"Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn" - dấu ấn khó quên của điện ảnh Việt Nam

Thứ Bảy, 16/09/2006, 14:00

“Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, tác giả Doãn Quế) là một trong những bộ phim tạo được hiệu ứng mạnh với khán giả trong thời kỳ đầu của điện ảnh nước nhà. Đây là bộ phim phản gián đầu tiên và cũng là tác phẩm đầu tay của người đạo diễn tài hoa mà nhắc đến tên ông, người ta nhớ ngay tới các bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, “Hai người mẹ”, “Tướng về hưu” vv... đều giành giải tại các Liên hoan phim toàn quốc.

Giai đoạn chiến tranh, đề tài an ninh luôn được mọi người đặc biệt chú ý, bởi hoạt động này vô cùng quan trọng đối với đất nước nên được giữ bí mật tuyệt đối. Dựa trên câu chuyện có thật của một số vụ án gián điệp lớn ở miền Bắc mà lực lượng công an đã phá vỡ, bộ phim “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” đã tạo được sự quan tâm của công chúng, phần nào hé mở cho người xem những hiểu biết về công việc thầm lặng nhưng đầy hy sinh cao cả, thậm chí, mang tính lịch sử, liên quan đến vận mệnh dân tộc của người chiến sĩ an ninh.

“Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” là bộ phim có vinh dự được đích thân Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn duyệt kịch bản, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Bộ Công an ngay từ phút chuẩn bị khởi quay. Giờ đây, một kỷ vật mà đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi còn lưu giữ là tập kịch bản phân cảnh có bút tích của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với những dòng nhận xét chi tiết từng cảnh, từng lời chưa đúng với thực tế, hoặc cần phải giữ bí mật. Kịch bản có đoạn tên biệt kích đột nhập vào nhà dân đã dùng găng tay để xóa dấu vết, nhưng với ý kiến của Bộ trưởng, nên khi đóng phim, đã không có chi tiết đeo găng để tránh việc bọn tội phạm bắt chước. Cũng với ý kiến từ Bộ Công an, tên ban đầu của kịch bản “Tiếng pháo đêm giao thừa” đã được đổi thành “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn”.

Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi nhớ lại: Lần đầu tiên điện ảnh Việt Nam làm về đề tài an ninh nên ekip làm phim chưa ai có kinh nghiệm, dù khi ấy ông vừa học ở nước ngoài về. Đoàn làm phim chỉ thực sự vững lòng khi có sự quan tâm chu đáo về mọi mặt của Bộ Công an, từ tuyển chọn, hoá trang, phục trang và cả diễn xuất của diễn viên vv… đều được Bộ Công an cho ý kiến để sát với thực tế. Suốt giai đoạn chuẩn bị, ngày nào, các đồng chí Hai Nhất, Kim Sơn và Lê Tri Kỷ là những cán bộ công an có kinh nghiệm chuyên môn cũng đến với đoàn làm phim, kể cho các nghệ sĩ nghe chuyện nghiệp vụ, giúp họ nắm bắt cơ bản hoạt động bắt gián điệp của công an cũng như phương thức hoạt động điệp báo, rồi tâm lý, suy nghĩ của gián điệp. Đó là cơ sở cho đạo diễn chắt lọc và lựa chọn tình tiết đưa vào kịch bản.

Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi chỉ đạo quay phim ở Do Nghĩa, Lâm Thao, Phú Thọ.

Một trong các câu chuyện đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi đã gài vào kịch bản là chuyện hoạt động của ông Kim Sơn: Để bố trí bắt một tên gián điệp được giặc cài lại ở Hà Nội mà không để kẻ thù ở trong Nam biết được, ông Kim Sơn đã rủ hắn đi nghỉ mát ở Đồ Sơn, thực ra là đưa hắn về Công an Hà Nội. Sau khi khai thác, ta lại bố trí cho hắn trở về nhà tiếp tục hoạt động cho ta. Để tạo “dấu vết” như thật, ta yêu cầu hắn phơi nắng cho đen như đi tắm biển thật, rồi đưa ra chợ Đồng Xuân mua cho chục con cua bể về làm quà sau chuyến “đi biển” về. Trong phim có đoạn tên ngụy (Văn Hòa đóng) ra miền Bắc phụ trách bọn gián điệp nằm vùng đã được ta đón lõng đưa thẳng về Hỏa Lò có “xuất xứ” từ câu chuyện có thực này. Bối cảnh phim được quay chủ yếu ở Hải Phòng, vì câu chuyện thật cũng đã diễn ra tại đây.

Hồi đó, các đạo diễn, diễn viên thường được mời tham gia làm phim chứ không phải tuyển chọn, nhưng riêng “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” lại tuyển chọn kỹ càng với sự tham gia ý kiến của Bộ Công an, nhất là các diễn viên vào vai công an phải có lý lịch và nhân thân tốt. Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi “lọt mắt xanh” Hãng phim để được giao thực hiện bộ truyện đầu tay bởi ngoài việc ông vừa tốt nghiệp điện ảnh ở Liên Xô về và đã phụ quay xuất sắc cho 3 nhà quay phim Liên Xô để hoàn thành bộ phim tài liệu “Việt Nam” của đạo diễn Karmen (mà Truyền hình Việt Nam vừa mua bản quyền năm trước), ông còn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống. Tài năng cùng hoàn cảnh của các diễn viên miền Nam tập kết đã đưa NSND Lâm Tới vào vai A10 và NSND Trà Giang vào vai nữ công an quả cảm trong phim.--PageBreak--

Gần 40 năm mà đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi vẫn còn thương NSND Trà Giang: Lúc đó, vải vóc hiếm lắm, cả Hà Nội chỉ có một cửa hàng ở Bờ Hồ dành cho chuyên gia là có loại vải tốt. Đoàn làm phim phải xin phiếu ưu tiên mới mua được một mảnh vải may chiếc áo đẹp cho Trà Giang đóng phim. Trước khi quay cảnh đuổi bắt gián điệp ở đường hầm Nhà đấu xảo Hà Nội (Cung Hữu nghị Việt - Xô bây giờ), Trà Giang dặn đi dặn lại diễn viên Văn Phức (người vào vai tên gián điệp Pi-tơ) là súng lục dùng đạn giấy, song cũng đừng có bắn gần. Thế nhưng lúc quay, bị “nữ công an” Trà Giang truy đuổi dữ quá, “Pi-tơ” cuống cả lên, liền quay súng lại bắn thẳng vào “nữ công an”, khiến chị vừa đau lại vừa tiếc chiếc áo mới bị rách nên kêu trời: “Bắn vào vai em rồi, anh Lợi ơi! Đã bảo giơ súng chéo thì lại cứ giơ thẳng”.

Dấu ấn của ngành công an với sự thành công của tác phẩm điện ảnh còn nguyên vẹn trong tâm trí những người tham gia làm phim. Nhắc lại, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi vẫn còn sung sướng: “Chúng tôi cần gì đều được Bộ Công an giúp đỡ hết lòng, không thì khó làm được bộ phim như thế.” Khi quay ở phố Hồ Xuân Hương, có liên quan tới một cơ quan của nước ngoài, Bộ Công an lại làm mọi thủ tục can thiệp, hỗ trợ, để đoàn làm phim tiến hành một cách thuận lợi nhất. Trong các cảnh quay nhân vật lái ôtô, vì diễn viên của ta không ai biết lái xe, nên khi quay, lại phải có một chiến sĩ công an lái xe nằm nấp bên dưới tay lái … điều khiển. Hoặc quay cảnh ta và địch vật nhau ở sân vận động Chu Văn An, các diễn viên nào có biết “võ vẽ” là gì, nên cũng phải có một chiến sĩ công an giỏi võ thuật đứng bên cạnh hướng dẫn từng chi tiết, rồi khi về dựng lại dùng kỹ xảo che lấp hoặc cắt bỏ bớt. Với “nữ gián điệp” Mai Châu, Bộ Công an cử hẳn một cán bộ sang huấn luyện chị cách đánh moóc cho đúng vai diễn, rồi người đến nói chuyện với chị về tình hình đất nước, giúp chị hiểu thế nào là gián điệp cũng như tâm lý, thủ đoạn của chúng.

NSƯT Mai Châu bồi hồi nhớ lại: Chính nhờ sự giúp đỡ chu đáo, tận tình của các chiến sĩ công an, mà bà mới có thể nắm bắt và lột tả sắc nét diễn biến tâm lý phức tạp của nữ gián điệp trong từng hoàn cảnh như thế. Bà cũng không bao giờ có thể quên được sự quan tâm của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn khi không nhìn thấy nữ diễn viên đã vào vai tên gián điệp trong buổi chiếu thử, ông đã hỏi mọi người: chị Mai Châu đâu? Phát hiện ra nghệ sĩ khiêm nhường ngồi cuối hội trường, Bộ trưởng đã đến tận nơi, ân cần bắt tay chị và hỏi xem chị có thích vai diễn không? Khi thấy Mai Châu trả lời “không” vì lý do đi đóng gián điệp trong khi mọi người đang quan tâm và ca ngợi những phụ nữ “ba đảm đang”, Bộ trưởng liền cười: “Chị đóng gián điệp mà đạt thế thì cũng là phụ nữ “ba đảm đang” còn gì!”Tấm Bằng khen của Bộ Công an tặng khi bộ phim hoàn thành không chỉ ghi nhận sự cống hiến của bà với điện ảnh, mà còn là minh chứng về tấm lòng của những người làm công tác an ninh với người nghệ sĩ.

Với đề tài mới lạ, hấp dẫn và sự lao động nghệ thuật nghiêm túc của cả êkip làm phim lại có sự đóng góp rất lớn của Bộ Công an, “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” đã trở thành một hiện tượng của điện ảnh Việt Nam khi thu hút lượng khán giả rất lớn từ lúc khởi đầu ra rạp. Các nhân vật trong phim từng trở thành nhân vật điển hình của một thời và tên tuổi của các diễn viên Lâm Tới, Mai Châu, Trà Giang được nhắc đến mọi nơi với niềm ngưỡng mộ. Chiến tích của ngành công an trong sự nghiệp bảo vệ đất nước lần đầu được đưa lên màn ảnh đã thực sự đáp ứng mong muốn tìm hiểu của nhân dân, để người xem có thêm niềm khâm phục và kính trọng với đội ngũ những người hoạt động bí mật. Câu chuyện trong phim không chỉ khẳng định niềm tin: dù gian khó bao nhiêu, thủ đoạn của địch tinh vi thế nào, cuối cùng, thắng lợi vẫn thuộc về cách mạng, mà còn giúp người dân nâng cao cảnh giác trong thời chiến. Vì thế, ngay khi công chiếu, bộ phim đã tạo được cơn “sốt” thực sự trên khắp miền Bắc. Cho đến hôm nay, với mối liên hệ chặt chẽ với những sự kiện chính trị – xã hội mang tính lịch sử, “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” vẫn còn là những dấu ấn khó quên của điện ảnh Việt Nam, nhất là trong đề tài an ninh Tổ quốc

Ngô Thanh Hằng
.
.