Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2015):

Chuyện về tờ báo ra đời trong hầm tối

Thứ Sáu, 03/07/2015, 08:05
Nằm giữa sào huyệt quân thù, căn hầm ở ngôi nhà 341/10 Gia Phú, phường 1,  quận 6, TP Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên vẹn và trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm tháng chống Mỹ cứu nước, từ căn hầm ấy, tờ Báo "Công nhân" - tiền thân của báo "Sài Gòn Giải Phóng" Hoa văn ngày nay, tỏa đi khắp vùng Sài Gòn - Chợ Lớn và góp phần không nhỏ vào thắng lợi của quân và dân ta.

1.Nằm sâu cuối con hẻm 341, lại khuất nẻo nên địa chỉ đỏ này hiếm người biết tới để tham quan. Vậy nên, căn nhà thường đóng cửa im ỉm. Nếu ai muốn thăm viếng, tìm hiểu phải liên lạc trước. Trải qua mưa nắng, bom đạn quân thù, ngôi nhà vẫn đứng vững đó, còn nguyên một trệt, một lầu, mái ngói cũ kỹ, đơn sơ.

Năm 2013, ngôi nhà được trùng tu lại. Nhưng tổ in báo năm xưa nhiều người đã hóa thiên cổ, người còn sống thì bây giờ tha hương, sức yếu, lúc nhớ lúc quên. Làm hướng dẫn viên tại di tích này gần 10 năm, chị Trường Thanh từng may mắn gặp hai nhân chứng để nghe họ kể chuyện về căn hầm khi trí nhớ  họ vẫn còn minh mẫn.

"Ngôi nhà này ngày xưa là một xưởng may gia đình. Đó là cách để ngụy trang cho tổ in báo bí mật vì tiếng máy may lúc nào cũng rất ồn, át đi tiếng máy in" - chị Trường Thanh vừa nói vừa mân mê chiếc máy may Singer cũ kỹ đặt ở góc phòng khách. Các máy may trong phòng bây giờ cũng được chuyển đi để nhường không gian cho việc trưng bày hình ảnh tư liệu và các bảng chữ chì.

Năm 1961, cao trào cách mạng ở miền Nam lên cao. Hàng loạt vụ đình công, đấu tranh chống sa thải, đòi tăng lương, giảm giờ làm của công nhân người Hoa ở các xí nghiệp dệt may liên tiếp diễn ra khiến chính quyền e ngại. Đặc biệt, từ khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời (20/12/1960), nhiều địa phương bắt đầu cho ra mắt bản tin mang tên "Giải Phóng" để cổ động phong trào kháng chiến.

Đồng chí Trần Mỹ Hương và Mã Hán Chương của tổ in Ban Tuyên huấn Hoa vận in báo (ảnh tư liệu).

Với mong muốn có một bản tin "Giải Phóng" dành riêng cho đồng bào người Hoa vùng Sài Gòn - Gia Định, đồng chí Lâm Tư Quang, Phó Trưởng ban Hoa vận, Trưởng ban Tuyên huấn Hoa vận Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn -  Gia Định chỉ đạo thành lập tổ in gồm 15 đồng chí. Cơ sở ban đầu của tổ in nằm ở căn nhà số 81 trên đường Gò Công, quận 6. Do nhu cầu cách mạng, ngoài việc in bản tin "Giải Phóng", đơn vị còn in truyền đơn, tài liệu phục vụ kháng chiến.

Đến năm 1965, cơ sở này có nguy cơ bị lộ nên đơn vị dời sang căn nhà 341/10 Gia Phú dưới vỏ bọc của một xưởng may. Về cơ sở mới, đơn vị bổ sung thêm người, còn những người cũ nhận nhiệm vụ khác. Đồng chí Trần Khai Nguyên được phân công làm tổ trưởng. Đồng chí Hứa Hòa Căn và Trịnh Huệ Ái đóng vai vợ chồng, làm chủ hộ của xưởng may. Các đồng chí còn lại vào vai bà con của chủ hộ nhằm qua mắt địch.

Ban đêm, khi xưởng may vẫn làm việc, các anh em thay nhau đào hầm. Để địch khỏi nghi ngờ, họ dùng đất mới đào làm bồn trồng hoa trước sân nhà. Dưới chiếc giường của phòng ngủ thứ nhất là hai căn hầm: hầm chứa giấy in và các tài liệu có kích thước dài 1m2, rộng 48cm, sâu 47cm;  hầm giấu máy in thủ công dài 1,2m, rộng 60cm, sâu 43cm. Riêng công việc xếp chữ, biên tập bài vở được thực hiện ở căn hầm của phòng ngủ thứ hai. Căn hầm rộng 1,6 mét, dài 2,2 mét, sâu 1,2 mét có thể chứa được 4 đồng chí. Nắp hầm 40cm x 40cm, vừa cho một người chui lọt. Ba lỗ thông hơi được ngụy trang bằng lu nước đặt sau nhà.

Thời gian này, đơn vị ra thêm tờ "Công Nhân" nhằm đi sâu tuyên truyền các chính sách, đường lối của Đảng, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, tin tức thời sự, chính trị, cổ vũ phong trào kháng chiến chống Mỹ...  Tờ báo được xem như cơ quan ngôn luận chính thức của người Hoa vùng Sài Gòn - Chợ Lớn và các vùng lân cận. Hằng ngày, đồng chí Trần Khai Nguyên thu thập tin tức chiến sự, diễn biến chính trị của Đài phát thanh qua chiếc đài nhỏ ở phòng ngủ thứ hai. Mọi tin tức cùng các chỉ thị của cấp trên được anh biên tập kỹ lưỡng và đưa xuống cho bộ phận xếp chữ.

Chị Trường Thanh cho biết: "Do địa bàn quận 6 thường hay ngập, nên việc giữ gìn hầm khô ráo, an toàn là điều cực kỳ nan giải. Các chị em trong tổ phải thường xuyên xuống tát nước, lau khô nhưng những hôm mưa to thì mọi người đành chấp nhận làm việc trong điều kiện ướt át. Bên cạnh đó, do dùng máy in thủ công nên tiếng dập của các thanh sắt rất lớn, át cả tiếng máy may. Vốn là kỹ sư nên chuyện khắc phục không hề khó khăn với đồng chí Trần Hai Hùng. Anh khéo léo thay thanh sắt bằng thanh nhôm, không chỉ giúp tiếng động nhỏ mà việc vận hành máy cũng dễ dàng. Để mực khỏi bị lem, các anh em dùng giấy vấn thuốc Tàu vì đây là loại giấy thấm mực rất nhanh, khó rách, mỏng nhẹ".

2. Ngoài  hình ảnh tư liệu về hoạt động và chiến sĩ tham gia tổ in, di tích còn lưu lại hình ảnh photo của những tờ báo "Công Nhân", các tài liệu kêu gọi. Đặc biệt, trang in Di chúc Bác Hồ còn có cả hình ảnh minh họa sinh động. Trong điều kiện chiến tranh khó khăn gian khổ, đó quả là một kỳ công.

Ngày ấy, lượng phát hành mỗi số báo "Công Nhân" chỉ khoảng 1000 tờ và không đều đặn nhưng vẫn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân. Tờ báo được xem như lá cờ dẫn đường cho phong trào cách mạng của đồng bào, công nhân người Hoa; kêu gọi những người yêu nước ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, lên án tội ác dã man của Mỹ - ngụy.

Chị Trường Thanh giới thiệu căn hầm bí mật dùng để xếp chữ.

Việc phát hành báo ra ngoài cũng là một nhiệm vụ nguy hiểm không kém. Để đảm bảo an toàn, chỉ đồng chí Lâm Cúc, Bí thư Chi bộ tổ in mới được phép ra ngoài. Những người khác thuộc bộ phận trực tiếp in ấn chỉ được ở trong nhà. Tranh thủ từng chuyến đi bỏ mối áo quần do xưởng may sản xuất, các xấp báo bí mật theo đồng chí Lâm Cúc ra ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh... Rồi từ ngoại thành, các cơ sở giao liên sẽ chuyển tờ báo vào lại nội thành để đến tay nhân dân. Cách làm này đánh lạc hướng bọn địch, khiến chúng tưởng những tờ báo của Việt cộng từ căn cứ cách mạng ở ngoại thành tuồn vào.

Đảm bảo bí mật tuyệt đối cho cơ sở còn là sự mưu trí dũng cảm của các thành viên tổ in. Thậm chí, nó phải đánh đổi bằng máu. Một lần, tên ngụy đột ngột bước vào xưởng may. Hắn phát hiện một mẩu giấy in chữ Hoa. Tên ngụy gặp chủ hộ ra ý không hiểu về nội dung mẫu giấy. Thấy nguy, một đồng chí nhanh nhảu lên tiếng: "Ui, ông anh, tụi tui làm thuốc giả ấy mà, ông anh thông cảm cho". Chủ hộ thấy vậy liền lấy cọc tiền dúi vào tay tên lính. Hắn quẳng tờ giấy rồi ra về với vẻ đắc chí.

Tổ trưởng Trần Khai Nguyên vốn là thủ lĩnh phong trào đấu tranh của công nhân khi anh còn làm ở nhà máy Dệt Việt - Mỹ. Khí chất của một người chiến sĩ kiên cường, bất khuất khiến công nhân khâm phục bao nhiêu thì với địch, Trần Khai Nguyên không khác cái gai trong mắt cần phải nhổ bỏ. Về tổ in cũng là lúc anh biến mất ở Sài Gòn một thời gian dài khiến bọn chúng nghi ngờ, tung mật thám dò la.

Trước thềm chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, chuyến mạo hiểm vào nội đô của Trần Khai Nguyên khiến mọi người hết sức lo lắng. Anh bị bắt và bị tra tấn dã man cho đến chết. Sau này, nhiều bạn tù gần phòng Trần Khai Nguyên bị tra tấn kể rằng họ không nghe thấy gì khác ngoài đòn thù, tiếng chửi bới man rợ của lũ giặc cho đến ngày hay tin anh hy sinh.

Cũng trong chiến dịch Tết Mậu Thân, đồng chí Lý Cảnh Hớn của tổ in hy sinh khi tham gia chiến đấu tại bót Bà Hòa (góc đường Dương Tử Giang - Hùng Vương). Để đảm bảo an toàn, tổ in thêm một lần nữa phải dời về căn nhà số 514/6 Hàm Tử, quận 5. Tại đây, Báo "Công Nhân" đổi tên thành Báo "Giải Phóng".

Ngay trong ngày thống nhất đất nước, tổ in xuất bản số báo "Giải Phóng" đặc biệt chào mừng Bắc Nam sum họp một nhà. Sau ngày 19/5/1975, tờ báo Hoa văn này cùng với tờ "Giải Phóng" của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đều được giao lại cho Thành ủy để trở thành tờ "Sài Gòn Giải Phóng". Và tờ "Giải phóng" Hoa văn trở thành tờ "Sài Gòn Giải Phóng" Hoa văn ngày nay.

Nguyễn Trang
.
.