Cuộc hành hương về thánh địa Mecca của những tín đồ sẵn sàng “tử vì đạo”

Thứ Ba, 28/08/2018, 07:55
Tháng 8, bắt đầu mùa hành hương vì tín ngưỡng tâm linh của hàng triệu tín đồ Hồi giáo về thánh địa Mecca. Đây là cuộc hành hương lớn nhất, và là bổn phận thiêng liêng nhất của những tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới không phân biệt tuổi tác.


Mặc dù những tai nạn vô cùng kinh hoàng đã từng xảy ra trong những cuộc hành hương quá lớn này, song với những người Hồi giáo, dù có phải bán hết gia sản, và dù phải đối mặt với rủi ro, hiểm nguy thì họ cũng sẵn sàng "tử vì đạo".

Lễ Hajj - Tín ngưỡng thiêng liêng

Những ngày cuối tháng 8 này, truyền thông nước ngoài đưa tin hơn 2 triệu tín đồ Hồi giáo thuộc nhiều chủng tộc và quốc gia khác nhau từ khắp thế giới đã bắt đầu cuộc hành hương về thánh địa Mecca ở Arab Saudi để thực hiện bổn phận thiêng liêng là cầu nguyện tại Masjid al-Haram - một trong những thánh đường lớn nhất thế giới.

Mecca, tên đầy đủ là Makkah al-Mukarramah nằm bên dãy núi Shadad. Thành phố cổ Mecca là thủ đô tinh thần của thế giới Hồi giáo. Là địa điểm đầu tiên trên Trái đất được tôn thờ, bởi nơi đây Ibrahim và con trai ngài là Ismail xây nên Tòa thánh Kaba, một trung tâm của giáo hội Hồi giáo, một địa điểm thu hút khách hành hương mỗi năm. Dân số cư dân thành phố hiện hơn 2 triệu người, song lượng du khách đông gấp ba lần con số này vào các dịp lễ Hajj mỗi năm vào tháng thứ 12 theo lịch Hồi giáo.

Các tín đồ Hồi giáo đi ngược chiều kim đồng hồ quanh khối đá thiêng Ka’bah được cho xây bởi nhà tiên tri Abraham cách đây 4.000 năm.

Theo quy định của đạo Hồi, mỗi giáo dân ít nhất một lần trong cuộc đời phải hành hương về Mecca bằng kinh phí của bản thân. Trước khi đi, họ phải chuẩn bị đồ ăn thức uống đầy đủ cho những người thân ở nhà, và cho bản thân họ trong thời gian đi hành lễ. Cuộc hành hương về thánh địa Mecca của người Hồi giáo gọi là lễ Hajj, được tổ chức thường niên và diễn ra khi tháng ăn chay Ramadan kết thúc. Chỉ có người Hồi giáo mới được tới Mecca.

Sau khi hành hương tới đây trong lễ Hajj, họ sẽ có được danh hiệu là "Haj" hoặc "Haji".  Thông thường, họ thực hiện các Umrah (tức các cuộc hành hương nhỏ) trên đường hành hương đến Masjid al-Haram. Đạo Hồi dạy rằng, nếu một người thực hiện Umrah hoặc Hajj đúng theo nghi thức và với ý nguyện chân thành để cầu xin Đức Allah thì tất cả họ sẽ được tha tội.

Trong lễ Hajj, các tín đồ phải thực hiện nhiều nghi thức, gồm có: Họ xếp hàng đi vòng quanh cấu trúc đá Ka'bah linh thiêng và đi bộ ngược chiều kim đồng hồ 7 lần xung quanh Ka'bah ở chính giữa sân Thánh đường Hồi giáo Masjid al-Haram chạy qua chạy lại giữa các ngọn đồi Al-Safa và Al-Marwah; uống nước từ giếng Zamzam; tham gia lễ ném đá quỷ Satan để trừ tà.

Ka'bah là phiến đá Hắc Thạch nằm ở góc Đông Nam của tòa nhà, cao hơn mặt đất 1,5m. Người Hồi giáo tin rằng, nhà tiên tri Mohammed từng hôn lên phiến đá, do đó, họ khát khao ít nhất một lần trong đời được hành hương đến đây và hôn lên Hắc Thạch. Tảng đá thường được mô tả có màu đen sẫm, dài khoảng 0,6m. Bề mặt nó đen bóng, theo quan niệm của đạo Hồi, tảng đá vốn màu trắng, nhưng chuyển đen vì hấp thu tội lỗi của nhân loại.

Những tín đồ Hồi giáo đủ mọi lứa tuổi đều có nguyện ước thực hiện được cuộc hành hương tâm linh này ít nhất một lần trong đời. Nhiều người đã đăng ký và chờ đợi rất lâu để được đi, có người mất tới cả chục năm chờ đợi và chuẩn bị kinh phí. Để hành hương về được nơi chốn tâm linh, có người phải bán đi một phần lớn gia sản của mình, hoặc dành dụm tích lũy cả đời để có tiền thực hiện nguyện ước.

Tờ Reuters đã dẫn lời ông ông Najwa, 59 tuổi, từ Tunisia: "Tôi từng đến đây thực hiện umrah (lễ hành hương nhỏ diễn ra bất kỳ lúc nào) vào năm 2007 và hôm nay, sau 10 năm đăng ký và chờ đợi, tôi đã được quay lại đây. Tôi không thể mô tả cảm giác này. Ngày nào tôi cũng khóc".

Anh Nayef Ahmed, 37 tuổi, kể rằng để có tiền đến Mecca anh đã phải bán đi một mảnh đất ở Yamen, nơi mắc kẹt suốt 3 năm vì chiến tranh giữa Arab Saudi và Iran. Anh nói: "Chiến tranh nên giá cả đắt đỏ. Song ở đây tôi cảm thấy bình an và cầu xin Chúa trời cho chiến tranh kết thúc".

 Trước khi lễ Haji diễn ra, rất đông tín đồ đã đổ về Mecca và tham gia các buổi cầu nguyện. Những người hành hương hầu hết mặc áo choàng trắng, không đeo trang sức và dùng nước hoa để thể hiện sự bình đẳng trước Chúa trời, bất kể giàu nghèo.

Những tai nạn kinh hoàng mùa lễ Hajj

Mỗi một dịp các tín đồ Hồi giáo hành hương về thánh địa Mecca trong mùa lễ Hajj là một lần giới chức sở tại đau đầu lo lắng, bởi dù họ đã cố gắng mọi cách thì vẫn không thể lường trước được những gì sẽ xảy ra khi hàng triệu người đổ về thánh địa này. Dự kiến năm 2018 sẽ có khoảng 2,5 triệu lượt người hành hương về đây tham dự Hajj.

Chính vì quá đông người đến nên điều đáng lo ngại nhất của giới chức sở tại là kiểm soát đám đông và giữ vững an ninh. Lịch sử của các cuộc hành hương về thánh địa Mecca đã xảy ra không ít vụ tai nạn kinh hoàng, thảm khốc khi số người chết vì tai nạn lên đến con số hàng nghìn người. Đơn cử những vụ tai nạn thảm khốc để lại nỗi khiếp đảm trong lịch sử lễ Hajj:

Năm 1987, trong cuộc hành hương, một cuộc đụng độ tại thánh địa Mecca giữa giới chức Arabia Saudi với những người Iran đang dàn dựng các cuộc biểu tình chống Mỹ bất hợp pháp đã khiến 402 người chết, phần lớn trong số đó là người Iran. Ngoài ra có 649 người bị thương.

Một tai nạn kinh hoàng khiến 2000 người chết tại lễ hội Hajj năm 2015.

Năm 1990, một thảm họa lớn nhất trong lịch sử hành hương của người Hồi giáo đã diễn ra vào ngày 2 tháng 7 tại thánh địa Mecca, khiến 1.460 người chết và bị thương do nghẹt thở và giẫm đạp lên nhau tại một hầm đường bộ dẫn từ Mecca tới Mina. Các nạn nhân thiệt mạng mang nhiều quốc tịch khác nhau, phần lớn trong số đó là công dân Malaysia, Indonesia và Pakistan. Nguyên nhân của vụ giẫm đạp được cho rằng hệ thống thông gió ở đường hầm bị hỏng, gây hoảng loạn cho người hành hương nên họ đã giẫm đạp lên nhau để cố thoát.

Năm 1994, một vụ giẫm đạp xảy ra tại lễ ném đá quỷ Satan đã khiến cho 270 người, phần lớn trong số đó là người Indonesia thiệt mạng.

Năm 1997, một vụ cháy lều trại của những người hành hương đã khiến cho hơn 340 người thiệt mạng và 1.500 người khác bị thương tại Mina, cách thánh địa Mecca chỉ 5km.

Năm 2004, 251 người hành hương đã thiệt mạng và 244 người bị thương trong vụ giẫm đạp xảy ra tại lễ hội ném đá  quỷ Satan ở Mina.

Năm 2006, một vụ giẫm đạp của những người hành hương khi chen nhau hoàn tất phần quan trọng cuối cùng của lễ hành hương Hajj đã khiến cho 356 người thiệt mạng và gần 300 người khác bị thương.

Ngày 11/9/2015, một chiếc cần cẩu khổng lồ đã đổ sập xuống đại thánh đường Masjid al Haram ở Mecca - một trong những thánh đường lớn nhất của người Hồi giáo khiến ít nhất 107 người thiệt mạng và 230 người bị thương khi đang hành lễ.

Ngày 24/9/2015, một thảm họa giẫm đạp kinh hoàng nhất ở Mina đã xảy ra kể từ sau năm 1990 làm  khoảng 2.000 người thiệt mạng trong khi tham dự nghi lễ ném đá quỷ Satan tại Jamarat. Và thánh địa Mecca lại chứng kiến 717 người tử vong và 863 người bị thương do 2 đoàn người hành hương đi ngược chiều nhau.

Sẵn sàng "tử vì đạo"

 Với các tín đồ đạo Hồi, lễ Hajj không chỉ là bổn phận tôn giáo cần hoàn thành, nó thể hiện sự đoàn kết và lòng quy phục hướng về Thánh Allah. Họ bất chấp hiểm nguy, sinh mạng và thậm chí mang tiền bạc tiết kiệm trong hàng chục năm trời chỉ để tới vùng thánh địa thiêng liêng này một lần để thỏa mãn nguyện ước tâm linh.

Ngoài ra, điều quan trọng để hàng triệu người Hồi giáo đổ về Mecca mỗi năm bởi họ tin rằng, lễ Hajj có thể khiến linh hồn được tái sinh. Kinh Koran viết, vào ngày được gọi là Ngày Phán xét, Thượng đế Allah sẽ cân nhắc giữa điều ác và những việc thiện mà con người làm trong cuộc đời để quyết định xem, họ được lên thiên đàng hay xuống địa ngục sau khi chết. Và Hajj được xem là một trong những cơ hội để các tín đồ đạo Hồi tẩy rửa tội lỗi, được đến thiên đàng sau khi chết.

Cuộc hành hương về Mecca hằng năm mang lại hàng triệu đô la cho Arab Saudi nhờ doanh thu từ các dịch vụ ăn ở, đi lại, chi phí, quà tặng. Giới chức nước này đặt mục tiêu tăng số lượng người hành hương Umrah và Hajj lên 15 triệu vào năm 2020.
Shophiare Kim (tổng hợp)
.
.