Cố nhà văn Lê Văn Thảo: Chỉ có ước vọng đi và viết

Chủ Nhật, 22/10/2017, 08:15
Thoáng chốc, nhà văn Lê Văn Thảo đã chia biệt nhân gian tròn một năm. Ngày 21-10-2016, ông vĩnh viễn rời khỏi bàn viết ở tuổi 77, để lại một cốt cách văn chương Nam bộ điển hình, vừa thuần phác, đôn hậu, vừa quyết liệt, sâu sắc. 


Nhà văn Lê Văn Thảo tự bạch "thấy mình vẫn có máu nhà quê, gốc nông dân từ nhiều kiếp trước, sợ chốn cao sang, giới quan chức quyền quý". Dù có gần 10 năm làm Chủ tịch Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh kiêm Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nhưng Lê Văn Thảo không màng mấy lưu tâm đến địa vị hoặc danh phận. Cả đời ông chỉ có một ước vọng: Đi và viết!

Năm 1962, khi đang học Đại học Toán tại Sài Gòn, nhà văn Lê Văn Thảo đã thoát ly vào chiến khu Nam bộ. Sau hai tập ký "Ngoài mặt trận" và "Từ thế cao", ông chính thức bước vào làng văn bằng tập truyện ngắn "Đêm Tháp Mười" xuất bản năm 1972.

Truyện ngắn "Đêm Tháp Mười" được Lê Văn Thảo viết tháng 8-1969. Giữa mênh mông đồng nước, câu chuyện giữa một cán bộ bị lạc trên đường đi công tác và hai vợ chồng người nông dân bị gù lưng, đã phác họa cả không gian quân và dân vùng hiu quạnh lau lách chống lại sự tàn ác của kẻ thù xâm lược. Người chồng còn nhiệm vụ phải vận chuyển vũ khí bí mật, nên người vợ phải lấy xuồng đưa người cán bộ đến nơi cần đến giữa đêm khuya.

Cái cốt lõi là đứa con bé bỏng của hai vợ chồng họ, biết phải nhờ ai trông giữ? Ý chí cách mạng và tấm lòng hào hiệp đã khiến họ nảy sinh sáng kiến, cột chân đứa con vào cây cột để nó chỉ bò chơi quanh quẩn góc nhà. Không thể nói khác hơn, hình ảnh đứa bé ấy và tiếng hát của người nông dân bị gù lưng "à ơi, ba cột chân con vô cây cột, ba cột chân con vào cây cột" làm thức dậy cả một không gian gieo neo ân tình của "Đêm Tháp Mười".

Nhà văn Lê Văn Thảo nhập cuộc văn chương khá muộn màng, nhưng ông trở thành trường hợp đặc biệt: Càng về già thì sự nghiệp sáng tác càng chín! Truyện ngắn "Đêm Tháp Mười" có thể xem như một cột mốc khởi hành của nhà văn Lê Văn Thảo, đó là tác phẩm có cấu trúc khá đơn giản và có chi tiết rất đắc địa. Nhược điểm ấy sau này đã được ông tìm cách hạn chế triệt để, và ưu điểm ấy sau này đã được ông phát huy tích cực. Và bút pháp của Lê Văn Thảo từ thập niên cuối cùng của thế kỷ XX đến hết thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, xứng đáng được xưng tụng như một trưởng lão trong lĩnh vực truyện ngắn.

Truyện ngắn "Làng lở" viết tháng 3-1991 đánh dấu sự thay đổi từ sâu thẳm ý thức sáng tạo của Lê Văn Thảo. Trong đó có hình ảnh người lính già trở lại tìm ngôi nhà đã che giấu mình lúc khói lửa nhưng không gặp cảnh cũ tình xưa, mà chỉ thấy dân làng bị đất lở mất hết chốn dung thân phải lục tục kéo nhau về miệt thứ. Họ từ giã xứ ầm ào nước chảy để tới chỗ đồng khô cỏ cháy với tinh thần lạc quan "số trời đã định, không ở được chỗ này thì đi chỗ khác. Đâu cũng đất nước mình, chẳng ai để mình chết đói đâu".

Cuộc di cư trong "Làng lở" dù hơi đáng tiếc vì gói ghém theo khuôn khổ truyện ngắn hạn hẹp mà không triển khai thành một tiểu thuyết vạm vỡ, nhưng đó cũng chính là cuộc di cư trong văn chương Lê Văn Thảo. Ông tự minh định không tiếp tục lên gân lên cốt để viết mãi về cái kỳ vĩ gánh vác, về cái oanh liệt đau đớn.

Ông quay sang viết về những mảnh đời nho nhỏ, viết về những mệnh kiếp long đong. Từ sau truyện ngắn "Làng lở", tác phẩm Lê Văn Thảo không nhằm thúc giục hành động hay nhằm chỉnh huấn tư duy nữa. Văn chương đối với ông gần gũi hơn mà cũng thăm thẳm hơn, chỉ là những tiếng gọi lương tri âm thầm và bền bỉ.

Đã tìm được con đường riêng cho bản thân, Lê Văn Thảo không màng đến tính thời thượng hay tính xu hướng. Ông huy động mọi cảm quan của mình để thao thiết dõi theo những số phận lặng lẽ. Lần lượt các tác phẩm: "Ông cá hô", "Một ngày và một đời", "Con đường xuyên rừng", "Lên núi thả mây"… chứng minh được bản lĩnh viết của một nhà văn có tầm cỡ ở phương Nam.

Lê Văn Thảo đánh thức lòng tin yêu cuộc sống khi phát hiện những con người lầm lũi và thanh cao. Nhân vật của Lê Văn Thảo hầu hết đều cơ hàn, đều thua thiệt, nhưng họ kiên trì gìn giữ cái thiện. Họ không ngừng đối đầu với cái ác, càng bị đọa đày họ càng đẹp đẽ, càng bị vô vọng họ càng vững chãi, càng bị cay nghiệt họ càng bao dung.

Lê Văn Thảo đi khắp nơi, không phải để tìm món ngon vật lạ mà tìm hương nồng thế sự. Ông thích đến những nơi hẻo lánh để cảm thông với những con người lấm láp và trong sáng. Còn khi không ngao du các tỉnh, thì ở Sài Gòn ông vẫn có thói quen "Tôi hay đến những xóm lao động, ngồi ở những quán cóc, nghiệm ra rằng chính ở đó nghe được những lời hay, biết được những điều thú vị". Lê Văn Thảo đi để trải nghiệm và trở về bàn viết để trút tâm tư của mình xuống trang giấy.

Đọc văn Lê Văn Thảo, bên cạnh ngôn ngữ gần gũi đời thường, không thể không ngạc nhiên về khả năng khai thác chi tiết. Ngay cả những tiểu thuyết của Lê Văn Thảo như "Một ngày và một đời", "Con đường xuyên rừng", "Cơn giông" hoặc "Sóng nước Vàm Nao" đều rất thuyết phục ở chi tiết. Đặc biệt là chi tiết về những con người ngỡ chừng thấp hèn nhưng đầy ấm áp và tin yêu!

Những thực tế khách quan tràn vào trang viết của Lê Văn Thảo theo đúng như ông quan niệm: "Điều quan trọng nhất của nhà văn theo tôi là tính chân thực. Một chút phô trương, giả dối, làm dáng trong văn chương là hỏng. Nhà văn có tài là người biết bỏ cái gì, chứ không phải viết cái gì. Nhà văn đâu chỉ nên miêu tả một cách khách quan, lạnh lùng về nhân vật và diễn biến sự việc. Nhà văn phải biết lắng cảm xúc, có sự gạn lọc, không đứng ngoài và đứng trên sự thật".

Khoảng 20 năm cuối đời, văn chương Lê Văn Thảo thực sự thăng hoa. Liên tục nhiều tập truyện ngắn và tiểu thuyết ra đời. Phải chăng, nhà văn Lê Văn Thảo sống đủ rồi mới viết hay, như cách sẻ chia khiêm tốn của ông "bản tính chậm lụt, chuyện trước mắt không mấy khi kịp hiểu ra, thường viết về những kỷ niệm, những hồi ức xưa cũ?". Đấy là cách nói nhún nhường thôi, bởi lẽ những con người hiện đại giữa chen lấn sầm uất cũng được Lê Văn Thảo đem vào truyện ngắn rất lôi cuốn.

Cũng giống như trường hợp Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo là một nhà văn Nam bộ có vốn liếng thực tế đầy đặn. Sự chậm rãi trải nghiệm và sự lặng lẽ quan sát của Lê Văn Thảo, đã giúp tác phẩm của ông, kể cả tiểu thuyết lẫn truyện ngắn, đều rất đắc địa ở những chi tiết. Với bộn bề đô thị, nhà văn Lê Văn Thảo vẫn có cách nhìn nhận, cách khái quát, cách khám phá những vấn đề thời sự một cách tinh tế.

Nhà văn Lê Văn Thảo có một gia thế không tầm thường. Cha của ông là chí sĩ Dương Văn Diêu, còn bác của ông là Đại tướng của chế độ Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh. Khi nhà văn Lê Văn Thảo đang học đại học năm thứ ba tại Sài Gòn thì người cha lo sợ con trai mình sẽ làm việc cho chế độ Việt Nam Cộng hòa nên cho gọi ông và em trai (đạo diễn Lê Văn Duy) vào chiến khu.

Một quãng đời trai trẻ của Lê Văn Thảo quăng quật và thấu hiểu lớp học sinh đô thị nao núng và bế tắc khi chưa nổ ra phong trào Đồng khởi. Cuốn tiểu thuyết gần đây của ông có tên gọi "Những năm tháng nhọc nhằn" viết về giai đoạn 1958-1959 ấy, được Nhà Xuất bản Văn hóa - Văn nghệ ấn hành nhân dịp ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012.

Nhà văn Lê Văn Thảo nói về "Những năm tháng nhọc nhằn" như một niềm tự sự: "Sau kháng chiến chống Pháp, chiến thắng Điện Biên lừng lẫy, không một ngày hòa bình, miền Nam rơi ngay vào những ngày tháng đen tối. Cán bộ, bộ đội, gọi tắt là Việt Minh, phần đi tập kết ra Bắc, phần ở lại hầu hết bị bắt giam. Thế hệ tiếp theo, thế hệ chúng tôi, học sinh trong các trường học, nông dân trong các ruộng lúa, lớn lên từ tuổi thiếu niên qua tuổi thanh niên, tự dưng có một khoảng trống trước mặt, bối rối trong việc lựa chọn con đường đi, cầm súng bên này hoặc bên kia. Không có con đường thứ ba…".

Trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công Mậu Thân, nhà văn Lê Văn Thảo có những quan sát riêng và trải nghiệm riêng, mà sau này ông đưa vào truyện ngắn "Người Sài Gòn" chất chứa nhiều tâm tư. Truyện ngắn "Người Sài Gòn" xây dựng hình ảnh một người phụ nữ thành phố trên ba thời điểm: Trận Mậu Thân 1968, 10 năm sau giải phóng và 10 năm sau nữa.

Một cô gái bình thản nấu nướng và ung dung trò chuyện trong những ngày ầm ào binh lửa, là một vẻ đẹp khó hiểu. Cũng con người ấy, khi hòa bình bị bủa vây bởi những thêu dệt. Và cũng con người ấy, sau một quãng thời gian lại xuất hiện với sự tàn úa và phôi pha. Người phụ nữ thành phố vượt qua khắc nghiệt thời gian chỉ để theo đuổi một mối tình.

Có thể là khờ dại, có thể là bẽ bàng, nhưng tâm tính bất biến cũng chính là sự kiên trì của cái thiện, như lời khẩu cầu của người đàn ông từng tương tư người đàn bà kia với tác giả "thôi thì chuyện đời hay dở ông cứ viết, may ra đứa con gái nuôi đọc được trở về với mẹ nó. Còn như cô ấy, hay ông với tôi, chúng ta hay dở gì cũng đã qua một thời rồi". 

Lê Thiếu Nhơn
.
.