Cuộc đoàn tụ tháng 5

Thứ Năm, 14/05/2015, 08:00
Xuất bản năm 1972, tiểu thuyết "Áo trắng" của nhà văn Nguyễn Văn Bổng có lẽ đã trở thành một trong những cuốn sách Việt Nam được dịch và in ở nước ngoài nhiều nhất. Riêng ở Hàn Quốc, đến nay "Áo trắng" đã được tái bản 46 lần. 

Đẹp, lãng mạn và bi tráng, cuốn "Áo trắng" đã trở thành nguồn cổ vũ động viên nhiều thế hệ thanh niên, sinh viên, trí thức Hàn Quốc xuống đường đấu tranh chống độc tài quân phiệt, đưa xã hội Hàn Quốc hướng tới dân chủ và phát triển. Phượng, nhân vật nữ chính trong cuốn "Áo trắng" cũng xuất hiện, trở thành chị X. trong "Sống như anh" của nhà văn Trần Đình Vân. Khác tên, nhưng câu chuyện cuộc đời thì hoàn toàn là người thật, việc thật. Chị là Nguyễn Thị Châu, cô nữ sinh Sài Gòn bất khuất với một tình yêu bất diệt lớn dần lên theo năm tháng lao tù.

Nhà nghèo, đông con nhưng mẹ chị Nguyễn Thị Châu còn phải nuôi thêm một đàn cháu lóc nhóc. Cậu Ba của chị theo Việt Minh bị Pháp giết, mợ Ba cũng bị chúng hãm hiếp cho đến chết. Năm 1950, ba chị được thả về với một cái bao tử đã bục nát vô phương cứu chữa sau bốn lần bị bắt và những trận đòn tra tấn tàn bạo. Được gần một tháng, ông mất. Bỏ học một năm, sau đó, chị tốt nghiệp thủ khoa trung học đệ nhất cấp, khóa 1955 - 1956 của tỉnh Biên Hòa, được đích thân tỉnh trưởng tặng phần thưởng.

Chị Nguyễn Thị Châu và các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam những ngày đầu tháng 5/1975 tại nơi mà chị từng bị giam giữ trước ngày Sài Gòn giải phóng.

Chi phí trường công quá cao, chị không thể theo học áo tím Gia Long, đành phải đổi qua học Trường tư thục Văn Lang tại Sài Gòn. Chị gặp anh Lê Hồng Tư, lớn hơn chị 3 tuổi ở đó. Nhà Tư còn thê thảm hơn, hai cha mẹ anh chỉ có chung một chiếc quần lãnh đen, ai có việc phải đi ra đường mới được mặc. Người ở nhà thì cứ quanh năm bao bố, đệm bàng thay vải che thân. Lăn lóc làm thợ và cố theo đuổi các lớp "bồi dưỡng văn hóa" (tức học bổ túc) mãi đến năm 1956, Lê Hồng Tư đã 21 tuổi mới bắt đầu vào học đệ tam (lớp 9 ngày nay), cùng lớp với Nguyễn Thị Châu.

Anh là một hạt nhân của phong trào học sinh - sinh viên đô thị. Một năm sau, chính anh thay mặt Ban Thanh vận (sau nay là Thành Đoàn) kết nạp Châu vào Đoàn TNCS. Riêng và chung, trái tim họ đã hòa chung nhịp đập. Sắp thi tú tài I, Lê Hồng Tư bị lộ, buộc phải chuyển trường. Yêu anh, chị đã cam lòng cố ý thi trượt tú tài hai năm liền, dù sức học luôn thuộc loại giỏi... để thay anh ở lại Văn Lang lãnh đạo phong trào

Cuối năm 1960, Nguyễn Thị Châu được Ban Thanh vận chỉ đạo giữ chức ủy viên Ban cán sự, phụ trách phụ nữ. Tiễn chị lên xe ra căn cứ, anh hứa: "Còn sống, anh còn yêu em!". Chị cúi đầu: "Em sẽ chờ, đến ngày thống nhất...".

Lời thề hẹn đã trở thành định mệnh

Ngày 9/2/1961, đang chuyển Cương lĩnh Mặt trận Dân tộc giải phóng, Nguyễn Thị Châu bị địch bắt vào trại Lê Văn Duyệt, rồi bị ném vào ngục tối P.42 ở Sở Thú.  Sau đó là Quân lao Gia Định, Hầm khói Thủ Đức, rồi lại trở về trại Lê Văn Duyệt... Ở đâu chị cũng một mực trung kiên, không chào cờ không hé răng khai báo. Cơ thể dập nát đòn tra, chị vẫn hát, toàn những bài ca thời kháng chiến. Sợ hãi và kính phục, những tên đồ tể gọi cô nữ sinh nhỏ nhắn bằng... bà.

Ngày 2/9/1961, chị đã được bà Bùi Thị Ngọc Nga (vợ của Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Huỳnh Tấn Phát) kết nạp Đảng tại quân lao Gia Định. Trở lại trại Lê Văn Duyệt, chị được bầu làm bí thư chi bộ. Tại đây chị đã thiết lập được một đường dây bí mật nhận tin tức, chỉ thị từ bên ngoài đưa vào, lấy đó làm tài liệu giúp anh em đồng chí ở trong tù học tập chính trị.

Qua đường dây, chị biết được tin anh. Bằng vũ khí tự tạo, Lê Hồng Tư đã cùng đồng đội gây ra hàng loạt tiếng nổ long trời ngay giữa Đô thành, tiêu diệt Đại tá công binh William Thomas - kẻ phụ trách việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; đánh sập cư xá sĩ quan Mỹ trên đường Trần Hưng Đạo, đánh bom vào xe Đại sứ Mỹ Feredric Nolting tại ngã tư Pasteur - Hồng  Thập Tự… Địch ráo riết săn lùng, anh bị bắt.

Ngày 25/4/1962, Tòa án quân sự đặc biệt của chính quyền Ngô Đình Diệm đã kết án tử hình Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư, Lê Văn Thành và Huỳnh Văn Chính; 4 người khác bị kết án chung thân...

Trước tòa, 12 chiến sĩ bị gọi là "Tổ chức võ trang khủng bố của Liên hiệp sinh viên học sinh Sài Gòn", mình đầy thương tật đòn tra vẫn dìu nhau ngẩng cao đầu hát vang bài "Giải phóng miền Nam". Từ chối luật sư bào chữa, Lê Hồng Tư đã đanh thép tuyên bố: "Chúng tôi chỉ tiếc không đủ lựu đạn để tiêu diệt hết bọn giặc Mỹ xâm lược!".

Đau đớn nhưng cũng rất tự hào về anh, khi soạn tài liệu gửi đi khắp các buồng giam của trại Lê Văn Duyệt, chị đã gửi kèm theo câu nhắn: "Lê Hồng Tư là hôn phu của tôi. Đồng chí nào gặp, xin nói với anh ấy rằng: Nguyễn Thị Châu đồng ý!".

Ngày 4/3/1963, chị bị phát hiện có tài liệu trong giỏ thăm nuôi. Bỏ vào miệng, chưa kịp nuốt chị đã bị cả đám hung đồ nhào tới bóp họng bắt nhè ra, dùi cui trên tay chúng liên tục nhắm đầu chị quật xuống, máu tuôn xối xả. Chỉ kịp thét lên đánh động cho các bạn tù khác biết, Nguyễn Thị Châu đã bị chúng vứt lên xe bịt bùng đưa sang P.42, thay nhau đánh đập, bỏ thùng nước đi tàu lặn suốt đêm. Gần sáng, tên Thái Đen dựng ngược chị dậy, lấy đinh đóng nát vào 10 đầu ngón tay chị. Chị gục xuống.

Sợ chị chết, bọn cai tù vội đưa chị vào nhà thương Chợ Quán cấp cứu, sau đó ném chị vào một buồng giam chung với một đám thường phạm bị bệnh hủi, giang mai, lậu và các thứ bệnh xã hội khác... Cảm phục, những người tù thường phạm đã không hề hành hạ mà còn thay nhau chăm sóc chị. Tức tối, lũ hung thần lại ném chị về ngục tối P.42.

Suy kiệt, cảm thấy cái chết đã cận kề, chị nghĩ về anh, nghĩ về cuộc đấu tranh vẫn còn dang dở. Nhặt chiếc kẹp tóc đã rỉ của ai đó rớt lại trên sàn buồng giam, chị thu hết sức tàn vạch lên tường xà lim bốn câu trăn trối:

Áo trắng em chưa vướng bụi đời
Chưa từng mơ tưởng chuyện xa xôi
Nhưng nay gặp cảnh đời chua xót
Áo trắng này nguyện trắng mãi thôi.

Vạch xong, chị ngã vật xuống sàn xà lim ngất đi. Địch lại đưa chị ra Chợ Quán cấp cứu. Đêm hôm đó, vừa thoát cơn mê, chị đã tận mắt chứng kiến cảnh anh Nguyễn Văn Trỗi vừa mới nhảy lầu bị gãy chân được đưa vào đây nhưng vẫn sa sả mắng quân xâm lược.

Cuối năm 1964, sau cuộc chỉnh lý của Nguyễn Khánh, chính quyền Sài Gòn mị dân, đã đưa một số sinh viên, ký giả vào "tham quan" P.42. Từ ảnh của họ chụp, 4 câu thơ của Nguyễn Thị Châu đã được phóng to, được viết lên băng rôn treo ngay trước nhà Quốc hội trong những cuộc đấu tranh tố cáo tội ác của Mỹ ngụy. Tên tuổi và cuộc đấu tranh kiên trung của chị, sự bất công, tàn bạo của bộ máy nhà tù bị phơi bày lên nhiều mặt báo. Buộc phải nhượng bộ, chính quyền Sài Gòn đành phải xếp tên chị vào danh sách trao đổi tù binh.

Những ngày bi giam tại Tổng nha Cảnh sát chờ thanh lọc, chị được xếp nằm gần chị Nguyễn Thị Quyên, vợ anh Trỗi. Viết cuốn "Sống như Anh" qua lời kể của chị Quyên, theo nguyên tắc bí mật, nhà văn Trần Đình Vân đã gọi chị Châu bằng bí danh chị X. Còn chị Y. là đồng chí Trương Mỹ Hoa, sau này là Phó Chủ tịch nước.

Ngày 2/5/1965, kẻ địch phải trả tự do cho Nguyễn Thị Châu. Chị tìm được đường lên chiến khu (ở Củ Chi). Tháng 5/1969, chị được Trung ương Cục gửi ra Hà Nội. Nghe chị kể chuyện, Bác Hồ đã khóc. Nhiều lần, Bác đã cho mời chị đến ăn cơm cùng Bác.

Nguyễn Thị Châu được cử đi nhiều nước xã hội chủ nghĩa để chữa bệnh, tham gia đại hội Thanh niên, phụ nữ Thế giới và tham quan, học tập... Hàng ngàn lượt đại biểu các nước đã phải lau nước mắt, khâm phục và kính trọng đối với cô gái Việt Nam nhỏ nhắn nhưng kiên trung, bất khuất. Khám bệnh cho chị, các bác sĩ Liên Xô cũng khóc. Trên cơ thể chị vẫn còn hàng trăm vết thương bởi những trận đánh đập, đòn tra...

Và trong ngày cưới.

Lê Hồng Tư bị đày ra Côn Đảo. Ngày 24/9/1965, anh cùng hai tử tù khác là Trần Văn Đó, Nguyễn Văn Tâm bị địch đưa về đất liền bằng trực thăng để bị xử tử tại pháp trường Cát lập trước Chợ Bến Thành. Đài Phát thanh R. lập tức ra thông báo: "Nếu Lê Hồng Tư bị bắn, một tù binh Mỹ là Thiếu tá Herzt cũng sẽ bị cách mạng xử tử". Chùn tay, địch buộc phải đem nhiều tử tù, trong đó có Lê Hồng Tư trở lại Côn Đảo. Tại đó, qua một tử tù khác là Lê Văn Dẩu, Lê Hồng Tư nhận được lời nhắn đồng ý của người yêu. Sau 4 năm bị đọa đày, đó là lần đầu tiên anh rơi nước mắt.

…Ngày 5/5/1975, cùng hàng ngàn đồng chí khác, Lê Hồng Tư được tàu đón về Trung tâm đón tiếp các chiến sĩ tù Côn Đảo đặt tại Trường Trung học Hùng Vương - quận 5. Gặp ai, anh cũng dò hỏi, không biết Nguyễn Thị Châu còn sống hay đã hy sinh, đang ở chân trời góc bể nào.

Gần 10h đêm, một chiếc xe Jeep lăn bánh vào trung tâm. Trên xe là Chủ tịch Ủy ban quân quản quận 10 Nguyễn Thị Châu. Nhìn thấy chị, đôi chân anh khuỵu xuống, nước mắt tuôn trào. Đi hết chiến tranh và đọa đày tù ngục, tóc trên đầu họ đã điểm nhiều sợi bạc.

Ngày 17/8/1975, họ làm đám cưới. Mời 200 khách nhưng có hơn 600 người đến dự. Vì tò mò và vì cảm phục... Có cả hai nhà thơ Xuân Diệu và Chế Lan Viên. Tình  yêu của họ chính là những vần thơ đẹp nhất khiến tâm hồn của hai thi sĩ lớn phải rung động và tìm đến, dù không có thiệp mời.

Nguyễn Đức Vinh
.
.