Cố họa sĩ Võ Xuân Huy: Xuống đất gặp trời

Thứ Ba, 06/09/2016, 08:08
Hơn bốn mươi năm, chiến tranh dường như đã lùi xa, đã trở thành ký ức của nhiều thế hệ. Nhưng nhiều du khách trong và ngoài nước vẫn tìm đến với địa đạo Vịnh Mốc, Vĩnh Linh, Quảng Trị bằng bước chân khám phá và giải mã của du lịch, hoài niệm về một thời khốc liệt và bi tráng.


Địa đạo Vịnh Mốc như chúng ta đã biết, trong cuộc chiến tranh vệ quốc vừa qua là một sáng tạo của trí tuệ Việt Nam khi đương đầu với đạn bom của người Mỹ. Không thể sống trên mặt đất, họ, những người dân Vĩnh Linh - Quảng Trị đã đào địa đạo sống nhiều năm tháng trong lòng đất với những thử thách sống còn. Họ đã sống bất chấp đạn bom hủy diệt trên đầu. Họ đã trả lời câu hỏi: tồn tại hay không tồn tại của nhân vật Hăm Lét trong kịch của đại văn hào Anh Sếchxpia. Một câu trả lời tuyệt vời bằng chính sự sinh tồn của họ, những người dân lũy thép Vĩnh Linh.

Địa đạo đã trở thành di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, trở thành ký ức chiến tranh không chỉ của Quảng Trị mà còn của cả dân tộc Việt Nam, trở thành một địa điểm nổi tiếng để mọi người hành hương và suy ngẫm. Di tích lịch sử đặc biệt này cũng là nguồn cảm hứng để người nghệ sĩ tìm tòi những biểu hiện mới trong ngôn ngữ nghệ thuật, trong những ẩn dụ mang tính khái quát của tầm tư tưởng triết mỹ.

Triển lãm tranh Võ Xuân Huy sau ngày họa sĩ qua đời tại quê nhà Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Họa sĩ Võ Xuân Huy, giảng viên Đại học nghệ thuật Huế, nguyên Giám đốc Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng (Huế) cho hay:  "Tôi là một người con của Vĩnh Linh - Quảng Trị. Từ nhỏ tôi đã bị ám ảnh với những công trình có giá trị lịch sử như địa đạo Vịnh Mốc. Điều này mách bảo, thôi thúc tôi phải làm những điều gì đó cho quê nhà. Cảm hứng lịch sử cộng hưởng với tìm tòi nghệ thuật đã tác thành cho dự án nghệ thuật ở ngay chính địa đạo quê hương. Một thông điệp mà tôi muốn gởi đến mọi người, ấy là sau khi qua những gian lao, thử thách nghiệt ngã, chúng ta sẽ được chạm tay vào hạnh phúc. Như là xuống đất gặp trời".

Trong cảm hứng nghệ thuật sắp đặt và trình diễn đương đại đầy những bất ngờ thú vị, họa sĩ Võ Xuân Huy đã có cách nhìn mới về những vấn đề lịch sử của quê hương đất nước, ngõ hầu đem lại một ý niệm tư tưởng nghệ thuật mới cho người thưởng lãm trước một di tích lịch sử đặc biệt như địa đạo Vịnh Mốc.

Cách tiếp cận của nghệ thuật tả thực vốn coi trọng sự mô tả cụ thể thường lệ thuộc vào bản thân đối tượng, trong trường hợp này là địa đạo Vịnh Mốc, đã nhường chỗ cho những suy nghiệm, liên tưởng mang tính triết học và thẩm mỹ. Nói cách khác trước đây nhiều người cho rằng địa đạo này là công trình sáng tạo của nhân dân trong thời chiến tranh khốc liệt, để tồn tại, để sống và chiến đấu.

Hiểu như vậy không hề sai nhưng đó mới chỉ là tầng nghĩa thứ nhất. Võ Xuân Huy muốn đem đến một cách nhìn mới, một mỹ cảm mới, một tư tưởng thẩm mỹ mới trên chính cái nền đã cũ. Nghệ thuật với anh không còn là sự mô phỏng, phản chiếu như một tấm gương thông thường mà phải như một chiếc kính vạn hoa. Chính vì vậy mà anh chọn 2000 quả bóng bay được đưa vào địa đạo tượng trưng cho 2000 ngày người dân Vĩnh Linh đã sống nơi đây.

Những người mẫu mặc những chiếc áo dài được nhà thiết kế tạo kiểu dáng có những họa tiết được lấy cảm hứng từ sự sinh tồn trong cuộc chiến tranh khốc liệt một mất một còn. Và cả những nữ sinh ngây thơ trong sáng cũng được tham gia vào cuộc trình diễn. Họ được trải nghiệm khi dự phần đồng sáng tạo. Tất cả đều gợi lên một cảm giác tươi mới, dường như chiến tranh chỉ là chiếc đinh để treo lên những bức tranh ca ngợi hòa bình, hướng thượng và hướng thiện. Đó là một trong những thông điệp của trình diễn nghệ thuật "Xuống đất gặp trời".

Nhà thơ Võ Văn Luyến, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội VHNT tỉnh Quảng Trị vui mừng cho biết, đây là một cuộc trình diễn rất thành công, thu hút được sự quan tâm của công chúng và báo giới, cho thấy sự thể nghiệm mang tính đột phá trong lao động nghệ thuật của họa sĩ Võ Xuân Huy. Quảng Trị rất cần những hoạt động nghệ thuật đương đại tương tự như trình diễn ở địa đạo Vịnh Mốc.

Trong một ngày thanh bình, tất cả an lành như chẳng thể an lành hơn, cả địa đạo đã sôi động hơn thường ngày. Mọi người như quên đi cái nắng nóng mà hứng khởi tham dự vào một cuộc chơi nghiêm túc có tên là nghệ thuật thị giác. Ngay tên gọi "Xuống đất gặp trời" cũng đã hàm chứa một thông điệp tư tưởng nghệ thuật, trong đó chứa đựng những cặp phạm trù đối lập: bóng tối và ánh sáng, chiến tranh và hòa bình, sống và chết, hủy diệt và phục sinh, quen và lạ…Đi vào địa đạo trong cuộc trình diễn nghệ thuật này, mọi người sẽ cảm nhận đầy đủ hơn những trạng huống mà người dân Vĩnh Linh - Quảng Trị từng trải qua, được cảm nhận đầy đủ hơn những cung bậc cảm xúc để rồi được thăng hoa bằng những ý niệm mới mẻ không dễ nói rành rọt thành lời.

Cố họa sĩ Võ Xuân Huy.

Tham dự bữa tiệc thị giác sang trọng và nhiều phần lạ lẫm này, nhiều người như du hành ngược về quá khứ, thì ra xuống đất không phải để chôn vùi, để im bặt mà phải nhìn được thấy trời, sẽ nhìn được thấy trời, nhìn thấy lối ra từ trong bóng tối, từ trong những thử thách chết chóc và cam go, được sống lại những ngày không dễ có trong một đời người, để vẫn tin yêu và hy vọng vào trời xanh mây trắng trên đầu, vào hòa bình và giá trị nhân văn vĩnh cửu.

Thu hoạch tình cảm này đã được những người còn rất trẻ, sinh ra sau ngày hòa bình rất lâu, hào hứng đón nhận như một ân tứ mà nghệ thuật mang lại cho mình. Em Nguyễn Thị Hà Giang, học sinh Trường THCS Vĩnh Linh chia sẻ, mặc dù là lứa tuổi ra đời sau chiến tranh rất lâu, nhưng khi tham gia cuộc triển lãm này, em thấy mình như được sống lại cùng cha ông trong những ngày khói lửa, cảm nhận nhiều hơn về lịch sử quê hương. Em nói: "Bản thân em khi tham gia cuộc trình diễn nghệ thuật này thấy rất vui, rất thú vị và có thêm được nhiều cảm xúc".

Cuộc trình diễn nghệ thuật được tác giả nung nấu và dày công thể hiện với sự tham gia của nhiều người. Những người mẫu, nữ sinh vừa là đồng tác giả lại cũng vừa chính là khán giả. Họ vừa là người sáng tạo và cũng chính là người thụ hưởng. Loại nghệ thuật hiện đại khước từ sự phản chiếu, sao chép, nhất thành bất biến và khép kín để hướng đến sự chuyển động, thay đổi và không ngừng sáng tạo. Đó là nghệ thuật mở cho đến giây phút cuối cùng, đã gây men cho những cảm xúc thăng hoa, những ấn tượng sinh động và đáng nhớ, những kỷ niệm chấp chới giữa hai bờ hư thực.

Nhà báo, nhà thơ Trần Tuấn, du khách đến từ TP.Đà Nẵng sau khi tham dự cuộc trình diễn nghệ thuật này đã tỏ ra tâm đắc với một sáng tạo mới của họa sĩ Võ Xuân Huy. Theo anh, dự án nghệ thuật này đã mở ra một lối đi độc đáo khi gắn kết giữa lịch sử với mỹ thuật, làm phong phú hơn đời sống tâm hồn của những người tham gia, để họ được sống với những  trải nghiệm lạ lùng và thú vị.

Những người Quảng Trị, những du khách trong và ngoài nước từng đến đây, đã chứng kiến, tham gia và đồng hành sáng tạo với cuộc trình diễn nghệ thuật của họa sĩ Võ Xuân Huy có lẽ còn mong đợi nhiều từ những hoạt động nghệ thuật mới lạ và chứa đựng nhiều xúc cảm thẩm mỹ, nhất là đối với miền quê gió Lào cát trắng.

Bản chất nghệ thuật là không ngừng sáng tạo, không ngừng trăn trở. Hy vọng người dân Quảng Trị và nhiều nơi khác nữa được đón nhận những cuộc chơi đầy trí tuệ và cảm xúc với những lao động nghệ thuật nhọc nhằn, những kiếm tìm không ngừng từ những con người như họa sĩ Võ Xuân Huy.

Khi tôi viết thêm những dòng này thì Võ Xuân Huy đã thành người thiên cổ. Mong rằng người nghệ sĩ ra đi thanh thản như một sớm mai xuống đất gặp trời.

Phạm Xuân Dũng
.
.