Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Ám ảnh nàng Kiều…

Thứ Ba, 10/04/2018, 08:04
Tôi thuộc thế hệ hậu sinh, nhưng may mắn có quen những người bạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và dăm ba lần được ngồi “hầu rượu” ông cùng bạn bè trong vai “điếu đóm” rót rượu bia, chở các đàn anh văn nghệ đi về.


Vào đầu năm 2000, anh bạn thân Huỳnh Hải Minh làm Tổng Giám đốc một Công ty xuất nhập khẩu, trong chuyến công tác từ Nhật Bản về có mang tặng tôi một cuộn phim video tạm dịch là “Đường đến Thiên đường” do Nhật Bản sản xuất.

Phim chỉ có phụ đề tiếng Anh, kể lại câu chuyện một thiếu nữ nông thôn trẻ trung xinh đẹp, lấy một thương binh cụt chân là quân nhân người Nhật sau chiến tranh thế giới lần 2. Anh chồng bất lực, sinh ra nhậu nhẹt bê tha, ghen tuông nên thường xuyên chửi mắng, đánh đập bắt vợ hầu hạ về tình dục...

Có một viên cảnh sát trẻ ở địa phương và cô vợ trẻ có quan hệ tình cảm với nhau. Trong một lần chồng ghen tuông xảy ra xô xát, cô vợ vô ý đẩy ngã người chồng thương binh chấn thương, tử vong. Anh nhân tình dàn xếp để cô tình nhân bỏ trốn đi nơi khác. Cuộc đời cô bắt đầu dấn thân vào nỗi đoạn trường như Thúy Kiều bán mình chuộc cha.

Từ những chốn xa hoa, trụy lạc, ăn chơi… nàng trở thành một kiều nữ, một geisha nổi tiếng. Chấp nhận làm lẽ cho một đại gia, nàng bị biến thành nô lệ tình dục, thường xuyên bị giày vò, hành hạ, đánh đập, ghen tuông cho đến khi chiếc mặt nạ giàu sang rơi xuống. Một lần nữa, nàng đã giết chết gã đàn ông bội bạc và chạy trốn cuộc đời… Ám ảnh phim, ám ảnh kiếp người là tiếng giày cao gót nện xuống hành lang nhà ngục khi trời rạng sáng…

Thấy phim hay, tôi đã tìm thầy Đinh Phong, Phó Giám đốc Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh nhờ xem thử. Thầy Đinh Phong rất tâm đắc nhưng cho biết phim có một số cảnh nóng quanh thân phận một cô gái giang hồ nên không thể phát sóng. Sau đó, nhà nhiếp ảnh Trần Huy Hoan mượn để xem.

Đầu năm 2001, tôi hỏi về cuộn phim, anh Huy Hoan cười cười rất bí hiểm: “Anh với em đi tới chỗ này để đòi lại cuộn phim”. Thế là hai anh em chở nhau đến con hẻm trên đường Phạm Ngọc Thạch, vào nhà nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

Anh Huy Hoan dặn: “Nếu anh Sơn khen nó hay, ảnh thích thì cứ để cho ảnh xem, đừng có đòi”… Quả nhiên, hôm đó anh Sơn đã dành khá nhiều thời gian bình luận về nội dung phim mà anh rất cảm kích cho thân phận nàng Kiều Nhật. Tôi giật mình giục anh Huy Hoan lôi anh Sơn ra khỏi vùng cảm xúc để đưa anh tới chỗ nhiều người bạn nhạc sĩ đang đợi anh uống rượu.

Lúc sinh thời, tôi biết nhạc sỹ Trịnh Công Sơn có hai “người anh em” rất thân là thi sĩ tiên sinh Bùi Giáng và điêu khắc gia Thụy Lam. Hiện chỉ còn điêu khắc gia Thụy Lam đang sống ở đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình. Ông là tác giả của nhiều tượng Phật nổi tiếng. Thi sĩ Bùi Giáng thường cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường ghé nhà của ông để uống rượu, đọc thơ. Thụy Lam là người rất ít lời, có lẽ vì tính trầm lặng này mà anh Sơn rất quý Thụy Lam.

Trịnh Công Sơn từng viết: “Có những sự có mặt của bạn bè tương đương với một dấu lặng trong âm nhạc, nên sự có mặt đó thường có khả năng mang đến cho ta sự thoải mái, thảnh thơi tựa hồ như là niềm hoan lạc. Đó là những trường hợp ta không cần phải đối phó, không cần phải lấp đầy khoảng trống bằng câu chuyện gắng gượng và nhạt nhẽo”.

Một lần ngồi tại nhà Thụy Lam, hỏi thăm nhau về tin tức mấy mỹ nhân văn nghệ sỹ Sài Gòn trước 1975, Thụy Lam dạm hỏi: Nàng của Bùi Tiên sinh là hoa hậu Thu Trang, nghệ sỹ Kim Cương… còn Diễm của ông là ai? Nghe hỏi bất ngờ, Trịnh Công Sơn tợp một ngụm rượu rồi cười rung rung đôi kính cận: “Không có Diễm nào đâu, là nàng Kiều, Thúy Kiều đó…”.

Viếng mộ Trịnh Công Sơn, nữ ca sỹ Khánh Ly có bày tỏ một tâm sự rất đắt: Chẳng ai biết rõ đã có bao nhiêu người phụ nữ đi ngang qua cuộc đời của vị nhạc sỹ tài ba này. Nhưng người phụ nữ mà Trịnh Công Sơn yêu nhất chính là mẹ ông. Đó là tình yêu lớn nhất. Trong di sản hơn 600 ca khúc của ông để lại cho đời, người ta luôn thấy phảng phất những “bóng hồng” tóc đen dài, vai gầy guộc nhỏ, mỏng manh… Có lẽ vì thế mà rất nhiều đồn đoán về người tình thật sự của ông.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng từng viết: “Mẹ của Trịnh Công Sơn đã trao cho Trịnh Công Sơn những hạt giống rất lành và rất đẹp, đầy tình người, đầy tình thương yêu”. Thân mẫu của ông là bà Lê Thị Quỳnh, xưa là hoa khôi trường Đồng Khánh - Huế, lấy ông Trịnh Xuân Thanh rồi theo chồng lên Đắk Lắk sống, đến năm 1943 thì gia đình quay về Huế sống.

Năm Trịnh Công Sơn 16 tuổi, thân phụ qua đời trong một tai nạn, ông là anh cả của 9 anh em bắt đầu cuộc sống vất vả bên mẹ và mồ côi cha. Thân phụ qua đời, ông thường xuyên lên chùa Phổ Quang gần Bến Ngự, nghe Hòa thượng Chánh pháp tụng kinh.

Thuở đó, ông đã quy y, có pháp danh là Nguyên Thọ (là sự trao tuyền từ suối nguồn). Trịnh Công Sơn cũng thường lui tới chùa Hiếu Quang nơi có Hòa thượng Hiếu Quang là bậc kinh sư. Có thể từ sự ảnh hưởng rất lớn này, nên trong âm nhạc của ông rất nhiều điệu thức, ca từ mang dấu ấn kinh kệ, tán tụng, nguồn cội…

Điêu khắc gia Thụy Lam từng ăn cơm chay ở chùa Quán Thế Âm của Hòa thượng Thích Thông Bửu, đây cũng là nơi Bồ tát Thích Quảng Đức từng tu tập, kệ kinh đã bộc bạch: “Ông Sơn là một người rất giỏi và am thông giáo lý kinh Phật. Có thể điều này đã thấm vào máu thịt khi còn nhỏ, sau ngày ba ổng mất.

Những mối tình đẹp không thành duyên nợ có thể mang đến cho con người những trải nghiệm, những cao quý và lung linh trong tình yêu lẫn đau khổ, nhưng không thể mang lại những triết lý sâu sắc, những âm điệu, ca từ nghe như siêu thoát, hư không, vô thường. Thí dụ như bài tụng “quay về nương tựa”, mang âm điệu vào trong bài “Đại bác ru đêm”…

Thay chồng nuôi dạy 8 con, trong cảnh chiến tranh, lên non xuống biển… thân mẫu của Trịnh Công Sơn là người phụ nữ có tình yêu thương vĩ đại, bền bỉ và lâu nhất trong đời ông. Dù đã lớn đến bao nhiêu, ông cũng thấy mình là con nít rất cần có mẹ: “Mẹ bỏ con đi, mẹ bỏ con bơ vơ một mình…”.

Tuy không phải là người thân “chí cốt” với Trịnh Công Sơn, nhưng thi sỹ Phạm Thiên Thư vẫn quả quyết: Những người phụ nữ đẹp trong nhạc Trịnh đều có bóng dáng nàng Kiều… Nếu có nhiều những tình yêu như mọi người nghĩ, chắc chắn ông không trải lòng những điều này: “Tôi thường rơi vào một cơn hôn mê trước giấc ngủ. Ở biên giới đó tôi hốt hoảng thấy mình lơ lửng giữa sự sống và cái chết. Những giây phút như thế vồ chụp lấy tôi mỗi đêm khi quanh tôi mọi người đã ngủ yên và tôi đau đớn nhận ra rằng có lẽ cuộc đời đã cho ta lắm ngày bất hạnh”.

Ông là một người tài hoa nhưng cô đơn đến tột cùng. Với ông, may thay trong đời người, ngoài tình yêu còn có tình bạn:  “Trong tình yêu không có sự bất tử, người ta chỉ muốn lãng mạn hóa nó mà thôi. Nhưng tuy như vậy trong sự bất tử có thể có tình yêu”.

Với Khánh Ly, có lẽ điều này rất đúng, vì đã có lần ông nói là chỉ coi Mai (Khánh Ly) như một… thằng bạn. Vì đơn giản, tình bạn có bộ mặt thật hơn tình yêu, còn tình yêu luôn mang đến cho con người nhiều khổ đau, thất vọng và tuyệt vọng. Tình bạn có công năng cứu chữa lành những vết thương lòng, có khả năng làm hồi sinh một cơn hôn mê và phục sinh lại cuộc đời tưởng rằng không còn tái tạo được nữa.

Điêu khắc gia Thụy Lam kể lại, nhiều bản nhạc Trịnh Công Sơn viết thời chiến tranh luôn ám ảnh bởi cái chết, theo ông thì không ai có quyền tước đoạt đi mạng sống con người. Có lần ngồi uống cà phê trước căn phòng trọ trên đường 3/2 quận 10, nhìn thấy một đám ma qua đường, kèn trống dậy trời, người đưa tiễn chen chân nhau một hàng dài. Ông chỉ tay rồi nói: “Sau này ta với mi cũng như rứa… một cõi đi về”. Đêm đó, ông đã viết ca khúc “Một cõi đi về”…

Ngày 3-4-2001, tại con hẻm nhỏ trên đường Phạm Ngọc Thạch, dòng người đến viếng Trịnh Công Sơn ra vào tấp nập. Tôi đến ngồi uống cà phê vỉa hè ngay bên phía đối diện, ngày trước là văn phòng thường trú Báo Nhân dân với hàng rào tường, căn nhà biệt thự cũ. Cô chủ quán tên Ng. là vợ một tướng cướp nổi tiếng Sài Gòn trước 1975 bảo chị mời cà phê miễn phí cho khách viếng anh Sơn.

 Chị Ng. giải thích: Khi còn sống, sáng nào anh cũng ra lấy một ly cà phê vào nhà uống, hoặc đi đâu đó anh cũng ghé qua và chỉ nói một câu: “Ráng mà sống nghe Ng… Ráng mà sống nghe Ng”… như một điệp khúc vang vang suốt ngần ấy năm qua. Giờ thì chị biết mình sẽ không bao giờ còn nghe được nữa.

Có thể đó cũng chính là tâm trạng chính ông, khi đã ráng vắt kiệt những dòng trí tuệ, tinh hoa cuối cùng như con tằm nhả những dây tơ cuối cùng trả nợ cho đời, trả nợ cho cõi tạm trước khi về bên kia thế giới vĩnh hằng. 
Hoàng Châu
.
.