Cuộc đời đa đoan của một giọng hát huyền thoại

Chủ Nhật, 14/08/2016, 08:00
Quốc Hương học thanh nhạc dài hạn chính quy, bài bản tại Hungary, tiếp nhận lối hát ben-căng-tô hiện đại của châu Âu nhưng ông lại tiếp cận, kế thừa một cách tài tình lối hát dân gian khi thể hiện các bài hát Việt Nam với lối hát trường hơi và rơ lời khiến bà con nông dân rất thích nghe ông hát mà không dễ “tiêu hóa” cách hát của các ca sỹ “Tây học” khác. Đó là ưu thế rất lớn của ông...


- Em từ đâu đến với anh? Vì sao em lại yêu và lấy anh?

Trên giường bệnh vào những ngày cuối cùng của cuộc đời mình tại bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh, ca sỹ Quốc Hương đã nói với người vợ trẻ kém mình tới gần 30 tuổi như vậy. Đó là Thu An – người vợ thứ 3 của người ca sỹ tài danh mà cả tiếng hát lẫn cuộc đời đã đi vào huyền thoại. 

Thu An mắt đỏ hoe, không nói gì, chỉ nắm chặt bàn tay của chồng rồi áp lên má mình như cố níu kéo những giây phút được gần gũi bên chồng mà chị biết không còn kéo dài được bao lâu nữa. Trong khoảnh khắc, chị nhớ lại cuộc “lâm tuyền kỳ ngộ” – cuộc gặp gỡ như một định mệnh đã gắn kết mình với người danh ca được công chúng rất ngưỡng mộ cả giọng hát lẫn cuộc đời hoạt động sôi nổi.

Thu An sinh trưởng trong một gia đình trí thức ở Sài Gòn. Mẹ chị là thi sỹ Ngọc Sương, cậu ruột là nhà thơ Bích Khê. Chị từng tham gia tranh đấu trong Phong trào học sinh ở miền Nam trước năm 1975. Chị bị địch bắt, đầy ra Côn Đảo năm chị mới 16 tuổi. Ngày đất nước thống nhất, chị làm Phó bí thư Đoàn Thanh niên quận Bình Thạnh.

Quốc Hương và người vợ Thu An kém mình 29 tuổi.

Khi còn hoạt động ở Sài Gòn, Thu An đã rất mê giọng hát của Quốc Hương, đặc biệt là khi ông thể hiện bài “Tình ca” của Hoàng Việt. Một lần quận đoàn mời đoàn ca múa Bông Sen về biểu diễn, Thu An đã được gặp người danh ca mà lâu nay mới chỉ nghe giọng hát chứ chưa biết mặt. Sau ngày miền Nam được giải phóng, Quốc Hương đã trở về Sài Gòn, làm việc cho đoàn Ca múa Bông Sen. Thu An tiến đến trước người nghệ sỹ nổi tiếng, nói: “Cháu từng được nghe chú hát rất nhiều bài qua làn sóng điện. Bài nào cũng hay, đặc biệt bài Tình ca. Lần nào nghe bài này, cháu cũng rưng rưng cảm động. Hồi bị giam ở Côn Đảo, cháu chịu đựng được là nhờ nghe chú hát bài này. Hôm nay chú hãy hát lại bài này cho chúng cháu nghe chú nhé”. 

Quốc Hương đã ngay lập tức đáp ứng nguyện vọng của cô Phó Bí thư quận đoàn trẻ đẹp. Và ông đã hát hết mình, hát như moi hết ruột gan, nhập hồn vào tình cảm của tác giả Hoàng Việt khiến mọi người im phăng phắc lắng nghe. Hát xong, một tràng vỗ tay rất dài vang dậy. Mọi người đề nghị Quốc Hương hát lại. 

Trước khi đáp ứng, ca sỹ tiến đến trước Thu An nói: “Bài này, anh hát tặng riêng em đó”. Cô gái xưng hô “chú, cháu”, nhưng Quốc Hương không bận tâm để rất tự nhiên “anh, em”. Linh cảm cho cô biết người ca sỹ đã “để ý” đến mình và trái tim cô cũng xao xuyến trước vẻ tự nhiên, rất chân thành của Quốc Hương. Sau đó, khi ông hát lại, cô cảm nhận rõ người ca sỹ đã mượn lời bài hát để thổ lộ với mình những điều thầm kín nhất: “Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta/ Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba/ Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra/ Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang…”.

Và đó là lần gặp gỡ đầu tiên giữa Quốc Hương và Thu An để sau đó họ nên duyên, trở thành vợ chồng. Gia đình, họ hàng, bè bạn đều can ngăn Thu An khi cô định gắn bó với một người hơn cô những 29 tuổi. Lúc này Quốc Hương đã 60 tuổi (ông sinh năm 1915). Trong quan niệm của gia đình Thu An, ca sỹ là “xướng ca vô loài”. Nhất là danh ca này lại đã từng trải qua 2 đời vợ. 

Quá nhiều điều khiến mọi người nghi ngại để ra sức ngăn cản Thu An “lao vào bụi rậm”. Nhưng cô vẫn tự tin ở tình yêu của mình, tin ở trái tim rực cháy của người ca sỹ mình ngưỡng mộ. Cô nói với mọi người rằng Quốc Hương không hề già chút nào mà ở bên ông, cô luôn thấy tâm hồn mình được sưởi ấm, bình yên. Quốc Hương khi ấy rất nghèo. Ông không có nhẫn để trao cho người yêu trong ngày cưới. Thu An rất may có chiếc nhẫn nhỏ do một bạn tù tặng cô lúc ở trong khám, bèn đánh làm hai chiếc mỏng. Và họ trao nhau trong ngày vui nhất cuộc đời.

Cuộc chung sống giữa hai người không được lâu bởi hơn 10 năm sau, Quốc Hương qua đời vì căn bệnh ung thư vòm họng. Khi ông vào bệnh viện, Thu An đã phải bán hết đồ đạc trong nhà để lấy tiền chữa bệnh cho chồng, trong đó đáng giá nhất là cây đàn pi-a-nô để lại cho đứa con thơ. Sau khi ông qua đời, Thu An đã gắng tích lũy, dành dụm tiền chuộc lại. Và cô con gái An Hương đã gắn bó với cây đàn này suốt từ đó đến nay.

Sinh ngày 21/8/1915 tại quê hương Kim Sơn (Ninh Bình) nhưng do gia cảnh quá nghèo khó, đến năm 17 tuổi, Quốc Hương phải sớm lưu lạc vào Sài Gòn kiếm sống bằng đủ mọi nghề lam lũ như đánh giày, công nhân xe lửa, bốc vác, thủy thủ… Năm 1944, chàng thanh niên giác ngộ cách mạng đã hát vang bài ca “Tiếng gọi thanh niên” của Lưu Hữu Phước tại rạp Nguyễn Văn Hảo ở Sài Gòn với giọng hát hừng hực khí thế cách mạng của tuổi trẻ: “Này thanh niên ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng. Đồng lòng cùng đi, đi, đi sá gì thân sống…”. 

Cái tên Quốc Hương nổi như cồn từ đó. Năm 1945, ông tham gia Ban Tuyên truyền ở Sài Gòn – Chợ Lớn chủ yếu làm nhiệm vụ ca hát, khích lệ lòng yêu nước của đồng bào. Những bài ông thường hát những ngày tháng này ngoài “Tiếng gọi thanh niên” như đã nói còn có “Du kích ca” (Đỗ Nhuận), “Cùng nhau đi hồng binh” (Đinh Nhu), “Cờ Việt minh” (Vương Gia Khương), “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi), “Phất cờ Nam tiến” (Hoàng Văn Thái), “Đoàn vệ quốc quân” (Phan Huỳnh Điểu)… 

Ca sỹ Quốc Hương.

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ tại Nam Bộ, Quốc Hương gia nhập Vệ quốc quân, làm tiểu đội trưởng, vừa chiến đấu, vừa ca hát phục vụ đồng đội khắp các chiến trường khu 7, 8, 9. Đến năm 1954, hòa bình lập lại trên miền Bắc, ông tập kết ra Bắc, để lại Sài Gòn người vợ trẻ và đứa con đầu lòng. Đằng đẵng bao năm hai người biệt vô âm tín, người vợ này đã lấy chồng khác. 

Quốc Hương được Nhà nước cho sang Hungary học thanh nhạc. Về nước, ông làm việc ở Đoàn ca múa Nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam). Cuộc đời đưa đẩy ông gặp nữ diễn viên điện ảnh Lịch Du. Hai người có với nhau một cô con gái. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với rất nhiều kỷ niệm và nỗi nhớ mảnh đất miền Nam – nơi có những năm tháng tuổi trẻ chiến đấu oanh liệt và ca hát sôi nổi cùng bao đồng chí, đồng đội, 

Quốc Hương trỗi dậy nhu cầu trở về sống tại mảnh đất này. Nhưng Lịch Du phần vì không quen sống xa quê miền Bắc và những người ruột thịt, phần vì nhiều công việc làm phim không thể rời xa, đã không thể theo chồng. Thế là họ buộc phải ra tòa chia tay để kẻ Nam, người Bắc.

Cho đến hôm nay, khi có rất nhiều giọng hát nam được công chúng ưa thích thì Quốc Hương vẫn là một cái bóng trùm lấp. Ông là một trường hợp rất đặc biệt: Thứ nhất, ông sở hữu giọng hát trời phú, có khả năng lay động lòng người mãnh liệt và thứ hai là ông có cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và quên thân mình. Năm tháng đã trôi qua nhưng nhiều thế hệ công chúng vẫn không thể quên những bài hát đã trở nên bất tử qua giọng hát cao vút, ngọt lịm, cực kỳ cuốn hút của ông với nhiều màu sắc phong phú, nhiều sắc thái tình cảm đa dạng. 

Trữ tình, mượt mà như “Những ánh sao đêm” (Phan Huỳnh Điểu), “Trên đường ta đi tới” (Bửu Huyền), “Hà Tây quê lụa” (Nhật Lai). Ngọt ngào, lắng đọng như “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” (Nguyễn Tài Tuệ), “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Hành khúc ngày và đêm” (Phan Huỳnh Điểu), “Đất quê ta mênh mông” (Hoàng Hiệp). Sôi nổi, hào hùng như “Tôi người lái xe” (An Chung) và đặc biệt là bài “Tiểu đoàn 307” (Nguyễn Hữu Trí). Quốc Hương thể hiện bài này gây ấn tượng đặc biệt đến mức công chúng phía Nam còn gọi ông bằng một cái tên rất mộc mạc là “Ông ba lẻ bẩy”. 

Trong mọi cuộc biểu diễn lớn nhỏ ở khắp nơi, ông luôn hát từ 2 đến 3 bài, trong đó bao giờ cũng có “Tiểu đoàn 307”. Đây là bài hát có sự hội tụ của 3 người cũng thật đặc biệt. Trước hết là bài thơ “Cửu Long giang” của Nguyễn Bính. Nhà thơ người Nam Định này phiêu bạt vào Nam Bộ để viết nên bài thơ này, đăng trên báo Tổ Quốc của khu 8 hồi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Nguyễn Hữu Trí là đại đội phó của tiểu đoàn 307 – một tiểu đoàn nổi tiếng ở Nam Bộ lúc bấy giờ - yêu thích sáng tác âm nhạc, thấy bài thơ viết về tiểu đoàn của mình bèn phổ thành bài hát. Và Quốc Hương là một chiến sỹ hoạt động ở khu 8 đã hát bài này ở khắp mảnh đất Nam Bộ khiến ca khúc nhanh chóng lan truyền khắp nơi. 

Quốc Hương học thanh nhạc dài hạn chính quy, bài bản tại Hungary, tiếp nhận lối hát ben-căng-tô hiện đại của châu Âu nhưng ông lại tiếp cận, kế thừa một cách tài tình lối hát dân gian khi thể hiện các bài hát Việt Nam với lối hát trường hơi và rơ lời khiến bà con nông dân rất thích nghe ông hát mà không dễ “tiêu hóa” cách hát của các ca sỹ “Tây học” khác. Đó là ưu thế rất lớn của ông.

Không chỉ là một danh ca, Quốc Hương còn là nhạc sỹ sáng tác nhiều ca khúc trong đó có hai bài nổi tiếng là “Tầm Vu” (lời của Đắc Nhẫn) và “Du kích Long Phú” đều được ông sáng tác lúc hoạt động ở Nam Bộ thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

Là một danh ca huyền thoại, Quốc Hương được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân ngay từ đợt đầu tiên (1983).

Ông đã về cõi vĩnh hằng trên ba chục năm nhưng giọng hát Quốc Hương vẫn sống mãi trong tâm khảm của nhiều thế hệ công chúng.

Nguyễn Đình San
.
.