Cuốn nhật ký bằng thơ của nhà báo Nguyễn Hồng Vinh

Thứ Năm, 09/09/2010, 09:53

Đối với những người làm báo trẻ chúng tôi, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh là một người thầy giàu kinh nghiệm với nhiều bài viết sắc sảo trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Tuyển tập báo chí "Đất nước qua những chặng đường làm báo" của ông dường như đã trở thành giáo trình cho những ai đang muốn khởi đầu công việc làm báo vì sức nặng của nó. Nhưng thật bất ngờ khi tôi bắt gặp một Hồng Vinh thi sĩ, khi đọc tập thơ mới ông vừa "trình làng"...

Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh tâm sự, ông làm thơ đã lâu, nhưng ít công bố trên báo chí. Công việc của người làm báo gần như đã chiếm trọn vẹn thời gian của ông. Thơ đến với ông trong những phút nghỉ ngơi, thư giãn hiếm hoi. Ông cho rằng, đó là những cuộc trò chuyện với chính mình, là ghi chép lại những tâm trạng về cuộc đời, về con người. Thơ mang đến cho ông niềm vui, sự thanh thản và là nguồn cảm hứng dạt dào về mỗi ngày đang sống.

Có một sự thống nhất nào đấy khi Nguyễn Hồng Vinh đặt tên cho tập thơ của mình là "Từ những nẻo đường". Từ những nẻo đường của một người làm công tác báo chí luôn nặng lòng suy tư về cuộc đời, về đất nước, con người và thế sự, Thơ đã đến và neo đậu trong trái tim ông. Hình như mỗi chuyến đi, mỗi cuộc gặp gỡ đều để lại cho Nguyễn Hồng Vinh nhiều thi đi giờ cũng là một nhu cầu. Và chính sự đi ấy là điều kiện cho những cuộc trở về của cảm xúc. Là người làm báo, lại từng nắm giữ nhiều cương vị quan trọng, Nguyễn Hồng Vinh đã đặt chân đến những miền đất xa lắm, đẹp lắm. Và ở đâu ông cũng có thơ. Nhưng tôi đặc biệt ấn tượng với bài thơ ông ông viết về mẹ khi đang trên máy bay "vượt Thái Bình Dương, qua Đại Tây Dương": "Rau lang luộc với cơm độn sắn/ Rét tháng Giêng, bếp lạnh, Mẹ thức chờ/ Vừa chợp mắt canh ba, Mẹ đã vùng thức dậy/ Lo cơm nắm, muối vừng cho con học đường xa...". Ký ức về người Mẹ nghèo tảo tần hôm sớm bao giờ cũng làm cho những đứa con cay xè mắt, dù đang ở phương trời nào.

Nguyễn Hồng Vinh sinh ra và lớn lên ở một vùng quê chiêm trũng thuộc tỉnh Nam Định. Ông là con út trong một gia đình có 7 người con, và cũng là người con thành đạt nhất. Hình ảnh người mẹ trong thơ Hồng Vinh làm người đọc thắt lòng xa xót vì cái nghèo, cái cơ cực, nhưng lại cũng ấm lòng xiết bao vì bà luôn dạy con những điều nhân nghĩa, và bồi đắp cho con những tình cảm đẹp về cuộc đời.

Trong những cuộc trở về của cảm xúc trong trái tim thi sĩ của nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, thì nỗi nhớ về gia đình, tổ ấm, vợ con trong "Những năm tháng không quên" cũng làm ta bùi ngùi: "Năm 83, con trai tròn 9 tuổi/ Đã biết chen chân mua gạo, mua dầu/ Con gái nhỏ xếp hàng nơi máy nước/ La liệt nền nhà, đầy ắp nước chậu, xoong...". Đó là thời bao cấp vất vả, thiếu thốn, mà ông lại đang đi làm nghiên cứu sinh tận nước Nga xa xôi. Ông viết cho vợ con với tình cảm nhớ thương tha thiết và cả lòng biết ơn: "Anh - từ cậu bé lội bùn nơi đồng quê chiêm trũng/ Viết xong luận án về nghề, có quá nửa công em".

Dấu ấn của một người làm công tác báo chí, tư tưởng rất sâu đậm trong thơ Hồng Vinh. Cái trách nhiệm công dân của một người đi nhiều, chứng kiến nhiều sự kiện, nhiều con người với những công việc cao cả hay thầm lặng, ông đều mang vào Thơ. Vậy nên, một mặt khác có thể hiểu "Từ những nẻo đường" chính là một cuốn nhật ký bằng thơ của Nguyễn Hồng Vinh. Ông tự hào khi mình được vinh dự nhận thẻ cử tri thực hiện quyền công dân tại đảo Trường Sa lớn năm 1972 (Tấm thẻ cử tri). Ông xúc động trước hình ảnh một cô bí thư xã vùng cao hết lòng vì công việc của dân (Sông Lô có một người con gái), hay một cô gái cần mẫn nhặt rác làm sạch biển (Hạt phù sa bên biển). Ông rưng rưng khi chứng kiến cây cầu Cần Thơ "nối hai bờ kiêu hãnh" được hoàn thành (Cây cầu mùa xuân), và nao lòng trước thủ đô sắp 1000 năm tuổi (Thủ đô - dòng ký ức trong tôi), hạnh phúc khi chứng kiến con đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã được hoàn thành cho từng đoàn xe vào Nam ra Bắc tấp nập mỗi ngày (Con đường xưa, con đường nay)... Nhật ký thơ của Hồng Vinh còn đưa ta đến những miền đất lạ, gặp gỡ những cảnh đẹp, những con người sâu nặng tình cảm với Việt Nam, từ Mỹ (Suy ngẫm bên dòng Pôtômac) đến Áchentina (Nhớ mãi Áchentina) đến Ba Lan (Trên đất Sôpanh)... Những ghi chép trong thơ của Hồng Vinh ít nhiều mang tính thời sự, đó dường như là sự tất yếu trong tư duy của một nhà báo. Tôi nghĩ, đây là thế mạnh của ông. Bởi đưa được những con người cụ thể, những sự kiện cụ thể vào thơ mà vẫn truyền được cảm xúc, tình cảm đến với người đọc không phải là điều dễ dàng. Con người thi ca của Nguyễn Hồng Vinh rõ ràng không thể lấn át con người báo chí trong ông. Nhưng ông đã làm được một việc quan trọng, là hài hòa hai con người ấy. Vì thế thơ của ông, dù rất "thời sự" nhưng cũng tràn đầy cảm hứng thi sĩ.

Có một góc khác, thầm kín, nhưng cũng rất đáng yêu trong thơ Nguyễn Hồng Vinh, đó là tình yêu. Tình yêu, có ai bước vào nẻo đường thơ mà lại không thể dừng chân chốn ấy. Song, tình yêu trong thơ Hồng Vinh là một thứ tình cảm nhẹ nhàng, bay bổng, những xúc cảm dường như thoáng qua mà lắng đọng. Rất nhiều hình ảnh Em xuất hiện trong thơ Hồng Vinh, lúc mơ hồ, khi cụ thể. Có thể hiểu đó chính là Nàng Thơ mà ông đã phải lòng và đang hướng đến. Hồng Vinh có những câu thơ hay về tình yêu, ví dụ: "Tóc em liễu hồ/ Mắt em biếc hồ" (Liễu) hay "Ước gì hình em nhập vào xanh lá/ Che mát anh suốt dọc đường xa" (Trở lại Hàng Châu). Như là quy luật muôn đời, sau tất cả những vui buồn thế sự có lúc ào ạt, dồn dập đến, trên những nẻo đường và trong suốt cuộc đời của một người làm báo, con người thi sĩ trong Nguyễn Hồng Vinh cuối cùng vẫn mách bảo ông: "Có một miền em da diết/ Suối nguồn những cánh thơ bay". Thiết nghĩ, đó có thể là một sự mách bảo riêng tư, nhưng cũng là sự mách bảo muôn đời của Thơ với tất cả những ai muốn đến và ở lại lâu dài trong trái tim người đọc.

Trăng ở Sóc Trăng (thơ của Nguyễn Hồng Vinh)

Em mang theo "Vầng trăng vệ đê" (1) vào đất
Sóc Trăng
Hay để lại bên sông Hồng cuộn chảy?
Nơi Tình Yêu bừng bừng lửa cháy
Thổn thức, chiêm bao, xao xuyến dâng đầy... 

Trăng Sóc Trăng mờ tỏ đêm nay
Bên sóng nước rì rầm như phút nào ngày ấy
Thiếu vắng anh, vầng trăng như nhỏ lại
"Khoảng sáng vệ đê" càng lấp lánh, xôn xao...
 

                          Sóc Trăng, mùa thu 2010

------------

(1) Tên một truyện ngắn trên Báo Văn nghệ Công an 

Phó giáo sư, Tiến sĩ, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh sinh ra và lớn lên tại huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông thi đỗ vào khoa VănTrường đại học Tổng hợp Hà Nội nhưng lại chuyển sang theo học ngành Sử. Trong chiến tranh, Hồng Vinh là một phóng viên chiến trường. Ông có mặt ở những nơi bom đạn ác liệt nhất như đường Trường Sơn, thành cổ Quảng Trị. Năm 1986, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về Báo chí tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Liên Xô. Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh nhiều năm là Tổng biên tập Báo Nhân dân; từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, IV, Đại biểu Quốc hội khóa X, XI. Ông cũng từng giữ nhiều trọng trách như Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Báo chí ASEAN (CAJ), Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Hiện nhà báo Nguyễn Hồng Vinh là Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.

Bình Nguyên Trang
.
.