Có phải Bác Hồ tìm Vi Quốc Thanh?

Thứ Sáu, 23/12/2005, 13:36

Trong bài thơ Tầm hữu vị ngộ, Bác Hồ đi tìm Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn Cố vấn quân sự tại Việt Nam hay tướng Trần Canh của Trung Quốc, đại tướng Võ Nguyên Giáp của Việt Nam hay đơn giản đây chỉ là bài thơ ngẫu hứng?

Báo Văn nghệ số Tết Kỷ Mão năm 1999, tại trang 2 có đăng một bài thơ chữ Hán của Bác Hồ (do nhà văn Sơn Tùng giới thiệu và dịch). Theo nhà văn Sơn Tùng cho hay là tìm được trong cuốn sổ tay của Bác và không có đầu đề. Nhà văn Sơn Tùng cho rằng, bài thơ của Bác làm để tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bối cảnh Bác Hồ giao cho Đại tướng nhiệm vụ Tổng Tư lệnh mặt trận Điện Biên Phủ.

Mới đây, Nhà xuất bản Văn học và Trung tâm Quốc học vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn Hồ Chí Minh, Thơ toàn tập (in lần thứ hai có sửa chữa và bổ sung) trang 298 cũng có in lại bài thơ này nhưng lại có tên là Tầm hữu vị ngộ. Xin được chép ra đây để bạn đọc tham khảo.

Tầm hữu vị ngộ

Bách lý tầm quân vị ngộ quân

Mã đề đạp toái lĩnh đầu vân

Quy lai ngẫu quá sơn mai thụ

Mỗi đóa hoàng hoa nhất điểm xuân.

Dịch thơ:

Trăm dặm tìm không gặp cố nhân

Mây đèo giẫm vỡ ngựa chồn chân

Nẻo về chợt gặp cây mai núi

Mỗi đóa hoa vàng một nét xuân.

(Bản dịch của Phan Văn Các).

Khác với lời giới thiệu của Sơn Tùng, phía dưới bài thơ còn có câu chú nhỏ của Bác về hai chữ bách lý (thực lục thập công lý - thực ra chỉ có 60 cây số). Nói bách lý - trăm dặm ở đây là nói một cụm từ, một khái niệm có tính ước lệ trong văn chương cổ, người ta vẫn thường dùng để chỉ đường xa. Ngoài ra, bài thơ không có một lời chú nào khác để nói việc đi tìm ai cũng như xuất xứ bài thơ.

Trong bài thơ này, vó ngựa của con chiến mã mà Bác cưỡi đạp trên những đám mây đầu non. Sinh động, tráng lệ biết bao... Sẽ nhẹ nhõm đi rất nhiều những nặng nề gian khó của cuộc kháng chiến qua phong thái ung dung tự tại ấy. Bác đi thăm một người bạn nhưng không gặp. Lúc về nước kiệu hay nước đại chả biết, nhưng không phải cưỡi ngựa xem hoa mà Bác cảm nhận ngay được mỗi đóa mai núi kia có sắc xuân đang đậu trong đó.

Người đọc mặc dầu thông cảm với thủ pháp kiểu vô danh, đặc thù cơ bản của thơ trữ tình để nhanh chóng cuốn theo sắc thái độc đáo của bài thơ, nhưng có lẽ cũng không ít người tò mò rằng, bài thơ trên Bác làm vào thời gian nào? Ở đâu? Bác đi gặp ai?... Quân đại từ nhân xưng ngôi thứ hai, tần suất chữ quân dường như đậm đặc trong thơ cổ! Quân, là bạn, là ngài, là ông, nhưng cũng là anh, là em...

"Tầm hữu vị ngộ": Dạng phổ thông (trái) và dạng thư pháp.

Trong ngoại giao, trong sinh hoạt, trong thù tạc: Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai... Quân bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát/ Triêu như thanh ty mộ như tuyết (Anh chẳng thấy sông Hoàng Hà như đổ từ trên trời cao/ Anh chả thấy những nhà cao gương sáng/ Sớm buồn tênh vì mảng tóc thưa/ Sáng còn xanh mượt như tơ/ tối đà tuyết đã bạc phơ bời bời (Tương tiến tửu - Trần Trọng Kim dịch). Và trong tình ái: Quân tại Tương giang đầu/ Thiếp tại Tương giang vĩ/ Tương tư bất tương kiến/ Đồng ẩm Tương giang thủy. Rồi Tư quân như nguyệt mãn/ Dạ dạ giảm thanh huy (Nhớ chàng như mảnh trăng đầy/ Đêm đêm vầng sáng hao gầy đêm đêm...).

Cứ cái mạch trữ tình, cứ trong ý tứ mà suy ấy, bài thơ trên có thể Bác sáng tác ở Việt Nam hay ở Trung Hoa cũng được? Bác của chúng ta có thể thăm một vị tướng, một quan chức nào đó, hoặc giả một người bạn nam hay nữ thì cũng được chứ sao? Vậy nên có thể phần nào đồng cảm với cung cách phỏng đoán  lẫn giới thiệu về xuất xứ bài thơ của nhà văn Sơn Tùng.

Một tin vui bất ngờ và cũng là thêm một nghĩa cử của các học giả cũng như bạn đọc Trung Hoa với thơ Bác Hồ, là gần đây Nhà xuất bản Đại học Quảng Tây có ấn hành cuốn Trước tác chữ Hán của Hồ Chủ tịch, Thơ tuyển, chú giải và thư pháp do Hoàng Tranh biên soạn. Cuốn sách (với cái tên tạm dịch như trên) được in trên thứ giấy tốt, khổ rộng (787mm x 1.092mm), trình bày đẹp mắt. Sách dày ngót 200 trang, được chia làm 3 phần.

Phần một, một số bài thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngoài Ngục trung nhật ký. Phần hai là toàn bộ 133 bài thơ trong Ngục trung nhật ký. Phần ba là thư pháp của 80 tác giả (hầu hết là hội viên Hội Thư pháp Trung Hoa) viết về hơn 100 bài thơ của Hồ Chủ tịch.

Bạn đọc chắc đã từng làm quen với Hoàng Tranh, nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc, nhiều năm qua đã có những công trình giá trị về Việt Nam nói chung cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng. Đặc biệt các cuốn Việt Nam với Trung Quốc, Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Chú giải thơ Nhật ký trong tù, v.v... có giá trị lớn về học thuật, thu hút được nhiều bạn đọc...

Dưới mỗi bài thơ như thế, Hoàng Tranh với kiến giải sâu rộng của một học giả từng nhiều năm nghiên cứu về thơ Bác, đặc biệt là Nhật ký trong tù, tác giả đều có những chú giải sáng tỏ hợp lý kể cả những tồn nghi lâu nay về phong tục tập quán, địa danh những nhà lao Bác đã bị đọa đày qua 13 huyện từ Liễu Châu đến Quế Lâm...

Bảo tàng Hồ Chí Minh vừa được Nhà xuất bản Đại học Quảng Tây gửi biếu sách với số lượng hạn chế. Bảo tàng đang khẩn trương cho dịch để có thể ra mắt bạn đọc trong thời gian sớm nhất. Hy vọng qua sự tham góp nhiệt tình của các dịch giả cũng như các nhà nghiên cứu, công trình mới nhất ở Trung Quốc về thơ Bác Hồ sẽ được bạn đọc Việt Nam lĩnh hội với nhiều sắc thái thẩm mỹ mới!

Xin trở lại với bài thơ Tầm hữu vị ngộ. Điều thú vị là trong cuốn sách mới này của Hoàng Tranh, có thể gọi là bất ngờ cũng được, tại trang 14 của cuốn Trước tác chữ Hán của Hồ Chí Minh, Thơ tuyển, chú giải và thư pháp, Hoàng Tranh đã khẳng định luôn tên bài thơ là Thám Vi Quốc Thanh đồng chí vị ngộ (Thăm đồng chí Vi Quốc Thanh nhưng chưa gặp). Nội dung bài thơ mà học giả Hoàng Tranh cho in hoàn toàn trùng khớp với bài Tầm hữu vị ngộ như phần trên đã dẫn.--PageBreak--

Dưới bài thơ có ba chú thích.

Tiểu sử tóm tắt của Vi Quốc Thanh: Sinh năm 1913, mất 1989. Người huyện Đông Lan, tỉnh Quảng Tây, dân tộc Choang. Từng là Tư lệnh Binh đoàn Tô Bắc quân dã chiến Hoa Đông, Chính ủy Binh đoàn số 10, Quân dã chiến số 3, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Sau ngày Cách mạng Trung Quốc thành công, Vi Quốc Thanh vâng mệnh Đảng Cộng sản Trung Quốc sang làm Trưởng đoàn Cố vấn quân sự tại Việt Nam từ năm 1950 đến năm 1956 thì về nước.

Chú thích thứ hai là xuất xứ của bài thơ. Như kiến giải của Hoàng Tranh thì bài thơ này được viết vào mùa xuân 1954, thời điểm Chiến dịch Điện Biên Phủ đang được chuẩn bị rất khẩn trương. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đến chỗ ở của đoàn cố vấn để thăm hỏi các đồng chí Trung Quốc.

Một hôm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm đồng chí Vi Quốc Thanh nhưng không may đồng chí ấy đi vắng. Ngày hôm sau, Chủ tịch cử người mang bài thơ này tặng đồng chí Vi Quốc Thanh.

Bài thơ nguyên bản không có tiêu đề. Tiêu đề này là do người biên soạn ghi thêm vào. Qua những lần xuất bản ở Việt Nam, bài thơ có thêm tiêu đề Tầm hữu vị ngộ (Tìm bạn nhưng chưa gặp). Lời chú cuối cùng, cũng như Tầm hữu vị ngộ, Hoàng Tranh dẫn câu chú thích của Bác Hồ thực lục thập công lý (nói bách lý thực ra sáu mươi cây số).

Như vậy, khác với hai lần công bố (trên báo Văn nghệ và Thơ toàn tập Hồ Chí Minh...) bài thơ đã có thân phận nghĩa là có hoàn cảnh ra đời và xuất xứ của nó hoặc chí ít không mang cái tên chung chung Tầm hữu vị ngộ nữa! Tôi có trao đổi vấn đề này với Giáo sư (GS) Mai Quốc Liên, Giám đốc Trung tâm Quốc học, người đã nhuận chính và tuyển cuốn Thơ toàn tập Hồ Chí Minh. Nội dung trao đổi thì dài nhưng GS cho rằng, trong bài thơ này, Bác Hồ tìm ai vẫn là một ẩn số?

Nếu như kiến giải của Hoàng Tranh thì Bác Hồ đã biết nếu không muốn nói là do sự chỉ đạo của Bác việc Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc, lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ thì khó có chuyện Bác phải cưỡi ngựa qua lục thập công lý để đi tìm Vi Quốc Thanh mà lại không gặp?

Chiến khu Việt Bắc (nơi Bác Hồ và các cơ quan Chính phủ Trung ương) cách hang Thẩm Púa (hoặc Mường Phăng) của Tây Bắc, nơi đặt Chỉ huy sở Chiến dịch Điện Biên Phủ không phải lục thập công lý mà dằng dặc hàng ngày đường rừng. Với lại, khó có việc ngay ngày hôm sau, Bác đã cử người mang bài thơ đến cho Vi Quốc Thanh (xin tham khảo thêm nguyên tác: ...Hồ Chủ tịch thường đáo cố vấn đoàn trú địa khán vọng Trung Quốc đồng chí. Nhất thiên, Hồ Chủ tịch hựu tiền vãng thám vọng Vi Quốc Thanh, bất xảo Vi Quốc Thanh đáo tiền phương khứ liễu. Đệ nhị thiên, Hồ Chí Minh Chủ tịch phái nhân tướng giá đầu thi tống cấp Vi Quốc Thanh...

Với lại thông thường theo quy định của an ninh, Bác đi thăm ai thì Cục Bảo vệ phải lo liệu chuẩn bị cẩn thận đường đi lối lại, không thể có chuyện Bác đi tùy hứng không có bảo vệ đi kèm. Hoặc giả, Bác đi thăm Vi Quốc Thanh trước khi lên đường ra mặt trận Điện Biên Phủ chăng, thì học giả Hoàng Tranh trong kiến giải của mình cũng nên chú cụ thể?

GS Mai Quốc Liên cũng cho biết thêm, trong một bản dịch khác, có câu mở đầu là Trăm dặm tìm không gặp cố nhân... Cần xem lại cụm từ cố nhân. Nếu đó là Cố vấn Vi Quốc Thanh thì không thích hợp vì Bác chưa quen biết vị tướng này trước khi Vi Quốc Thanh sang Việt Nam. Tướng Trần Canh mới là cố nhân vì Bác quen Trần Canh từ hồi ở Trường Quân sự Hoàng Phố!

Cách đây không lâu, một đoàn làm phim của Việt Nam đã sang Trung Quốc có đến thăm bà quả phụ Vi Quốc Thanh. Trong cuộc gặp gỡ xúc động và có ôn lại nhiều chuyện cũ ấy, Vi phu nhân tuyệt nhiên không nhắc nhở gì tới bài thơ nói trên. Tại phòng khách của tư gia tướng quân, cũng không thấy dấu tích bài thơ này?

Còn cho rằng bài này Bác Hồ làm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chắc cũng không đúng vì như GS Mai Quốc Liên nói, Bác khó mà tùy hứng đi mà không báo trước? Nếu Đại tướng đã ở mặt trận Điện Biên Phủ thì sao Bác lại không biết kể cả nơi ở của Đại tướng? Vả lại Bác Hồ với tướng quân là bác - cháu thì khó có giọng bách lý tầm quân, v.v...

Vậy Bác Hồ tìm ai? GS Mai Quốc Liên đã khá thẳng thắn trước câu hỏi này... Ông đồ rằng, đây là một bài thơ ngẫu hứng của Bác làm trong một chuyến Bác đi công tác nào đó? Một đặc thù của thơ trữ tình là khó mà tìm một cá nhân cụ thể trong một bài thơ ở dạng ngẫu hứng như thế này!

Vậy có cần tìm tiếp cho bài thơ một địa danh, một địa chỉ cụ thể? Xin các bậc cao minh chỉ giáo?

.
.