Cuộc đời buồn của người viết "lá trung quân"

Thứ Sáu, 20/09/2019, 08:08
Đã lâu, người dân sống ở ngõ Văn Chương (quận Đống Đa, Hà Nội) không còn thấy người đàn ông dáng cao gầy, gương mặt ngây dại, vận áo quần cũ nhưng phẳng phiu, đầu tóc lâu ngày chưa cắt nhưng luôn có nếp lược chải. Người ấy không gây sự với ai, chỉ thường vừa đi vừa lẩm nhẩm, có khi cao giọng về thơ ca, nhạc họa, tên các nhà văn, những tác phẩm văn học nổi tiếng…


Giờ đây, do tuổi cao, bệnh tật, sức khỏe đã yếu đi nhiều, nên người ấy hầu như không đi ra ngoài, chỉ một mình quẩn quanh trong nhà. Đó là nhà thơ Đoàn Việt Bắc -  một cựu quân nhân, tác giả bài thơ "Lá trung quân", tác phẩm đoạt giải B trong cuộc thi thơ năm 1976 do Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Nhớ vào một ngày chủ nhật cuối đông, anh Đoàn Đình Thứ, anh ruột của Đoàn Việt Bắc tới thăm gia đình tôi và tặng tập thơ "Lá trung quân" (*) với lời đề "... sản phẩm của gia đình". Trong câu chuyện, mấy lần chúng tôi nhắc về Đoàn Việt Bắc - một phóng viên chiến trường, đồng thời là cây viết văn nhiều triển vọng của Quân giải phóng miền Nam thời chiến tranh chống Mỹ, đã từng chiến đấu ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên, vùng biên giới Tây - Nam với bao nỗi ngậm ngùi… Ngay tối hôm ấy, tôi đọc hết cả cuốn sách 82 trang. Bao ký ức cứ hiển hiện ùa về...

Tôi biết và thân thiết với anh Đoàn Đình Thứ và Đoàn Việt Bắc từ khi cả hai đang còn ở tuổi niên thiếu, cùng là học sinh trường phổ thông Hùng Vương ở miền Đất Tổ. Đoàn Việt Bắc là bút danh của Đoàn Đình Hảo, sinh ngày 1/10/1949 tại Hải Yến, Tiên Lữ, Hưng Yên, theo cha mẹ lên định cư ở Tuyên Quang. Do tuổi trẻ gắn với núi rừng Việt Bắc, nên anh có bút danh này.

Năng khiếu hội họa thể hiện ở Hảo sớm hơn cả năng khiếu thơ. Những năm tháng học ở trường phổ thông Tân Trào - Tuyên Quang, Hảo đã vẽ nhiều tranh: Năm 1965, đoạt giải thưởng về tranh với đề tài "Tuổi nhỏ chống Mỹ cứu nước" do Báo Thiếu niên Tiền phong và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Tranh "Được mùa" của anh được chọn in trong tuyển tập tranh của cuộc thi (NXB Kim Đồng).

Nhà thơ Đoàn Việt Bắc, một số phận bị lãng quên.

Trong "Lời bạt" của cuốn sách "Lá trung quân", nhà thơ Ngô Văn Phú đã trích một đoạn trong hồi ký "Chiến trường sống và viết" của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh lúc đó phụ trách tờ Văn Nghệ quân giải phóng như sau: "Sang đợt 2 tổng công kích (1968), tôi có dịp đi theo Sư đoàn 1 mới ở Tây Nguyên vào, xuống vùng Tha La. Ở đây tôi gặp Đoàn Việt Bắc và Thái Vượng. Lúc đó Đoàn Việt Bắc là chiến sĩ trẻ nhất trong những người viết, mới 19 tuổi. Anh là nhân viên tuyên huấn sư đoàn, chuyên mang đá li tô hành quân, đến nơi là ngả lăn ngay ru-lô ra in báo.

Khi anh đưa cho tôi xem một số thơ, tôi vui mừng giới thiệu với anh Nhuận, trưởng ban tuyên huấn và đề nghị anh giúp đỡ Đoàn Việt Bắc. Anh Nhuận hoàn toàn đồng ý. Không những thế, anh còn đề nghị tôi giúp đỡ cho sư đoàn làm sao bồi dưỡng Đoàn Việt Bắc thành người viết. Sau khi về miền, tôi được biết như đã hứa, anh Nhuận đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho Đoàn Việt Bắc đi phóng viên ở đơn vị và dành nhiều thời giờ cho sáng tác. Chỉ tiếc sau này do bị bệnh, anh phải bỏ chiến trường đi ra".

Rời chiến trường B ra miền Bắc điều trị, sau một thời gian bệnh tình ổn định, anh thi đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp ở Ô Chợ Dừa. Tốt nghiệp, anh về làm họa sỹ ở Xưởng phim Truyện Việt Nam. Phim "Hồi chuông màu da cam" là một trong những tác phẩm mà Đoàn Việt Bắc tham gia thiết kế. Phim được trao giải thưởng Quốc tế Carlovaria tổ chức ở Tiệp Khắc.    

Bài thơ "Lá trung quân" được lấy đặt tên cho tập thơ duy nhất của Đoàn Việt Bắc. Tinh thần lạc quan, tính nết hiền hậu như chính con người tác giả tạo nên sức hấp dẫn của thi phẩm: "Cùng nhau dạo giữa rừng xanh/ Mắt nhìn, tay chọn những cành trung quân / Lá non hồng sắc mùa xuân / Lá già xanh sắc biển gần, non xa/ Lá khô đỏ sắc Hồng Hà/ Lá vàng như nắng - nghĩ mà thương cây/ Trắng phau sắc lá khô gầy/ Bởi mưa hóa học những ngày đạn bom/ Em không hái những lá non/ Lá xanh em hái, cây còn vươn lên/ Trùng trùng như giáo như tên/ Xoay xoay lá xếp nghiêng nghiêng cánh rừng".

 Tập thơ "Lá Trung quân" gồm hai phần: "Nắng tiền phương" gồm 13 bài và "Cánh đồng mùa gặt" gồm 32 bài. Còn nhớ, năm 1967, khi đang là phóng viên Việt Nam thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam) thường trú ở tuyến lửa miền Trung, gặp bài thơ trên báo trong mục "Thơ từ miền Nam gửi ra", tôi vui suốt cả buổi tối, đọc đi đọc lại những câu sau đây:

"Lá xào xạc một rừng gươm lấp lánh / Sáng rực trời ánh thép thở Quang Trung / Thắng trận về đoàn quân giải phóng / Giữa rừng dừa tránh nắng ngả lưng…/ Kèn xuất trận từng hồi rạo rực / Giải phóng quân rầm rập lên đường… / Đi giải phóng lòng vui náo nức / Ta tắm mình trong nắng tiền phương…".

Chất trữ tình trong sáng của tâm hồn người lính có văn hóa, được hậu phương miền Bắc đào tạo chu đáo đã đem đến cho thơ Đoàn Việt Bắc những câu không dễ viết được:

"Đêm vườn không rượu mà say / Hương vườn vú sữa dâng đầy võng trăng…/Con nghe gió dậy trong vườn/ Thấy bình minh đỏ trên đường vô Nam… (Hương vú sữa)". Lá thư ấy ướp chùm hoa bưởi/Cứ mơ hồ thăm thẳm một vùng quê / Cứ gợi nhớ má ai chín đỏ/Ghì chặt anh, hẹn đợi lúc anh về" (Cửa mở).

Phần hai cuốn sách viết về nỗi nhớ những miền quê mà thi sỹ từng qua. Phần này có cả những đoạn, những câu thơ mà tác giả viết lúc tỉnh, khi mê do căn bệnh hành hạ. Từ chiến trường trở ra, thấy anh thi đỗ đại học, nhận bằng tốt nghiệp, có việc làm ổn định, gia đình và bè bạn đã mừng… Nhưng không ngờ di chứng của chất độc hóa học da cam, của trận bom rải thảm vùng biên giới Việt Nam - Campuchia làm anh bị chấn thương sọ não, của những cơn sốt rét rừng… ngấm dần, cuối cùng quật ngã Đoàn Việt Bắc bằng căn bệnh tâm thần rất nặng. Mang trọng bệnh kéo dài, anh sống gần như đơn độc trong căn nhà hẹp, nghèo khổ ở ngõ Văn Chương. Anh vẫn vẽ tranh đem xếp đầy gầm giường và làm thơ. Có khi trong cơn mê, anh đã đốt hết tất cả những gì đã viết, đã vẽ được trong nhiều ngày cặm cụi. Cũng chẳng hiểu làm sao trong hoàn cảnh như thế, Đoàn Việt Bác vẫn viết được những câu thơ kỳ lạ:

"Những linh hồn của phố cổ cỏ cây/ Đang hòa tấu dưới bàn tay họa sỹ/ Đêm không ngủ nghe phập phồng nhịp thở/ Giữa đôi bờ thương nhớ với chung chiêng" (Tranh Phái).

Chính ở những thời khắc mê mê tỉnh tỉnh ấy, cảm xúc của thi sĩ như được thăng hoa, lạ lẫm mà vẫn có hồn:

"Con bướm vàng lạc vào vườn hoa/ Anh lạc vào phiên chợ núi/ Núi chao nghiêng trong tiếng khèn bè/ Hoa mặt trời nở trên lồng ngực/… Em ném cho anh nỗi nhớ/ Quả bứa chua chua đến bất ngờ" (Phiên chợ núi).

Hoặc trong bài "Mùa thu ơi, chớ ngủ quên": "Em im lặng nằm trong bóng lá/ Làn mi cong thân thể trắng ngần/ Đôi môi đỏ, má mầu hồng ngọc/ Mùa thu ơi, chớ ngủ quên".

Tết năm 1995, tại ngõ Văn Chương, Đoàn Việt Bắc viết bài thơ "Chén rượu giao thừa" trong nỗi cô đơn, đau đớn tột cùng. Người viết bài này xin chép ra đây bài thơ ấy, cậy thơ nói dùm tấm lòng của thi sỹ với đời. Những câu thơ được viết ra như từ máu của một con người lúc tỉnh lúc mê, đang bị di chứng chiến tranh hành hạ:

"Để nhớ để quên, anh đi vào chén rượu/ Chén rượu hóa ngôi nhà mọc giữa mùa Xuân/ Xung quanh anh rơi đầy hoa quả chín/ Đầy hạt thóc vàng rơi xuống dưới chân/ Anh cúi nhặt, ủ trái tim quả đất/ Để cất rượu nồng đầy ắp hương Xuân/ Thấy đôi mắt và làn môi khô khát/ Em hóa thành dĩ vãng ở trong anh… / Chén rượu giao thừa anh uống mình anh/ Rượu không uống, buông tay rơi vỡ chén/ Trời và đất bỗng bùng bùng lửa bén / Mầu máu hồng loang đỏ cả chiều Xuân".

Suốt những năm tháng dài, Đoàn Việt Bắc được mẹ già, gia đình và người thân đùm bọc thăm nuôi. Trước khi mất, mẹ thổ lộ trong nước mắt chỉ lo không biết sau này đứa con tật nguyền của mình sẽ sống ra sao!

Thật hiếm có người anh thương và lo cho em được như anh Đoàn Đình Thứ. Mỗi bước trưởng thành của em kể từ khi còn tấm bé đều in dấu chăm sóc của anh. Tập thơ "Lá trung quân" được in ra cũng do anh thu thập bài và lo việc in ấn. Trước và sau ngày mẹ mất, việc chăm sóc Đoàn Việt Bắc chủ yếu đều do anh lo toan. Do trí nhớ không còn minh mẫn, lại di chuyển qua nhiều nơi, Đoàn Việt Bắc mất hết giấy tờ. Anh Thứ đã đi qua nhiều cửa, chạy vạy nhờ bè bạn, cuối cùng Đoàn Việt Bắc cũng đã nhận được lương hưu.

Từ ngày anh Đoàn Đình Thứ bị đột qụy do tai biến mạch máu não, vợ anh - chị Dương Thị Ngọc cứ hai ba ngày lại mang đồ ăn, tiền tiêu vặt cùng mấy thứ thiết yếu đến cho em chồng. Đoàn Việt Bắc không thể tự lo toan chi tiêu cho bản thân.  

Vào một ngày của tháng 6 năm 2018, gia đình, người thân, bạn hữu, trong đó có các nhà văn Ngô Văn Phú, Ma Văn Kháng - hai người bạn gần gũi lâu năm đã tới viếng, tiễn đưa anh Đoàn Đình Thứ, tác giả tập thơ "Khúc giao mùa" do NXB Hội Nhà văn ấn hành về nơi an nghỉ cuối cùng. Những người biết rõ hoàn cảnh của gia đình không khỏi bùi ngùi, thầm nghĩ: Từ nay, Đoàn Việt Bắc sẽ sống ra sao!

Chu Huy Sơn
.
.