Có một Băng Sơn - nhà thơ

Thứ Ba, 05/11/2013, 08:00

Tôi được quen biết rồi thân anh Băng Sơn từ năm 1952, trong Hà Nội tạm chiếm. Lúc đó, Băng Sơn là chàng trai hào hoa 20 tuổi, đang học thi tú tài phần I ở một trường tư thục. Anh đã có thơ in trên nhiều tờ báo, lại có giọng ngâm thơ sang sảng, từng đóng vai chính trong kịch thơ "Con tôi về giữa mùa xuân" (kịch bản của Giang Quân) trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội.

Chúng tôi lập nhóm sáng tác, như nhiều nhóm sáng tác ở các  trường khác, mang cái tên rất học trò là Hoa Phượng. Nhóm cũng có khuynh hướng hẳn hoi: Viết những gì trong sáng, hướng thiện, không sa đọa, hấp dẫn rẻ tiền… Người luôn "vượt rào" là Băng Sơn. Anh có nếp sống không biết chừng mực là gì. Căn gác nhỏ phố Cầu Gỗ đèn chong thâu đêm. Hàng xóm cứ khen "cậu giáo" chăm chỉ (Băng Sơn dạy thêm kiếm sống tại một trường tiểu học ở ngõ Hàng Hành). Thực ra, suốt đêm "cậu giáo" chỉ làm thơ và viết nhật ký. Nhiều hôm, tôi đến đánh thức Băng Sơn dậy để đi cà phê, trên bàn, ngoài nhật ký là ngổn ngang hàng chục tờ giấy đặc chữ, vừa thơ, vừa… tên người yêu, loằng ngoằng như vẽ bùa.

Thơ Băng Sơn hồi ấy thường là những dòng thơ tình say đắm, điên mê, ma quái. Tôi có cảm giác ngòi bút của anh như con ngựa bất kham cứ lồng lên hết trang giấy này đến trang giấy khác. Lẫn trong những bài không thể đưa in, lại xuất hiện đôi câu hay, nhiều chữ lạ…

Sức khoẻ của anh không thể không ảnh hưởng đến cách nghĩ cách viết. Khỏi lao hạch anh lại bị lao phổi, nhiều chặng đời, anh như ngọn đèn trước gió, không biết tắt lúc nào. Sự cảnh báo của bệnh không làm anh sinh hoạt điều độ hơn. Anh cùng anh Quang Phùng, một dịch giả văn học thời ấy, nay là nhà nhiếp ảnh nổi tiếng, thay nhau đóng vai chính trong đoàn kịch Tháng Mười của một số văn nghệ sĩ hoạt động trong Hà Nội tạm chiếm lập ra để chuẩn bị đêm diễn mừng Ngày giải phóng Thủ đô 10 tháng 10/1954. Nhưng đóng vai trên sân khấu, hay viết kịch bản vẫn là chuyện nhất thời. Nơi anh đặt nhiều tâm sức nhất vẫn là thơ!   

Quang cảnh buổi tọa đàm và ra mắt sách "Hà Nội rong ruổi quẩn quanh" của cố nhà thơ Băng Sơn do NXB Kim Đồng và Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức (Hà Nội, 10/10/2013).

Thời gian khoảng gần chục năm sau Giải phóng Thủ đô, Băng Sơn là một cây bút thơ được chú ý cùng thời với sự xuất hiện của Ngô Văn Phú, Bùi Minh Quốc, Trần Nhật Lam trên các trang báo… Thời đó, số đầu báo đếm trên đầu ngón tay, cánh trẻ in được bài thơ là khó. Băng Sơn có bài "Tiếng nước Hưng Yên" in báo Văn Học, được bạn bè khen ngợi (sau in trong tập "Rạng nắng", NXB Thanh Niên 1962, rồi được chọn vào "Tuyển tập thơ Việt Nam hiện đại", tập I, NXB Hội Nhà văn 1993). Chuyển sang cách viết hiện thực, anh gây được xôn xao bên lề cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ năm 1961 bằng trường ca "Thị trấn" viết về Cẩm Giàng quê anh. Nghe đâu ban giám khảo người thì muốn tặng giải cao, người lại muốn đưa anh ra "đánh đòn". Bởi trong trường ca, bên cạnh những chi tiết sắc sảo, gợi cảm về những cảnh đời nghèo ngặt lại có xen một vài câu trào lộng mà người phản bác cho rằng đáng phải được thương cảm.

Sau này, Băng Sơn còn đọc được ý kiến của nhà thơ Nguyễn Viết Lãm trong cuốn "Nửa thế kỷ báo Văn Nghệ" kể về cuộc chấm thi này: "Hội đồng giám khảo làm việc nghiêm túc và công bằng, nhưng cũng có vài sự kiện đặc biệt. Có một trường hợp một tác phẩm vừa được nhiều phiếu đề nghị trao giải thưởng cao nhất, nhưng đồng thời cũng có số phiếu đề nghị loại bỏ, không có giải. Đó là trường ca "Thị trấn" của Băng Sơn. Tôi còn nhớ tác phẩm trữ tình này vừa trào lộng một cách lành mạnh, nhưng cũng không kém tính chiến đấu và phê phán". Sau chính Nguyễn Viết Lãm theo ý kiến Xuân Diệu đã cho in một chương (chương cuối) vào Tạp chí Văn nghệ lúc đó.

Rồi gần 30 năm sau (1988), nhà thơ Hoàng Trung Thông một hôm đòi mượn tác giả tập trường ca này, đọc lại. Hình như ông mang một băn khoăn gì đó, và đã viết mấy lời sau bản thảo: "Không phải bây giờ tôi mới đọc bản trường ca này, mà tôi đã đọc từ trước. Cả Xuân Diệu và tôi đã nhận là thơ hay. Bây giờ đọc lại, tôi vẫn nhận là thơ hay và tôi xúc động, có nhiều câu thơ đọc lên, tôi không cầm được nước mắt. Phải chăng lúc đó chỉ có nước mắt mà không có nụ cười? Thơ hay, nhiều cảm xúc, nhiều suy nghĩ. Nhưng có lúc ta phải suy lại, phải cảm lại. Đó là mấy lời tôi muốn nói với Băng Sơn. Nhưng đó là tập trường ca đáng được in ra".    

Trường ca "Thị trấn" được in cùng những tư liệu trên, là một phụ lục trong tập tùy bút "Người đã khói sương" (NXB Văn hóa - Thông tin, 2001) như để ghi nhận có thời anh là một cây bút chủ lực trong giới thơ trẻ. Đến 1984 anh mới in chung tập thơ với Lữ Giang và Nguyễn Xuân Thâm ("Nắng bên sông", NXB Tác phẩm mới) và đến năm 1992 in chung với Nguyễn Hà ("Thơ hai người", NXB Văn hóa).

Những năm chống Mỹ, Băng Sơn hầu như ngừng in thơ trên báo. Anh chuyển sang viết kịch và viết báo. Rồi càng về sau, anh càng lưu ý gom những bài báo cùng một vấn đề, một chủ đề hoặc một hướng tiếp cận thành những cuốn sách dày dặn… về văn hóa ẩm thực, văn hóa tâm linh… của người Hà Nội. Đặc biệt tôi thích là tập "Trăm ngôi nhà nghệ sĩ Hà Nội" anh vừa giới thiệu tỉ mỉ lịch sử, đặc điểm từng phố cổ, vừa lẩy ra những số nhà mang dấu tích người chủ nhà từng lưu danh với Hà Nội nghìn năm văn vật. Con phố nhỏ Hàng Bè xưa là Hàng Cau chỉ dài 172 mét, anh đã chỉ ra rạch ròi hàng chục số nhà từng liên quan đến những nhân vật "vang bóng một thời". Như số 15, nhà cũ của nhà văn Nhất Linh, gia đình ông nổi tiếng là một nhà buôn cau phát đạt. Số 24 là nhà làm bánh gai Đan Quế không kém nổi tiếng. Số 16 là trường tư thục của hai anh em thày giáo Bùi Hữu Đột… Có những chi tiết đã trượt qua bộ nhớ của ngay những người trong phố, anh vẫn khôi phục lại được tỉ mỉ, chính xác. Ở anh, có sự cần cù chi chút tư liệu như cụ Nguyễn Văn Uẩn (Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX) nhưng lại được thổi vào đó cái cảm xúc phóng khoáng nghệ sĩ. Hai yếu tố không dễ có trong một nhà nghiên cứu.

Thực ra, trong thời gian đó Băng Sơn vẫn làm thơ cho riêng mình, theo ý thích riêng, thiên về ảo giác tâm linh hơn là phản ánh hiện thực. Chỉ khi có sự đổi mới văn học, dạng thơ đúng thể tạng của anh mới được in ra. Những câu thơ mang màu sắc Liêu Trai:

Đèn lay nghe gió trở mình
Tiếng ma loạt soạt gọi tình ngoài cây
Nửa đêm là phút đầu ngày
Lá rùng sương lạnh người gầy cùng đêm

(Nửa đêm chợt tỉnh).

Lúc xã hội chưa thừa nhận, chúng sống trong nhật ký của tác giả, lúc được "mở cửa", chúng ùa ra góp với đời một tiếng thơ lạ mà quen, quen mà lạ. Hằng đêm anh trò chuyện với Bồ Tùng Linh trong tĩnh lặng đến gai người. Nhất là những đêm mất điện, leo lét một ngọn nến: "Nửa đêm thắp nến gọi ma về". Ngoài cửa sổ phòng viết là những tán lá của cây long não cổ thụ rập rờn, ánh nến càng như ma mị.

Để hiểu một câu thơ có khi phải hiểu một đời người và thể trạng tinh thần của tác giả. Sống trong Hà Nội tạm chiếm, trước khi tiếp xúc với văn học cách mạng (từ 1954), những ngày trọng bệnh thập tử nhất sinh, anh ngụp lặn trong văn Liêu Trai, thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên (thuở "Điêu tàn"), những: "Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt" (Hàn Mặc Tử), "Bóng ma Hời sờ soạng dắt nhau đi" (Chế Lan Viên). Băng Sơn chỉ làm thơ theo dẫn dắt của tâm linh: "Em đã thành không sao cứ về gõ cửa/ Căn hồn xưa…".

Hồ ly tinh không phải là linh hồn ngoại nhập, anh nhận ra chính mình là hồ ly tinh tự ăn xương tủy mình mà sống. Mà xét cho cùng, nhà văn nhà thơ nào viết bằng tâm huyết chẳng tự ăn mòn mình như một ngọn nến. Chỉ có điều trước khi tàn lụi, nó đã giúp cho đời đôi chút lung linh, Băng Sơn có những cảm nhận độc đáo: "Con trâu nhai thời gian nuốt vào uất hận/ Để sớm mai kéo trái đất oằn mình/ Anh nhai em nhức hồn toàn cát sạn/ Hiểu ra thì tóc phếch nỗi mùa đông" (Thời gian).

Từ dạng thơ tâm linh ấy mà khi viết trường ca "Thị trấn", anh chuyển được sang bút pháp hiện thực, quả là một lột xác đáng biểu dương!

Các nhà thơ Hoàng Trung Thông, Xuân Diệu, Nguyễn Viết Lãm đều công tâm nhận định đó là tác phẩm hay đáng được giải, nhưng lại không đủ số phiếu khiến các anh day dứt đến hàng chục năm sau… Điều đó cũng không khó hiểu: Có thời lập trường giai cấp được đề cao, người viết không thận trọng khi viết về người nghèo, dễ bị coi là cách nhìn miệt thị của tầng lớp trên. Và chỉ một lời nhận xét trong cuộc họp bàn, số phiếu "vị nghệ thuật" sẽ bị rút lại.

"Người đã khói sương" là tập tùy bút viết về thị trấn Cẩm Giàng với những con người sống leo lét, trì trệ, ảm đạm như cuộc sống rất nhiều nơi trên đất nước ta lúc đó (trước Cách mạng Tháng Tám 1945), mà thường chỉ cách nơi đô thị vài chục cây số! Phụ lục trường ca "Thị trấn" khái quát thành thơ. Hai thể loại, hai cách thể hiện cho một đề tài như hình với bóng, đó là ký ức của tác giả về nơi sinh thành.

Ở bài viết này, tôi chỉ muốn tự nhắc mình: Băng Sơn trước hết là một nhà thơ, dù ông có xuất bản tiếp hàng chục đầu sách văn xuôi sau này cũng vậy! Bởi ông có viết gì thì vẫn với một tâm hồn thơ ấy, với cảm xúc vì những nét đẹp văn hóa của xã hội, nhân quần…

Vân Long
.
.