Chuyện vào biên chế của cố ca sĩ Trần Khánh

Thứ Bảy, 11/06/2016, 08:00
Vào thập niên 60-70 đến đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, công chúng yêu âm nhạc không ai không biết và rất ngưỡng mộ một giọng hát vàng. Ông là một trong những tên tuổi sáng giá nhất trong làng thanh nhạc lúc bấy giờ. Đó là Trần Khánh - ca sỹ cả đời làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam. 

Cùng thời với ông có những nam ca sỹ nổi tiếng như Quốc Hương, Quý Dương, Trần Hiếu, Mai Khanh, Trung Kiên. Mỗi người một phong cách, sắc thái riêng. Nhưng Trần Khánh được coi là một giọng ca vàng đặc sắc, độc đáo, mãi đến bây giờ vẫn chưa có ca sỹ nào thuộc lớp đàn em có thể so sánh, nhất là khi họ hát lại những bài trước đây ông đã hát.

Đó là những bài sống mãi với thời gian đã gắn liền với tên tuổi của ông: "Tình ca" (Hoàng Việt), "Mời anh đến thăm quê tôi" (Nguyễn Đức Toàn), "Tiếng hát gửi dòng sông quê hương", "Tình ca đất nước" (Phan Nhân), "Nhớ đàn xe nước" (Vân Đông), "Thành phố hoa phượng đỏ" (Lương Vĩnh, Hải Như)… Đặc biệt là 3 bài: "Bài ca người thợ mỏ" (Hoàng Vân), "Hà Nội - niềm tin và hy vọng" (Phan Nhân) và "Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam" (Chu Minh, Hoàng Trung Thông) thì ngay cả những ca sỹ lớp con, em sau này cũng phải thừa nhận không thể vượt qua được cái bóng của Trần Khánh trước đây.

Đang ở độ tuổi sung mãn nhất của đời ca hát, bỗng dưng giọng hát của ông phải câm lặng bởi một tai họa giáng xuống gây nỗi thương tiếc, bàng hoàng cho những người hâm mộ. Ngày 15/6/1981, ông vĩnh viễn ra đi sau một tai nạn giao thông đột ngột. Nếu ông không nổi tiếng, không được người ta yêu quý, ngưỡng mộ đến thế thì đã không xảy ra tai nạn này.

Số là lần ấy, Trần Khánh nhận lời đi Quảng Ninh để lo tiền trạm cho một đợt biểu diễn của Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam - nơi ông đang làm việc. Chỉ ông đi mới thuận lợi vì được nơi đây rất hâm mộ do đã hát "Bài ca người thợ mỏ" nổi tiếng trước đó. Khi ông ra bến để mua vé thì bỗng có một người lái xe trẻ tuyến Hải Phòng nhận ra. Anh ta chào Trần Khánh, bày tỏ sự ngưỡng mộ ông từ lâu, nay mới được gặp. Biết ông đi Quảng Ninh, người lái xe này đã  mời ca sỹ về Hải Phòng để được đón tiếp rồi sẽ chở ông về Quảng Ninh sau. Anh chàng cứ tha thiết, năn nỉ.

Cố ca sĩ Trần Khánh.

Vừa nể, lại đã lâu không có dịp về Hải Phòng - nơi cất giấu nhiều kỷ niệm tuổi niên thiếu của mình, Trần Khánh đã nhận lời. Trời tối, cậu lái xe mải nói chuyện với Trần Khánh, đã tránh gấp một xe đi ngược chiều khiến xe của mình lăn kềnh làm ông bị thương nặng: gẫy nhiều răng, gẫy xương sườn, thủng dạ dày và giập lá lách. Ông được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã không qua khỏi và trút hơi thở cuối cùng khi mới 50 tuổi, đang ở đỉnh cao phong độ đối với một người đàn ông (ông sinh năm 1931).

­Nói đến Trần Khánh, người hâm mộ chỉ biết đó là một ca sỹ có giọng nam cao sáng, vang, ấm áp, truyền cảm với âm khu rất rộng (tới 2 quãng 8), có khả năng thể hiện nhiều sắc thái phong phú: tâm tình, thủ thỉ, kịch tính, trữ tình, anh hùng ca… Ca khúc mà trao vào tay ông thì sẽ được nâng lên rất nhiều do ông chuẩn bị tập tành công phu trước khi thu thanh hoặc biểu diễn. Nhưng cuộc đời của ông với những buồn vui, bi tráng thì chưa nhiều người tường tận. Vâng. Đời hoạt động và ca hát cùng cuộc sống đời thường của Trần Khánh quả là có nhiều điều vừa thú vị, vừa không bình thường.

Trần Khánh nổi tiếng từ sau hòa bình lập lại (1954). Nhưng riêng với Hải Phòng, ông đã nổi tiếng từ rất sớm - năm mới 14 tuổi. Ông sinh ra ở quê hương Nam Định, nhưng theo cha mẹ đến lập nghiệp ở Hải Phòng và sống những năm tháng tuổi thơ ở đây. Cậu bé Trần Khánh hát hay từ nhỏ. Chị và anh ruột của cậu khi đó cũng hát rất hay.

Những ngày tháng 5/1945, nạn đói xảy ra ở khắp nơi. Đảng ta phát động phong trào cứu đói được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Trong một lần chuẩn bị cho đợt tuyên truyền cứu đói, người anh ruột của Trần Khánh là Trần Liễn chuẩn bị hát 3 bài, trong đó có bài "Bạch Đằng giang" của nhạc sỹ Văn Cao.

Nghe anh hát bài này, Trần Khánh rất thích, đã hát theo. Cậu hát quá hay khiến Văn Cao đề nghị anh Liễn nhường lại cho em hát để chỉ hát 2 bài. Và Văn Cao đã đích thân đệm đàn vi-ô-lông cho Khánh hát. Đây là lần đầu tiên, cậu hát trước số đông người nghe. Lần đó ai cũng trầm trồ về cậu bé mới 14 tuổi đã hát rất đình đám. Và cậu bắt đầu nổi tiếng ở Hải Phòng từ đó.

Ngay từ lúc 13 tuổi, đang đi học, Trần Khánh đã làm liên lạc cho một tổ chức cách mạng ở Hải Phòng, đảm nhiệm việc mang tài liệu, truyền đơn, vượt qua mạng lưới mật vụ dày đặc. Rồi cậu thoát ly hẳn gia đình để đi hoạt động ở Đệ tứ chiến khu Trần Hưng Đạo (còn gọi là chiến khu Đông Triều).

Ngày nay, những sử liệu ở Hải Phòng còn ghi lại được những chiến công huyền thoại của đội danh dự tiễu trừ Việt gian khi ấy, có đóng góp của Trần Khánh. Năm 1945, ở Hải Phòng có tên Việt gian bán nước tay sai của Nhật khét tiếng độc ác bị nhân dân vô cùng căm phẫn tên là Đỗ Đức Phin. Ta quyết định trừ khử tên này. Công việc được giao cho nhạc sĩ Văn Cao. Cậu bé Khánh đã trợ thủ đắc lực cho người nhạc sỹ tài danh đồng thời là chiến sỹ Việt Minh lúc ấy thực hiện việc bắn chết tên Phin.

Đó là một ngày cuối tháng 6 năm 1945. Khánh được giao nhiệm vụ quan sát nơi ở, tìm hiểu kỹ quy luật đi lại, hoạt động của tên này để Văn Cao hạ thủ. Khánh thực thi tận tụy. Cậu báo cho Văn Cao biết chính xác tên Phin đang có mặt tại một sòng bạc đường Đông Kinh (nay là phố Phan Bội Châu). Nhận được ám hiệu, Văn Cao tiến đến ngôi nhà mà trên gác đang có sòng bạc. Văn Cao nói Khánh ra về vì không muốn cậu bé chứng kiến cảnh bắn giết. Nhưng  Khánh rất lo lắng cho Văn Cao nên cứ nấn ná ở lại quan sát từ dưới đường. Đến khi Văn Cao nổ súng bắn chết tên Phin một cách rất mau lẹ, bí mật, bất ngờ, cậu mới yên tâm là mình đã hoàn thành nhiệm vụ.

Sau Cách mạng Tháng Tám, người chiến sỹ nhỏ tuổi Trần Khánh lại tình nguyện lên đường chiến đấu trong đoàn quân Nam tiến. Lúc ấy, Khánh là người bé nhất đơn vị. Tướng Nguyễn Bình rất quý cậu, không để cậu làm bất cứ việc gì ngoài ca hát để động viên các chiến sỹ. Cậu được mệnh danh là con chim sơn ca của đơn vị. Đến năm 20 tuổi (1951), Trần Khánh được điều ra hoạt động bí mật trong lòng Hà Nội tạm chiếm với bí số SKZ50 dưới sự chỉ đạo của Sở Công an Hà Nội. Một lần, ông bị địch bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò. Chàng trai trẻ cắn răng chịu đựng những đòn tra tấn dã man của địch, một mực không khai hoạt động của mình.

Khi Khánh bị tống giam vào trại, mọi người đã xúm lại xiết chặt tay quây lấy, hứng chịu những làn roi của bọn cai ngục để chàng ca sỹ trẻ cất lên tiếng hát quả cảm: "Vùng lên! Hỡi các nô lệ ở thế gian…". Không khai thác được gì, kẻ thù buộc phải thả Trần Khánh. Ông lại tiếp tục hoạt động, cung cấp được nhiều tin tức có giá trị của địch cho ta.

Lúc ấy, Sở Công an Hà Nội đóng ở đất quân khu Ba cũ. Trần Khánh lên Bắc Giang để tìm cách liên lạc về cơ quan. Người tình báo trẻ mới ngoài 20 tuổi đã không thể ngờ một tai họa ập xuống đầu mình khi tìm đường về với căn cứ lần ấy. Số là để hoạt động thuận lợi trong lòng địch, cấp trên đã mua cho Khánh một giấy thông hành của Phòng Nhì Pháp cho phép đi lại ở thành phố. Chính nhờ giấy này mà ông đã che được mắt địch và hoạt động có hiệu quả trong vùng địch tạm chiếm. Nhưng khi lên đến Bắc Giang, ông bị Công an của ta ở đây bắt giam vì bị nghi là gián điệp cho địch (bằng chứng chính là cái giấy thông hành của Phòng Nhì kia).

Trần Khánh thanh minh thế nào cũng không được. Ông bị xử phạt 8 năm tù. Việc liên lạc với Công an Hà Nội khi ấy không dễ. Tình ngay nhưng lý gian. Thế là "quân ta đánh quân mình". Trớ trêu thay, vừa mấy tháng trước đó, ông bị địch bắt giam thì nay lại phải ngồi trong trại giam của ta.

Thật may là chỉ một thời gian ngắn sau đó, hòa bình lập lại, Trần Khánh cùng với nhiều người bị giam khác được thả. Đang lang thang trên đường phố, không biết làm gì thì tình cờ ông gặp Văn Cao. Và Văn Cao đã cùng với Nguyễn Xuân Khoát xin cho Trần Khánh vào làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến khi qua đời.

Gần 30 năm ở Đài, Trần Khánh chỉ làm hợp đồng mà không được vào biên chế. Không phải vì ông từng bị ta bắt giam. Việc này sau đó đã được những người có trách nhiệm ở Sở Công an Hà Nội chứng thực, mà vì ông luôn bị đánh giá là thiếu ý thức tổ chức, kỷ luật. "Tội" duy nhất của ông là đi biểu diễn ở đâu, luôn được người ta do hâm mộ mà yêu cầu ở lại phục vụ thêm.

Thời đó chưa tiện điện thoại như bây giờ nên ông đành phải "tiền trảm, hậu tấu", mới luôn trễ hẹn và bị cho là vô kỷ luật. Người ta bất chấp những lá thư các nơi gửi về Ðài thanh minh cho sự "vô tổ chức" của ông. Mà hồi đó phục vụ không có "cát-sê" như bây giờ, phần nhiều chỉ có chút quà bằng hiện vật không đáng gì về vật chất. Nhưng ca hát để phục vụ người lao động là niềm vui duy nhất của ông khi ấy. Với thành kiến rất trầm trọng đó, gần 30 năm, ông vẫn không được vào biên chế.

Sự việc một ca sỹ nổi tiếng được đông đảo công chúng hâm mộ bao nhiêu năm phải làm hợp đồng đã đến tai Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đó. Cố Thủ tướng đã ngay lập tức can thiệp với Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhờ đó, Trần Khánh mới được vào biên chế. Nhưng chỉ ngay sau đó một thời gian ngắn thì xảy ra tai nạn dẫn đến cái chết của ông. Người ca sỹ tài danh chưa được hưởng vị ngọt của cảm giác được vào biên chế bao lâu đã sớm phải lìa bỏ cõi đời.

Trần Khánh vừa là một chiến sỹ quả cảm, vừa là một nghệ sỹ có tài năng và cống hiến lớn. Thiết nghĩ ông xứng đáng được đặt tên phố ở Hà Nội hoặc Hải Phòng là hai nơi ông hoạt động nhiều từ thời niên thiếu cho đến lúc vĩnh viễn ra đi.

Nguyễn Đình San
.
.