Còn mãi một giọng ca tài hoa đoản mệnh

Thứ Sáu, 11/05/2018, 08:18
Vào cuối thập niên 70, đầu 80 của thế kỷ trước, trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam xuất hiện một giọng hát thật đặc biệt của một nam ca sỹ. Khi giọng ca cất lên, bất cứ ai khó tính cũng không thể không lắng nghe và nhanh chóng bị thuyết phục bởi chất lửa luôn cuồn cuộn, tràn đầy cảm xúc, lại ấm áp, rất rõ lời. Đó là giọng hát của nam ca sỹ Tiến Thành, diễn viên Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam (nay là Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam).


Anh có chất giọng đẹp, dày, mượt mà, âm vực rộng, lên cao như nam cao và xuống thấp như nam trung. Tiến Thành có thể hát hiệu quả được nhiều dạng ca khúc, từ trữ tình êm dịu, lắng đọng như Tình ca người thợ mỏ (Hoàng Vân), Hương thầm (Thanh Phúc – Phan Thị Thanh Nhàn)… đến sôi động như Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Chiến đấu vì độc lập tự do (Phạm Tuyên)…

Điều đáng nói là hát tình ca, Tiến Thành không ủy mị, ngược lại hát nhạc chiến đấu lại không lên gân, căng cứng. Có thể nói, anh hát bất cứ bài nào đều lôi cuốn người nghe. Nhiều bài đã đóng đinh trong ấn tượng người nghe bởi những giọng hát gạo cội trước đó, nhưng nghe Tiến Thành hát vẫn có sức hấp dẫn và hiệu quả riêng. Anh không bị bất cứ một giọng hát nào dẫu rất nổi tiếng che lấp.

Ví như Tình ca (Hoàng Việt) là một ca khúc nổi tiếng, cho đến phút này là bản tình ca cách mạng của Việt Nam hay nhất, đã có những ca sỹ trứ danh thể hiện rất thành công như Quốc Hương, Trần Khánh, Trung Kiên, Kiều Hưng. Nhưng nghe Tiến Thành hát vẫn bị lôi cuốn bởi chất trẻ trung, nồng nàn, đằm thắm, rực lửa, hát như moi hết gan ruột.

Có hai bài nếu không do Tiến Thành thể hiện, chắc chắn hiệu quả không thể đạt được như ta đã thấy. Đó là Nơi đảo xa (Thế Song), Tình ca Tây Nguyên (Hoàng Vân). Sau anh, đã có không ít ca sỹ cũng vào hàng nổi tiếng hát hai bài này, nhưng chỉ khiến người nghe càng nhớ Tiến Thành mà thôi. Vậy là anh tuy còn trẻ đã tạo được hai cái “bóng” khá rợp để về sau chưa ai vượt được qua.

Thật vô cùng tiếc nuối khi anh ra đi quá sớm - ở tuổi 34 – giữa lúc sự nghiệp ca hát đang ở độ chín, gặt hái được nhiều thành công. Nếu còn đến hôm nay, chắc chắn danh sách những bài hát anh đưa đến sự thú vị cho công chúng còn nối dài.

Cố ca sĩ Tiến Thành.

Vâng. Đó là một ngày định mệnh vào cuối năm 1984. Khi Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam vừa hoàn thành chuyến biểu diễn rất thành công ở một tỉnh phía Bắc trở về, sắp đến nội thành Hà Nội trong sự phấn chấn, hoan hỷ của mọi người thì một tai nạn bất ngờ ập đến khiến chiếc ôtô lật nhào. Nghệ sỹ hát chèo nổi tiếng Như Hoa tử vong tại chỗ. Ca sỹ Thúy Lan bị thương nặng. Tiến Thành cũng bị thương nhưng vẫn cố cùng mọi người xốc Thúy Lan lên chiếc cáng để đưa lên ôtô đi cấp cứu.

Thúy Lan qua được cơn nguy kịch (cách đây ít năm chị đã qua đời). Nhiều nghệ sỹ bị thương nhẹ. Riêng Tiến Thành bị chấn thương sọ não. Lúc xe đổ, anh còn tỉnh táo. Nhưng sau khi đưa được Thúy Lan lên xe cứu thương, anh cũng phải vào bệnh viện và qua đời ngay sau đó.

Sự ra đi quá đột ngột của Tiến Thành và Như Hoa khiến rất nhiều công chúng xúc động. Họ nối hàng rất dài đưa tiễn hai người về cõi vĩnh hằng trong niềm tiếc thương vô hạn. Đó là một đám tang đặc biệt, đến nay nhiều người vẫn còn nhớ. Ngoài gia đình, những người ruột thịt, không ít người xa lạ cũng không cầm được nước mắt. Với Tiến Thành, công chúng còn quá tiếc thương khi biết anh ra đi khi mới ở tuổi 34 (anh sinh năm 1950).

Tôi có nhiều kỷ niệm với Tiến Thành. Là người còn trẻ, có giọng hát trời phú, lại cũng đã nổi tiếng nhưng anh luôn giản dị, khiêm nhường, không bao giờ mắc bệnh “sao” như nhiều bạn trẻ có chút tài mắc phải. Đặc biệt với các nhạc sỹ, anh luôn tự coi mình như học trò, rất cầu thị mỗi khi được trao nhiệm vụ hát thu thanh sáng tác của họ. Những năm anh bắt đầu nổi lên với tư cách là một trong những giọng hát chủ chốt ở Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam (từ năm 1978 đến khi anh qua đời năm 1984), rất nhiều nhạc sỹ từ khắp nơi thường hay lui tới Ban Biên tập Âm nhạc để gửi ca khúc mới sáng tác.

Hồi đó, gần như Đài Tiếng nói Việt Nam là nơi chủ yếu đưa tác phẩm âm nhạc đến với công chúng. Băng, đĩa chưa nhiều. Các tụ điểm biểu diễn thì giới ca sỹ “chạy xô” chỉ tìm đến một số bài nào đó đã quen biết. Truyền hình không phải là nơi các nhạc sỹ muốn gửi gắm tác phẩm vì ít giới thiệu tác phẩm mới. Viết xong bài hát nào mới, thường tôi hay hát cho Tiến Thành nghe để anh góp ý và nếu thích thì thông qua Ban biên tập luôn. Anh rất nhiệt tình, chưa bao giờ từ chối. Nhưng nhiều bài anh đề nghị để giọng nữ hát sẽ hiệu quả hơn.

Tôi cảm kích anh mất công xâm nhập tác phẩm. Bằng chứng là anh nhìn văn bản, hát trôi chảy đúng như tôi ghi (đọc nhạc không như đọc thơ, văn. Ngay cả người xướng âm giỏi cũng không thể hình dung hết được tác phẩm khi chỉ nhìn trên giấy mà không nghe). Tiến Thành làm việc này chắc chắn là mất thời gian, công sức mà không nghĩ sẽ uổng khi tác phẩm không được thông qua. Đúng như vậy. Không ít bài của tôi và các nhạc sỹ khác được anh nghiên cứu cẩn thận, sẵn sàng thu thanh sau khi được duyệt, nhưng cuối cùng đã bị “đổ”.

Nể anh, sau đó tôi không dám nhờ. Nhưng có bài anh động viên là cứ gửi và cả quyết sẽ được. Đúng như vậy. Chi tiết này chứng tỏ tuy là ca sỹ nhưng anh có con mắt của người biên tập, tiên liệu được số phận của sáng tác mới. Bài Nước về xanh lại đồng ta của tôi viết về ngành Thủy lợi của Lạng Sơn được Tiến Thành thông qua Ban biên tập giúp.

Nhưng sau khi nghiên cứu, anh đề nghị tôi nên để thu thanh hình thức song ca nam nữ thay vì đơn ca nam mà lúc đầu tôi có ý muốn anh thể hiện. Tôi nghe lời anh và anh đã mời ca sỹ Thúy Lan cùng hát song ca. Đến bây giờ, bài này vẫn được những người làm việc ở ngành Thủy lợi Lạng Sơn truyền tụng. Một lần, sau khi nghe bài Tình ca người thợ mỏ (Hoàng Vân) vừa phát trên Đài trong chương trình giới thiệu tác phẩm mới, tôi nói với Tiến Thành và khen anh hát quá hay, nghe rất sướng tai khiến “gai” cả người và khẳng định bài này rồi sẽ có đời sống lâu dài.

Anh nói: “Đó là do sáng tác của Hoàng Vân xuất sắc chứ Thành tự thấy hát chưa vừa ý. Giá mà anh Trần Khánh hát sẽ còn hay hơn” (lúc này Trần Khánh chưa qua đời). Tiến Thành luôn biết mình biết người, rất trân trọng, đề cao những ca sỹ lớp trước. Không bao giờ anh hạ thấp ai dù thực tế họ hát dở, làm sụt giảm giá trị tự thân của ca khúc.

Một lần tôi nhận xét một ca sỹ nọ là đồng nghiệp của anh, đại ý là chưa hát được bài nào nghe được do chất giọng quá tầm thường, lại không biết cách xử lý. Anh nói rằng đó là do chưa gặp được bài hay, chứ giọng hát của người đó cũng tốt, không đến nỗi như tôi nghĩ. Hồi đó, Trần Khánh tuy hát hay, nổi tiếng nhưng hay bị dư luận dị nghị bởi thói quen nghiện rượu nên thường đãng trí, hay quên. Do ông ăn xôi “chịu” của một bà bán xôi ở gần Đài (58 Quán Sứ) rồi quên bẵng chưa trả tiền. Bà này bèn đến cổng cơ quan hỏi người bảo vệ, có ý tìm gặp Trần Khánh.

Nhạc sỹ Lê Lôi lúc đó là Phó Ban Biên tập Âm nhạc đã trả hộ. Sau đó mới lưu truyền câu thơ hài hước “Trần Khánh ăn xôi/ Lê Lôi trả tiền” là thế. Tôi hỏi Tiến Thành đầu đuôi hai câu thơ ấy. Anh kể đúng sự thật nhưng nói: “Mọi người lưu truyền hai câu đó là do yêu quý anh Khánh chứ không có ý chế giễu gì. Anh ấy vừa hát hay, vừa rất tốt. Bọn ca sỹ đàn em như Thành học được rất nhiều ở anh ấy”. Tôi hỏi: “Thế còn cái tật hay rượu chè của Trần Khánh thì sao?”.

Tiến Thành nói: “Nhân vô thập toàn. Anh ấy có tài, rất nhiệt tình phục vụ công chúng, sống tốt với mọi người thì cũng phải có cái tật nào chứ. Đó là tật của anh ấy vậy”. Tiến Thành đã có cái nhìn rộng lượng về đồng nghiệp, bậc đàn anh của mình như thế.

Anh ra đi đã được gần 34 năm. Nhưng giọng hát của anh thì vẫn luôn vang lên ở khắp nơi, đặc biệt là còn dư âm mãi trong tâm khảm những người yêu nhạc với nỗi tiếc thương vô bờ.

Nguyễn Đình San
.
.