Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc Khánh 2-9

Cố nhạc sỹ Xuân Oanh: Sáng tác bài ca bất hủ "19 tháng 8" trên một đoạn đường

Thứ Ba, 01/09/2015, 08:30
Đối với người sáng tác, vừa đi đường, vừa tư duy là việc thường tình. Bất cứ tác giả nào cũng dễ từng như vậy. "Đi đường" có thể là đi bộ, xe đạp, ngồi trong máy bay hoặc bất cứ phương tiện giao thông nào. Nhưng hầu như đi đường chỉ có thể là tìm ý tứ, bố cục cho tác phẩm, nếu là thơ có thể nghĩ ra được một vài câu, chứ khó có thể hoàn thành trọn vẹn cả bài.
Nhưng có một trường hợp đã vượt ra khỏi thông lệ này, tức là tác phẩm được sáng tác và hoàn thành trọn vẹn... trên đường. Chính xác hơn là tác giả bắt đầu sáng tác lúc ra khỏi nhà và kết thúc ở cuối con đường. Về nhà, không sửa chữa gì thêm. Đó là sự ra đời bài hát "19 tháng 8" - một tác phẩm bất hủ mà suốt 70 năm qua, cứ mỗi dịp mùa thu về, gần tới ngày này là lại được vang lên ở khắp mọi nơi, khơi dậy không khí sục sôi, hứng khởi của mùa thu cách mạng năm xưa.

Nhạc sỹ Xuân Oanh (1923 - 2010) từng kể về sự ra đời của bài hát: Tháng 8/1945, ông mới ngoài 20 tuổi, chỉ biết võ vẽ các nốt nhạc, nhưng đặc biệt ưa thích sáng tác. Trước đó, ông đã tập viết được một vài ca khúc lãng mạn, chủ yếu nói về tình yêu lứa đôi nhưng không mấy giá trị nên chưa được biết đến.

Cố nhạc sĩ Xuân Oanh bên chiếc đàn Piano yêu quý của mình.

Những ngày tháng 8 lịch sử ấy, chứng kiến cả dân tộc đang trào dâng khí thế cách mạng, lòng ông nao nao. Rồi ngày 19/8/1945, ông chứng kiến cảnh nhân dân Hà Nội đổ ra đường tiến về quảng trường Nhà hát Lớn. Ông cũng nhập vào đoàn người đi từ Đuôi Cá lên nhà hát này ở phố Tràng Tiền. Người ta hô vang những khẩu hiệu "Việt Minh muôn năm!". Tâm trạng ông lúc đó rất khó tả, bèn nảy ý nghĩ sáng tác một bài hát đánh dấu sự kiện lịch sử trọng đại này của toàn dân tộc. Thế là ông cứ vừa đi, vừa lẩm nhẩm những câu hát đầu tiên: "Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày/ Thề đem xương máu lên đường chiến đấu cho tương lai…". Viết được câu nào, ông dạy luôn cho những người đi bên cạnh hát. Mọi người vừa đi vừa hát rất hào hứng.

Hát xong một câu, ông lại viết tiếp câu sau cho đến hết bài. Quãng đường từ Đuôi Cá lên đến Nhà hát Lớn chừng 6km. Đi bộ mất chừng gần 2 giờ đồng hồ. Sắp đến nơi cũng là lúc ông viết xong bài hát. Chỗ nào không ổn, có vẻ "ngang" là mọi người can thiệp, góp ý tác giả sửa lại, cả nhạc lẫn lời ca, đến khi nào xuôi tai, nghe hay mới thôi.

Nhạc sĩ Xuân Oanh cho biết, lúc đầu có một số chỗ ông xử lý tiết tấu lắt léo hơn. Nhưng khi mọi người cùng hát (đồng ca) thì có phần khó nên ông đã sửa lại để ai cũng có thể hát được, từ em nhỏ cho đến các cụ già, những người chưa bao giờ cất tiếng hát. Cuối cùng bài hát hoàn chỉnh như hiện nay chúng ta nghe, được mọi người hôm đó rất thích thú, cứ say sưa hát đi hát lại không biết chán. Sau đó, có một cô gái hỏi Xuân Oanh: "-Anh nhạc sỹ ơi, nhưng bài hát tên là gì? Phải có tên chứ. Không lẽ lúc giới thiệu ai đó hát lại nói: Đây là bài Toàn dân Việt Nam đứng đều lên… à"! (chẳng là người ta vẫn có thói quen lấy câu đầu tiên để gọi bài hát chứ không mấy khi nhớ tên bài).

Xuân Oanh lúc này mới nhớ ra. Ngẫm nghĩ một lúc, ông nói với mọi người:  "Hôm nay là ngày 19 tháng 8. Cả dân tộc ta sẽ mãi mãi ghi nhớ n gày này. Là người Việt Nam, không ai có thể quên được. Vậy tôi đặt tên luôn là "19 tháng 8". Vâng, bài hát "19 tháng 8'', được không bà con?". Không ai hô mà tất cả cùng nói: "Được! Càng hay!". Thế là bài hát mang tên này.

Sau này có một chuyện vui: Vào một dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng 8, có một nữ phóng viên đến gặp, xin được phỏng vấn nhạc sĩ Xuân Oanh về bài hát rất nổi tiếng này. Nhưng nữ nhà báo mặc dù được nghe nhiều lần thành thuộc những cũng không rõ tên bài là gì, chỉ gọi là bài "Toàn dân Việt Nam đứng đều lên…". Cô nói với Xuân Oanh:

- Thưa nhạc sỹ. Cháu rất thích bài này và cũng đã thuộc. Nhưng chưa rõ tên bài hát là gì.

Nhạc sĩ Xuân Oanh trả lời:

- 19 tháng 8.

-Dạ, thưa, cháu biết là nhạc sỹ sáng tác đúng ngày 19 tháng 8 rồi. Ý cháu muốn hỏi tên bài hát ạ.

Vốn là người kiệm lời, nhạc sĩ Xuân Oanh lại vẫn nhắc lại, ngắn gọn như lần trước :

-19 tháng 8 mà.

Thấy cô nhà báo có vẻ vẫn chưa hiểu, nhưng ngại hỏi lần thứ 3, lúc này, Xuân Oanh mới kể lại đầu đuôi việc viết ra bài hát và nhắc lại:

- Đấy. Bài hát ra đời như thế. Vậy nên tôi mới đặt tên là "19 tháng 8" mà  lúc đầu cô đã không thể hình dung.

Lúc này cô phóng viên mới tường tận vấn đề, lấy làm thú vị lắm.

Bài hát bất hủ này của Xuân Oanh, ngoài cái nhất đầu tiên là viết trong hoàn cảnh đặc biệt, độc đáo nhất (vừa đi đường mít tinh vừa viết), còn có mấy cái "nhất" khác: Viết trong thời gian nhanh nhất (chưa đến 2 tiếng đồng hồ). Bài hát dành cho người lớn hát mà có âm vực hẹp nhất, khống chế giai điệu chỉ trong quãng 9 (rề - mí trong điệu sol trưởng) khiến ai cũng có thể hát được một cách dễ dàng nhất. Tác giả ít để ý đến số phận của bài hát nhất nhưng lại có sức lan tỏa tự nhiên nhất. Khi sáng tác, tác giả có kiến thức âm nhạc sơ sài nhất nhưng bài hát lại rất hoàn chỉnh về khúc thức, kết cấu tác phẩm, cách phát triển giai điệu… Nghĩa lại đạt được tính chuyên nghiệp rất cao.

70 năm qua, cứ mỗi độ thu về, để kỷ niệm Cách mạng Tháng 8, bài hát lại được vang lên trên các làn sóng đài phát thanh và ở khắp nơi. Sức sống, hơi thở của tác phẩm này không bao giờ có thể vơi cạn.

Mai Hoa
.
.