Chuyện về bút danh và tên tác phẩm

Thứ Tư, 06/12/2006, 16:00

Lấy tên Trần Bình Minh, ông ngại, vì tên Trần Bình Minh có vẻ đại ngôn, thiếu khiêm tốn chăng? Bởi “bình minh” là buổi sớm, lúc mặt trời mới mọc mà! Ông liền thay chữ đệm Minh thành Nhuận.

Thành danh mới chọn bút danh

Nhà thơ Trần Nhuận Minh từng làm công tác biên tập tại báo Văn nghệ Vùng mỏ, Văn nghệ Quảng Ninh, Văn nghệ Hạ Long (ba tờ báo này là một), từng là Tổng biên tập, rồi Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh cho đến lúc nghỉ hưu (nhà thơ sinh năm 1944 tại Điền Trì, Quốc Tuấn, Nam Sách, Hải Dương). Ông đã in trên mười đầu sách cả thơ và văn xuôi. Có tập tái bản tới 5 lần (tập “Nhà thơ và hoa cỏ”).

Cả văn và thơ, Trần Nhuận Minh đã nhận nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Trước thời kỳ đăng quang này, ông đã có một tên khác, ngày nay ít ai biết. Ấy là, trước năm 1970, khi chưa thành danh ông có tên là Trần Bình Minh. Theo báo “Hà Nội Mới chủ nhật”  ra ngày 19/11/1990 nhà báo Hồ Xuân Sơn được nhà thơ Trần Đăng Khoa “tiết lộ” về bút danh của anh mình thời kỳ mới vào làng văn là Trần Bình Minh như sau: Năm 1968, khi ấy Trần Đăng Khoa mới mười tuổi thì nhà thơ Trần Bình Minh thời gian này (1962 - 1969) đang là giáo viên dạy văn đã xuất hiện trên văn đàn, nhưng chưa nổi lắm. Phải đến thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước ông mới nổi danh với nhiều giải thưởng liên tiếp ở tỉnh và ở Trung ương.

Sau năm 1969 ông không lấy tên là Trần Bình Minh nữa mà là Trần Nhuận Minh. Lấy tên Trần Bình Minh ông ngại, vì tên Trần Bình Minh có vẻ đại ngôn, thiếu khiêm tốn chăng? Bởi “bình minh” là buổi sớm, lúc mặt trời mới mọc mà! Ông liền thay chữ đệm Minh thành Nhuận. Bút danh này vừa là tên thật, vừa đẹp, vừa khiêm tốn, ông sử dụng nó suốt từ đó đến nay.

Càng thành danh, ông càng tỏ ra khiêm tốn, sự khiêm tốn của ông thể hiện không chỉ ở việc chọn bút danh, cũng vừa là tên thật, mà còn thể hiện trong cách viết, cách nói khi ta đọc những bài viết, cả khi tiếp xúc với ông. Mới hay văn là người, bút danh cũng là người vậy?

Nhà văn Xuân Cang chọn tên sách

Nhà văn Xuân Cang, tên thật là Nguyễn Xuân Cang, sinh ngày 25/12/1932, tại xã Phú Thụy, Gia Lâm, Hà Nội. Ông bắt đầu làm báo viết văn từ năm 1949, và thành danh vào những năm sống và viết ở khu gang thép Thái Nguyên 1959-1970. Năm 1959, công trường gang thép Thái Nguyên thành lập - khu công nghiệp lớn nhất miền Bắc.

Tại đây có hai nhà văn sống và làm việc khá lâu, trên dưới mười năm. Đó là nhà văn Lê Minh (con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan) và nhà văn Xuân Cang. Sau này là Chu Hồng Hải, Trịnh Thanh Sơn, Nguyễn Đức Thiện là những nhà văn trưởng thành từ công nhân ở đây. Nhà văn Xuân Cang đã viết những tập tiểu thuyết, truyện ngắn: “Nhật ký trên cao”, “Suối gang”, “Những vẻ đẹp khác nhau”, “Đôi cánh”…

Năm 1966, lúc giặc Mỹ cho máy bay đánh phá ác liệt miền Bắc cũng là thời gian nhà cách mạng lão thành Trần Bảo, Chủ tịch Công đoàn khu gang thép kể lại cuộc đời hoạt động của ông ở nhà tù Côn Đảo cho nhà văn Xuân Cang. Nhà văn Xuân Cang phải đào một cái hầm ở ngay trong nhà tại khu đồi Độc Lập có nóc hầm là một tấm bêtông để cất giữ bản thảo, phòng khi bất trắc xảy ra, vì lúc bấy giờ khu công nghiệp này là mục tiêu quan trọng. Viết được đến đâu nhà văn lại cất bản thảo xuống chiếc hầm đó, coi như một vật báu.

Bản thảo của Xuân Cang viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Bảo đã phải “ẩn nấp” dưới hầm suốt ba năm trời. Năm 1969 đứa con tinh thần ấy mới được lôi từ dưới hầm lên trao cho nhà văn Nguyễn Anh Tài (là biên tập viên Nhà xuất bản Lao động).

Sau nhiều lần thay đổi tên cuốn sách, nhà văn cảm thấy chưa thích hợp nhưng rồi đến năm 1960 một hôm nhà văn Xuân Cang đọc bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của nhà thơ Tố Hữu trên báo Nhân Dân, trong bài có câu:

Đảng ta sinh ở trên đời

Một hòn máu đỏ nên người hôm nay

Nhà văn Xuân Cang liền đặt tên cho cuốn tiểu thuyết đó là “Hạt máu”. Từ hòn máu trong thơ đến hạt máu trong tiểu thuyết là vậy. Đặt tên sách rồi nhà văn Xuân Cang đến gặp đồng chí Trần Bảo hỏi: “Em đặt tên sách vậy có được không anh?”. Đồng chí Trần Bảo gật đầu cười tỏ vẻ bằng lòng lắm.

Vậy là, từ một tác phẩm văn học đến việc đặt tên cho đứa con tinh thần đâu phải dễ dàng!

Lê Hồng Thiện
.
.