Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các nhà văn Việt Nam

Thứ Sáu, 17/03/2006, 08:20

Tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp quen thuộc và thân thiết với mọi thế hệ người Việt Nam, nhưng với riêng tôi, đây là lần đầu tiên trực tiếp tiếp xúc với Đại tướng. Đọc của ông khá nhiều, từ “Những năm tháng không thể nào quên” đến “Đường tới Điện Biên Phủ” đều thấy toát lên sự đánh giá nhất quán và lòng trân trọng bền vững của ông đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Ngày 10 /1/2001, tôi thảo một công văn gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chuyển cho nhà thơ Hữu Thỉnh ký. Nội dung như sau:

“Kính thưa Đại tướng,

Nhân dịp đón xuân Tân Tỵ, đón thiên niên kỷ mới, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam xin gửi tới Đại tướng lời chào trân trọng. Kính chúc Đại tướng và gia đình an khang, thịnh vượng”.

Chúng tôi xin vui mừng báo tin cuốn “Đường tới Điện Biên Phủ” của Đại tướng do nhà văn Hữu Mai thể hiện được toàn thể Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI, phiên họp thứ ba ngày 8 tháng 1 năm 2001 quyết định trao tặng phẩm đặc biệt vì giá trị tư tưởng và nghệ thuật đem lại cho công chúng.

Kính mời Đại tướng đến dự buổi lễ trao giải thưởng Văn học năm 2000 và kết nạp hội viên mới do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào hổi 9 giờ thứ hai ngày 15 tháng 1 năm 2001 tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.

Hội Nhà văn Việt Nam rất mong sự có mặt của Đại tướng”.

Công văn gửi đi chúng tôi nghĩ ngay rằng ông khó có thể tới được do điều kiện sức khỏe. Mấy ngày sau, Văn phòng Đại tướng chính thức báo lại như vậy và cảm ơn Hội Nhà văn Việt Nam. Đại tướng đưa ra lời mời đại diện các nhà văn Việt Nam tới thăm vào dịp nào đó. Nhà thơ Hữu Thỉnh đề xuất ý kiến chọn vào dịp tết âm lịch và được mọi người tán thành.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang nghe nhà báo Hữu Thỉnh, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam báo cáo về sáng tác của các nhà văn.
Sáng 27 tháng 1 năm 2001, tức mồng bốn tết Tân Tỵ, đoàn đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam do Tổng thư ký Hữu Thỉnh dẫn đầu tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng. Đại tướng tiếp khách trong căn phòng chừng bốn mươi mét vuông. Một chiếc bàn dài và rộng với những hàng ghế dựa chung quanh. Trên tường là những bức trướng, phù điêu, tranh, ảnh kỷ niệm liên quan tới năm tháng hoạt động của Đại tướng. Có những bức quen biết như Đại tướng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng đến thăm trận địa, phù điêu Chủ tịch Phiđen Caxtơrô, một bức trướng của các nhà giáo Nguyễn Trường Sơn, Lê Lam, Giang Ngọc Diệp, Trần San lấy lời của nhà văn Nguyễn Trần Thiết tặng Đại tướng nhân ngày 20 tháng 11 năm 2001, một bức trướng đề: Chúc thọ anh năm 1992, ký dưới là những tên tuổi quen biết của Hội Nhà văn Việt Nam: Đào Phan, Siêu Hải, Hồ Khải Đại, Sơn Tùng, Hoàng Kính, Sơn Tuyên.

Sau khi giới thiệu các nhà văn Việt Nam có mặt: Nguyễn Trí Huân - Phó Tổng thư ký, Hồ Phương - Trưởng ban Văn học Quốc phòng an ninh, Hữu Mai - nguyên Ủy viên Ban chấp hành, Cao Tiến Lê, Ủy viên Ban chấp hành, Đại tá Phạm Gia Đức - Giám đốc Nhà xuất bản QĐND, phóng viên ảnh Tuần báo Văn nghệ Nguyễn Đố, và tôi Chánh Văn phòng Hội. Tổng thư ký Hữu Thỉnh đọc lời phát biểu viết sẵn, ngắn gọn, súc tích. Đại tướng đứng dậy nghe. Cảm ơn. Rồi phát biểu ý kiến.

Từ lâu lắm rồi, tên tuổi Võ Nguyên Giáp quen thuộc và thân thiết với mọi thế hệ người Việt Nam, nhưng với riêng tôi, đây là lần đầu tiên trực tiếp tiếp xúc với Đại tướng. Đọc của ông khá nhiều, từ “Những năm tháng không thể nào quên” đến “Đường tới Điện Biên Phủ” đều thấy toát lên sự đánh giá nhất quán và lòng trân trọng bền vững của ông đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Buổi gặp mặt đầu xuân này Đại tướng đã cung cấp cho chúng tôi một số chi tiết cụ thể mà dường như tôi chưa đọc ở đâu bao giờ.

Ông mở đầu:

- Nhiều bạn bè, khách khứa, cả trong nước và ngoài nước hỏi tôi vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chọn Võ Nguyễn Giáp làm người chỉ huy quân sự?

Ngay từ những năm ba mươi tuổi tôi đã tham gia hoạt động cách mạng. Tôi làm báo, làm tuyên truyền, và không hề nghĩ rằng mình sẽ là cán bộ này nọ, lại càng không thể nghĩ là người chỉ huy quân sự của một đất nước có đội quân cách mạng ngày càng hùng hậu. Ngày này, đúng là ngày này - Đại tướng nhấn mạnh - Mồng hai tết cách nay tròn sáu mươi năm, Bác Hồ của chúng ta về nước. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với cách mạng Việt Nam.

Sau mấy chục năm bôn ba bốn biển chân trời, đầu năm 1941, được tin Pháp sụp đổ, thời cơ của cách mạng Việt Nam đã có hồi chuông cảnh báo, Bác Hồ của chúng ta quyết định trở về Tổ quốc. Đến cột mốc 108, Người đứng lặng, nét mặt phong sương trầm ngâm, vầng trán ưu tư, như muốn cúi chào đất Mẹ, rồi mới bước tiếp. Từ ngày mồng hai tết Tân Tỵ năm ấy, cách mạng Việt Nam được bàn tay anh minh từng trải của Người chèo lái, dắt dẫn, vượt qua mọi phong ba ghềnh thác tới cuộc khởi nghĩa long trời lở đất Tháng Tám năm 1945.

Trở lại câu hỏi vì sao Bác lại chọn Võ Nguyên Giáp làm người chỉ huy quân sự. Thì như thế này: Những ngày họp Hội nghị Trung ương tám tại hang Pắc Bó, dù năm tháng xa rồi, nhưng tôi không bao giờ quên, đêm nằm trên những phản gỗ gập ghềnh lưng đau ê ẩm, Bác cháu thường hay trò chuyện với nhau. Bác nói về thế giới, về Việt Nam. Cách mạng Việt Nam là cách mạng tư sản dân quyền có hai nhiệm vụ chiến lược: phản đế và phản phong. Phản đế thì đã quá rõ. Nhưng còn phản phong?… Tình hình giai cấp ở Việt Nam hiện nay đã phân hóa và đổi khác. Tầng lớp trung lưu, giai cấp địa chủ, tư sản, không phải ai cũng chống phá cách mạng mà một bộ phận trong họ có lòng yêu nước, mong muốn thoát khỏi ách đô hộ thực dân. Cần lôi kéo họ. Cần phát huy tính tích cực ở họ. Do vậy tính chất của cách mạng bây giờ là dân tộc giải phóng đặt Tổ quốc lên trên hết và hướng tới một nhà nước dân chủ cộng hòa.

Người nói dấn thân vào con đường cách mạng là phải “Dĩ công vi thượng”, nghĩa là không được vì mình, không đặt quyền lợi của mình lên trên quyền lợi của dân, của nước. Rồi Bác nói về việc phải tổ chức lại lực lượng vũ trang, đầu tiên phải coi công tác tuyên truyền là chính và sau đó kết hợp vũ trang và tuyên truyền… Kết luận, Bác hỏi: “Việc này chú Văn làm được không?”. Tôi lưỡng lự: “Thưa Bác, tôi chỉ là nhà giáo!…”. Bác khẳng định lại: “Chú làm được!”. Tôi nghĩ rằng Bác giao là đất nước giao, là cách mạng giao và mình chỉ còn nghĩa vụ phấn đấu không mệt mỏi.

Đất nước đang đổi mới. Con người Việt Nam tài ba trên tất cả mọi lĩnh vực chứ chẳng riêng gì về quân sự. Lịch sử luôn chứng minh điều này. Quân Mông Cổ hùng hậu đến như vậy, vó ngựa tàn phá suốt từ Á sang Âu nhưng tới Việt Nam nhỏ bé của chúng ta thì phải dừng lại. Và như các bạn đã biết, ngay nước Triều Tiên kề cận với vùng Đông Bắc Trung Quốc, chặn đứng được đạo quân Mông Cổ, có phần không nhỏ là sự đóng góp tài ba của vị Hoàng tử Đại Việt Lý Long Tường cùng tướng sĩ của ông.

Đại tướng dừng lại giây lát, chợt trí óc tôi bay vụt về vùng đất xa xôi - ấy là thành phố Xuzdan miền Trung nước Nga. Thành phố không có những tòa nhà chọc trời mà lộng lẫy bởi những bãi cỏ vàng au, bởi những tán cây óng ánh, những tháp chuông nhà thờ nối nhau ươm ươm đắm chìm, ngạo nghễ dưới bầu trời vàng sánh như là đổ mật. Chiến tranh thế giới thứ hai không một viên đạn của phát xít Đức bay tới nơi đây. Cuộc sống thanh bình. Người dân hòa nhã. Nhưng mà dưới không gian êm ả, huy hoàng ấy trong một nhà bảo tàng, những bức tranh về cuộc chiến với quân Tácta thế kỷ thứ mười hai, mười ba còn ghi lại bao nỗi kinh hoàng. Vó ngựa quân sĩ Thành Cát Tư Hãn đã tràn qua đây, để tới Mátxcơva, để vượt Kiép và Minxcơ tràn vào Ba Lan, tràn qua Hunggari, đe dọa nước Pháp bên bờ Đại Tây Dương…

Nhưng mà, như Đại tướng nói, trí tuệ Việt Nam đâu phải chỉ thể hiện trên lĩnh vực quân sự. Chỉ nói tới phẩm chất anh hùng của con người Việt Nam thôi chưa đủ. Và trí tuệ Việt Nam phát huy rạng rỡ khi được khởi phát từ lòng yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu say đắm nơi mình sinh sống. Các bậc danh nhân thời nào cũng có và cũng gắn liền với cái nôi văn minh trí tuệ Việt Nam.

Tôi muốn thưa lại với Đại tướng nhưng rồi cứ im lặng lắng nghe và suy nghĩ, rằng ở Mỹ, một số người không phải ít cho là sở dĩ quân đội Hoa Kỳ thua Việt Nam vì chính nhân dân Mỹ, Quốc hội Mỹ đã không cho họ đánh tới cùng. Những cuộc biểu tình phản đối dữ dội, những cuộc điều trần, những phe phái, đã trói tay người lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ. Người ta đâu có biết rằng, chính là đường lối kháng chiến của ta, chính là tư tưởng chỉ đạo chiến tranh giải phóng của Hồ Chủ tịch, hay nói khái quát, chính tư tưởng Hồ Chí Minh đã soi sáng con đường đi của kháng chiến Việt Nam, đã tranh thủ được sự đồng tình của nhân dân một nhà nước mà quân đội của họ đang xâm lược và là đối tượng tác chiến của nhân dân ta.

Có thể nói không quá đáng rằng mặt trận trong lòng nước Mỹ ấy có phần không nhỏ là do tư tưởng Hồ Chí Minh vun đắp nên. Chống Pháp đã vậy. Chống Mỹ vẫn như vậy. Đó là truyền thống giữ gìn nền độc lập từ thời ông cha, từ Lê Lợi - Nguyễn Trãi, từ Quang Trung, cho đến hôm nay. Đó chính là trí tuệ Việt Nam. Là tư tưởng Hồ Chí Minh bất diệt!

Nhà thơ Hữu Thỉnh thay mặt đoàn trao tặng phẩm đặc biệt cho cuốn sách của Đại tướng mới phát hành theo quyết định của Ban Chấp hành qua phiên họp ngày 8 tháng 1 năm 2001. Đại tướng trân trọng đứng lên nhận và phát biểu lời đáp. Ông trao tặng Hội Nhà văn cuốn sách về tư tưởng Hồ Chí Minh và nói thêm rằng: “Chúng ta đều là con cháu và học trò của Người, dù hoạt động trên mọi lĩnh vực khác nhau, dù giữ cương vị xã hội cao thấp khác nhau, thì tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc soi đường cho ta đi xa, đi mãi!”.

Ngoài kia phơn phớt một vệt nắng vàng. Chồi xuân hé nở!

Tô Đức Chiêu
.
.