Có một nhà thơ trong một nhà thư pháp

Thứ Hai, 17/04/2017, 08:00
Vào một ngày đầu Xuân Đinh Dậu, tôi và nhà báo Trần Đình Bá đến chúc Tết nhà thư pháp Nguyễn Văn Bách. Đây là lần đầu tiên hai người nổi tiếng gặp nhau. Ông Bá mang đôi lọ hoa bằng gỗ bách xanh, quý vật xứng với quý nhân, tặng cụ Bách. Và cũng ngầm một lời chúc cụ như tùng, như  bách - quý hiếm và vòi vọi non cao.


Hơn chục năm trước, trọng tài, trọng nhân cách của ngòi bút Trần Đình Bá, nhà thư pháp lừng danh của Thủ đô đã tặng ông Bá bốn chữ: Thái bút mạc tà, tạm dịch theo cách các nhà Nho xưa là Bút hoa không vạy.

Nhìn mái tóc bạc của ông Bá, cụ Bách hỏi:

- Năm nay ông bao nhiêu tuổi?

- Dạ, hơn bảy mươi ạ…

- Còn trẻ con nhỉ?

Cả hai chúng tôi đều bật cười vì câu đùa hóm hỉnh của cụ; nó cũng giống như một lời chúc: Ông còn xuân lắm, còn sống lâu với đời!

Rồi cụ tự tay pha nước, rót rượu mời khách. Cụ trỏ vào tủ rượu: “Đấy, toàn rượu Tây, người ta cho nhưng tôi chẳng bao giờ uống. Tây nó chưa biết uống rượu đâu. Đầu xuân, mời các ông uống rượu của tôi, rượu nếp do nông dân cất, rẻ lắm, 50 nghìn một lít. Thuốc tôi chế, chỉ bốn vị thôi, bốn vị thuốc vừa dễ tìm, vừa rẻ nhưng rượu thì khỏi chê; lại có vị chua kích thích tiêu hóa, không làm hại gan…”.

Nhà thư pháp Nguyễn Văn Bách (trái) và nhà báo Trần Đình Bá.

Nhìn lên án thư, tôi thấy đôi câu đối Nôm của cụ:

Đất đã chật rồi không đón khách;
Trời còn giữ lại để mừng Xuân!

Trào lộng mà lạc quan, càng ngẫm nghĩ càng thấy hay và lạ: Đất đai đã chật rồi, đã chôn bao xác người rồi; không nhận thêm ai nữa; Ta đã hóa nhành xuân, trời còn phải giữ lại với đời để làm cho mùa xuân thêm tươi đẹp!

Cụ Bách nhắc đến tên một vài người đang nổi tiếng trong làng viết đương thời rồi lắc đầu chán ngán, coi như đồ bỏ; khen anh Bá với hành trình tới chân lý, có ngòi bút mang tính chiến đấu, vị tha…

Rồi vui chuyện, cụ ngâm bài thơ viết năm chín mươi tuổi như để giới thiệu cảnh nhà với anh Trần Đình Bá: Ba trai ba gái sáu đầu con/ Dâu rể vừa chung một tá tròn/ Chín cháu thập thò mù chữ thoát/ Dăm ba tên nữa hãy còn mon/ Tuổi già chín chục thân chưa lõi/ Trái đã già rồi hạt vẫn non/ Mừng được chút nào hay chút ấy/ Chẳng dù, chẳng tán, chẳng chen bon…

Cụ rót thêm rượu vào chén cho khách, chiêu thêm một ngụm rồi giải thích: Có chín cháu xong lớp 12, đại học thì gọi là thoát mù chữ. Còn mấy đứa còn nhỏ hơn thì mon men, cũng là mon men theo đứa lớn. Còn mình thì đã chín mươi mà vẫn chưa lõi đời…

Tôi đỡ lời cụ:

- Thưa bác, cháu hiểu chưa lõi đây là thân còn chắc khỏe, chưa bị rỗng chứ ạ? Với lại câu sau nghe như lời “quảng bá” ấy; chơi chữ “già” và “non” và rất già về nghệ thuật trào phúng…

- Ấy, thì văn chương nó thế, anh hiểu thế nào thì cứ hiểu! Mà cũng để cho vui ấy mà…

Vui chuyện, cụ kể có lần trao đổi với GS Nguyễn Lộc (chuyên gia “Truyện Kiều”) về câu thơ “Mụ già hoặc có điều gì/ Liều công mất một buổi quỳ mà thôi”. Theo ý cụ, thì phải hiểu “buổi quỳ” ấy như trong giai thoại Trạng Quỳnh cảm ơn cô hàng bánh lá: “Đương cơn nắng cực đói lòng thay/ Nhờ có ơn cô một mẹt đầy/ Nào biết lấy gì mà cảm tạ/ Xin quỳ hai gối, chống hai tay”.

Ngày 28-4-1962, Văn Miếu - Quốc Tử Giám được Bộ Văn hóa xếp hạng là Khu di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Trong đợt trùng tu đó, cụ Bách được mời viết chữ, trong đó có đại tự “Văn Miếu môn” cao một mét. Không có bút lông to; cụ phải dùng sào buộc giẻ làm bút, vậy mà chữ viết ấy vẫn vừa nghiêm cẩn, vừa hoa mỹ còn đến ngày nay.

Thần bút ấy, khí lực ấy đáng gọi là phi phàm! “Thiên đô chiếu” 214 chữ được viết vào năm 2010; kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, được nghệ nhân Nguyễn Thế Long gò đồng, mạ vàng 9999, đặt ở Đoan môn, Hoàng thành Thăng Long, trở thành báu vật lấp lánh cùng lịch sử.

Cụ Nguyễn Văn Bách sinh năm 1925 tại Làng Cuối, xã Nghĩa Hưng, huyện Gia Lộc, Hải Dương, trong một gia đình Nho học. Bố là Nguyễn Văn Nghiễm, ông là Nguyễn Văn Kính, cụ là Cử nhân Nguyễn Văn Khản, có tên trong sách Đăng khoa lục. Cụ Bách gọi cụ Cử Khản là “tri huyện rách”, còn nhắc đến ông và bố, cụ Bách cười hấp háy: “Đồ kiết ấy mà” - ý nói dù tinh thông nho, y, lý, số thì vẫn nhà nghèo. Nghề thuốc khởi từ cụ Cử Khản, đến ông Kính thì chuyên nghiệp và trở thành gia truyền.

Cụ Bách học chữ, học thuốc từ bố mình và không biết học thế nào mà 13 tuổi đã viết chữ đi bán ở khắp các chợ huyện Gia Lộc và khi Nhà nước mở kỳ thi giảng viên cho Viện Đông y vào năm 1959, cụ đỗ ngay cùng với 27 vị khác như Nguyễn Sĩ Lâm, Vũ Tuấn Sán… họp thành “nhị thập bát tú” của Đông y Việt Nam và đồng thời cũng là những nhà Hán học cự phách. Cụ công tác ở Viện Đông y cho đến ngày về hưu năm 1991; hưởng lương Chuyên viên 6.

Kể từ khi biết cụ, cứ gần Tết tôi lại đến ngõ 49 Tràng Tiền, gập ghềnh lên gác hai của một căn hộ nhỏ số 51 có đề tên “Nguyễn Văn Bách”. Tầng dưới là nơi anh Nguyễn Kỷ Thiên, người con thứ năm làm thuốc, y bát của cha. Không biết từ năm nào, cứ mỗi năm cụ lại có một câu đối về mình, về đất nước. Tôi mê câu đối của cụ vì lần đầu tiên đến nhà, được đọc câu đối Nôm thể hiện cái sang của người nghèo; cái đẹp của tâm hồn thi sĩ đã hòa lẫn với thiên nhiên:

Nhà hẹp chứa quyển vàng chật gác;
Cửa thưa treo trăng bạc làm gương.


Một câu đối khác nói về cảnh nhà, về chí mình bằng chữ Hán:

Hạnh quất hữu duyên thừa hậu ấm;
Công danh phi ý ký nhàn vân.

(Nghề thuốc có duyên, nhờ phúc tổ
Công danh chẳng bợn, gửi mây nhàn)

Khi còn làm ở Báo Nhân dân, vào năm 1988, tôi nhớ ông có đôi câu đối gửi đăng báo nhân kỷ niệm 800 năm chiến thắng Nguyên Mông lần thứ ba, khẳng định tinh thần giữ nước của dân Việt bao giờ cũng sôi nổi, mạnh mẽ và nước ta bao giờ cũng là chiến trường đáng kinh hãi cho mọi kẻ xâm lược:

Cột đồng Mã Viện đâu rồi? Mỗi xuân về chợt nhớ nguyền xưa, dân Giao Chỉ mỉm cười trước gió;

Cọc gỗ Bạch Đằng còn đó! Khi Tết đến chạnh niềm cố quốc, hồn Nguyên Mông than khóc bên ghềnh.

Tuy bản thân mình công danh chẳng bợn, có việc làm, có chỗ ở, có cơm ăn, như con chim có cái cành để đậu đã là vạn phúc. Song, lòng người trí thức thì đêm ngày ưu thời, mẫn thế. Năm 2010, năm Hổ (Canh Dần), kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, ông làm đôi câu đối đọc cho Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và nhắn gửi các nhà lãnh đạo:

Nước trải ngàn năm lòng chẳng hổ;
Dân chưa nửa bụng, dạ còn mang.

Những câu đối viết riêng cho mình của cụ Bách cũng rất thú vị. Tết năm 2011, cụ viết:

Tuổi tác thẹn ta già, rượu nhạt men say, hoa nhạt thắm;
Sởn sơ mừng bạn trẻ, xuân vừa đương độ, lá vừa xanh.

Tết 2014:

Tuế dịch ngô si thãnh lão chuyết;
Niên trừ lạo cụ đổ xuân quang.

(Thời gian trôi đi biến ta từ đứa trẻ ngốc nghếch thành lão già vụng về; trời đất hết bão lụt, lại thấy mùa xuân sáng sủa).

Năm Ất Mùi 2015, cháu gái nội đẻ, cụ có ba chắt, nhà thêm vui ấm, cụ có đôi câu đối bình dị mà ấm áp tình đời:

Chín mươi mốt tuổi ngỡ là già; so với Lão Bành còn trẻ chán;
Ba trăm sáu chục vòng mới tới, vui vầy cháu chắt ấm nhà xuân.

Ngoài câu đối, cụ Bách còn có những bài thơ đặc sắc. Cụ viết thơ không để đăng báo; cũng không hẳn để chơi. Đọc thơ cụ, thấy thời đại được phản ánh một cách sâu sắc qua những hình ảnh chân thực và tiêu biểu; qua thái độ của một người không bi quan nhưng cũng mang những nỗi buồn lớn, những tâm sự lớn; không né tránh, xu nịnh.

Nguyễn Văn Bách là một trí thức, người đã tham gia dịch, hiệu đính bộ sách “Y tông tâm lĩnh” của Lê Hữu Trác; là tác giả của “Thuốc hay, tay đảm” đã tái bản nhiều lần. Người trí thức dưới chế độ XHCN, trong hoàn cảnh chiến tranh, cùng chịu chung cảnh nghèo khó với đồng bào mình, nhưng kém tháo vát hơn trong xoay xở cuộc sống nên thường cám cảnh hơn.

Khi về hưu, ngẫm nghĩ lại cuộc đời, cụ viết: Bài xưa học không thuộc/ Bài nay học không trôi/ Đường đời mãi lặn lội/ Quên mình ngoài sáu mươi/ Ngồi dai khiến người chán/ Thôi, ta về đi thôi/ Đã thề nguyện quạt mo chi nhất cái/ Học Thầy Bờm nhi cười khì hòn xôi/ Khi nhàn mượn chén cho vui/ Ngâm câu thơ quạt gửi cười gió mây.

Với bản thân mình thì có thể ung dung, tự bằng lòng; nhưng với xã hội thì không thể thoái thác trách nhiệm công dân. Nhiều khi chúng ta đồng nhất tiếng nói phản biện tích cực với sự bất mãn, nói xấu chế độ; có khi còn chụp mũ, quy kết chính trị. Bởi thế, tiếng nói phản biện xã hội trong văn học, trong báo chí yếu ớt trong một thời gian dài; làm cho cái xấu ngang nhiên tồn tại; thậm chí trị vì ở nhiều nơi.

Năm 1971, cụ Bách có một bài thơ Đường luật phản ánh hiện tượng ở một nơi mình làm việc. Một đồng nghiệp là cụ Nguyễn Lê, cậu của đồng chí Trường Chinh rất thích; có đưa cho đồng chí Trường Chinh xem. Những tiếng nói thẳng thắn như vậy đã giúp Trung ương suy nghĩ và có kế hoạch xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn xã hội tốt hơn: Pháp chẳng nghiêm minh, luật chẳng hành/ Lộn mù trật tự nát như canh/ Dối trên chi chít gian Tần Cối/ Lừa dưới vô vàn bợm Sở Khanh/ Phè phỡn hả hê lòng bội bạc/ Đắng cay vò xát dạ trung thành/ Bàng hoàng chợt tỉnh đêm tăm vắng/ Nghĩ nỗi đường xa những giật mình…

Cuộc sống bao giờ cũng có những phần nổi, những phần chìm. “Phù phù tại thượng, trầm trầm tại hạ”. Có biết bao giá trị quý giá ẩn tàng trong nhân dân, bền vững cùng non sông đất nước. Những người như cụ Bách là một phần ẩn tàng ấy.

Tôi tin những trước tác của cụ Bách, nhiều thiên sẽ trở thành cổ điển, được người đời lưu giữ.

Hà Nội, Xuân 2017

Nguyến Sĩ Đại
.
.