Còn lại bên đời một bóng tre
Ngày 11/2/1951, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II đã được khai mạc tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Thật tiếc, khi chỉ còn ít ngày nữa là vừa chẵn 60 năm diễn ra sự kiện nói trên thì chúng tôi nhận được tin: Họa sĩ Trần Đình Thọ, người phụ trách phần trang trí mỹ thuật của Đại hội đã qua đời vào một ngày đầu tháng Giêng vừa qua, hưởng thọ 94 tuổi.
Họa sĩ Trần Định Thọ quê ở Hưng Yên. Ông tốt nghiệp khóa cuối cùng của Trường Mỹ thuật Đông Dương (1939-1944). Cuối tháng 8/1945, nhận chỉ thị của đồng chí Trường Chinh, ông cùng nhà báo Thép Mới và một số văn nghệ sĩ tham gia thực hiện tờ Cờ giải phóng (xuất bản công khai). Đích thân Trần Đình Thọ đứng ra vẽ những tấm áp phích lớn, dán tại nhiều nơi ở Hà Nội với dòng chữ kêu gọi mọi người "Hãy đọc Cờ Giải phóng, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương, lợi khí sắc bén đấu tranh giải phóng dân tộc".
Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, họa sĩ Trần Đình Thọ lên chiến khu chăm lo việc ấn loát cho Báo Cứu quốc Việt Bắc. Ông làm việc bên các nhà văn Nam Cao, Tô Hoài và được anh em "bảo vệ" chặt chẽ bởi ông chính là một cái "máy in". Ông ở đâu thì nhà văn Nam Cao, người lo việc tổ chức bài vở cho tờ báo phải ở đấy. Ông dạy Nam Cao cách lăn li - tô. Có những ngày, ông ngồi viết chữ ngược, quét nước chanh và quệt mực, Nam Cao mắm môi mắm miệng lăn lăn… Thuở ấy, thiết bị in thiếu thốn, ta phải in ấn thô sơ như thế. Cũng tại nơi rừng rú chiến khu này, khi tổ chức kết nạp cho một đảng viên mới, Trần Đình Thọ còn vẽ một hình búa liềm to cài lên vách nứa để trang trí cho buổi lễ thêm phần… long trọng.
Nếu như nhà văn Thép Mới nổi tiếng với bài tùy bút "Cây tre Việt Nam" thì Trần Đình Thọ, trong lĩnh vực của mình, cũng góp vào một tác phẩm có thể gọi là kiệt tác về đề tài này. Hiện bức tranh sơn mài "Tre" (vẽ năm 1957) của ông vẫn được người trong giới đánh giá là bức tranh xuất sắc nhất, ấn tượng nhất về tre Việt
Họa sĩ Trần Đình Thọ từng đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay đổi là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) và giữ kỷ lục hiệu trưởng lâu năm nhất của ngôi trường này (từ 1964 đến 1984, tròn 20 năm)