Cố ca sĩ Trần Khánh: Anh bộ đội có giọng hát vàng

Thứ Hai, 10/12/2018, 08:38
Ca sĩ Trần Khánh có sáng tác hơn mười ca khúc được Đài Tiếng nói Việt Nam cho lên sóng, nhiều bạn nghe đài yêu thích! Trước đây, tôi định viết giới thiệu những ca khúc này nhưng Trần Khánh gạt đi: "Ca khúc của tớ viết so với các nhạc sĩ chuyên nghiệp chưa là cái gì nên đừng giới thiệu vội…".


Cuối năm 1972, Trần Khánh được Trường Đại học Mỏ địa chất mời lên hát cho thầy cô giáo và sinh viên nghe. Anh kéo tôi đi cùng để làm MC bất đắc dĩ cho anh. Dọc đường, tôi hỏi Trần Khánh: "Theo như tôi biết ông tham gia cách mạng từ thuở lên mười, theo đoàn quân Nam tiến vào năm mười sáu tuổi, đã từng hoạt động bí mật trong nội thành Hải Phòng, Hà Nội, hát hay như thế mà đến tận bây giờ vẫn chưa được vào biên chế nhà nước là sao?".

Trần Khánh cười: "Chuyện dài lắm, lúc nào thong thả, tớ kể cho nghe. Tớ biết, báo Văn hóa của Cao Nhị đặt bài cậu viết về tớ". Tôi hỏi lại: "Sao biết?". "Hôm nọ đứng uống bia ở "chuồng cọp", Trang Nghị báo Văn nghệ nói với tớ, lại còn mách Cao Nhị ứng trước cho cậu hai mươi đồng. Cậu viết gì về tớ, nhớ nhấn mạnh tớ là thằng bộ đội, lớn lên từ bộ đội. Có giọng hát ngày hôm nay là nhờ bộ đội giáo dục, rèn luyện mà nên".

Đêm nghe Trần Khánh hát ở Trường đại học Mỏ địa chất bắt đầu từ bảy giờ tối. Theo gợi ý của tôi, lúc Trần Khánh hát, các anh phục vụ thay vì đưa nước cam, nước chanh thì đưa một vại rượu quê lớn (chúng tôi quen gọi cốc bằng vại) pha vào đó vài giọt nước chè cho rượu đế biến thành màu vàng để thính giả tưởng đó là cốc nước ngọt.

Tôi biết tính Trần Khánh, phải uống rượu vào hát mới hay. Ban tổ chức nhà trường đã làm đúng theo gợi ý của tôi. Trần Khánh hát xong một bài, lại nhấp một chút "nước" và hát liên tục mười hai bài, đó là những bài ca cách mạng nổi tiếng một thời của các nhạc sĩ: Văn Cao, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Vân, Phan Nhân, Bùi Công Kỳ...

Ban tổ chức nhà trường đề nghị Trần Khánh nghỉ giải lao. Trần Khánh lắc đầu, nói lớn: "Nghỉ giữa chừng tôi mất hứng, để tôi hát tiếp". Nói rồi, Trần Khánh lại cất cao giọng, vẫn là những bài ca cách mạng quen thuộc. Sau khi hát thêm hơn mười bài nữa, đột nhiên Trần Khánh hỏi người nghe: "Bây giờ các bạn có thích nghe những bài tình ca lãng mạn của các nhạc sĩ sáng tác trước năm 1945 không?".

Cả hội trường nhao nhao: "Anh Khánh hát đi, chúng em đâu có phải là gỗ đá mà không thích những bài ca trữ tình". Đáp lại mong mỏi của thính giả, Trần Khánh hát ngay "Suối mơ" của Văn Cao, "Giọt mưa thu" của Đặng Thế Phong, "Đêm đông" của Nguyễn Văn Thương, "Dư âm" của Nguyễn Văn Tý… Những bài hát ấy bây giờ người ta hát khắp các sân khấu trong Nam ngoài Bắc, chứ không như thời đó cấm kị. Kết thúc đêm biểu diễn của một mình Trần Khánh, tôi nhìn đồng hồ đã là hơn một giờ sáng.

Trên đường trở về Hà Nội, tôi bảo với Trần Khánh, tuyên huấn mà biết ông hát những bài ca lãng mạn mà họ cấm thì vỡ mặt cả ông lẫn tôi. Cũng phải coi chừng, trong đám nghe hôm nay, có một thính giả giáo điều nào đó báo cáo lên trên thì cũng phiền đấy. Nhưng ông yên tâm, chắc không có ai làm việc này đâu.

Trần Khánh bảo: “Tớ hát những bài không chỉ tớ với cậu thích mà các giáo sư và sinh viên đều thích, cậu thấy họ vỗ tay rào rào sau khi tớ hát những bài tiền chiến của các nhạc sĩ nổi tiếng". Tính tình Khánh là vậy, đây không phải là lần đầu tôi nghe anh hát những bài đó mà đã nhiều lần anh hát trước đám đông bè bạn tụ tập quanh chiếu rượu.

Gặp gỡ và trò chuyện với Trần Khánh nhiều lần, tôi biết anh lúc mới lên mười đã làm liên lạc cho các chiến sĩ hoạt động nội thành ở Hải Phòng. Người anh cộng tác trực tiếp là nhạc sĩ Văn Cao chuyên đi diệt ác trừ gian. Anh "chỉ điểm", canh chừng cho Văn Cao nổ súng. Trần Khánh kể cho tôi nghe một số tên Việt gian đã bị hạ gục… rồi dặn tôi, tớ kể cho cậu biết nhưng cậu đừng liệt kê tên họ vào bài viết, gây sự đau lòng cho gia đình người ta hiện đang sống quanh chúng ta.

Lời dặn của Trần Khánh là chất nhân văn trong người anh mà xưa nay ít người biết đến. Năm mười lăm tuổi, Trần Khánh là chiến sĩ nhỏ tuổi của chiến khu Đông Triều Quảng Ninh. Năm mười sáu tuổi, anh rời chiến khu Đông Triều cùng tiểu đoàn 51 vào chiến trường Đông Nam Bộ, rồi quay ra vùng cực Nam Trung Bộ.

Kỉ niệm nhớ nhất của Trần Khánh là đêm biểu diễn văn nghệ ở Tuy Hòa, Trung tướng Nguyễn Bình - người chỉ huy cao nhất đơn vị - bảo các chiến sĩ lớn tuổi "bế con chim sơn ca Trần Khánh lên cồn đất cao, hát cho chúng ta nghe". Với giọng ténor (nam cao) bẩm sinh, Trần Khánh hát bài của Phan Huỳnh Điểu "Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi", "Bình Trị Thiên khói lửa" của Nguyễn Văn Thương, rồi "Không quân Việt Nam", "Hải quân Việt Nam", tóm lại toàn bộ nhạc của Văn Cao sáng tác trong thời bấy giờ anh đều say sưa hát hết mình. Đêm đó, Trần Khánh cũng lại hát một mình "line show" hết cả chương trình cho đến nửa đêm.

Theo lời Trần Khánh kể trong trận phá vây tại cây số 34 trên đường đi Buôn Mê Thuật, tiếp đó là trận đánh quyết liệt ở Đèo Cả suốt cả một tuần đơn vị quần nhau với quân địch để rút quân về Tuy Hòa, nhiều người hy sinh và bị thương, trong số thương binh có Trần Khánh, anh được đưa về thành phố Hải Phòng điều trị. Tháng 6 năm 1947, sau khi chữa lành vết thương, lúc đó mới chớm tuổi mười bảy, tổ chức giao cho anh hoạt động trong vùng tạm chiếm tại thành phố Cảng.

Trong thời gian hoạt động Trần Khánh bị địch bắt, anh đã vượt qua mọi tra tấn của địch trong lao tù rồi được đơn vị thuê luật sư bảo vệ, nhờ đó anh được thoát tù. Ra khỏi tù, anh bắt liên lạc ngay với tổ chức, tham gia trận đánh vũ trường Paramounth.

Không may, sau trận dùng mìn phá đài phát thanh của địch tại phố Quán Sứ, Hà Nội không thành, Trần Khánh bị địch truy lùng gắt gao. Vì lý do bảo vệ anh mà người đội trưởng chỉ huy trực tiếp đã trao cho anh một tấm giấy của phòng nhì Pháp (2è Bureau) để đối phó mỗi khi lâm sự. Gây tai họa cho Trần Khánh không ngờ lại chính là tấm giấy phòng thân đó.

Nâng ly rượu lên nhấp một ngụm, Trần Khánh kể tiếp, sau khi điều tra được kế hoạch của địch trong trận đánh ra Hòa Bình và điều quân lên Tây Bắc, anh có nhiệm vụ gặp người liên lạc từ vùng kháng chiến vào đón ra gặp cấp trên báo cáo.

Trần Khánh đã không đến đúng giờ như đã hẹn, người liên lạc không chờ được đã trở về đơn vị. Khánh bảo: "Chỉ vì rượu, hôm ấy tớ uống say quá nên mới mắc khuyết điểm lỡ hẹn, người ta cho rằng tớ đã nhụt chí, đầu hàng địch". Từ đó, cơ sở hoạt động nội thành Hà Nội không bắt liên lạc với Khánh nữa.

Chuyện đang có trớn, Trần Khánh kể tiếp: "Tháng 6 năm 1957, nhờ sự giới thiệu của đồng đội ngày xưa từng chiến đấu ở Đông Triều, chiến đấu ở miền Nam giới thiệu và nhờ giọng hát trời phú của mình, tớ mới về Hà Nội bắt đầu kí hợp đồng cộng tác tại Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam…".

Tôi hỏi Trần Khánh: "Trong những nhạc sĩ quen biết mà ông hát những bài của họ, ông thích ai?". Trần Khánh cười: "Tớ thích những ông nhạc sĩ hiểu giọng tớ, viết riêng bài hát cho tớ như Hoàng Vân viết bài "Tôi là người thợ lò", hay bài "Người chiến sĩ ấy" là viết riêng cho tớ, hoặc như Phan Nhân viết "Hà Nội niềm tin và hy vọng" và nhiều bài khác nữa là các ông ấy viết riêng cho tớ".

Tôi hỏi Trần Khánh: "Còn các bài của nhạc sĩ khác không viết riêng cho ông, ông xử lý ra sao?". "Trong đời ca hát của tớ, tớ đã hát rất nhiều bài của các nhạc sĩ, Chu Minh có, Tân Huyền… có, kể cả các nhạc sĩ mới tập tọng vào nghề tớ đều đã hát cho họ.

Cái căn bản là nghiên cứu kĩ các ca khúc ấy và nhờ một nhạc sĩ quen nghề phối âm phối khí. Phối âm phối khí hay là tớ thể hiện tốt. Cậu hỏi gì hỏi lắm thế? Cậu có viết về tớ, chỉ nên viết về giọng hát, sự rèn luyện hằng ngày để hát tốt, chứ những chuyện liên quan đến sinh mệnh chính trị của tớ, kể cho cậu biết để chia sẻ những oan khuất của đời tớ, nhưng chẳng nên viết những điều ấy ra làm gì".

Theo Trần Khánh, nhạc sĩ Văn Cao ngày 23 tháng 6 năm 1966 đã xác nhận cho Trần Khánh" cuối năm 1944 đến tháng 4 năm 1945, anh Trần Khánh lúc đấy còn nhỏ tuổi đã được phân công làm nhiệm vụ mang sách báo đến các tổ trong nội thành Hải Phòng.

Ngoài ra anh còn biểu diễn tuyên truyền các bài hát cách mạng trong học sinh" và người chỉ huy trực tiếp của anh đã xác nhận tờ giấy làm việc cho phòng nhì Pháp là chính ông ấy cấp. Trần Khánh cho biết, tất cả những xác nhận này hiện đang nằm trong hồ sơ của thanh tra và anh giữ một bản.

Theo nhiều anh em bạn bè trong giới ca nhạc cho biết, đáng lẽ Trần Khánh được phong NSND đợt đầu nhưng vì lấn cấn với cái nhân thân chưa  rõ ràng nên dừng lại.

Ngày 20/9/2010, ca sĩ Trần Khánh đã được truy tặng NSND, đó là niềm vui lớn cho gia đình anh.

Ca sĩ Trần Khánh có sáng tác hơn mười ca khúc được Đài Tiếng nói Việt Nam cho lên sóng, nhiều bạn nghe đài yêu thích! Trước đây, tôi định viết giới thiệu những ca khúc này nhưng Trần Khánh gạt đi: "Ca khúc của tớ viết so với các nhạc sĩ chuyên nghiệp chưa là cái gì nên đừng giới thiệu vội…". 
Xuân Đài
.
.