Cờ tướng – Từ giai đoạn đến văn chương

Thứ Sáu, 04/09/2020, 11:55
Cờ tướng là một trò chơi trí tuệ đã vào Việt Nam từ lâu đời. Nó không chỉ gắn bó với đời sống văn hóa của cư dân bản địa qua nhiều lễ hội mà còn đi vào không ít tác phẩm thi ca.


So với cờ vua, rõ ràng cờ tướng có một đời sống sâu rộng hơn trong lòng người Việt. Có lẽ vì thế mà trong nhiều văn bản thư tịch cổ, chỉ cần nói "chơi cờ" thì người đọc sẽ ngầm hiểu ngay đó chính là môn cờ tướng chứ không phải môn cờ nào khác.Đôi nét lịch sử

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cờ tướng đã có một lịch sử ít nhất khoảng 1200 năm. Cờ tướng vốn được bắt nguồn từ Saturanga, một loại cờ cổ được phát minh tại Ấn Độ từ thế kỷ V đến thế kỷ VI. Sau đó, Saturanga đi về phía Tây để trở thành cờ vua và đi về phía Đông để trở thành cờ tướng. 

Cờ tướng được người Trung Hoa tiếp thu, cải tiến và hoàn thiện vào khoảng thế kỷ thứ VIII, mở rộng phạm vi đi quân cũng như thay đổi nhiều điểm về bố cục bàn cờ so với nguyên bản Saturanga. Người Trung Hoa gọi cờ tướng là môn "tượng kỳ" và coi trò chơi này như một thứ quốc hồn quốc túy của dân tộc. 

Từ Trung Hoa, môn cờ tướng được truyền ra rộng rãi nhiều nước ở châu Á, trong đó phải kể tới những nước chơi cờ nhiều nhất gồm Việt Nam, Đài Loan và Singapore.

Các bô lão chơi cờ tướng bên Hồ Gươm.

Những giai thoại về cờ

Biết bao tao nhân mặc khách cùng nhiều nhân vật nổi tiếng đã để lại những giai thoại thú vị về chơi cờ, lưu truyền mãi cho hậu thế. Thời Tam Quốc, khi mời Hoa Đà đến cạo xương chữa độc, thay vì phải bịt mắt dùng vòng sắt giữ tay, Quan Vân Trường thản nhiên gọi rượu ra thết đãi Hoa Đà rồi bảo Mã Lương lại chơi cờ, điềm nhiên xắn tay áo lên cho Hoa Đà rạch thịt cạo xương. 

Hồi 50 Tam quốc diễn nghĩa (Nguyên tác La Quán Trung, dịch giả Phan Kế Bính) viết: "Đà cầm dao rạch miếng thịt vào tận xương, thì thấy trên chỗ xương đã xanh cả ra. Đà cạo trên xương, tiếng kêu ken két, xung quanh ai trông thấy cũng lè lưỡi sởn gai. Quan Công thì cứ uống rượu đánh cờ, cười nói như không, tựa hồ không đau đớn chút nào". 

Một nhân vật nổi tiếng khác của Trung Quốc là Vương Dương Minh (1472-1528), được coi là một trong bốn người thày vĩ đại của đạo Nho, thuở nhỏ ham chơi cờ tới mức quên cả giờ về ăn cơm khiến mẹ giận, ném hết cả quân cờ xuống sông. 

Vương Dương Minh nuối tiếc khôn nguôi, ứng khẩu luôn một bài thơ mang tên Khốc tượng kỳ thi (Khóc cờ tướng) khiến mọi người xung quanh đều vỗ bàn khen ngợi: "Tượng kỳ tại thủ nhạc du du/ Khổ bị nghiêm thân nhất đán đâu/ Binh tốt trụy hà giai bất cứu/ Tướng quân nịch thủy nhất tề hưu/ Mã hành thiên lý tùy ba khứ/ Sĩ nhập tam xuyên trục lãng lưu/ Pháo hưởng nhất thanh thiên địa chấn/ Tượng nhược tâm đầu vi nhân thu" (Cờ tướng trên tay lạc thú thay/ Khổ nỗi mẹ nghiêm ném mất bay/ Binh tốt rớt sông không thể cứu/ Tướng quân đuối nước cũng đành thôi/ Mã phi ngàn dặm theo dòng nước/ Sỹ chốn ba sông sóng cuốn trôi/ Pháo gầm một tiếng long trời đất/ Tượng kia gục ngã ruột gan rơi). 

Những câu thơ viết thuở thiếu thời mà đã tỏ rõ một khí phách của đại trượng phu, quả nhiên sau này ông trở thành một vị tướng tài ba, văn võ song toàn, là trụ cột của triều đại Minh Vũ Tông. 

Còn ở Việt Nam, Thi Thánh Cao Bá Quát và đấng quân vương Tự Đức đã nhiều lần chơi cờ cùng nhau. Một trong những lần chơi cờ ấy để lại đôi câu đối nổi tiếng, tỏ rõ chí khí lẫm liệt của một nhà thơ sau này làm cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình. 

Khi cờ Tự Đức đang ở thế ưu, đôi mã được tự do bay nhảy, nhà vua đắc ý đọc: "Lưỡng mã trì khu thiên lý địa" (Đôi ngựa vẫy vùng muôn dặm đất). Cao Bá Quát không chịu lép, đã đáp lại rằng: "Song xa truy kích cửu trùng thiên" (Đôi xe đuổi đến chín tầng trời).

Cờ trong thơ Việt

Trong lịch sử thơ ca Việt Nam từ cổ điển đến hiện đại, cờ đã đi vào khá nhiều tác phẩm nổi tiếng, làm nên những câu thơ in dấu mãi trong lòng người đọc, có sức sống lâu dài tới tận ngày hôm nay. Việc chơi cờ không chỉ là chơi cờ, mà còn gửi gắm qua đó bao tình cảm, suy tư, ý chí của con người. 

Trong kiệt tác Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du khi tả về cuộc tái ngộ đoàn viên Kim Kiều sau 15 năm lưu lạc cũng đã dùng hình ảnh chơi cờ để nói về bình yên sau bao bão giông: "Khi chén rượu khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên". 

Cũng nói về việc đôi lứa bên nhau chơi cờ, thơ nôm của Hồ Xuân Hương lại lấp lửng hai nghĩa thanh - tục, vừa tả chơi cờ nhưng lại vừa tả tình ân ái giữa chàng trai cô gái: ''Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa/ Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên/ Hai xe hà chàng gác hai bên/ Thiếp thấy bí, thiếp liền ghểnh sĩ/ Chàng lừa thiếp khi đương bất ý/ Đem tốt đầu dú dí vô cung/ Thiếp đang mắc nước xe lồng/ Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu" (Đánh cờ). 

Đến thơ Nguyễn Khuyến, ông lại mượn việc chơi cờ để bày tỏ những ưu tư thời thế, bày tỏ nỗi bất đắc chí của một nhà Nho lỡ vận, muốn cứu dân giúp nước mà không thể: "Cờ đương dở cuộc không còn nước/ Bạc chửa thâu canh đã chạy làng" (Tự trào). 

Sang đến nửa đầu thế kỷ XX, trong tập "Nhật ký trong tù", Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có một bài thơ về đánh cờ, coi cờ tướng là bộ môn để luyện rèn tinh thần và ý chí. Người chơi cờ cũng giống như một tướng tài, một người lãnh đạo, phải có tầm nhìn xa rộng, phải có mưu trí biến hóa khôn lường: "Nhàn rỗi đem cờ học đánh chơi/ Thiên binh vạn mã đuổi nhau hoài/ Tấn công, thoái thủ nên thần tốc/ Chân lẹ tài cao ắt thắng người/ Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ/ Kiên quyết không ngừng thế tấn công/ Lỡ nước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời một tốt cũng thành công/ Vốn trước hai bên ngang thế lực/ Mà sau thắng lợi một bên giành/ Tấn công, phòng thủ không sơ hở/ Đại tướng anh hùng mới xứng danh" (Học chơi cờ, bản dịch Văn Trực - Văn Phụng). 

Cờ tướng vốn là một trò chơi hai người. Giữa hai người bạn ấy bên cạnh bàn cờ nhiều khi còn là mối tình tri kỷ. Khi vắng bạn, có người một mình cũng mang bàn cờ ra để bày tự chơi. Đó vừa là nỗi cô đơn của tuổi già khiến ta dễ mủi lòng, lại cũng kín đáo tỏ bày với bạn hiền niềm thương nhớ. 

Nhà thơ Tế Hanh đã chớp được khoảnh khắc này để viết nên một bài thơ bốn câu cô đọng: "Nhớ bạn ngày xuân tìm đến bạn/ Về hưu nhà chật, cảm thêm tình/ Thuở xưa đá bóng hăm hai đứa/ Cờ tướng nay anh đánh một mình" (Đánh cờ một mình). 

Một trong những thi sĩ đương đại yêu cờ nhất, phải kể đến Lê Kim Giao. Ông đã xuất bản cả một cuốn sách với tựa đề "Thi kỳ song tuyệt", trong đó, mỗi thế cờ lại có một lời bình đậm chất văn học, dùng những bài thơ nổi tiếng để minh họa cho các thế cờ. 

Một trong những bài thơ về cờ của ông được nhiều người yêu thích là bài Hội cờ xuân, được khắc vào bia đá để tôn vinh tại Chùa Vua (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nơi vẫn diễn ra lễ hội cờ hằng năm vào dịp từ mùng 6 đến mùng 9 Tết Nguyên đán: "Xe pháo qua hà giữa tiết xuân/ Cần chi phong tướng mới cầm quân/ Thoắt mang ngựa đến tan thành cổ/ Bỗng vẫy voi ra giấu mẹo thần/ Bỏ ngỏ tiểu thành mưu cả nghĩa/ Chăm lo sĩ tốt xét từng phân/ Tháng giêng ngày 9 dâng hương nguyện/ Một khúc quân hành bốn bề ngân".

Một trận đấu tại giải “Trạng cờ Đất Việt” ở đền Ngọc Sơn.

Vào những ngày cuối của tháng 6/2020, tôi bỗng đọc được một bài thơ thật mới của thi sĩ Nguyễn Thành Phong mang tên "Cờ tàn". Nhà thơ mượn chuyện chơi cờ để ký thác bao ngốn ngang tâm tư về thời thế, về những hệ giá trị bị đảo lộn, đã không còn nguyên vẹn như xưa. Tấm lòng đôi với đất nước ấy đáng để cho mỗi chúng ta cảm phục, trân trọng. Thông điệp lớn nhất trong bài thơ mà tôi cảm nhận được, đó là nỗi khao khát hiền tài để thay đổi vận mệnh quốc gia. 

Đấy cũng chẳng phải là trăn trở từ ngàn xưa của cha ông ta đó sao: "Những cao thủ đã hầu như khuất bóng/ Chỉ thấy cờ vồ tỉ thí nhau thôi/ Cũng khai hội cũng thì thùng trống thúc/ Mấy nước khai quân đã chán mớ đời.../ Đã nhìn khắp núi sông mà mỏi mắt/ Có ai nào xứng được với tiền nhân/ Người chơi cờ xưa quân đi như bấc/ Mà xoay vần mà thảng thốt nhân gian/ Đâu kỳ cuộc để cho trời đất biết/ Thắng hay thua còn luận mãi trong đời/ Sao chơi cờ giờ chỉ chuyên tính ngắn/ Xe pháo lòng vòng chụp lộc tốt hôi/ Thôi chẳng ngó những hội cờ đoạn mạt/ Trông lũ hài đồng từng bước lớn khôn/ Thăng rồi giáng kỳ thủ nào sáng mặt/ Bày được cuộc cờ đổi vận giang sơn?".

Than ôi, Triệu Khuông Dẫn thuở xưa đã từng đem cả dãy núi Hoa Sơn để đặt cược vào một ván cờ với đạo sĩ Hi Di Trần Đoàn, để lại một giai thoại vô tiền khoáng hậu về cuộc cờ và thế sự. Có phải mỗi thời đại cũng như một ván cờ lớn còn cuộc đời mỗi con người như một ván cờ nhỏ, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm cầm quân rồi chơi cho đến hết ván cờ ấy với đầy đủ những vui buồn khắc khoải nhân sinh: "Bấm chân qua tuổi dại khờ/ Vẫn mê hồn trận cuộc cờ thế gian" (Cao Xuân Sơn).

Đỗ Anh Vũ
.
.