Chuyện trăm năm của nhạc sĩ Trần Hoàn

Thứ Sáu, 26/05/2017, 11:22
Cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như đời sống riêng tư của nhạc sĩ Trần Hoàn có nhiều chuyện thú vị không dễ ai cũng có thể biết, trong đó chuyện ông lấy vợ rồi tiếp theo là cuộc sống vợ chồng cũng khá đặc biệt. 


Trần Hoàn (1928-2003) là một trong những gương mặt sáng giá của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, tác giả của những bài hát nổi tiếng được công chúng rất ưa thích: "Sơn nữ ca", "Lời người ra đi", "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví giặm", "Thăm bến Nhà Rồng", "Lời Bác dặn trước lúc đi xa", "Một mùa xuân nho nhỏ", "Tình ca mùa xuân", "Lời ru trên nương", "Về Đồng Lê"...

Ông còn là nhà quản lý văn hóa, văn nghệ với nhiều cương vị: Trưởng Ty Văn hóa Hải Phòng, Trưởng ty Thông tin Bình -Trị - Thiên, Trưởng ban Tuyên huấn rồi Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin - Việt Nam, Phó trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam.

Cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như đời sống riêng tư của nhạc sĩ Trần Hoàn có nhiều chuyện thú vị không dễ ai cũng có thể biết, trong đó chuyện ông lấy vợ rồi tiếp theo là cuộc sống vợ chồng cũng khá đặc biệt.

Cú sét ái tình

Mùa hè năm 1949, Trần Hoàn 21 tuổi, công tác ở Sở Thông tin Tuyên truyền Liên khu 4, đóng ở làng Xuân Trường, xã Xuân Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Nơi đây có cô gái tên Thanhh Hồng, 20 tuổi, công tác ở Hội Phụ nữ huyện Thanh Chương. Cuối tuần cô Hồng về nhà mình ở làng Xuân Trường, thấy cán bộ Sở Thông tin Truyền thông ở khắp các nhà dân (hồi đó, cán bộ ở như thế này chứ không dựng lán trại vì có thể luôn phải thay đổi địa điểm).

Vợ chồng nhạc sỹ Trần Hoàn thời trẻ.

Trần Hoàn ở nhờ nhà ông cậu của Thanh Hồng tên là Lược nên đã được nghe ông kể về đứa cháu gái mình đang là một cán bộ trẻ rất có triển vọng ở Hội Phụ nữ huyện. Ông nói với Trần Hoàn sẽ giới thiệu cháu mình cho chàng cán bộ trẻ mà ông rất quý mến.

Trần Hoàn sau này cho biết lúc ấy, ông chỉ vâng dạ cho phải phép chứ không nghĩ sẽ lấy vợ nông thôn vì mình sống ở thành thị sẽ không thể phù hợp. Cũng bởi vì chàng nhạc sỹ trẻ mới chỉ nghe ông Lược nói về Thanh Hồng chứ chưa biết mặt. Anh chàng không thể nghĩ cô lại xinh đẹp ngoài sự hình dung.

Khi đó Trần Hoàn là đảng ủy viên của Sở, được phân công phụ trách công tác dân vận - một công việc rất quan trọng đối với các cơ quan đóng ở nhà dân. Mẹ của Thanh Hồng tên là Thiệng - đảng ủy viên của xã cũng phụ trách công tác này ở địa phương. Trần Hoàn cần phối hợp với bà để bàn công tác, trong đó có việc tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ và nói chuyện tình hình thời sự để tăng thêm mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ của Sở với dân. Buổi gặp gỡ sau đó diễn ra.

Cô Hồng đi theo mẹ đến gặp chủ nhà có việc gì đó. Gặp được bà Thiệng nhưng Trần Hoàn đã nhanh chóng phát hiện cô con gái của bà đi rất nhanh vào dãy nhà ngang. Và chàng vô cùng sửng sốt trước vẻ đẹp tự nhiên, không một chút tô vẽ mà duyên dáng, hồn hậu, đậm đà của cô huyện ủy viên mới có 20 tuổi.

Vậy là hình ảnh Thanh Hồng đã lọt vào mắt chàng Trần Hoàn 21 tuổi từ giây phút đó. Cuộc làm việc với bà mẹ kết thúc nhanh chóng. Hai mẹ con bà ra về rồi mà Trần Hoàn vẫn cứ ngẩn ngơ nhìn theo họ. Rồi những ngày sau đó, chàng luôn nghĩ về cô gái mình mới nhìn thấy nhưng chưa tiếp xúc. Chàng nhớ lại lời ông cậu của cô hứa sẽ giới thiệu cho mình mà lòng dạ khấp khởi, nao nao. Vậy là một "cú sét ái tình" đã nổ ra, tất nhiên là ở phía Trần Hoàn, chứ Thanh Hồng lúc ấy vẫn chưa để ý gì, vẫn chưa biết trên đời này có một chàng nhạc sỹ trẻ đã mê mình để rồi định mệnh gắn chặt mình với chàng suốt chặng đường đời dài còn lại.

Trần Hoàn nóng lòng muốn tiếp xúc với Thanh Hồng nhưng vẫn chưa nghĩ ra được cách nào thì anh Trung là con ông Lược dẫn đến thăm bà Thiệng. Đúng lúc bà đi vắng, chỉ có Thanh Hồng ở nhà. Đến phút này, cô mới nhìn thấy Trần Hoàn mà trước đó chỉ nghe mẹ mình nhắc đến. Buổi gặp gỡ đó diễn ra nhanh chóng vì vừa có người anh họ, vừa là lần đầu tiên nên hai người rất ngần ngại, không biết nói chuyện gì. Nhưng Trần Hoàn thì theo đuổi hình bóng cô Hồng và sau này nói rằng lần ấy ông đã xua đi được ý nghĩ rất sai lầm rằng mình không thể hợp với gái nông thôn.

Sau đó, cứ mỗi dịp cuối tuần, Thanh Hồng từ Hội Phụ nữ huyện về nhà là Trần Hoàn lại cùng một anh bạn nữa đến chơi. Từ đó, cô nảy nở tình yêu với chàng nhạc sỹ lịch thiệp, hào hoa phong nhã, làm công tác dân vận rất giỏi khiến dân làng rất quý mến. Quen biết, chuyện trò nhiều lần như thế, đến mùa xuân năm 1950, Trần Hoàn chính thức "đặt vấn đề".

Gần đây, bà Thanh Hồng - năm nay 88 tuổi - cho tôi xem lá thư đầu tiên  - mẩu giấy thì đúng hơn - Trần Hoàn gửi cho bà lần ấy với mấy dòng ngắn gọn, mộc mạc: "Hồng! Chiều nay Hoàn không rảnh, nhưng muốn nói một điều với Hồng. Nếu có thể, Hồng xuống đây nói chuyện. Không việc gì đâu mà ngại. Chào Hồng". Ngày ấy, giấy rất hiếm nên thấy ở đâu có giấy còn một mặt là cầm về dùng. Thư trên Trần Hoàn viết ở mặt sau mảnh giấy in lời kêu gọi "Toàn dân canh tác" của tỉnh Quảng Trị.

Tối hôm đó - vẫn theo bà Hồng kể - bà đang phân vân, lưỡng lự việc có nên đến gặp Trần Hoàn không thì đã thấy chàng phóng xe đạp đến. Hai người trao đổi với nhau bằng cách viết ra giấy thay lời:

- Hồng có đồng ý làm vợ nhạc sỹ không?

- Không!

- Tại sao?

- Hồng sợ giới nghệ sỹ lắm. Giá như anh không phải là nhạc sỹ.

- Nghệ sỹ không phải ai cũng giống ai. Là nhạc sỹ nhưng Hoàn cũng là một đảng viên cộng sản.

Trần Hoàn còn nói nhiều để thuyết phục Hồng, song cô vẫn chưa đồng ý. Nhưng do sự kiên trì của chàng và thấy tình cảm của mình phát triển, mối quan hệ hai người ngày càng thắm thiết nên Thanh Hồng đã chấp nhận lời cầu hôn. Và thế là mấy tháng sau, đám cưới hai người diễn ra, giản dị, đơn sơ nhưng vui vẻ, long trọng trước sự chứng kiến của hai bên cơ quan, gia đình, họ hàng.

"Lời người ra đi" - một ca khúc nổi tiếng của nhạc sỹ Trần Hoàn.

Vợ chồng Ngâu

Cưới nhau xong, sau mấy ngày nghỉ, do yêu cầu công tác, Trần Hoàn phải chia tay vợ để cùng cơ quan chuyển ra vùng Xích Thổ (Ninh Bình). Từ đó, mỗi năm hai người chỉ gặp nhau được một lần vào dịp Trần Hoàn nghỉ phép. Ông phải vượt qua chặng đường quá xa xôi, đường đi lại khó khăn, chỉ có thể đạp xe vượt qua mấy trăm cây số. Cơ quan Thanh Hồng cũng phải thường xuyên di chuyển địa điểm nên do phải giữ bí mật mà Trần Hoàn tìm kiếm vợ không dễ mỗi lần về thăm.

Có lần ông phải mất rất nhiều thời gian, đến khi gặp được thì gần hết hạn được nghỉ. Lại có lần vì lý do nào đó mà Thanh Hồng không được nghỉ nên tuy vượt qua chặng đường gập ghềnh hơn 400 cây số nhưng rốt cuộc, hai vợ chồng chỉ ở bên nhau chút thời gian ngắn ngủi.

Hai vợ chồng Trần Hoàn ở tuổi 23 và 22, lại mới cưới nhau nên sự xa cách liên miên là một thử thách rất lớn, đòi hỏi nghị lực và là thước đo tình yêu. Mỗi lần gặp gỡ rất ngắn ngủi, Trần Hoàn luôn động viên, an ủi vợ. Thanh Hồng thì không tránh được những lúc giận chồng do tính toán về thăm vợ không khớp với khi bà được nghỉ. Nhưng tình thương và lòng ngưỡng mộ chồng đã khiến bà vượt qua được sự xa cách là một hy sinh lớn đối với mọi người vợ, nhất lại còn trẻ.

Chính trong thời kỳ này - sống trong xa cách, mỗi lần gặp được nhau lại vội vã, phút chia tay vô cùng bịn rịn, Trần Hoàn đã viết nên ca khúc "Lời người ra đi" nổi tiếng với những câu mở đầu chính là thực trạng của hai người khi ấy: "Một chiều anh bước đi/ Em tiễn đưa ra tận cuối đồi/ Nghe dặn lời? Rằng kháng chiến còn trường kỳ và còn gian khổ…".

Khi sáng tác, tác giả đặt tên bài là "Rằng kháng chiến còn trường kỳ và gian khổ". Về sau, bài hát lan truyền vào vùng tạm chiếm ở miền Nam. Không hiểu ai đã đổi thành "Lời người ra đi". Trần Hoàn thấy như vậy cũng gọn nên đã chấp nhận và cái tên ấy nổi tiếng đến hôm nay. Do những lần Thanh Hồng đưa tiễn chồng quá bịn rịn nên về sau, Trần Hoàn đã "rút kinh nghiệm", không muốn vợ bi lụy, buồn phiền, ảnh hưởng đến công tác mà ông đã không kéo dài những giây phút tiễn đưa, đã nhảy pê-đan đạp xe đi rất mau lẹ, cũng không ngoái lại nhìn vợ. Hồng hiểu được tâm trạng của chồng giây phút ấy.

Suốt từ những năm tháng đó cho mãi tới sau ngày giải phóng miền Nam (30-4-1975), trừ khoảng thời gian không dài Trần Hoàn làm Trưởng Ty Văn hóa Hải Phòng sau năm 1954, vợ chồng Trần Hoàn hầu như luôn sống trong xa cách, chẳng khác gì vợ chồng Ngâu. Chỉ từ năm 1976, khi ông được ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, ông bà mới thực sự sum họp. Lúc này họ đã ở tuổi gần 50.

Năm 2003, nhạc sĩ Trần Hoàn qua đời ở tuổi 75 khi ông vẫn còn rất phong độ với khả năng sáng tác còn sung mãn. Bà bị cú sốc quá lớn, vẫn còn dai dẳng đến tận hôm nay dù 14 năm đã trôi qua. Vừa mới đây, lại thêm cái chết đột ngột của người con trai khiến bà càng buồn phiền. Nhưng công việc an ủi bà là sắp xếp lại toàn bộ trước tác đồ sộ của chồng thành những thư mục ngăn nắp. Bà luôn tự hào về người chồng chẳng những tài giỏi, có uy tín lớn mà còn rất thủy chung trong suốt hơn 50 năm gắn bó, gần như luôn khiến bà tột cùng yêu thương, cảm phục.

Nguyễn Đình San
.
.