Chuyện về người Việt Nam đầu tiên đến hợp chủng quốc Hoa Kỳ

Thứ Sáu, 10/01/2020, 17:07
Năm Canh Tý 2020, Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1995 - 2020). Hai nước đã xác lập được mối quan hệ đối tác toàn diện. Có những câu hỏi thú vị đặt ra: Ai là người Việt Nam đầu tiên đặt chân tới nước Mỹ; mục đích chuyến đi; hành trình tới miền đất lạ...?


Theo sử liệu chính thống, vào đầu thập niên 1870, vua Thiệu Trị đã cử sứ thần Bùi Viện dẫn đầu phái bộ sang Hoa Kỳ cầu viện. Chuyến đi bằng đường thủy theo ngả Hồng Kông chừng 3 tháng, vị sứ thần triều Nguyễn đã gặp được Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là Ulysses Simpson Grant. Lúc đầu, phía Hoa Kỳ phát tín hiệu thuận, nhưng sau đổi ý. Lâu nay, nhà ngoại giao Bùi Viện vẫn được coi là người Việt Nam đầu tiên đặt chân tới Hoa Kỳ.

Nhưng, bằng những cứ liệu thuyết phục cho thấy, trước chuyến đi của vị sứ thần triều Nguyễn chừng hai mươi năm, đã có một người Việt Nam khác trên đường mưu sinh đã tới California, khi miền đất này vừa mới sáp nhập vào Hợp chủng quốc, thành bang thứ 31. Người ấy là cụ Trần Trọng Khiêm  quê ở làng Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Cụ Trần trọng Khiêm (1821-1886).

Để có cứ liệu tin cậy, người viết bài này đã tìm hiểu các văn bản nói về báo "Daily Evening" vào thời điểm 1850 - 1853 (tờ báo của vùng California); về tác phẩm "California 1850" của Jamice Marschver; về cuốn sách "La rueé vers l or" (Đua nhau  đi tìm vàng) của nhà văn người Pháp René Lefebre (nhà xuất bản Dumas, Lyon, 1937); tham khảo cuốn tiểu thuyết lịch sử "Con đường thiên lý" (1972) của nhà nghiên cứu uy tín Nguyễn Hiến Lê; Từ điển "Nhân vật lịch sử Việt Nam" (của Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Bá Thế). Đồng thời, việc tra cứu về lịch sử cận đại của Hoa Kỳ, chỉnh lại cho đúng và hợp lý các số liệu về thời điểm hoạt động cũng như tuổi của cụ Trần Trọng Khiêm cũng đã được thực hiện. 

Sinh năm Tân Tỵ (1821) trong gia đình khoa bảng (có người anh là nhà nho Trần Mạnh Trí), cụ Khiêm có tư chất thông minh, sức vóc cường tráng, tính cách mạnh mẽ, ngay thẳng. Năm 18 tuổi, cụ đã học đủ các môn khoa cử, nhưng không đi thi cao hơn theo đường quan trường. Cụ nói đường ấy để người anh đi, còn mình hợp với việc kinh doanh buôn bán. Thời ấy, vùng Bạch Hạc - Việt Trì ngã ba sông là nơi giao thương sầm uất, có nhiều thương nhân ngoại quốc lui tới.

Với công việc buôn gỗ cùng các sản vật miền thượng du, cụ có cơ hội mở rộng giao du, bắt đầu học tiếng nước ngoài theo lối truyền khẩu. Năm 20 tuổi, cụ Khiêm lập gia đình với một phụ nữ họ Lê cùng trong tổng. Cưới nhau được gần 3 năm, nhưng vợ chồng vẫn chưa có con. Năm 1843, do thâm thù từ trước không chiếm được người phụ nữ họ Lê về làm lẽ, tên chánh tổng địa phương đã hãm hại bà cùng người lão bộc, rồi đốt nhà phi tang.

Đau xót tột cùng, làm hậu sự cho vợ chu toàn, cụ Khiêm đi thăm, vấn an gia đình đôi bên rồi nói mình sẽ đi làm ăn xa. Một năm sau (1844), cụ trở về giết tên chánh tổng gian ác vào đúng ngày giỗ đầu của vợ. Trả xong mối thù, cụ xuống Phố Hiến tiếp tục việc buôn bán.

Ngày ấy, nơi đây nổi tiếng: "Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Thương gia người Việt, Trung Hoa, Nhật Bản và Phương Tây như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan tới đây buôn bán, trao đổi hàng hóa.

Vào một ngày đẹp trời, với tên gọi Lê Kim, cụ Khiêm xin được việc làm trên tàu buôn ngoại quốc. Công việc trên tàu đưa cụ qua nhiều nước Á, Âu. Vốn thông minh, chăm chỉ, lịch thiệp, đức độ nên cụ nhận được sự quý mến và tôn trọng rộng rãi.

5 năm làm việc trên tàu buôn, Lê Kim học nói được 4 thứ tiếng (Anh, Pháp, Hoa, Hà Lan), biết được thung thổ nhiều miền đất lạ, tích lũy được ít vốn phòng thân. Năm 1849, Lê Kim đặt chân tới Saint Louis bên bờ sông Mississipi của nước Mỹ. Tới New Orleans (tiểu bang Lousiane), cụ gặp khá đông dân di cư (người Hoa, người da trắng châu Âu, thổ dân da đỏ…) đi tìm miền đất hứa. Trong số họ, có một người đến từ Canada tên là Maxk mang tư chất thủ lĩnh.

Maxk đứng ra tập hợp được 60 người lập thành đoàn đi Miền Tây tìm vàng. Để có tiền mua phương tiện, lương thực, đồ dùng, mỗi thành viên góp 200 Mỹ kim. Nhờ biết nhiều thứ tiếng, lại nhanh nhẹn, cử chỉ đĩnh đạc đường hoàng, Lê Kim được Maxk chọn làm người thông ngôn kiêm trợ lý. Đoàn lên đường trong âm vang của bản tình ca cao-bồi Miền Tây: "Nín đi em Suzannah/ Để anh đi California/ Anh sẽ đào núi/ Anh sẽ tát sông/ Anh sẽ tìm vàng/ Ở California/ Hỡi em Suzannah/ Ráng chờ anh một hai năm/ Anh sẽ trở về/ Vàng sẽ đầy túi/ Anh sẽ cất nhà/ Cho em, em Suzannah".

Chuyến đi vô cùng gian khổ, nhiều người đã chết trên đường bởi đói khát, tật bệnh, thú dữ cùng những tính xấu nẩy sinh của con người khi gần với vàng. Sau khi tách đoàn, số đông đi về phương Bắc. Nhóm hướng về phương Nam chỉ còn tám người - trong đó có Maxk và Lê Kim. Với một con người có chí khí thì ở đâu cũng có những điều có thể học hỏi và gặp được người tốt.

Đồn Sutter bên bờ sông Sacramento là đơn vị quân sự nổi tiếng ở vùng California khi ấy. Tên của người chỉ huy (Đại úy John A Sutter) đến từ Canada được lấy đặt cho đồn. Sutter có quê hương là nước Thụy Sỹ, nhưng được sinh ra ở một thành phố của nước Đức. Lúc đầu, ông tới New York, nhưng ở đó lộn xộn, nhiễu nhương quá nên đã xin chuyển sang Miền Tây.

Ở đây, sự nghiệp của Sutter phát đạt rất nhanh, nhiều của, lắm quyền hành. Thấy Lê Kim là người châu Á, lại biết nhiều thứ tiếng, phong cách lịch thiệp, Sutter rất thiện cảm, cho đi thăm cơ sở của mình. Nhờ đó Lê Kim biết được cách xây đồn cùng tổ chức bố phòng. Cuộc cạnh tranh máu lửa vì vàng đã mau chóng làm đổ vỡ cơ đồ của ngài Đại úy.

Sutter trở thành người mất trí, lang thang không cửa không nhà. Sau này tình cờ Lê Kim gặp lại người đã từng giúp đỡ mình thuở hàn vi và đã biếu Sutter 200 Mỹ kim cùng những lời an ủi, động viên. Sutter vô cùng cảm kích. Cử chỉ ấy có mạch nguồn từ đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Lê Kim sớm nhận thấy mặt trái của vàng cùng những hệ lụy của xã hội hỗn canh hỗn cư.

Hai năm sau, vào năm 1849, Lê Kim đi tìm công việc mới. Lúc đầu làm cộng tác viên chạy tin bài cho các tờ báo địa phương: Alta California, Morning Post; sau đó, được nhận vào làm trong Tòa soạn báo Daily Evening với bút danh Lee Kim.

Trong các bài viết, ký giả Lee Kim thường miêu tả phong cảnh thiên nhiên hoang dã ở Miền Tây, cuộc sống cùng cực của dân đào vàng, đồng thời phê phán tác hại của vàng, cảnh báo những bi kịch xã hội trong tương lai. Như vậy, cụ Trần Trọng Khiêm là người Việt Nam đầu tiên đặt chân tới Hoa Kỳ làm việc, là ký giả sớm nhất của nước ta tới tác nghiệp ở đây, có góp công sức xây dựng miền đất mới này. Tháng 11 năm 1853, lần cuối cùng người ta thấy Lê Kim ở vùng Berkeley thuộc Miền Tây nước Mỹ.

Văn chỉ làng Dòng thuộc xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao - nơi lưu danh những người từng đỗ đạt cao trong xã, trở thành niềm tự hào của người dân. Ảnh Hồng Nhung.

Quá mệt mỏi với cuộc sống hỗn loạn nơi đất khách, nỗi nhớ quê nhà luôn canh cánh trong lòng, cụ Khiêm quyết định hồi hương. Đến Hồng Kông, cụ nhập tịch Trung Quốc, rồi về Việt Nam trong thân phận người Minh Hương (người Hoa di cư) với họ tên là Lê Kim. Về tới Nam Bộ (năm 1854), cụ bắt tay ngay cùng bạn bè khai khẩn đất hoang lập nên ấp Hòa An thuộc phủ Tân Thành, tỉnh Định Tường (nay là Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp).

Mười năm sau ngày ly quê, người anh ruột ở Xuân Lũng nhận được lá thư bằng chữ Nôm của cụ Khiêm gửi về. Hiểu được nỗi lòng của em, nhưng hoàn cảnh khi ấy buộc phải phúc đáp thư như sau: "Gia đình bình yên. Lúc này người đi xa chớ vội trở về!".

Cụ Khiêm lập gia đình với người phụ nữ Nam Bộ họ Phan, sinh hạ được 2 người con trai đặt tên là Lê Xuân Lãm và Lê Xuân Lương. Đệm chữ Xuân để nhớ về làng Xuân Lũng quê nhà. Đời sống đang dần ổn định thì thực dân Pháp đánh chiếm 3 tỉnh Miền Tây Nam Kỳ (1864), gây ra biết bao đau thương tang tóc. Cụ đã cùng nhà yêu nước Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương) chiêu mộ được tới hàng ngàn nghĩa binh, lập căn cứ chống Pháp ở Đồng Tháp Mười. Nghĩa quân có liên hệ với phong trào yêu nước của các cụ Trương Công Định, Thủ Khoa Huân. Tài bắn súng học được của các cao bồi thực thụ ở Miền Tây nước Mỹ, kinh nghiệm xây đồn đắp lũy của Đại úy Sutter được vận dụng.

Vốn ngoại ngữ được dùng vào việc binh vận. Nghĩa quân đã đánh nhiều trận ở Cai Lậy, Mỹ Trà, Mỹ Quối, Cao Lãnh. Về sau, viên tướng người Pháp là De Lagrandiere đã dùng lực lượng lớn tấn công vào Đồng Tháp Mười.

Nghĩa quân bị tổn thất nặng nề rồi thất bại. Không để mình bị bắt, rơi vào tay giặc, nhà lãnh đạo nghĩa quân Lê Kim đã tuẫn tiết vào năm 1886, hưởng dương 65 tuổi. Trước khi mất, cụ dặn vợ đưa con lánh sang Rạch Giá, đừng bao giờ hợp tác với giặc. Con cháu truyền đời dùng chữ Xuân làm tên đệm để nhớ về làng Xuân Lũng quê hương, sống nghĩa tình, không ham phú quý cầu vinh, tham vàng bỏ ngãi…

Thi hài của cụ được nghĩa quân mai táng ở Giồng Tháp. Trên bia mộ có ghi: "Lòng trời không tựa, tấm gương tiết nghĩa vì nước quyên sinh/ Chính khí nêu cao, tinh thần hùng nhị còn truyền hậu thế".

Chu Huy Sơn
.
.