Chuyện về bài thơ đầu đời được in Báo Văn nghệ
Mùa khô năm ấy, binh trạm chúng tôi không hoàn thành nhiệm vụ. Lệnh trên đưa xuống: Vận tải cơ giới chuyển sang vận tải thô sơ, thế là cả binh trạm vác ba lô đi gùi. Lính binh trạm bộ, lính công binh, pháo thủ, kho hàng, TNXP… đi tuốt. Ngày ngày trong những cơn mưa dầm dề của mùa mưa bên Lào, từng đoàn lính tráng còng lưng gùi gạo, gùi đạn…vượt qua những con đường rừng dài dằng dặc nhấp nhô đèo cao vực thẳm để đưa lên phía trước cho cánh bộ binh đang mai phục nhằm giành giật lại Cánh Đồng Chum.
Nói thật là lính pháo, đánh nhau có ác liệt thật, nhưng không ngại nguy hiểm gian khổ. Nhưng cảnh cứ còng lưng gùi gạo thế này, anh nào cũng ngại. Quần áo ngày nào cũng ướt sũng nước mưa, hằng tháng trời không biết bộ quần áo khô là gì, các bệnh ngoài da cứ thế hành hạ cơ thể như lang ben, hắc lào ăn khắp người. Lính, anh nào cũng bị ngứa, gãi muốn chết...
Nhà thơ Châu La Việt. |
Giữa tình cảnh ấy, bất chợt một sáng tôi được chính trị viên đại đội gọi lên, đưa cho tờ quyết định và nói: không phải đi gùi nữa, khẩn trương đi nhận nhiệm vụ mới ở Binh trạm bộ. Nói thật, chưa biết nhiệm vụ gì, nhưng thoát cái cảnh đi gùi là sướng rồi, tôi vội chào anh em, khoác ba lô ba chân bốn cẳng… "ngược"! Cũng đi mất mấy ngày mới về tới Binh trạm bộ. Đón tiếp tôi là một sỹ quan tuyên huấn duyên dáng, có nụ cười rất tươi:
- Cậu là Hoài, Lê Khánh Hoài?
- Vâng ạ…
- Tốt rồi. Mình là Ngô Xuân Thông, trợ lý tuyên huấn. Binh trạm ta mới có quyết định thành lập đội nghệ thuật để về Hà Nội tập huấn. Biết cậu là con trai nghệ sỹ Tân Nhân nên làm quyết định điều cậu về tham gia đội… Con nhà tông chẳng giống lông thì giống cánh. Tôi hết sức ngạc nhiên:
- Binh trạm có hàng ngàn lính. Làm sao lại biết được em là con của mẹ Tân Nhân ạ?
Anh trợn ngược mắt lên:
- Thế mới tài chứ! Với lại mẹ cậu nổi tiếng như thế, ai mà chẳng biết. Này, mình mê tiếng hát của mẹ cậu lắm đấy nhé. Mình cũng đã viết không dưới 50 lá thư gửi về Đài Tiếng nói Việt Nam yêu cầu mẹ cậu hát bài "Xa khơi" đấy. Thật bất ngờ cậu lại chính là con trai người nghệ sĩ lừng danh ấy… Rồi anh hoan hỉ pha trà, rót nước:
- Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh. Bên quân lực họ tinh thật, cần diễn viên cho đội nghệ thuật là phát hiện ra ngay cậu để đưa về. Này, đội nghệ thuật mới thành lập, còn khan hiếm nhân tài lắm… Như để thử giọng tôi, anh nói:
- Cậu thử hát cho tớ nghe một đoạn bài "Xa khơi" xem nào? Thôi chết! Tôi gãi gãi đầu:
- Thú thật với anh là em không hát được ạ?
- Ôi giời ơi, vì sao thế?
- Em không có giọng ạ. Với lại từ ngày nhỏ, em ở với ông bà, cũng ít được tiếp xúc với âm nhạc, hò hát lắm… (Tôi định thú nhận tiếp: Nói thật với anh, em chỉ mê thơ văn thôi ạ, nhưng may ghìm lại được). Ông trợ lý trợn tròn mắt kinh ngạc:
- Này, cậu nói thật đấy chứ? Đội Tuyên văn Binh trạm bộ là đang rất cần người đấy. Hay cậu giấu tài? Làm gì mà con một nghệ sĩ nổi tiếng như thế lại không biết hát!
- Em không dám nói dối anh đâu. Em nói thật đấy ạ!
- Nhưng mà có đúng cậu là con trai nghệ sĩ Tân Nhân không? Hay bên quân lực họ nhầm cậu với ai khác. Cậu là Hoài? Lê Khánh Hoài?
-Vâng, đúng ạ… - Tôi méo mặt
- Không có lý… Hay cậu múa cho tớ xem một điệu xem nào? - Anh Thông tiếp tục vặc, mắt còn nhìn chòng chọc vào tôi.
- Em càng không biết múa ạ!
- Hả, thế có biết chơi đàn gì không?
- Dạ, cũng không ạ!
-Vô lý nhỉ.Thế từ ngày nhỏ đã đóng kịch hay hát chèo gì bao giờ chưa?
- Dạ, cũng không ạ…
Ngô xuân Thông thở dài não nề:
- Con nhà tông không giống lông cũng phải giống cánh chứ lại… Ai dè đâu cậu…
Rồi mặt anh ta tối sầm lại:
- Quân lực mất bao nhiêu ngày đi truy tìm cậu. Ai cũng hy vọng…
Và tiếp theo đó lại là một tiếng thở dài não nùng…
Tất nhiên với tình cảnh ấy, tôi phải thu xếp ba lô để đằng sau quay, về lại đơn vị, để lại đường trường "còng lưng gùi gạo" chứ có thể nào khác hơn... Tôi quyết không làm "hổ" mẹ tôi (mà nói thật từ sâu thẳm trong lòng, tôi yêu tiếng hát của mẹ, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn yêu thơ ca hơn là âm nhạc, dù tình yêu này tôi cũng đành xếp lại vì một tình yêu lớn hơn là tình yêu Tổ quốc để cầm súng ra đi…). Anh Thông, cùng anh Trung Nhân là những người tình cảm. Tiễn tôi về lại đơn vị, các anh ấy làm một bữa liên hoan, cho mời cả hai cô gái Thu Hòe và Tuyết Minh mới từ đơn vị TNXP lên làm diễn viên hát chèo và ngâm thơ. Ở mặt trận đã hai ba năm, nói thật hôm ấy là lần đầu tôi mới được ngồi ăn cơm, trò chuyện với phụ nữ, nên cũng có phần xao xuyến và có lẽ bởi thế mà tôi hứng lên, xin đọc một bài thơ tôi sáng tác trước ngày vào mặt trận để tặng lại các anh em làm kỷ niệm trước lúc chia tay...
Mày lên đường hôm trước
Tao ra đi hôm sau
Trường Sơn gánh cả nước
Hai đứa mình đuổi nhau
Chỉ đọc khổ đầu ai dè đâu cả anh Trung Nhân, và cả anh Ngô Xuân Thông đều trợn tròn mắt nhìn tôi. Anh Thông lắp bắp:
- Này, cậu nói lại đi, cậu bảo bài thơ này là của ai?
- Dạ, của em ạ…
Anh Thông đỏ bừng mặt, cứ như giận hờn vì tôi can tội dối trá, nhận vơ:
- Cậu nói thế nào ấy chứ ! (Hình như anh định nói tiếp: Cái ngữ mặt cậu mà làm được thơ thế này à, nhưng có lẽ anh đã ghìm lại). Tôi ngượng quá, "sỹ" với hai em xinh đẹp nên cãi lại anh:
- Của em chứ còn của ai nữa…
Anh Thông rút ngay cuốn sổ trong túi:
- Tôi nói cho cậu biết nhé. Đây là thơ của một nhà thơ trẻ, mới lạ, đặc sắc, hồn nhiên lắm, lần đầu dám đưa vào thơ thằng răng sún với gọi nhau là tao tao, mày mày... Nhà thơ trẻ này tên là Châu La Việt, bài thơ từng in ở Báo Văn nghệ Trung ương. Tớ đã được đọc bài thơ ấy, đã chép vào sổ tay, đọc đi đọc lại đến thuộc lòng, lại được nghe cả Linh Nhâm ngâm trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Dự định của tớ là tới đây sẽ quyết dàn dựng cho Tuyết Minh bài thơ này để đem đi biểu diễn... Thế mà cậu lại dám nhận thơ của mình… Cái nhìn của anh nhức nhối lắm, làm tôi cáu tiết:
- Thì em chính là Châu La Việt mà!
Anh Trung Nhân:
- Hả? Lý lịch cậu là Lê Khánh Hoài mà…
- Vâng. Nhưng em đẻ ở làng Châu Phong, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh nên đặt là Châu, lại có con sông La chảy trước nhà nên có chữ La, còn Việt là Cửa Việt Quảng Trị quê mẹ em. Thế mới là Châu La Việt… Anh Thông vỗ đùi reo lên:
- Ôi giời ơi, Thôi đúng rồi, thằng này đúng là Châu La Việt. Bởi tôi nghiên cứu thì nghệ sỹ Tân Nhân đúng quê ở Cửa Việt Quảng Trị, nên bà ấy hát "Xa khơi" hay "Câu hò bên bến Hiền Lương" bằng cả nước mắt nhớ quê…
Nhưng xem ra điều này vẫn còn mỏng manh quá, vẫn là ngoài sức tưởng tượng của anh, nên dù đã rất hứng, anh vẫn còn thận trọng:
- Bây giờ thế này nhé, cậu thử đọc lại một lần nữa cả bài thơ để tặng anh em, nhất là tặng cho hai em Thu Hòe, Tuyết Minh đây. Nếu đúng là thơ cậu sáng tác, thì chắc là cậu phải thuộc lòng…
Tôi cũng hơi run run. Bởi ba bốn mùa chiến dịch rồi, chỉ đạn bom súng ống, có lúc nào mà nghĩ đến thơ ca, chẳng hiểu còn nhớ mà đọc cho các anh các em nghe không, mà lại nghe để còn kiểm chứng có thật đây là bài thơ tôi sáng tác nên trong lòng tôi lo lắm. Nhưng trước lời đề nghị như một thử thách ấy, lại "sĩ" với hai em, tôi thây kệ mọi điều và hắng giọng đọc một mạch. Cả Ngô Xuân Thông, cả anh Trung Nhân, cả hai em Hòe và Minh, lại thêm mấy anh chàng ở mâm bên cạnh dồn sang, đều như lặng đi trong tiếng đọc thơ, và khi hết bài, anh Xuân Thông bế thốc tôi lên:
- Cái thằng này… Cái thằng này... Mày đúng là Châu La Việt rồi, đúng là con nghệ sỹ Tân Nhân rồi. Con nhà tông đúng là không giống lông thì giống cánh anh em ạ... Nói rồi anh chạy tới, lấy ngay ba lô của tôi đã để sẵn đấy (để liên hoan xong là... lại ngược). Anh cẩn thận đeo như bám vào người, rồi nói:
- Bây giờ thì cậu không được đi đâu hết. Cậu phải ở lại đây với chúng tớ. Cậu sẽ là nhà thơ của Binh trạm bộ, để chuyên sáng tác thơ ca cho em Tuyết Minh đây đi biểu diễn cho các đơn vị. Tớ cũng sẽ đề nghị Binh trạm phong vượt cấp quân hàm của cậu từ Binh nhất lên Trung sỹ ngay cho cậu, vì tính theo năm bài thơ "Tuổi trẻ Trường Sơn" này in báo, thì cũng là 4 năm, bài thơ có tác dụng lớn lao là đã động viên cho bao thanh niên lên đường vào mặt trận. Nghĩa là cậu cũng đã đủ niên hạn để lên Trung sỹ rồi…
Bao năm trôi qua, xin chép lại bài thơ này tặng bạn đọc:
Tuổi trẻ Trường Sơn
Mày lên đường hôm trước
Tao ra đi hôm sau
Trường Sơn gánh cả nước
Hai đứa mình đuổi nhau
Những nơi mày đi qua
Sao không để dấu lại
Trong dấu chân chỉ lối
Tìm mãi mày không ra
Cái thằng bạn răng sún
Chúa hay ăn quả xanh
Ngày đi cô hàng xóm
Tíu tít gọi em anh
Mày ngượng quá tỉm cười
(Lại hở cái răng sún )
Mà nay trông rõ oai
Có phải vì mang súng?
Hôm đi mày nhớ không
Mừng mày nhưng tao ức
Vật nhau tao khoẻ hơn
Mà nay mày đi trước
Thôi bây giờ như nhau
Đường Trường Sơn chung bước
Đường dài như mơ ước
Sao chẳng thấy mày đâu?
Hôm nay trời xanh quá
Mây bay và lá bay
Hôn khẽ vào đôi má
Càng cháy nỗi nhớ mày
Trên Trường Sơn mày nhỉ
Bao nhiêu đứa tìm nhau
Con đường của tuổi trẻ
Bom giội trước giội sau
Hành quân bước gấp gấp
Đâu cũng là bạn bè
Vùng dậy khỏi đất lấp
Cùng cả nước ra đi…