Danh ca Thái Thanh: “Ngọn hải đăng” không tắt

Thứ Sáu, 27/03/2020, 07:56
Sáng 18-3-2020, âm nhạc Việt Nam có một nốt trầm buồn, đó là sự ra đi của danh ca Thái Thanh. Bà mất ở tuổi 86 khi đã sống một cuộc đời trọn vẹn cho âm nhạc. Và chắc chắn, tiếng hát của bà sẽ còn lại mãi với thời gian.

Thế hệ chúng tôi nghe bà hát qua những chiếc băng catsset cũ để lại. Một tiếng hát trở thành huyền thoại, bởi ở đó, giữa những giọng ngân cao vút ấy, tôi luôn cảm nhận được một tâm hồn trong trẻo, yêu thương cuộc đời, yêu thương con người. 

Và bên cạnh Khánh Ly, tiếng hát của Thái Thanh đã đi cùng chúng tôi trong những năm tháng của đời sinh viên hoa mộng ở ký túc xá. Tôi biết đến “Trả lại cho em khung trời đại học”, “Dòng Sông xanh”, “Kỷ niệm”… từ những năm tháng tuổi trẻ mộng mơ và cũng nhiều day dứt ấy. 

Nhưng tiếng hát của Thái Thanh không nhấn chìm tôi trong nỗi buồn hay sự tuyệt vọng. Tiếng hát mà một đồng nghiệp của tôi gọi là “diễm lệ” ấy đã trở thành chốn nương thân cho những kẻ mộng mơ, nuôi nấng cho tâm hồn chúng tôi những giấc mộng đẹp về đời sống vốn nhiều nỗi phiền muộn này. 

Và có lẽ, tiếng hát của bà đã trở thành kỷ niệm, ký ức của nhiều người, thế hệ trước tôi, sau tôi và ngay hôm nay, cả những bạn trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X vẫn có những người yêu và say mê tiếng hát của bà.

Danh ca Thái Thanh lúc còn trẻ.

Bà tên thật là Phạm Thị Băng Thanh. Bà sinh năm 1934 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Song thân của danh ca Thái Thanh đều là những người rất sành nhạc cổ. 

Thân phụ của Thái Thanh vốn chơi đàn nguyệt, còn thân mẫu chơi đàn tranh và đàn tỳ bà hay có tiếng ở đất Bắc. Anh chị em của Thái Thanh đều ngấm máu văn nghệ sĩ từ khi còn nhỏ. Anh trai của ca sĩ Thái Thanh chính là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, tác giả của bài hát rất nổi tiếng “Nửa hồn thương đau”. Bà đi hát từ năm 14 tuổi và sớm nổi danh bởi giọng ca hiếm có. 

Bài hát đầu tiên, bà không nhớ chính xác nhưng đó là một bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy. Năm 1946, Thái Thanh tản cư cùng gia đình vào Chợ Đại, Thanh Hóa - nơi bà bắt đầu hát lúc 14 tuổi. Cùng năm, Thái Hằng, chị gái của bà cưới nhạc sĩ Phạm Duy. 

Vì thế, giữa nhạc sĩ Phạm Duy và bà có một mối thân tình. Ông cũng chính là người thầy đầu tiên của bà, chỉ bảo về nhạc lý và kỹ thuật cơ bản. Còn bà, vì tình yêu với âm nhạc, đã tự luyện tập, trau dồi kỹ năng xướng âm và mua các sách nhạc từ Pháp gửi về mày mò, nghiên cứu. Bà có may mắn là bố mẹ không ngăn cấm bà đi theo nghiệp “xướng ca vô loài”. 

Vì thế, ca sĩ Thái Thanh hoàn toàn tự do khi lựa chọn con đường ca hát chuyên nghiệp (bắt đầu từ 1950). Bà bắt đầu nổi tiếng từ nhạc phẩm nước ngoài do chính nhạc sĩ Phạm Duy soạn lời, “Dòng sông xanh”. Nhạc sĩ Phạm Duy nghe ca sĩ Thái Thanh hát, ông hiểu rằng, cô gái này sinh ra để hát nhạc của ông. 

Cũng có người cho rằng, Phạm Duy vì yêu quý giọng hát của Thái Thanh nên đã sáng tác nhiều bài hát hợp với giọng của Thái Thanh. Trải qua 60 năm, Phạm Duy vẫn khẳng định: trong những người hát nhạc Phạm Duy, ông ưng nhất là Thái Thanh, Duy Quang và sau này có Đức Tuấn. Chỉ có Thái Thanh mới đủ khả năng nâng bổng nhạc của Phạm Duy lên và chỉ có nhạc của Phạm Duy mới đáng để Thái Thanh hát.

Cố nghệ sĩ được biết đến qua nhiều nhạc phẩm của tác giả Phạm Duy như “Dòng sông xanh”, “Cho nhau”, “Nương chiều”, “Bà mẹ Gio Linh”, “Kỷ niệm”...

Năm 1951, gia đình Phạm Duy về Hà Nội rồi chuyển vào Sài Gòn sống, Thái Thanh cũng đi theo. Thập niên 1950, giọng hát của bà được yêu thích, từ giới trí thức đến khán giả bình dân. Theo nhà văn Trương Quý, trong một quảng cáo chương trình ca nhạc kịch với phần ca nhạc của ban Hợp ca Thăng Long tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 6-9-1953 (đã in trong cuốn “Một thời Hà Nội hát”), Thái Thanh nổi bật trong ban khi được ghi tên đầu tiên. 

Đáng chú ý là đêm nhạc ở vùng tạm chiếm nhưng hát bài của các nhạc sĩ đang ở kháng chiến như Văn Chung, Nguyễn Xuân Khoát. Thái Thanh xuất hiện trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh, truyền hình. Đầu thập niên 1970, bà cùng ban Hợp ca Thăng Long thường xuyên biểu diễn tại vũ trường ăn khách Đêm màu hồng. Bà không chỉ thành công khi tiếp thu những nét văn minh của âm nhạc phương Tây mà kết hợp nó một cách nhuần nhuyễn với cách luyến láy, nhả chữ của âm nhạc dân gian Việt Nam. Điều đó làm nên sự khác biệt trong giọng hát của bà. Có thể nói, tiếng hát của danh ca Thái Thanh là một cuộc gặp gỡ Đông - Tây trong âm nhạc.

Ban Hợp ca Thăng Long của gia đình Thái Thanh.

 Bà được các nhạc sĩ thời đó đánh giá rất cao bởi tiếng hát đặc biệt của mình. Sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy gọi Thái Thanh là một giọng hát “diễm tuyệt”. 

Ông chia sẻ rằng: "Giọng hát Thái Thanh, một giọng hát diễm tuyệt: tất cả hạnh phúc và khổ đau của kiếp người bị đày đọa trong chiến tranh và hòa bình, trong vinh quang và khổ nhục, trong hy vọng và tuyệt vọng qua những bản nhạc khóc, cười, nổi, trôi theo mệnh nước”. Còn nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn nói: "Máu lửa, chiến tranh, bom đạn, chia cắt, người sống, người chết, nước mắt, mồ hôi, thấm nhập vào âm nhạc của chúng ta như thế nào, đều được phản ánh qua tiếng hát Thái Thanh”.

Bà được mệnh danh là một “giọng ca vượt thời gian” và trở thành một trong những nghệ sĩ tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam. Ca sĩ Khánh Ly, một người thân thiết với bà nói rằng: “Việt Nam, nếu có, tôi nghĩ, chỉ một người xứng đáng được xưng tụng là Diva, đó là cô Thái Thanh”. Ca sĩ Khánh Ly viết trên trang cá nhân của mình: "Thế là Ngọn Hải Đăng đã tắt. Tôi chẳng bao giờ quên những ngày tháng được cùng bà cười hát vui đùa tại Sài Gòn êm ả. Bà ngồi giữa chúng tôi gồm Hồng Vân, Ngọc Minh, Lan Ngọc lặng lẽ nghe Hồng Vân kể chuyện tếu. Thỉnh thoảng bà mắng yêu: "Chúng mày quá lắm nhé". Dẫu có kiếp sau cũng chẳng bao giờ tìm lại được những những tháng ngày đẹp đẽ ấy nhưng tôi sẽ giữ mãi trong tim hình ảnh Thái Thanh - Ngọn Hải Đăng của riêng tôi!''. 

Diễn viên Hồng Ánh chia sẻ: "Vẫn biết là quy luật thế nhưng vẫn thấy nặng lòng khi chia tay một biểu tượng về sự chuẩn mực trong ca từ, một cốt cách của một danh ca tài hoa. Tiếc vì chưa nhìn thấy ở thế hệ sau một sự kế thừa".

Danh ca Thái Thanh sang Mỹ định cư từ năm 1985, nhưng bà vẫn luôn mong ngóng về quê hương. Những năm cuối đời, bà muốn được trở về Việt Nam nhưng sức khỏe quá yếu sau những cơn tai biến. Bà là người tận tụy với gia đình, hết lòng chăm sóc các con. Vì thế, ca sĩ Ý Lan luôn coi mẹ là thần tượng. 

Cách đây vài năm, khi tổ chức show diễn ở Hà Nội, ca sĩ Ý Lan đã mạn phép được hát lại một số ca khúc nổi tiếng của mẹ, như một cách xoa dịu nỗi nhớ quê hương của bà, để thấy tiếng hát của bà vẫn luôn hiện diện trong đời sống của người Hà Nội, nơi bà sinh ra. Ca sĩ Ý Lan chia sẻ: “Mẹ tôi là một người đàn bà tình cảm và rất can đảm. Suốt thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành, hình ảnh của mẹ âu yếm, chăm sóc các con đã ảnh hưởng nhiều đến tôi khi tôi làm mẹ”.

Bà đắm chìm trong âm nhạc khi hát. Và trong đời sống, bà cũng là người tận tụy với gia đình, các con. Bà yêu thương mọi người, nâng niu trân quý từng cành cây, ngọn cỏ. Như một bài báo đã ghi lại tâm sự của bà khi ứng xử với cây hoa lan: “Cư xử với cây khó lắm, nhất là hoa lan, không như cư xử với người đâu. Nếu mình không chăm sóc tử tế, không khéo, không làm đúng những gì mình phải làm, thì cây nó bỏ đi. Còn với người, người ta sẵn sàng chịu đựng nhau, đôi khi người ta giả dối dể vẫn liên lạc với nhau vì những điều gì đó. Còn với cây, mình có yêu cây thì cây mới ở lại với mình”. Con người ấy, tâm hồn ấy, không chỉ đẹp trong tiếng hát mà còn rất dịu dàng, nhân hậu trong đời sống.

Bà đã ra đi nhưng tiếng hát của bà mãi mãi đóng đinh trong dòng chảy của lịch sử âm nhạc Việt Nam. Nghĩ về cái chết của bà, tôi lại đồng cảm với những chia sẻ của nhà báo Phan Đăng trên kênh Youtube của anh rằng: Những con người tài hoa, khi họ mất đi, họ sẽ để lại gì cho cuộc đời. Với danh ca Thái Thanh, đó là tiếng hát, tiếng hát sẽ còn mãi với thời gian khi chúng ta mở đĩa nhạc hay kênh Youtube để cảm nhận sự hiện diện của bà. Đó chính là những giá trị tinh thần quý giá cho cuộc đời này.

Linh Nguyễn
.
.