Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017)

Còn mãi những tượng đài Người Mẹ

Thứ Năm, 27/07/2017, 08:56
Sau hai cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, đánh đuổi ngoại xâm trong thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho hơn 45.000 mẹ. Có nhiều mẹ đồng thời cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 


Ngày 19-12-1994, Đảng, Nhà nước đã tổ chức trọng thể Lễ tuyên dương danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" lần đầu tiên, trao tặng danh hiệu cao quý cho 59 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ngay đợt đầu đã có 10 mẹ là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Mẹ Phạm Thị Ngư, sinh năm 1912, có 7 con và 1 rể là liệt sĩ tại xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận là một trong những bà mẹ tiêu biểu đó.

"Nếu còn con, còn cháu lúc đó, mẹ cũng biểu tụi nó đi đánh Mỹ" - câu nói mộc mạc, kiên trung của mẹ, tôi nghe được trong một ngày hè của 17 năm về trước, ngay tại chái hiên căn nhà tình nghĩa của mẹ ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc. Cứ mỗi năm đến ngày thương binh - liệt sỹ, lời mẹ lại luôn hiển hiện, vọng về trong tôi. Mẹ là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam tiêu biểu, của quê hương xứ biển xanh, cát trắng Phan Thiết.

Mẹ Phạm Thị Ngư sinh năm 1912, trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận cũ. Về sau, do chiến tranh càn quét ác liệt nên gia đình dời về xã Phong Nẫm (nay thuộc TP Phan Thiết), sống làm ruộng và trồng đồ la-ghim (rau củ quả). Cha mẹ mất sớm, nên mẹ Ngư phải vất vả làm lụng từ lúc còn nhỏ. Vùng đất nghèo khó từ bao đời nay chủ yếu dựa vào tiết trời mưa nắng, nên mọi người dân đều sống nghèo khổ, cơ cực. Nhưng mảnh đất nghèo cằn cỗi này, đã trở thành nơi cưu mang, hội tụ nhiều nhà yêu nước, cách mạng như: cụ Phan Chu Trinh, Nguyễn Thông, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… 

Thầy giáo Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) cũng từng dừng chân dạy học tại trường Dục Thanh (Phan Thiết) trước khi vào Sài Gòn bôn ba tìm đường cứu nước. Đến tuổi trưởng thành, mẹ Ngư được gia đình gả cho ông Bùi Dinh, một thanh niên gốc Bình Định đang sinh sống tại Phong Nẫm.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Ngư.

Sau ngày đất nước giành độc lập 2-9-1945, thực dân Pháp quay lại Việt Nam. Bình Thuận là một trong những địa phương có phong trào đánh Pháp khá mạnh. Nhiều căn cứ, chiến khu cách mạng được quân dân lập nên như những pháo đài kiên trung, trong đó có chiến khu Lê Hồng Phong, căn cứ Tam Giác Sắt. Hai vợ chồng Mẹ Ngư trở thành cơ sở bí mật của Việt Minh, phục vụ hậu cần cho kháng chiến. Mẹ Ngư làm tổ trưởng Tổ Phụ nữ, tích cực vận động bà con gom lương thực, tiền bạc, thuốc men, nhu yếu phẩm cho bộ đội đánh Pháp.

Những năm đầu kháng chiến, dù chỉ là vài bao gạo, một hộp thuốc sốt rét, mấy đồng bạc Con Cò Đông Dương hay một ký bột ngọt, đường, cá khô… cũng vô cùng quý giá. Đôi khi phải đánh đổi bằng cả máu và tính mạng để bí mật chuyển chúng ra vùng kháng chiến cho bộ đội trước sự lục soát gắt gao và nhan nhản mật thám, tay sai khắp vùng. Bất chấp nguy hiểm, căn nhà mẹ Ngư trở thành cơ sở ẩn bí mật của các chiến sĩ Đội cảm tử Phan Thiết và là đầu mối giao liên, nối cơ sở cán bộ mật nội thành với căn cứ kháng chiến.

Khoảng tháng 10-1945, quân Pháp từ Sài Gòn lần lượt đánh chiếm các tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa… Bộ đội đã chủ động rút lui ra vùng căn cứ Bình Thuận. Bộ đội các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ cũng tiếp tục dịch chuyển vào Bình Thuận hội tụ cùng các đơn vị miền Đông và địa phương. Bình Thuận trở thành nơi hội tụ nên rất nhiều khó khăn về lương thực, súng đạn, thuốc men. Bằng tinh thần yêu nước và kiên trung, quân và dân Bình Thuận đã kề vai sát cánh với bộ đội kháng chiến.

Vào năm 1952, người con trai lớn là Bùi Văn Thành tròn 18 tuổi, mẹ Ngư bàn với chồng cho con gia nhập "Bộ đội Cụ Hồ", tránh địch bắt đi lính. Sau này, anh Thành chiến đấu rất gan dạ, dũng cảm, lập nhiều chiến công và năm 1954 đã lên đường tập kết ra Bắc.

Thời chống Mỹ cứu nước, tỉnh Bình Thuận là một trong những vùng đất hứng chịu nhiều bom đạn của kẻ thù, quân dân hy sinh, mất mát rất lớn. Sau khi phong trào Đồng Khởi lan tỏa khắp miền Nam, Mỹ - ngụy dùng mọi thủ đoạn giành dân, ép dân từ các vùng ven, vùng nông thôn dồn vào các ấp chiến lược được vây quanh bằng hàng rào kẽm gai và hệ thống mìn cài dày đặc. Mẹ Ngư cũng như nhiều gia đình bị địch liệt vào danh sách "gia đình Việt cộng" với nhiều tai mắt theo dõi đêm ngày.

Cuối năm 1960, chồng mẹ Ngư qua đời. Gắng gượng nén đau thương, mẹ vẫn một mình vừa hoạt động cách mạng vừa làm ruộng, trồng rau nuôi dạy các con nên người. Đầu năm 1961, mẹ bố trí cho con trai thứ là Bùi Văn Trung thoát ly ra căn cứ kháng chiến, còn các con nhỏ tiếp tục hoạt động tại cơ sở nội thành. Vừa mới tiễn con đi, mẹ đã phải gánh một nỗi đau khủng khiếp. Hung tin báo về: Con trai lớn Bùi Văn Thành đã trở về Nam chiến đấu từ tháng 5-1961 và đã hy sinh anh dũng trong một trận đánh ác liệt tại quê nhà. Kìm nén nỗi đau trong lòng, mẹ tiếp tục dưỡng nuôi tinh thần, lần lượt tiễn 6 người con đẻ và con rể lên đường chiến đấu.

Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, mẹ Ngư là một liên lạc kỳ cựu, xông xáo khắp nội, ngoại thành chỉ đường cho bộ đội đột nhập vào các cứ điểm quan trọng của địch để nổ súng tấn công. Bằng sự gan dạn và mưu trí, mẹ Ngư đã giải thoát cho hai nữ biệt động bị địch bắt thoát ra căn cứ an toàn và nuôi giấu Anh hùng, liệt sỹ Đặng Văn Lãnh ngay dưới hầm tại nhà.

Mẹ Ngư hạnh phúc bên cháu gái.

Những người con gái, con trai của mẹ Ngư đã lần lượt hy sinh anh dũng, vĩnh viễn không thể nào về thăm mẹ trong căn nhà trét vách đất ở Phong Nẫm dù chỉ một lần. Đó là các liệt sỹ: Bùi Văn Thành, Bùi Văn Trung, Bùi Văn Tài, Bùi Văn Tú, Bùi Văn Mười, Bùi Thị Mười Em, Bùi Thị Luyến… Nước mắt của mẹ đã không còn để khóc những đứa con hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương. Từng đêm bên ngọn đèn dầu le lói, hắt hiu ngọn gió lùa, mẹ một mình nhìn ra đêm tối. Những cuồng phong bão tố từng dậy sóng trong lòng mẹ Ngư, nhưng mẹ vẫn hiên ngang, sừng sững giữa đất trời quê hương, tiếp tục hy sinh, cống hiến cho cách mạng.

Mẹ có khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu vô ngần, ánh mắt nhìn ấm áp vô cùng, phong thái ung dung, thư thái.

…Một sáng mùa hè hơn 17 năm về trước, tôi cùng với mẹ ruột mình - là một thương binh, từng là Điệp báo an ninh mật đã đến thăm nhà mẹ Ngư. Hai bà mẹ đã ôm nhau khóc ròng. Mẹ tôi bị địch bắt tù đày từ cuối năm 1971, bà đã từng nghe kể về tấm gương kiên cường của mẹ Ngư. Mẹ tôi lúc nào cũng day dứt, ước ao được gặp mẹ Ngư để bày tỏ lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ. 

Chính tấm gương hy sinh cao cả của mẹ Ngư đã giúp cho những người cộng sản đất Bình Thuận này dám hy sinh, sẵn sàng chấp nhận mọi tra tấn dã man và tù đày nhiều năm vẫn một lòng chung thủy với dân, với Đảng. Cô Tám Tiệm (nữ Anh hùng, thương binh Phạm Thị Mai) quê ở xã Hàm Liêm kề bên nhà mẹ Ngư từng là một du kích, bị địch bắt tù đày, chặt hai chân sát bẹn vẫn sống, chiến đấu cho đến ngày giải phóng.

Tôi hỏi mẹ Ngư: "Hồi đó các anh chị hy sinh… Mẹ nghĩ gì? Nếu có thể bắt đầu lại, mẹ sẽ làm gì?". Không cần suy nghĩ lâu, mẹ Ngư nheo đuôi mắt chân chim, tay quệt trầu, nói ngay: "Nếu còn có cháu, có con lúc đó, mẹ vẫn biểu tụi nó đi đánh giặc Mỹ".

Ngày 6-11-1978, mẹ Phạm Thị Ngư đã được Quốc hội và Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và ngày 11-7-1985 mẹ Ngư được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất. Ngày 17-12-1994, mẹ Ngư được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong đợt đầu tiên. Mẹ Ngư đã qua đời năm 2002, có thể nơi miền cực lạc xa xôi, 8 người con đẻ, con rể liệt sĩ và chồng đã dang rộng tay đón mẹ về sum họp.

Thành phố biển Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận ngày nay là một địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút đông du khách trong và ngoài nước. Tôi cứ ước ao, giá thành phố có một tượng đài, một con đường mang tên mẹ Ngư. Bởi, mảnh đất nào mà chẳng hồi sinh, đi lên tươi đẹp từ những vất vả hy sinh lặng lẽ của những người mẹ?

Hàm Yên
.
.