Có một người Hà Tĩnh – để trọng và để yêu…

Thứ Sáu, 19/06/2020, 02:00
Tôi và chị gặp nhau trong ngày thi tuyển MC của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh từ những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ trước. Duyên nhau từ tiền kiếp nên trở thành đồng nghiệp và bạn thân của nhau gần 30 năm nay...


Dù tôi ra Hà Nội, chị ở lại Hà Tĩnh, chúng tôi vẫn là tri âm, tri kỷ trong nghề báo cũng như trong cuộc sống. Chị là nữ nhà báo Trần Thị Phương Hoa, Phó Giám đốc Đài Phát thanh, Truyền hình Hà Tĩnh, một trong những ngôi sao đẹp trong làng báo Việt Nam.

1.Kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Năm 2020, chị gửi tặng tôi tiếp tập 2 cuốn ký sự "Người Hà Tĩnh muôn nơi". Cầm trên tay cuốn sách dày dặn hơn 300 trang, tôi thầm cảm phục sức lao động sáng tạo của chị. Nếu nói về một người Hà Tĩnh, chọn một người Hà Tĩnh trong những thiên ký sự ăm ắp chất liệu và ngồn ngộn đời sống hiện thực chị đã khai thác và kiến tạo ở trong hai tập ký sự truyền hình "Người Hà Tĩnh muôn nơi", chắc tôi sẽ chọn chị. 

Lăn lộn với cuộc đời làm báo, gắn bó sâu sắc với mảnh đất miền Trung gian khó, chị đã góp thêm những trang sử vàng cho báo chí Hà Tĩnh. Chị là lứa phát thanh viên nổi trội nhất của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tĩnh, người đã khai sinh nên chương trình ký sự truyền hình đặc sắc "Người Hà Tĩnh ở muôn nơi" được đông đảo khán thính giả muôn nơi theo dõi. Chị là người chắp nối với người Hà Tĩnh muôn phương, những người Hà Tĩnh ngoài Hà Tĩnh để viết về họ trong những thiên phóng sự cảm động không chỉ phát trên Đài truyền hình tỉnh nhà.

Nhà báo Phương Hoa - Phó Giám đốc Đài PTTH Hà Tĩnh tác nghiệp tại cơ sở.

Bàn chân nhỏ bé của người con gái Hà Tĩnh cùng với cả ê kíp làm chương trình đã băng qua biết bao chặng đường, tận cùng trời cuối đất, quyết liệt tìm tới mọi vùng đất, ở những nơi có căn cước thiêng liêng của người Hà Tĩnh đậm dấu ấn để cặm cụi ghi chép những thước phim, kể những câu chuyện cảm động về người Hà Tĩnh đang ngày đêm sống, chiến đấu và lao động trên mọi miền Tổ quốc.

Những câu chuyện rưng rưng xúc động đã nối dài những yêu thương của người Hà Tĩnh ra muôn phương, và cũng là sợi dây linh thiêng kéo những tình cảm thân thương của người Hà Tĩnh muôn nơi tụ về với quê hương, với mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Dù ở bất cứ đâu, nơi địa đầu phên giậu của Tổ quốc, hay hải đảo xa xôi thì người Hà Tĩnh vẫn luôn giữ được cốt cách tinh thần và phẩm giá của mình đủ trình ký vào nhân gian những căn cước đẹp đẽ riêng của người Hà Tĩnh.

Điều gì đã làm nên sức mạnh ấy, làm nên nhiều năng lượng tốt lành ở một người phụ nữ bé nhỏ như chị? Gặp chị, thoáng tiếp xúc với chị, cảm giác chị sinh ra là để yêu thương, để được chở che, để sống một cuộc đời bình yên, an nhiên trong ngôi nhà bão dừng sau cánh cửa. Chị hợp với vai người phụ nữ đẹp đài các hơn là một nữ nhà báo xốc vác, năng nổ, nhiệt tình, sẵn sàng trèo đèo lội suối, không quản ngại cam go gian khó của đời phóng viên ăn ngủ với thực tế trên địa bàn.

Thế nhưng, ở Phương Hoa hội tụ tất cả những thứ cần có đủ để thành đạt. Chân dung về chị đầy đặn như một bông hoa đẹp đủ hương sắc trong làng báo Hà Tĩnh và cả nước. Một người con gái Hà Tĩnh bé nhỏ, một nữ nhà báo xốc vác, lăn xả với công việc, một người đàn bà đủ lành hiền tảo tần như hạt lúa vàng, đủ đằm thắm, mãnh liệt để yêu, đủ thao thiết mềm mại như dòng La để nhớ.

Nhưng ở chị cũng thừa khí phách bản lĩnh như bất kỳ một người con ưu tú nào được sinh ra từ núi Hồng sông La, của mảnh đất Hà Tĩnh địa linh nhân kiệt. Chị cũng là một hạt nhân của báo chí Hà Tĩnh khi cộng tác với nhiều báo đài Trung ương và nhiều năm liền đoạt giải cao trong các kỳ Liên hoan Phát thành, Truyền hình toàn quốc. Thế nên tên tuổi của chị không chỉ giới hạn trong địa bàn tỉnh, mà lan tỏa rộng trong làng báo Việt Nam.

2.Nữ nhà báo Trần Thị Phương Hoa là một tấm gương về sự hiếu học, ham học, lấy tri thức làm nền tảng để quyết tâm đổi đời, đổi số phận. Học ở trường chưa đủ, chị học ở thực tế cuộc sống, học trong quá trình trải nghiệm công tác và học ở cả trong chính cuộc đời của mình, đồng nghiệp, bạn bè...

Về sự học của Phương Hoa, tôi đã từng chứng kiến. Chỉ một ví dụ nhỏ thế này thôi, tôi nhớ trong lớp Đại học Báo chí tại chức mà tôi học thêm văn bằng hai cùng chị, Phương Hoa lúc đó đang là phát thanh viên, chị đi học với tất cả niềm đam mê của một nữ phát thanh viên với khát vọng vươn lên để chinh phục nghề nghiệp, trở thành một biên tập viên chính, một nhà báo chuyên nghiệp vững vàng vượt xa vị trí phát thanh viên, MC đã được định danh hiện tại.

Tôi nhớ những ngày cùng chị vật vã trên từng kịch bản phóng sự truyền hình để tìm một góc độ khai thác hay nhất, đặc biệt nhất để có thể tham dự các cuộc Liên hoan Truyền hình toàn quốc và đoạt được giải cao. Khi tôi đã chuyển ra Hà Nội công tác, hai chị em vẫn gửi thư, email trao đổi và tranh luận thâu đêm với nhau về một đề tài mà chị đang khai thác để làm tác phẩm dự thi. Chị khác với những phát thanh viên khác, không yên phận với nghề.

Tập hai cuốn ký sự “Người Hà Tĩnh muôn nơi”.

Ngay từ hồi đó, tôi đã nhận ra bản lĩnh của chị, một người con gái Hà Tĩnh thông minh, và tôi dự cảm chị sẽ còn tiến xa, không dừng lại ở vị trí một MC nổi tiếng trong tỉnh nhà. Không bằng lòng với những gì đang có, chị như con ong cần mẫn bay đi chăm chỉ hút những mật ngọt ở đời. Chị không hời hợt bỏ qua, hay lãng phí những kiến thức chị luôn có ý thức để vun đắp tích lũy. Tất nhiên con đường để đến với thành công không phải là con đường trải thảm.

Hà Tĩnh, mảnh đất nơi eo biển miền Trung khắc nghiệt cả vì thiên tai, cả trong cái hạn hẹp của thói đời, khắc nghiệt và gian khó ở mọi khía cạnh. Thế mà chị đã vượt thoát lên tất cả, phấn đấu để thành công, để có được một vị trí xứng đáng cho công danh và sự nghiệp như hôm nay.

Hiện, nữ nhà báo Trần Thị Phương Hoa là Phó Giám đốc phụ trách nội dung của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tĩnh. Điều đó đã đủ minh chứng cho con đường nỗ lực vươn lên và thành công trong sự nghiệp của chị. Một người Hà Tĩnh trong muôn người Hà Tĩnh.

Ở chị chất chứa đủ đầy những tính cách cốt lõi của người Hà Tĩnh: Dịu dàng đủ để nên thơ, sâu sắc đủ để không tẻ nhạt, thông minh, gai góc đủ để phản biện với mọi góc nhìn nhiều chiều trong cuộc sống. Phương Hoa như bao người Hà Tĩnh trên mảnh đất gian khó và khắc nghiệt này luôn miệt mài đi tìm căn cước của chính mình. Trong cuộc kiếm tìm bản thân, chị như bông lúa đẹp trên cánh đồng mãnh liệt trổ bông, quyến rũ bằng hương thơm, sự đôn hậu, tinh khiết tỏa ra từ chính trái tim, tâm hồn của chị.

3.Một người Hà Tĩnh chưa bao giờ chịu bằng yên trong địa giới của quê hương mình; một người luôn khát khao vươn ra bên ngoài, phá bỏ mọi ranh giới rào cản; một cách sống và làm việc mở với nhiều tìm tòi, trải nghiệm khác lạ. Chị đã chứng minh cho bản thân mình một điều rằng, không có bất kỳ một giới hạn nào cho công việc sáng tạo. Phương Hoa tự tin bước ra không gian báo chí cả bên ngoài Hà Tĩnh. Trong những cuộc tìm kiếm đầy vất vả, đáng nể trọng ấy, chị chính là nhân vật đẹp trong thiên ký sự về người Hà Tĩnh của mình. 

Cầm hai cuốn sách trĩu nặng của chị trên tay, chân dung chị hiện lên như chiếc cầu nối, như là ngọn lửa cháy mãnh liệt, đủ để kết nối những người Hà Tĩnh muôn nơi tụ về với nhau, tụ về với căn cước Hà Tĩnh linh thiêng, tụ về với khí thiêng núi sông Hà Tĩnh.

Xin được trích lại những dòng của đồng nghiệp, nhà thơ Lương Ngọc An viết về chị và hai tập sách của chị: "Với "Người Hà Tĩnh muôn nơi", ấy là một thiên ký sự truyền hình mà ngay tên gọi của nó đã nói lên tất cả, và cũng chứa đựng tất cả. Tên gọi cũng chính là cái "tứ", là chiếc "neo" của cảm xúc, của ý tưởng, giữa bộn bề chi tiết của đời sống, của đề tài.

Người làm nghề ai cũng hiểu điều đó. Vậy nên xuyên suốt những nhân vật là người Hà Tĩnh ở khắp mọi miền đất nước có một mạch ngầm là dòng chảy của văn học. Nói rộng ra là văn  hóa. Lấy văn  hóa làm bối cảnh để khắc họa chân dung nhân vật là cách làm mang ý nghĩa nhân văn mà lâu nay những người làm văn chương vẫn thường sử dụng.

Phương Hoa cũng sử dụng thủ pháp này cho những phóng sự của mình, vậy nên tuy chỉ là lời bình trong những phóng sự truyền hình, nhưng khi tồn tại độc lập dưới dạng văn bản như trong ấn phẩm này, nó cũng chứa đựng và chuyển tải được những thông điệp mang giá trị địa - văn hóa, cũng gợi mở được cho người đọc những sự lóe sáng trong tư duy, nhất là với những người chưa một lần đặt chân, chưa một lần tiếp cận với môi trường, với cuộc sống ở những nơi này".

Như Bình
.
.