mặt máu me, lở loét như vậy đã xuất hiện thường xuyên trong tranh của Bacon. Nhà họa sĩ trẻ quyết định chọn cho mình một khuynh hướng sáng tác thiên về khai thác nỗi đau, nỗi hãi hùng với những hình ảnh thậm chí còn hơn cả phim… kinh dị.

Từ năm 1935 đến 1944, Bacon đã tổ chức một số cuộc triển lãm nhằm giới thiệu ra công chúng các tác phẩm hội họa theo khuynh hướng dị biệt của mình.

Một trong những tác phẩm thể hiện sự bóp méo gương mặt người điển hình hơn cả của Bacon là bức "Giáo hoàng Innocent X". Bức tranh được phóng tác dựa trên chân dung Giáo hoàng Innocent X do một họa sĩ sống ở thế kỷ XVII là Velazquez thực hiện. Trong cuộc đấu giá tại New York vào cuối năm 2012, bức tranh này đã được bán trên 20 triệu USD. Cũng trong loạt tranh về Giáo hoàng, bức "Pope" cũng bán được tới giá gần 30 triệu USD.

Bacon đã bỏ ra cả thảy gần 20 năm để vẽ hàng loạt tranh trừu tượng về các vị Giáo hoàng, trong đó, bức "Giáo hoàng Innocent X" được ông nảy sinh ý tưởng từ năm 1946. Sau này, từng đã có lúc Bacon thổ lộ rằng, loạt tranh về các vị Giáo hoàng là "vô cùng ngớ ngẩn" và giá như ông không thực hiện chúng. Trong thực tế, dư luận cũng đã có nhiều tranh cãi xung quanh những bức tranh này của Bacon.

Nói chung, ngoài các bảo tàng, còn thì các nhà sưu tập không mấy mặn mà với những bức tranh này. Không biết có phải ấn tượng vì những bức tranh vẽ các Giáo hoàng khủng khiếp và kinh dị đến vậy không mà cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher từng gọi Bacon là "Người đàn ông vẽ những hình thù khủng khiếp nhất". Đáp lại điều này, nhà danh họa cho rằng, thực tế cuộc sống lắm khi còn khủng khiếp hơn nhiều so với những gì ông đã vẽ.

Sinh thời, Francis Bacon rất thích vẽ chân dung bạn bè, người thân, đặc biệt là những người nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật (mặc dù đa phần những người này đều rất sợ trở thành… nhân vật của ông). Các bức chân dung của Bacon hầu hết đều được bán với giá cao. Hồi cuối tháng 6/2003, bộ tranh ba bức Bacon vẽ chân dung nữ họa sĩ Isabel Rawsthorne - người tình của ông - đã được một nhà sưu tập mua với giá 11,3 triệu bảng (tương đương 366 tỉ đồng).

Tuy nhiên, nếu nói về giá trị vật chất thì bức tranh đắt giá nhất của Francis Bacon vẫn là bộ ba bức tranh "Ba hình nghiên cứu của Lucian Freud" (vẽ chân dung họa sĩ người Đức nổi tiếng Lucian Freud - cháu nội của nhà phân tâm học vĩ đại Sigmul Freud). Tác phẩm được Bacon thực hiện vào năm 1969, đúng 25 năm kể từ lần đầu hai người gặp nhau. Lucian Freud là bạn thân thiết của Francis Bacon. Trong thập niên 70 (của thế kỷ trước), bộ tranh được tách riêng thành ba tấm. Một tấm đã được triển lãm tại Bảo tàng Tate năm 1985 và phải mãi đến sau này, người ta mới kết hợp ba tấm làm một. Ngày 12/11/2013, bộ ba bức tranh "Ba hình nghiên cứu của Lucian Freud" đã được mua với giá kỷ lục: 142,2 triệu USD (khoảng 3.000 tỉ đồng tiền Việt). Đây là lần đầu tiên bộ tranh này được bán đấu giá tại Mỹ và ngay lập tức, nó trở thành họa phẩm đắt giá nhất trong lịch sử đấu giá tranh từ trước tới thời điểm đó.

Được biết, trước đó, bức tranh được coi là đắt giá nhất trong lịch sử các cuộc bán đấu giá là bức "Tiếng thét" của danh họa Edvard Munch. Bức tranh này được bán vào tháng 5/2012 với giá 119,9 triệu USD. Như vậy, bức tranh của Francis Bacon đã vượt chênh bức tranh của Edvard Munch tới hơn 20 triệu USD.

Thật ra, cái giá mà một nhà sưu tập yêu cầu được ẩn danh trả cho "Ba hình nghiên cứu của Lucian Freud" là vượt xa dự tính ban đầu của nhà đấu giá. Jussi Pylkkanen, một người tham dự phiên đấu giá kể lại: "Đó quả là một khoảnh khắc lịch sử. Thoạt đầu, bức tranh được rao với giá 86 triệu USD. Sau đó tăng ngay lên 135 triệu USD và chốt lại ở mức giá 142,2 triệu USD. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng 6 phút". Đây không phải lần đầu hiện tượng "đội giá" bất ngờ như vậy xảy ra với tranh của Bacon. Còn nhớ, cách đây gần một năm, tại buổi đấu giá của Sotheby được tổ chức tại London (Anh), bức tranh "Head III" của Bacon thoạt đầu được dự kiến giá bán khoảng 5-7 triệu bảng, vậy mà trong thực tế, nó đã được bán tới 10,4 triệu bảng (tương đương hơn ba trăm tỉ đồng).

Nói tới Francis Bacon là nói tới một hình mẫu nghệ sĩ năng khiếu bẩm sinh. Tất cả những kiến thức hội họa ông có được là hoàn toàn do mày mò, tự học. Sinh thời, Bacon chưa từng bước chân vào bất cứ một trường nghệ thuật nào. Tự nghiên cứu lối vẽ của các bậc thầy và có ý thức tìm lối đi cho riêng mình, đã có thời, Bacon được xem là họa sĩ gây ấn tượng với người yêu nghệ thuật chỉ sau mỗi danh họa Picasso.

Từ những năm 1960 cho đến khi qua đời năm 1992, Bacon được tôn vinh là họa sĩ còn sống vĩ đại nhất. Tranh của ông đặc biệt ngày càng trở nên đắt giá, nhất là từ những năm cuối thế kỷ XX cho tới nay

Lê Mạnh Hùng
.
.