Danh hoạ Bùi Xuân Phái: Hào hoa và tinh tế

Thứ Ba, 14/09/2010, 08:48
Càng gần tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng ta càng nhớ tới những nghệ sĩ có nhiều công lao, gắn bó với Hà Nội, trong đó có danh họa Bùi Xuân Phái, người mà nếu còn sống thì tới ngày 1/9 này cũng mới bước vào tuổi 90.

Bùi Xuân Phái là người đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta trong một tình yêu chung về Hà Nội. Ông thực sự là niềm tự hào của người Hà Nội. "Không hẹn mà gặp" - trong khi UBND thành phố Hà Nội vừa chính thức ban hành quyết định đặt tên cho một con đường ở thủ đô là đường Bùi Xuân Phái, thì trong các ngày từ mùng 1 tới mùng 3/9, tại Viện Goethe Hà Nội, một triển lãm tranh Bùi Xuân Phái cũng đã được tổ chức...

Cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói

Danh họa Bùi Xuân Phái sinh năm 1920 tại làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 1941-1946, là người cùng thời với các họa sĩ Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên - những họa sĩ đã cùng ông góp phần tạo nên bộ "tứ bình" (Sáng - Liên - Nghiêm - Phái) huyền thoại của hội họa Việt Nam hiện đại.

Bùi Xuân Phái qua đời năm 1988 bởi căn bệnh ung thư phổi. Sinh thời, ông được xem là người mang đậm phong cách của người Hà Nội. Các bức chân dung Bùi Xuân Phái còn lại hiện nay cho ta thấy, đó là một người đàn ông có gương mặt gầy gầy, có phần khắc khổ nhưng vẫn toát lên nét quý phái. Đặc biệt, rất hiền (bạn bè của nhà danh họa vẫn nhận xét là ông "mang gương mặt của Chúa Jesus", còn theo họa sĩ Nguyễn Đình Đăng thì vẻ mặt của ông có gì đó gợi nhớ tới danh họa Renoir).

Mà Bùi Xuân Phái hiền thật. Và rất lịch thiệp, tinh tế. Con trai ông - họa sĩ Bùi Thanh Phương từng kể: Khi nói chuyện với con trai Bùi Xuân Phái thường xưng là "mình", thể hiện sự gần gũi, thân tình như... bạn bè. Điều này khiến vợ ông  cảm thấy bất hợp lý. Vậy là, có lần bà đã góp ý thẳng tưng với chồng: "Sao ông cứ xưng mình mình tớ tớ với nó? Cứ như hai người bạn không bằng".

Những người quen thân Bùi Xuân Phái đều nhận thấy, rất hiếm khi ông nhận xét một bức tranh nào là "xấu". Ông từng nói: "Không có tranh xấu, chỉ có tranh... chưa hay". Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng, khi tiếp xúc với ông cũng nhận thấy, khi khen chê một bức vẽ, ông chỉ nói "được" hoặc "chưa được" chứ chưa khi nào nói "đẹp" hay "xấu". Họa sĩ Trần Khánh Chương thì kể: Trong cuộc triển lãm mỹ thuật thủ đô năm ấy, khi các họa sĩ trẻ trong hội đồng tuyển chọn luôn miệng bỗ bã khen bức này đẹp, bức kia xấu, cần phải loại, thì Bùi Xuân Phái lại tỏ ra hết sức dè dặt, kiệm lời. Bức nào ông thấy không nên chọn trưng bày, ông chỉ buông mỗi một câu: "Bức này tôi cũng băn khoăn". 

Về sự tinh tế của họa sĩ Bùi Xuân Phái, họa sĩ Bùi Thanh Phương còn kể: Lần ấy, khó khăn lắm Bùi Xuân Phái mới thuyết phục được một người phụ nữ trung tuổi đồng ý khỏa thân để ông và các đồng nghiệp lấy làm mẫu vẽ. Khi người phụ nữ này cởi bỏ áo quần, mọi người ngán ngẩm nhận thấy vú bà ta đã... quá mướp. Các họa sĩ thảy đều... mất hứng. Riêng Bùi Xuân Phái lại bảo: "Thế đã sao. Đâu phải cứ tròn trịa mới đẹp".

Họa sĩ Văn Dương Thành, người được Bùi Xuân Phái ưu ái vẽ tới mấy trăm bức chân dung, đã đưa ra một nhận xét có tính đúc kết: "Ông dịu dàng và ngây thơ, nhiều khi hệt như một đứa trẻ con, ai nói to là ngại".

Chung tình, nhưng không... áp đặt

Về mặt hình thức, Bùi Xuân Phái là một người đàn ông đẹp. Nhìn ảnh ông thời trẻ, các thiếu nữ cứ phải gọi là... mê ly. Ông lại ăn nói rủ rỉ, có duyên. Đặc biệt, ông cũng tỏ ra khá "táo bạo" khi vẽ tranh khỏa thân, một đề tài dễ bị hiểu lầm và không mấy được khuyến khích thời ấy. Tuy nhiên, trong đời thực, ông lại là một người chồng hết sức chung thủy. Về điều này, họa sĩ Bùi Xuân Phương từng nhận xét: "Riêng tôi và những ai quen biết Bùi Xuân Phái đều chưa một lần nghe thấy ông nói ông có cuộc tình nào ngoài hôn nhân".

Đường mang tên Bùi Xuân Phái ở Đà Nẵng.

Với mình thì vậy, nhưng với người khác, Bùi Xuân Phái lại tỏ ra có cái nhìn phóng khoáng. Vẫn theo Bùi Xuân Phương tiết lộ, một lần, ông đưa cô bạn gái của mình trèo lên một căn gác nhỏ, rồi... tắt đèn. Một bà hàng xóm trông thấy, đã cấp báo với Bùi Xuân Phái. Tưởng ông sẽ có biện pháp "trừng phạt" con thế nào, nhưng không! Ông nghe rồi cười: "Đó là chuyện riêng của chúng nó, bà và tôi không có quyền can thiệp vào...".

Sinh thời, Bùi Xuân Phái đã vẽ chân dung rất nhiều bạn bè, người thân. Và vợ ông, bà Nguyễn Thị Sính, mặc dù không phải là người đàn bà đẹp song về  mặt này, bà luôn được đức lang quân dành cho sự quan tâm thích đáng. Bùi Xuân Phái vẽ chân dung vợ trong nhiều trạng huống, kể cả lúc cho con bú hoặc lúc đang... ngủ. Một người con dâu của Bùi Xuân Phái đã có nhận xét khá tinh: "Bố chồng tôi vẽ cô mẫu nào cũng giống cụ bà: gò má cao vút lên". Còn bà Sính thì thừa nhận: "Nhiều người cũng bảo, mặt cố ấy (tức nữ họa sĩ Văn Dương Thành - NH) có nhiều nét giống tôi". Là bà giải thích việc tại sao họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ nhiều tranh chân dung Văn Dương Thành đến thế.

Nhiều người đã biết, Bùi Xuân Phái được xem là họa sĩ ít câu nệ vào khuôn mẫu (cả ở mảng tranh chân dung lẫn mảng tranh phố). Những người mẫu của ông, nếu không quen đặc điểm phong cách của ông, hẳn sẽ có lúc phật ý vì ông có thể vẽ họ "xấu" hơn so với thực tế, hoặc "không giống cho lắm". Ở trên, chúng tôi đã nhắc tới việc họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ rất nhiều tranh chân dung Văn Dương Thành. Về việc này, họa sĩ Văn Dương Thành từng nửa đùa nửa thật rằng, sở dĩ chị được nhà danh họa vẽ chân dung nhiều lần vì chị là "người mẫu không sợ xấu".

Nhà họa sĩ hào phóng nhất thế giới

Đây không phải là nhận xét của tôi mà là nhận xét của một người từng được Bùi Xuân Phái tặng tranh. Người đàn ông tên  Tùng này đã nói đại ý rằng, mặc dù Bùi Xuân Phái qua đời đã lâu, song ông vẫn còn "nuôi" bao bạn bè bằng những bức tranh mà ông tặng họ. Ông Tùng còn cho biết, ông đã mua cho con trai ông một căn buồng nhờ tiền tranh của Bùi Xuân Phái. Bùi Xuân Phái là người hào phóng. Quý bạn quý bè, ông rất hay cho tranh. Chuyện kể rằng, Bùi Xuân Phái vẽ tranh trên bất cứ chất liệu gì ông có trong tay, từ giấy báo đến vỏ bao thuốc lá, thậm chí là vỏ bao diêm. Vẽ xong, ông nhét vào khe tủ. Bạn bè đến chơi, hứng lên, ông lấy ra, hỏi bạn: "Thích không, cho đấy". Có lần, trước các bạn bè văn nghệ ở quán Cà phê Lâm, Bùi Xuân Phái đã trổ tài dùng bút mực và cà phê đen vẽ chân dung một cô gái. Hôm đó, ông vẽ được cả thảy 30 bức. Ông hào phóng tặng mọi người những bức chân dung đó. Cô người mẫu được cho chọn trước 5 bức. Dịch giả Dương Tường được tặng nhiều nhất, tới 12 bức. 

Thanh đạm và... thanh thản

Nhiều năm trong đời, Bùi Xuân Phái gắn bó với ngôi nhà số 87 phố Thuốc Bắc, một ngôi nhà mà theo mô tả của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng thì "căn phòng chật hẹp và tối ngay cả khi ngoài trời đang nắng chang chang". Nói chung, cuộc sống của Bùi Xuân Phái, cho tới những năm cuối đời vẫn đạm bạc. Ông Bùi Thanh Phương từng kể, suốt mấy chục năm, như đã thành thông lệ, hễ tết đến là nhà văn Nguyễn Tuân luôn có quà sêu tết cho Bùi Xuân Phái, khi thì cân giò, khi thì cân thịt bò, khi thì con cá chép và "gia đình tôi trong mấy thập niên đó, có một cái tết ra trò hay không một phần cũng trông chờ vào quà sêu tết của nhà văn Nguyễn Tuân".

Mặc dù cuộc sống thanh đạm vậy, song với những người thân trong gia đình Bùi Xuân Phái, chưa khi nào họ thấy ông thể hiện máu mê tiền bạc. Có lần Bùi Thanh Phương đã hỏi cha: "Hình ảnh tệ nhất của người nghệ sĩ là gì?". Bùi Xuân Phái trả lời ngay: "Đó là hình ảnh anh ta ngồi đếm tiền". Theo Bùi Thanh Phương thì cha mình rất ý tứ chuyện tiền nong: "Khi giở ví để thanh toán tiền cho ai đó, cụ thường giấu ví tiền xuống gầm bàn mà đếm, vẻ mặt hết sức bối rối".

Cũng vẫn theo họa sĩ Bùi Thanh Phương, khi cha ông mất đi, điều ám ảnh nhất, gây ấn tượng nhất đối với ông chính là thái độ bình thản kỳ lạ của nhà danh họa: "Tôi đã chứng kiến giây phút cuối cùng của ông và không thể quên được cặp mắt ấy... Ông tỏ ra bình thản và dường như không luyến tiếc trần thế..."

Nguyễn Hiểu
.
.