Con đã trở về đất Tổ

Thứ Ba, 26/04/2016, 07:57
Trong nhiều giấc mơ hằng đêm, tôi vẫn mơ mình trở thành chim Lạc, để bay về vùng Đất Tổ thiêng liêng trong tâm hồn. Trong hư thức, nhiều khi tôi đã trở thành một họa tiết trên hoa văn trống đồng, để cùng vang khúc hùng phiêu với núi non Bạch Hạc...


"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba" 

Trong nhiều giấc mơ hằng đêm, tôi vẫn mơ mình trở thành chim Lạc, để bay về vùng Đất Tổ thiêng liêng trong tâm hồn. Trong hư thức, nhiều khi tôi đã trở thành một họa tiết trên hoa văn trống đồng, để cùng vang khúc hùng phiêu với núi non Bạch Hạc.

Trong nỗi hoang phiêu, đôi lúc, tôi thực muốn hóa thân thành quốc hoa sen hồng, thành quốc thi lục bát, thành quốc phục áo dài dù chỉ là một chi tiết nhỏ để cấu thành. Hay thành con cá lăng hồi ngược dòng nước để quay về ngàn năm…

Nhưng trong đời sống, tôi vẫn chưa được tận sống những giờ phút thời gian thực trên miền đất vừa huyền thoại vừa lịch sử của dân tộc, chưa được hít thở không gian cổ tích từ những cây chò ngàn tuổi, những cây thiên tuế hàng trăm năm, những cây cọ cổ xưa vùng trung du, chưa được uống nước Phong Châu, dù đã biết những sự tích thuở Hùng Vương một cách vừa mơ màng vừa sâu thậm.

Lễ giỗ tổ Hùng Vương ở Đền Hùng Phú Thọ năm 2016.

Một ngày nào đó, gần thôi, tôi sẽ về thăm Đền Hùng, tự tay mình thắp nén hương vào chiếc lư đồng trên bàn thờ Quốc Mẫu Âu Cơ, Quốc Tổ Lạc Long Quân. Tôi sẽ được tượng hình mình vào mỗi chi tiết hoa văn trên đầu đao mái cong đền Thượng, đền Trung, đền Hạ. Và soi bóng mình trong làn nước đền Giếng.

Chúng tôi là những người Việt trẻ, ở xa Tổ quốc. Chúng tôi sinh ra bên bàn phím computer, bên màn hình smartphone, lớn lên thành thế hệ @, không có ký ức về Việt Nam, nhưng chúng tôi vẫn biết và luôn nhắc nhớ mình là người Việt Nam. Chúng tôi vẫn được nghe về Việt Nam trong mỗi bữa ăn tối cùng gia đình qua những câu chuyện kể của cha mẹ. Đó là quá khứ chiến trận của ông, những kỉ niệm ấu thơ của bà. Chúng tôi cũng thường vào mạng Internet, google search các sự tích thời Vua Hùng để hiểu tìm quá khứ, để thêm yêu những giá trị đúc kết từ thăng trầm cuộc sống, từ tinh hoa thời gian ngàn năm của ông bà ta.

Chúng tôi có lẽ chưa đủ lớn để nói về nhân tình thế thái, chưa đủ khôn để phân tích những ứng xử việc đời và đối nhân xử thế, chưa đủ trải nghiệm để tích lũy những kinh nghiệm sống mà thông điệp trong những câu chuyện cổ gửi gắm nhưng tình yêu về dòng giống Tiên Rồng, về dòng máu Lạc Hồng là có thực, dù bản năng đó vừa mơ hồ vừa rõ rệt, vừa thẳm sâu vừa hiện hữu.

Cũng như Phạm Quỳnh Anh sáng tác bài hát "Bonjou Việt Nam" khi chưa trở về Việt Nam, bằng một tâm thức lưu lạc, tôi viết những con chữ ngập tràn yêu thương này khi chưa được trở về nguồn cội. Có thể ca từ, giai điệu, vẻ đẹp của ca khúc "Bonjou Việt Nam" là niềm ngưỡng tưởng của Phạm Quỳnh Anh có những điểm khác và chậm nhịp hơn hiện thực sinh động Việt Nam nhưng chị đã cất lên được niềm thỏa ước bấy lâu nay: nói lên lời chào Việt Nam trên chính mảnh đất quê hương mình. Và tình yêu đó là không thể phủ nhận. Không đổi thay.

Giống như Nguyễn Khánh Toàn, chàng kiến trúc sư trẻ viết hàng ngàn câu thơ lục bát về sử Việt khi chìm trong nỗi phiêu cổ, tôi đã ở trong lòng tinh thần Đất Tổ bằng những con chữ nhỏ này. Bởi những chuyện Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Mai An Tiêm, Lang Liêu, Chử Đồng Tử… tôi đã được nghe ngấm từ thuở bà và mẹ kể cho trong những đêm tối trời hoặc sáng trăng.

Có thể nhịp sống giờ đây gấp gáp hơn xưa nhưng có những điều bất biến, có thể thời đại ngày nay nhiều phương tiện hiện đại và phát triển hơn xưa nhưng có những giá trị sống thì ở đâu và thời đại nào cũng vẫn cần được trân giữ, đó là lòng nhân ái và tinh thần nguồn cội. Khi hội nhập với thế giới, chàng kiến trúc sư Khánh Toàn sẽ cất lên ngôn ngữ Việt, những vần thơ của chàng sẽ vang lên lộng lẫy. Và chúng ta sẽ càng yêu hơn những gì từ cội nguồn mình đang tỏa sáng.

Cũng như Nguyễn Phan Quế Mai, nữ thi sĩ của bài thơ "Nghe Tổ Quốc gọi tên mình" được phổ thành giai điệu cất lên đầy khí phách, trong thần thức mình, tôi đã nghe tiếng trống đồng giục giã bước chân trở về bên ngọn Nghĩa Lĩnh. Tôi thấy đàn chim Lạc bay về phương Đông, vọng vang hai tiếng Tiên Rồng. Tôi nghe tiếng ngàn trùng con sóng biển Đông cuộn trào, rồi dội vào ghềnh đá. Tôi nghe tiếng ngàn ngọn lửa sục sôi bùng lên trên bó đuốc đang rực cháy…

Cũng như nhà văn Văn Lê, người gọi hồn nước thiên thu quay về bằng những trang tiểu thuyết "Thần thuyết của Người Chim", người nắm bắt hồn vía cội nguồn lịch sử dân tộc qua những trang văn nhung nhớ loài chim Lạc khóc thương vị vua đầu tiên của nước Việt qua đời, với niềm kính hiếu, tôi thấy chim Thần Lạc, vật Tổ của người Việt từ thời mở trời mở đất, lượn bay ngàn vòng trên bầu trời Phong Châu, trên đỉnh Hy Cương vừa dã sử huyền thoại vừa phóng khoáng liêu trai. Và tôi thấy chiếc buồm trên những con thuyền Lạc phần phật gió trên ngã ba sông Bạch Hạc.

Lễ giổ tổ Hùng Vương ở Bình Thuận.

Tôi nghe tiếng chim Lạc hoan hỉ quanh nghi ngút khói trầm bay lên gọi các vua Hùng về... Các Vua Hùng từ những phiến đá hoa cương hiện lên nhắc nhở hậu duệ những giá trị về tộc Việt, để cháu con sống tiếp trong những thời đại muôn sau khi hội nhập và giữ gìn bản sắc.

Nghe "Khúc hát Tiên Rồng", bài hát mở màn chương trình khai mạc Festival Huế năm 2008 tại Quảng trường Ngọ Môn - Huế của nhạc sĩ Trọng Đài, do NSƯT Mai Hoa trình bày, tôi đã mường tượng về nỗi xa xăm phiêu thức. Rằng, một ngày, đất nước vóc Rồng dáng Tiên, đôi mắt ngàn trùng trông ra biển sẽ đón tôi vào lòng bằng những con sóng dội vào ghềnh đá.

Rồi, một ngày, sẽ không xa xôi, đất nước của những ngọn núi vươn sức rồng thành dãy Trường Sơn hùng vĩ, sẽ ru tôi bằng tiếng gió đại ngàn xanh thẳm. Vâng, một ngày, gần thôi, đất nước của những dòng sông theo dáng tiên chảy miệt mài đời nước, sẽ đưa tôi về miền sâu thần thức. Để đàn bầu rung lên cung duyên thắm, để áo dài tung bay trong nắng mới, để hoa sen ngát hương trời Việt Nam…    

Và, hôm nay, trong ngày Giỗ Tổ, con đã trở về Đất Tổ. Nỗi hư phiêu bấy lâu đă được chạm vào, dù khẽ khàng hay là hàng ngàn đợt sóng cảm ứng thần thức dội về. Chúng con, những người Việt trẻ, sống ở xa Tổ quốc đã thỏa bản thức nguồn cội của mình. Trở về đây, được là người Việt Nam lần đầu đứng trên chính mảnh đất nguồn cội mà như tự ngàn kiếp trước.

Trở về đây, được đắm mình trong bầu không khí Việt trong dòng chảy vừa đương đại vừa cổ tích. Là hậu duệ của một trong số 50 người con xuống biển hay 50 người con lên rừng, trở về đây, trong ngày Giỗ Tổ này, tôi chắp tay trước linh thiêng Tiên Tổ, để nhận mặt quê hương. 

Để tôi, được là Việt Nam, dẫu còn nhiều điều phải vươn tới mới sánh vai. Để tôi được là chim Lạc, bay ngàn vòng trên trời Nghĩa Lĩnh, dẫu cho bầu trời lúc bình yên lúc cuồng phong bão táp. Để tôi được là Lạc dân trong hoa văn trống đồng, chèo con thuyền Lạc ngàn mái đẩy, cho dù có phải vượt qua muôn ghềnh ngàn thác. Để tôi được là con cá lăng bơi trong dòng nước nơi ngã ba sông Việt Trì thấy mỗi mỏm đá, mỗi sợi rêu thân thuộc như từ ngàn năm trước. 

Để tôi được là một tiếng Việt trong bài thơ lục bát ngàn câu, cho dù con chữ đó được cất lên từ phương trời nao. Để tôi được là một cánh hồng trong bông sen Việt ngàn cánh. Để tôi được là một sợi chỉ, dẫu mỏng manh trên tà áo Việt đang lộng bay trong gió.

Giấc mơ tôi đã thỏa nguyện, đã thành sự thực rồi. Xin bái lạy Đất Tổ, ngàn lần!

Lê Bảo Âu Long
.
.