Có một "Tiếng đàn bầu" hơn mọi đàn bầu

Thứ Năm, 04/11/2010, 09:10
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc là một nghệ sĩ đa tài. Ngoài sáng tác nhạc, ông còn làm thơ, vẽ tranh, viết sách nghiên cứu dân gian và cả sách hướng dẫn xem... vân tay, đoán số nữa. Lĩnh vực nào ông cũng ít nhiều để lại dấu ấn. Đặc biệt, trong âm nhạc, tuy số lượng tác phẩm của Nguyễn Đình Phúc không nhiều, song chỉ cần nhắc đến mấy cái tên "Cô lái đò", "Tiếng đàn bầu" thôi, là hầu như thính giả nào cũng biết...

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc quê ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai (trước thuộc Hà Tây, nay là Hà Nội). Ông sinh năm 1919, mất năm 2001. Mặc dù được học hành bài bản - nói theo ngôn ngữ bây giờ là "mình đầy chữ nghĩa" - song ông lại đặc biệt tỏ ra có duyên khi phổ thơ của các tác giả khác (thay vì tự soạn lời). Năm 1943, nhân đọc tập thơ "Lỡ bước sang ngang" của Nguyễn Bính, Nguyễn Đình Phúc đã nảy hứng phổ bài thơ "Cô lái đò" - một bài thơ thuộc dạng tiêu biểu của tập thơ nói trên. "Cô lái đò" đã trở thành nhạc phẩm đầu tay của Nguyễn Đình Phúc và là một ca khúc thường vẫn được giới nghiên cứu âm nhạc nhắc tới khi điểm lại một số ca khúc tiêu biểu thời tiền chiến.

Từ ngày ra đời tới nay, "Cô lái đò" đã được nhiều ca sĩ chọn làm bài "tủ" của mình. Ca sĩ tài tử Ngọc Bảo từng tâm sự rất thất là, thời kỳ hát kiếm sống tại Pháp, bài hát đã "làm giàu" cho ông.

Nếu như với "Cô lái đò", Nguyễn Đình Phúc đã khá "nệ" vào lời thơ của Nguyễn Bính (Xuân đã đem mong nhớ trở về/ Lòng cô gái ở bến sông kia/ Cô hồi tưởng lại ba xuân trước/ Trên bến cùng ai đã nặng thề/ Nhưng rồi người khách tình quân ấy/ Đi biệt không về với bến sông/ Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi/ Mấy lần cô lái mỏi mòn trông... - gần như phổ nguyên văn) thì đến bài "Tiếng đàn bầu" (phổ thơ Lữ Giang), Nguyễn Đình Phúc đã chắt lọc những gì dường như là tinh túy nhất, có tính khái quát nhất của tác giả. Bên cạnh đó, ông thêm những suy nghĩ, chiêm nghiệm của mình về quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc... Bởi thế, có thể nói, "Tiếng đàn bầu" đến nay vẫn là bài hát được phổ cập nhất của Nguyễn Đình Phúc. Không phải đơn thuần mà liên tiếp trong mươi năm trở lại đây, nó luôn được các ca sĩ trẻ lựa chọn để thể hiện chất giọng của mình qua các cuộc thi tìm kiếm giọng hát hay (cách đây 11 năm, với bài hát này, ca sĩ Trọng Tấn đã ẵm về giải Nhất cuộc thi Giọng hát hay Truyền hình toàn quốc).

Một tiết mục đàn bầu do NSND Xuân Hoạch thể hiện (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Ở đây, xin nhắc một chút tới tác giả phần lời của bài hát: Nhà thơ Lữ Giang.

Nhà thơ Lữ Giang tên thật là Trần Xuân Kỳ. Ông sinh tại Thanh Hóa, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và về tuổi đời thì kém nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc 9 tuổi. Nhà thơ Lữ Giang đã tạ thế cách đây 5 năm. Sinh thời, ông là người năng nổ. Vừa làm thơ, làm báo, lại viết cả tiểu thuyết. Công bằng mà nói, thơ ông không thật được bạn đọc chú ý. Song bài thơ "Tiếng đàn bầu" quả là có những câu xuất thần, như dòng suối mát lành bất ngờ tuôn ra trong phút thăng hoa sáng tạo của ông.

Bài thơ ra đời vào cuối năm 1954. Theo lời kể của nhà thơ Lữ Giang thì lần đầu tiên ông được nghe tiếng đàn bầu là vào khoảng năm 1944. Lần ấy, ông gặp một người hát rong trên phố. Giữa đêm hè vắng lặng, người hát rong mù so đàn rồi gảy lên một khúc "Hận Nam Ai" nghe mà ai oán! Tiếng đàn này cứ văng vẳng, ám ảnh Lữ Giang mãi không thôi.

Lần thứ hai ông nghe tiếng đàn bầu là trong một đêm văn công biểu diễn ở Khu 4 cũ (năm 1951). Hôm ấy, nghệ sĩ Đào Mộng Long ngâm bài thơ "Bên kia sông Đuống" của nhà thơ Hoàng Cầm trên nền nhạc luyến láy của đàn bầu. Chính tiếng đàn bầu ấy đã khơi dậy trong ông nỗi nhớ quê da diết.

Và lần thứ ba, lần gây cho ông xúc cảm mạnh khiến ông không thể không cất lên lời thơ ghi lại những biến động của tâm hồn mình: Ấy chính là lần ông được cùng người thân đạp xe từ Nghệ An ra Hà Nội dự buổi biểu diễn của Đoàn Văn công Quân đội do nhà thơ Hoàng Cầm chỉ đạo. Nhà thơ Lữ Giang không sao quên được cảm xúc của ông trong chuyến hành hương về thủ đô này: "Năm 1954, khi thủ đô được giải phóng, đạp xe từ Khu 4 về Hà Nội, tôi được nghe một nghệ sĩ biểu diễn đàn bầu. Ôi tiếng đàn bầu thánh thót, réo rắt đến vậy, làm xao xuyến lòng người...

Khi Nguyễn Đình Phúc đọc bài thơ của tôi, tôi thấy anh rất tâm đắc với bài thơ này".

Đây là nguyên văn bài thơ (tên gọi "Đàn bầu") mà nhà thơ Lữ Giang đã xúc động viết trong đúng một đêm: "Lắng tai nghe đàn bầu/ Ngân dài trong đêm thâu/ Tiếng đàn như suối ngọt/ Cứ đưa hồn lên cao/ Tiếng đàn bầu của ta/ Lời đằm thắm thiết tha/ Cung thanh là tiếng mẹ/ Cung trầm như giọng cha/ Đàn ngày xưa não ruột/ Có người hát xẩm mù/ Ôm đàn đi trong mưa…/ Mưa hòa cùng nước mắt/ Đưa hồn ta lên cao/ Đàn bầu làm suối ngọt/ Tình yêu quê dâng trào/ Thay cho dòng nước mắt".

Và đây là lời bài hát: "Lắng tai nghe đàn bầu/ thánh thót trong đêm thâu/ Tiếng đàn bầu của ta/ cung thanh là tiếng mẹ/ cung trầm là giọng cha/ ngân nga em vẫn hát/ tích tịch tình tình tang/ tích tịch tình tình tang/ Tiếng đàn bầu Việt Nam/ ngân tiếng vàng trong sáng/ ôi cung thanh cung trầm/ ru lòng người sâu thẳm/ Việt Nam! Hồ Chí Minh! /Việt Nam! Hồ Chí Minh!/ Tiếng đàn bầu thuở xưa/ cung thương Kiều nức nở/ than mình chẳng tự do/ bi ai dân mất nước/ não nuột từng đường tơ/ não nuột từng đường tơ/ Tiếng đàn bầu ngày nay/ như tiếng người chiến thắng/ đang vang vang ca rằng:/ ta đời đời ơn Đảng/ Việt Nam ngời vinh quang!/ Việt Nam ngời vinh quang!".

So sánh hai văn bản, ta có thể nhận thấy rằng, ngoài điểm chung là cả hai tác giả đều thấm thía, xót xa cho những phận người sống héo hắt, buồn thương trong chế độ cũ, thì phần lời trong bài hát của ngạc sĩ Nguyễn Đình Phúc đã mở rộng biên độ cảm xúc hơn, có tầm khái quát hơn. Tuy nhiên, như trên đã nói, những câu "đắt giá" nhất của bài thơ như "Cung thanh là tiếng mẹ/ Cung trầm như giọng cha" thì người nhạc sĩ đã "tận dụng" gần như triệt để (chỉ thay một chữ và cho nhấn nhá rất ấn tượng). Sẽ không quá lời nếu nói, hai câu đáng nhớ nhất của bài thơ, cũng như của bài hát "Tiếng đàn bầu" chính là hai câu ấy. Điều đó nói lên rằng, Nguyễn Đình Phúc thực sự là người có "mắt xanh" và rất biết "thẩm thơ" (kể ca ngợi nhạc sĩ như vậy có lẽ hơi... thừa. Chẳng gì thì sinh thời, tiên sinh cũng từng cho ra mắt bạn đọc hai tập thơ: Tập "Lá hát" và tập "Thư tình không gửi").

Cũng như bài hát "Cô lái đò", "Tiếng đàn bầu" nhanh chóng tìm được ca sĩ của riêng mình. Suốt một thời, nhiều khán thính giả Việt Nam đã mê mẩn nhập hồn vào bài hát qua sự thể hiện đầy xúc cảm của ca sĩ Kiều Hưng.

Tất nhiên, vì là "bài hát của mọi nhà" nên "Tiếng đàn bầu" cũng luôn phải chịu sự "soi chiếu" của những thính giả "nghiêm khắc". Đã có thính giả nghe tới đoạn: "Tiếng đàn bầu ngày xưa/ cung thương Kiều nức nở/ than mình chẳng tự do/ bi ai dân mất nước" đã vặn lại tác giả: "Nàng Kiều có than mình thì cũng chỉ là than cảnh hồng nhan bạc phận, phải bán mình chuộc cha chứ đâu có dính dáng gì đến lòng... yêu nước. Vả lại nàng Kiều sống vào năm Gia Tĩnh, triều Minh bên Trung Quốc cơ mà".

Có thể ý kiến ấy hơi quá, không tính đến những đặc trưng của nghệ thuật, song chuyện này thì cũng đáng để chúng ta tham khảo: Chẳng là, bài "Tiếng đàn bầu" sau khi ra đời đã thường xuyên được phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Nghe mãi thành quen, hầu như không ai có ý kiến gì, chợt một nhà thơ kiêm nhạc sĩ nọ phát hiện ra rằng, khi Nguyễn Đình Phúc viết ca ngợi tiếng đàn bầu: "Ngân nga em vẫn hát/ Tích tịch tình tình tang" thì nhận thấy cái "tích tịch tình tang" ấy là tiếng của một cây đàn khác (có thể là cây đàn ngày xưa Thạch Sanh từng gảy) chứ quyết không phải là tiếng đàn bầu. Ý kiến này xem ra có lý, nhiều người tán đồng. Chỉ có điều, những "sai sót" vừa dẫn đều có xuất phát điểm là người nghệ sĩ muốn biểu cảm tình yêu quê hương đất nước quá mà thôi, nên chẳng mấy ai thấy nó "lợn gợn" cả.

Gần đây, nhân đọc một bài viết nói đến vị trí của cây đàn bầu trong các loại nhạc cụ của dân tộc, tôi rất tâm đắc với một ý kiến, đại thể: Cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha có những ca khúc ngợi ca cây đàn Guitar thân thiết và đặc sắc của mình mà cả thế giới ưa chuộng. Việt Nam cũng có bài hát ca ngợi đàn bầu. Và tác giả dẫn ra bài hát "Tiếng đàn bầu" của Nguyễn Đình Phúc phổ thơ Lữ Giang

Trần Bá Thịnh
.
.