Chuyện về tác giả và lai lịch bài thơ được phổ nhạc “Tình ca người thủy thủ”

Thứ Ba, 03/04/2018, 08:38
Những ngày cuối năm 2017, người yêu ca nhạc cả nước bàng hoàng trước tin nhạc sĩ Hoàng Vân qua đời. Nhất là người Quảng Bình. Vì chính ông đã để lại một ca khúc để đời cho Đảng bộ, nhân dân vùng đất này có tên "Quảng Bình quê ta ơi" sáng tác vào những ngày đầu xuân 1965 mà nhiều người đã ví, đó là "Quảng Bình ca".


Nhưng, có lẽ nhiều người chưa biết đến có một ca khúc mà nhạc sĩ Hoàng Vân đã phổ từ bài thơ của một tác giả quê Quảng Bình, viết về biển đảo từ năm 1961. Đó là bài "Tình ca người thủy thủ", phổ thơ Mai Liêm. Cho đến bây giờ, trên Đài Tiếng nói Việt Nam, trên chương trình ca nhạc của Đài Truyền hình quốc gia, bài hát này vẫn được các ca sĩ ngân vang. Nhất là vào những ngày "Biển Đông nổi sóng", bài hát ấy luôn được hát vang lên để khơi dậy ý thức về biển đảo của Tổ quốc.

Mai Liêm, tên tác giả bài thơ được nhạc sĩ Hoàng Vân phổ nhạc là bút danh của thầy Lương Duy Cán, giáo viên dạy văn trường cấp 3 Đồng Hới chúng tôi khóa 1963 - 1965. Ngoài bút danh Mai Liêm, trước đó và sau này, thầy còn có bút danh nữa là Hà Nhật (thầy ghép tên sông Nhật Lệ chảy qua làng Hà, tức xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới quê hương mình mà thành).

Thầy giáo Lương Duy Cán, bút danh Hà Nhật, Mai Liêm.

Năm 1956, Lương Duy Cán (Hà Nhật) ra Hà Nội học và sau đó thi đậu vào Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông làm thơ rất nhiều từ những ngày là sinh viên năm thứ nhất và chơi thân với các nhà văn, nhà thơ cùng trang lứa như Phùng Quán, Nguyễn Bùi Vợi, Vân Long, Băng Sơn… Trên Báo "Sinh viên Việt Nam" số ra ngày 23-2-1999, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã có một bài viết, trong đó có đoạn kể lại một kỉ niệm khó quên của mình và Hà Nhật như sau:

"Tôi quen Hà Nhật từ năm 1956. Đang tuổi yêu nên hai thằng đều có thơ tình. Trên báo chí thời ấy, thơ tình tạm thời bị xếp lại để in những bài thơ "Trữ tình công dân" chống hạn, đi khai hoang, thủy lợi, đấu tranh thống nhất nước nhà, v.v… thế mà chúng tôi dại dột rủ nhau in chung một tập thơ tình ở một NXB tư nhân có tên là "Tre xanh" do ông Nguyễn Hoàng Quân chủ trương. Tập thơ mỏng dính, gần hai chục bài. Nâng niu tập thơ trên tay, tôi mừng khôn xiết, nhưng sau đó cảm giác xấu hổ không xua đi được vì thấy thơ bạn tài hoa, bay bướm hơn thơ mình, mình không đáng đứng cạnh".

Nhưng "Ngày vui ngắn chẳng tày gang", vì cái tập thơ đó và những bài thơ tình lả lướt sau đó được đăng in hoặc tặng bạn bè của Hà Nhật, trong xu thế thời bấy giờ, được xem là những "ngọn gió độc". Hà Nhật bị liệt vào những người "cần cải tạo tư tưởng tiểu tư sản trong giới trí thức". Thế nhưng, bạn bè yêu thơ thuở đó còn nhớ mãi nhiều bài thơ nổi tiếng của anh như "Đợi đò", "Mơ Huế", "Xa cách", "Trong thơ anh"… và với cả chiều dài gần nửa thế kỷ làm thầy giáo, sau đó, Hà Nhật vẫn làm thơ, có bài đăng báo, tạp chí, có bài chỉ tặng bạn bè, người thân.

Cái dấu tích gọi là bị "nhúng chàm" buổi làm thơ ban đầu ấy, đã làm khổ thầy một thời, chặng đầu đời sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm. Thầy Lương Duy Cán (Hà Nhật) bị điều về dạy trường cấp 2 ở Diễn Châu, Nghệ An 3 năm, sau đó mới xin về Quảng Bình. Đầu tiên thầy dạy ở trường cấp 3 Lệ Thủy. Tại trường này, hấp thụ tài năng thơ ca, văn chương của thầy, nhiều học trò trở thành nhà thơ như: Lâm Thị Mỹ Dạ, Hải Kỳ, Ngô Minh, Hoàng Vũ Thuật, Đỗ Hoàng.

Trở lại chuyện về bài thơ viết về biển đảo được nhạc sĩ Hoàng Vân phổ nhạc. Ấy là vào mùa hè năm 1961,  thầy Lương Duy Cán từ Nghệ An về quê Quảng Bình nghỉ hè. Thầy không đi đường bộ bằng ôtô mà theo một con tàu vận chuyển hàng hóa trên biển của người đồng hương để đi thực tế biển cả xem sao. Hơn 2 ngày lênh đênh trên biển, những con sóng đã làm thầy say, nôn thốc nôn tháo. Đổi lại, thầy Lương Duy Cán hiểu về biển và càng yêu biển hơn. Sau đó, về nhà thầy viết bài thơ về biển đảo, có tên: "Một khúc tâm tình của người thủy thủ". 

Vì sợ không được in báo nếu ký tên dưới bài là Hà Nhật nên thầy ký bút danh là Mai Liêm, địa chỉ người gửi là chị họ của mình: Phạm Thị Chiến, học sinh lớp 10 (tức 12 hiện nay) trường cấp 3 Đồng Hới (Phạm Thị Chiến sau đó là vợ của nhà thơ Hải Bằng).

Bài thơ được lên báo. Nhạc sĩ Hoàng Vân đang công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam chộp được và phổ nhạc ngay. Lời ca toàn bài như sau: "Nhổ neo ra khơi/ Đêm nay khi trăng mọc/ Tàu anh sẽ nhổ neo ra khơi/ Tạm biệt em yêu/ Vẫy chào thành phố biển thân yêu/ Em yêu chớ hỏi anh nhiều/ Em đừng hỏi rằng vì sao anh ra đi/ Em yêu, chớ hỏi anh rằng/ Ngoài khơi xa kia có những gì kêu gọi anh/ Nhổ neo ra khơi/ Anh biết rằng nếu ở cuối trời/ Dẫu có những hòn đảo thần tiên đầy châu báu/Hay có người thiếu nữ với đôi môi/ Hồng như san hô/ Nhưng không thể làm anh xa được em yêu/ Nhưng em ơi/ Nếu có chàng trai chưa từng qua sóng gió/ Nếu có chàng trai chưa từng vượt qua nhiều thử thách gian lao/ Có lẽ nào xứng với tình em".

Nhưng Mai Liêm là ai thì người phổ nhạc không hề biết. Bài hát lời hay, nhạc đẹp nên được lan truyền nhanh. Đài Tiếng nói Việt Nam không những phát sóng mà còn dạy hát cho những người nghe đài thời kỳ đó vào 13 giờ hằng ngày trong tuần. Cũng nhờ thế mà thầy giáo Lương Duy Cán (tức Hà Nhật) mới biết bài thơ của mình đã được Hoàng Vân phổ nhạc.

Bìa cuốn sách thơ "Đá sỏi trên đường" của thầy Lương Duy Cán (bút danh Hà Nhật).

Nhờ bạn bè thân quen ở Hà Nội, thầy Lương Duy Cán liền viết thư cảm ơn nhạc sĩ Hoàng Vân đã phổ nhạc thơ mình. Thầy Lương Duy Cán công bố cho học sinh chúng tôi nghe xuất xứ của bài thơ của thầy làm và bài hát Hoàng Vân phổ nhạc. Bao nhiêu thế hệ học sinh của thầy đều yêu thích bài hát này.

Bài hát "Tình ca người thủy thủ" bị "cấm" một thời gian sau đó, khi người ta biết được Mai Liêm chính là Hà Nhật. Cái "án" oan nghiệt đó đến cuối thời kỳ "mở cửa" mới được mở cửa trở lại. Còn nhớ sau khi tỉnh Quảng Bình tái lập (1989), trong một đêm du ngoạn trên sông Nhật Lệ của các văn nghệ sĩ bằng con tàu nhỏ do Phòng Văn hóa thị xã Đồng Hới tổ chức, nhạc sĩ Hoàng Vân lúc bấy giờ về công tác tại đây và may mắn được mời xuống theo con tàu du ngoạn đó.

Có "Cha đẻ" của bài hát yêu thích tại đây, tất cả mọi người trên thuyền đều hát vang trên sông nước Nhật Lệ bài "Quảng Bình quê ta ơi" và "Tình ca người thủy thủ". Người dân hai bên bờ sông ùa ra hát theo. Đó là một kỷ niệm khó quên đầy xúc động trong cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Vân.

Năm 1975, đất nước thống nhất. Theo chủ trương của Bộ Giáo dục, miền Bắc đưa những giáo viên xuất sắc, chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt vào làm nòng cốt cho giáo dục phía Nam. Thầy Lương Duy Cán là một trong những giáo viên cấp 3 đầu tiên của giáo dục Quảng Bình được lên đường vào Nam tiếp sức cho giáo dục miền Nam.

Sau vài năm giảng dạy ở cấp 3 Phan Rang, thầy Lương Duy Cán được điều về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Suốt hơn 20 năm giảng dạy ở đây, thầy vừa lên lớp, vừa viết giáo trình cho trường, được nhiều thế hệ học sinh yêu mến. 

Thầy Lương Duy Cán dạy văn giỏi, vừa làm thơ hay nhưng tính tình lãng tử, không quan trọng danh tiếng địa vị nên thầy chưa có tên trong các hội nhà văn nào. Tuy vậy, học sinh nhiều thế hệ của thầy vẫn ghi đậm trong tâm trí mình nhân phẩm, đạo đức và tài năng làm thơ và bình thơ của thầy. 

Mãi gần đây, nhờ học trò cũ và người cháu ruột, thầy mới sưu tập được những bài thơ còn rớt lại trong ký ức của nhiều người. Thầy đã cho ra mắt tập thơ "Gom" với nhan đề "Đá sỏi trên đường", do Nxb Hội Nhà văn xuất bản năm 2012. 

Trong đoạn kết của tập thơ, thầy Lương Duy Cán viết: "Tôi suốt đời biếng nhác, nay in được tập thơ này, chỉ là chút ít sỏi đá tình cờ nhặt được trên đường .

Hồ Ngọc Diệp
.
.