Đại tá nhà văn Nam Hà: Người của những hồi ức
Ngồi nói chuyện với tôi, thi thoảng ông lại lơ đãng nhìn ra ngoài khung cửa, nơi có giàn hoa giấy âm thầm nở hoa rủ xuống một góc của hiên nhà. Một sự lơ đãng... tập trung. Đã lâu lắm rồi ông mới có dịp hồi tưởng lại những kỷ niệm cũ, những tháng ngày chưa xa phủ kín suốt một thời trai trẻ. Cũng lâu lắm rồi ông không kể chuyện văn chương...
- Nghe nói thời trẻ ông cầm bút cũng rất tình cờ?
+ Đúng vậy. Ngày nhỏ, nhìn các anh bộ đội về đóng quân ở làng, tôi được chung vui với các anh ấy một thời gian. Không có gì làm quà, khi các anh đi tôi ngồi và cầm bút viết một bài về những kỷ niệm mình đã có với các anh. Bài báo có cái tên rất thật là… "Bộ đội về làng". Không ngờ sau đó được đăng trên tờ báo của Tỉnh đội Nghệ An. Rồi tôi được báo gọi về làm phóng viên, một thời gian sau cầm súng lên đường chiến đấu. Có thể nói hành trình người viết văn và người chiến sĩ luôn song hành với tôi. Từ những ngày đầu cho đến mãi sau này.
- Không như nhiều nhà văn khác, nhìn lại những đầu sách của Nam Hà, dường như chỉ có một chủ đề xuyên suốt là chiến tranh và được lồng trong một không khí sử thi riêng biệt...
+ Cái này thuộc tạng của mỗi người. Hồi nhỏ, tôi đã đặc biệt thích văn học sử, thậm chí còn là một học sinh giỏi môn sử. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, lúc này chúng ta cũng từng bước được tiếp cận với nền văn học thế giới như Nga, Pháp, Trung Quốc… với những tiểu thuyết sử thi như "Sông Đông êm đềm", "Chiến tranh và hòa bình", "Con đường đau khổ"… và tôi ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những tác phẩm ấy, cả trong cách nghĩ, cách chọn đề tài. Năm 1964, khi cầm súng vào chiến trường, Trung tướng Lê Quang Đạo đã nói với tôi: "Cậu vào đấy viết ngắn phục vụ kịp thời cho từng trận đánh, nhưng phải luôn có sự tính toán để sau này viết dài về chiến tranh". Và tôi đã làm tròn nhiệm vụ cấp trên giao.
Bên cạnh những bài báo, bài ký phục vụ cuộc chiến đang diễn ra, tôi đã có ý thức để chuẩn bị cho những kế hoạch dài hơi sau này. Cuộc kháng chiến thành công, từ năm 1975 đến 2007 tôi đã viết được một liên bộ sử thi từ chiến tranh cục bộ đến thời hậu chiến với các tiểu thuyết "Ngày rất dài", "Trong vùng tam giác sắt", "Đất miền đông"… May mắn trong số đó cũng có những tiểu thuyết được giải thưởng của Bộ Quốc phòng
- Được biết trước đây, khi mới cầm bút, ông cũng đã là một nhà thơ, thậm chí ông đã xuất bản một tập thơ và bài thơ "Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi" đã nằm lòng trong tình cảm của thế hệ những người lính "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Thế hệ trẻ như tôi đến bây giờ vẫn nhớ những câu thơ đầy hào sảng và tâm thế của các bậc cha đi trước: "Đất nước của những người con trai con gái/ Đẹp như hoa hồng cứng hơn sắt thép/ Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt dành cho ngày gặp mặt". Ông có thể cho biết xuất xứ của bài thơ này?
+ Vâng. Bài thơ ấy tôi làm trong… ba năm. Năm 1964 khi hành quân ở Trường Sơn tôi đã làm được vài đoạn nhưng rồi không thể viết tiếp. Mãi đến năm 1966, tôi tham gia trực tiếp một trận đánh với lính Mỹ. Quân ta thắng lớn. Anh em ai cũng phấn khởi. Buổi chiều cả đơn vị rủ nhau ra suối tắm. Nhìn những nụ cười tóa nắng của những người lính trẻ, nghĩ về không khí của trận đánh ban chiều, tôi ngồi dựa vào gốc cây, nhìn anh em tắm và ghi liền một mạch cho đến khi hoàn chỉnh cả bài thơ.
- Ông là một trong không nhiều nhà văn vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu vừa viết…văn. Không hiểu sao trong những hoàn cảnh luôn cam go và nguy hiểm ấy, ông vẫn có tâm trạng để có thể… ngồi viết?
+ Thực ra thì thế này, khi đã vào chiến trường, dù anh có làm nhiệm vụ gì đi nữa thì anh vẫn phải xác định, trước hết mình phải là một chiến sĩ. Súng luôn sát bên hông và hoàn cảnh nào cũng có thể là chiến trường, lúc nào cũng ở tâm thế đánh nhau với kẻ thù. Còn việc viết thì giản dị lắm. Nghỉ ngơi giữa những trận đánh, đêm trong lán trại với anh em, thậm chí hành quân trên đường vẫn có thể suy nghĩ các ý tưởng để viết. Tôi còn nhớ năm 1968 tham gia chiến dịch Mậu Thân, địch lấy được một số tài liệu của ta, trong đó có cả ảnh và một số cuốn sổ của tôi mang về. Thời gian sau, chúng thả truyền đơn xuống địa phận Hà Tĩnh, Quảng Bình nói rằng nhà văn Nam Hà đã đầu hàng. Người em trai của tôi bàng hoàng, khi đó đang đóng quân ở Hà Tĩnh đã phải đi xe ra tận Hà Nội, đến tạp chí Văn nghệ Quân đội hỏi cho rõ nguồn cơn, sau đó Tổng Cục chính trị đã trả lời: "Nhà văn Nam Hà chỉ bị mất tài liệu chứ không đầu hàng". Nói vậy để thấy rằng làm người vừa cầm bút vừa cầm súng có những sự khác biệt với người khác, mình biết những điều ấy để luôn chủ động và xác lập được tư tưởng.
- Được biết, ông thường mất rất nhiều thời gian khi viết. Có những tiểu thuyết ông viết trong thời gian… mười năm. Có phải vừa cầm súng vừa cầm bút nên những khoảng lặng cho bản thân rất hiếm, hay đó là tính của ông?
+ Không hẳn thế đâu. Thời gian để viết một cuốn sách với tôi không dài. Vì ký ức trong mình còn đậm quá, kỷ niệm và cảm xúc còn tươi nguyên quá. Tôi nhớ năm 1972, theo anh em đi tham gia chiến đấu ở Bình Dương, Bình Phước. Trước giờ ra trận anh em đã nói với tôi rất thật: "Anh đừng đi, anh là nhà văn, anh xuống đây được là quý rồi. Anh mà ra đánh nhau chưa biết sống chết thế nào. Anh mà chết thì ai sẽ viết về chúng tôi. Anh phải sống để ghi lại những giai đoạn này của đất nước và nhân dân ta". Đấy, anh em họ nói với mình thế đấy, nhưng mình cũng bảo thẳng: "Trước tiên tôi là một người lính. Tôi đã từng chiến đấu, đã từng bị thương. Tôi có thể sử dụng thành thạo vũ khí. Các anh hãy để cho tôi được đi với anh em". Vậy nên khi nhớ lại những kỷ niệm ấy, những đoạn đời đã trải qua ấy, mình viết lại dễ lắm. Kể cả lời thoại, nó như vẫn còn đâu đây. Mình chỉ ngồi tĩnh tâm và hoài nhớ lại. Nên mình không mất nhiều thời gian để có một cuốn sách đâu.
- Có ý kiến cho rằng nhà văn Nam Hà là người rất giỏi viết về những chiến dịch. Cái thiếu của nhà văn Nam Hà là những tiểu thuyết mang tính chiến lược, thể hiện cái nhìn mang tính bao quát?
+ Cuộc chiến của dân tộc ta dài quá. Dài hơn rất nhiều những cuộc kháng chiến của dân tộc khác. Mười lăm năm, tôi phải cắt ra từng giai đoạn để viết mà hơn nữa, mỗi giai đoạn đều mang những tính chất lịch sử khác nhau nên mình cũng phải có sự lựa chọn, sắp xếp cho tách bạch rõ ràng.
- Nghề văn cũng lắm công phu. Nghe đâu để viết một cuốn tiểu thuyết, ông đã lên tận Hồ Núi Cốc, sống giữa bốn bề núi rừng, "bế quan tỏa cảng" mấy tháng trời không xuống núi. Lần xuống núi duy nhất chỉ là cuộc đi bộ để mua bút vì.. hết mực?
+ Mình có thói quen phải xa nhà và ngồi tập trung một chỗ mới viết được. Và trong khi nhiều nhà văn khác đã viết bằng máy tính thì đến giờ tôi vẫn chỉ viết được bằng bút bi. Tôi nghĩ đó là tạng của mỗi người. Và với tôi, viết một cuốn sách cũng như bước vào một chiến dịch, phải có chuẩn bị, có mở đầu và kết thúc. Trong thời gian ấy thì mình phải tập trung, không thể để gián đoạn bởi bất kỳ một sự việc nào nên có lẽ mới có thói quen ấy
- Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, ông cũng có những tiểu thuyết về thời hậu chiến, về cuộc sống xã hội những năm sau chiến tranh. Xin hỏi thật, khi cầm bút viết, ông có tự tin để nghĩ rằng mình sẽ chuyển tải được cái không khí thời đại với những ngóc ngách tâm tư, những mâu thuẫn xung đột, nếp nghĩ mà tôi nghĩ rằng, sẽ có những cái khác so với thời của lớp người đi trước?
+ Cậu nói cũng đúng. Nhưng chủ yếu mình viết về giai đoạn 1975 đến 1995. Mình không ảo tưởng và quá ôm đồm. Những đề tài mình viết vẫn là về đồng đội, tâm tư và cuộc sống của những người lính khi sống trong gia đoạn hòa bình. Mình nhìn từ bạn bè mình, nhìn từ xã hội và quan trọng mình nhìn vào chính mình. Không phải là cuộc chiến tranh bằng súng đạn nữa mà là cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa cũ và mới, bảo thủ và cấp tiến để rồi với phẩm chất của người lính, họ vẫn bắt kịp và chủ động đi lên xây dựng xã hội. Những chuyện ấy thì không xa lạ với tôi.
- Ông có thể cho biết dự định của mình trong thời gian tới?
+ Cái này chưa nói trước được. Hiện giờ thì mình chưa có ý định bởi dạo này sức khỏe cũng không tốt. Mình đọc là chủ yếu, viết một thời gian dài rồi, bây giờ lại có nhu cầu đọc.
- Xin cảm ơn nhà văn Nam Hà!